Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Nhân Văn Giai Phẩm phần VI : Trí thức và dân chủ tại Việt Nam trong thế kỷ XX, một truyền thống đấu tranh từ Phan Châu Trinh, Hoàng Đạo đến Nhân Văn Giai Phẩm. (Bài 1)

 Thụy Khuê



Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới : Phan Châu Trinh - Hoàng Đạo - Phan Khôi - Nguyễn Mạnh Tường(Ảnh : DR)
Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới : Phan Châu Trinh - Hoàng Đạo - Phan Khôi - Nguyễn Mạnh Tường
(Ảnh : DR)
Bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi là văn bản "hỏi tội triều đình" trực tiếp và gay gắt nhất, mà cho đến nay chưa một trí thức nào dám làm. Văn bản này sẽ mãi mãi trụ lại như một bài văn tiêu biểu cho sự can trường của một nhà trí thức hiện đại trong thế kỷ XX, trước sự độc tài của một thể chế, không khác gì các sớ dâng vua trảm tấu bọn gian thần thời phong kiến

Những bài viết chủ yếu trong Nhân Văn Giai Phẩm gồm hai loại:
Loạt bài chính luận trực tiếp định hướng tư tưởng của các nhà trí thức và loạt bài sáng tác dấn thân nói lên khát vọng tự do của các văn nghệ sĩ. Hai thể loại này đan cài và bổ sung cho nhau, tạo nên làn sóng đấu tranh toàn diện cho tự do dân chủ và tự do tư tưởng.
Trí thức trong vị trí dẫn đường, được xếp vào loại A. Văn nghệ sĩ, ít "nguy hiểm" hơn, loại B (nhật ký Trần Dần ghi, trang 245).
Vì trí thức và dân chủ là hai trục chính: trí thức dẫn đường và dân chủ là mục đích đấu tranh, cho nên trước khi phân tích nội dung tranh đấu của phong trào NVGP, chúng ta cần phải tìm hiểu hai khái niệm chủ chốt: Thế nào là trí thức ? Thế nào là dân chủ ? Hai khái niệm này giữa địa vị như thế nào ở Việt Nam trước và trong thời kỳ NVGP ?
Trong điều kiện tư liệu hiện nay, Nguyễn Mạnh Tường là nhà trí thức duy nhất đã để lại những trang viết mà ngày nay chúng ta có thể dựa vào như một tư liệu chính trị, xã hội, phản ảnh vai trò của người trí thức trong giai đoạn đấu tranh cho tự do dân chủ những năm 50 ở miền Bắc.
Phan Châu Trinh và dân trị chủ nghiã
Khái niệm tự do dân chủ phát xuất từ Tây phương, nhưng trái với một số lập luận cho tới ngày nay, vẫn còn cho rằng tự do dân chủ không phù hợp với tinh thần phương Đông nói chung và không thể áp đặt cho Việt Nam nói riêng.
Sự thực khác hẳn, tự do dân chủ không xa lạ gì với người Việt, bởi:"Khái niệm tự do dân chủ đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX" (Hoàng Đạo).
Phan Châu Trinh(Ảnh : DR)
Phan Châu Trinh
(Ảnh : DR)
Phan Châu Trinh là người đầu tiên chủ trương chống Pháp bất bạo động, nâng cao dân trí và xây dựng một thể chếdân chủ pháp trị.
 Từ Pháp trở về Việt Nam năm 1925, cuối năm 1925, Phan Châu Trinh đọc hai bài diễn văn tại Hội Thanh niên Sài Gòn: Quân trị chủ nghiã và dân trị chủ nghiã và Đạo đức và luân lý Đông Tây.Bài Quân trị chủ nghiã và dân trị chủ nghiã, là luận văn cơ bản giải thích thế nào là quân chủ và thế nào là dân chủ, chia làm ba phần.
Phần đầu, Phan Châu Trinh xét bốn nước Á Đông Tàu, Nhật, Cao Ly [Triều Tiên] và Việt Nam, có cùng một nền văn hoá gốc, ông viết:
 "Lạ là trong cái xứ Á Đông này có bốn nước đồng văn, mà đồng sùng cái quân chủ chánh thể, mà đồng tự xưng là sùng thượng nho giáo, vậy mà làm sao từ hồi cái văn minh bên Âu Châu tràn sang cõi Á Đông đến nay, thì chỉ có người Nhật Bản bỏ ngay cái học cũ mà làm theo lối mới (...) thì sự giàu mạnh ngó thấy liền trước mắt, chừng trong bốn mươi năm thì đã sánh vai với liệt cường (...)
Còn chỉ chừa có ba nước là Tàu, nước Cao-ly và An-nam ta, dân thì nghèo, nước thì yếu, cái phần người dốt nát trong nước thì chiếm 80 phần trong một trăm. Còn gọi là người thượng lưu, trung lưu, chẳng qua là bọn bát cổ [khoa bảng] đã chiếm hai phần ba, thiệt chẳng biết cái nho học là gì, mà cũng nhắm mắt lại chê càn cái văn minh mới là mọi rợ!
Nhưng mà nay cái phong trào [dân chủ] trong thế giới nó mãnh liệt lắm: ai thuận theo nó mà đi thì thuận buồm xuôi gió, ai không thuận theo nó thì cũng bị xô đẩy mà đổ lướt đi như rác cỏ" (Pháp-Việt liên hiệp hậu tri tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hiệp) trích tuyển tập Phan Châu Trinh do Nguyễn Văn Dương biên soạn (nxb Đà Nẵng 1995, trang 793-794).
Phan Châu Trinh đã thấy rõ hiệu quả dân chủ của nước Nhật.
Trong phần thứ nhì, ông nhìn lại chủ nghiã quân trị (chế độ quân chủ) từ thời tiên Tần đến thế kỷ XX: Quân trị tàn ác đốt sách đời Tần, quân chủ chuyên chế khôn khéo ở Á đông, và ông định nghiã: quân trị là nhân trị(cai trị bởi một người), là một nước có luật pháp nhưng do một ông vua làm nên, dân chẳng biết gì.
Và trong phần thứ ba, Phan Châu Trinh bàn đến chủ nghiã dân trị (chế độ dân chủ): Theo ông, điều đáng lo ngại nhất ở nước ta là dân trí kém, ở các nước khác trên thế giới, chỉ cần có một ít ảnh hưởng văn minh Âu Châu là người ta hiểu ngay được thế nào là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, vấn đề dân chủ, dân trị.
Đối với người Việt Nam đầu thế kỷ XX, vì trình độ dân trí còn kém, Phan Châu Trinh cắt nghiã ngắn gọn cho mọi người hiểu: dân trị là cứ bảy năm người dân bàu lại ông Giám quốc (Tổng thống) một lần, còn quân chủ, vua là cha truyền con nối. Dân trị có nghị viện do dân bàu lên, giữ quyền lập pháp. Quyền hành pháp giao cho quan toà, thuộc ngành tư pháp, ở trong chính quyền nhưng có vị trí độc lập. Phan Chu Trinh kết luận: "Nói tóm lại, dân trị tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà nước hay là người thường, đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do muốn bước tới bao nhiêu cũng được, không ai ngăn trở cả. Chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền hạn của người khác thì không được mà thôi".
Như vậy ngay từ 1925, Phan Châu Trinh đã cắt nghiã rõ ràng và ngắn gọn, những điều căn bản A, B, C, về vấn đề dân chủ. Và ông mắng thẳng "bọn bát cổ [khoa bảng], thiệt chẳng biết cái nho học là gì, mà cũng nhắm mắt lại chê càn cái văn minh mới là mọi rợ!"
Đáng buồn là gần một thế kỷ đã trôi qua, ngày nay vẫn còn có những "trí thức bát cổ" nói: "dân chủ là ý niệm của Tây phương", "tự do là muốn làm gì thì làm", "các đảng đối lập là phản động", may mà cụ Phan mất đã hơn 90 năm, nếu cụ còn sống, không biết cụ sẽ nói sao với những "giáo sư", những "trí thức" này!
Con đường giáo dục dân chủ quần chúng được Phan Châu Trinh đề ra từ năm 1925, hơn mười năm sau, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, tiếp tục kêu gọi việc giáo dục quyền công dânquyền làm người, và ông đứng trên bình diện một nhà luật học, sử dụng quyền tự do dân chủ, để tranh đấu bằng ngòi bút với người Pháp.
Hoàng Đạo và dân chủ
Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và cũng là một trong những người lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, là nhà văn đầu tiên đã xử dụng quyền tự do dân chủ một cách có hệ thống để chống lại chế độ thuộc địa Pháp.
Hoàng Đạo là người đứng ở hàng sau, vị trí thứ ba tính từ trái sang phải. (Nguồn : damau.org)
Hoàng Đạo là người đứng ở hàng sau, vị trí thứ ba tính từ trái sang phải.
(Nguồn : damau.org)
Một trong những ngòi bút chính của Tự Lực Văn Đoàn, xuất thân luật gia, ông đỗ vào trường Luật Đông Dương, Hà Nội, năm 1924 và tốt nghiệp năm 1927. Ngay từ 1933, trên Phong Hoá, dưới bút hiệu Tứ Ly, ông đã viết những bài châm biếm đả kích toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Trên báo Ngày Nay, từ 1937 đến 1939, Hoàng Đạo hoàn tất những hồ sơ lớn về Vấn đề thuộc địa, Vấn đề cần lao, Công dân giáo dục, nội dung phê phán chính quyền thuộc địa, chỉ trích sự vi phạm nhân quyền trong chính sách đánh chiếm thuộc địa của người da trắng, chỉ trích sự vi phạm luật lao động trong chính sách mộ phu và cổ động việc giáo dục công dân về dân quyền và nhân quyền. Tất cả loạt bài này căn bản đều dựa trên tự do dân chủ, quyền làm người, luật lao động, quyền công dân, thoát thai từ tinh thần cách mạng 1789 của Pháp.
Trước thực tại Việt Nam đầu thế kỷ XX, một nước bị mất chủ quyền, một dân tộc bị Pháp đô hộ, vậy vấn đề đầu tiên cần nói với người Pháp là gì? Hoàng Đạo trả lời: Là vấn đề thuộc địa.
Sau khi nhắc lại lời Montesquieu: “lập ra thuộc địa, cốt là để có nơi buôn bán có lợi hơn là buôn bán với các nước láng giềng”, Hoàng Đạo đánh thẳng vào sự phân biệt kỳ thị giữa mẫu quốc và người bị trị: "Những dân bản xứ, vì khác loài, khác giống, da đỏ, da đen, mũi tẹt, môi dầy, đều bị coi là một hạng nửa người nửa thú, không đáng đứng ngang hàng với dân mẫu quốc về hết thẩy phương diện". Rồi ông nhấn mạnh: "Họ chịu làm thuộc địa chỉ là một sự bất đắc dĩ, sau một cuộc tàn sát khốc hại. Họ phải lùi, bó tay hàng trước sức mạnh.” (Vấn đề thuộc địa, Thuộc địa Ký-ước, Ngày Nay số 74, 29/8/1937).
Với những người Pháp yêu chuộng tự do dân chủ, Hoàng Đạo gửi tới họ những khát vọng của dân Việt:“Người Nam chỉ ao ước một điều: là được những sự tự do của nền dân chủ và được dần dà coi ngó, đảm đang lấy việc công trong nước của họ. Ngày nào dân Annam có quyền, trong sự tự do, tự kén chọn lấy những người cầm quyền cai trị họ, ngày ấy nguyện vọng của người Nam đã đạt được nhiều rồi vậy” (Vấn đề thuộc địa, Thuộc địa Pháp-Chính sách, Ngày Nay số 80, 10/10/1937).
Kết tội chính sách thuộc địa dã man của Anh, Tây Ban Nha, Hoàng Đạo nhắc người Pháp rằng chính sách thuộc địa của họ là bất hợp pháp và nếu họ không thay đổi chính sách cai trị thì người Việt sẽ nổi lên chống lại.
Loạt bài Vấn đề thuộc địa, tổng hợp những lý luận chặt chẽ, kiến thức uyên bác, tầm nhìn rộng về thế giới bên ngoài, về lịch sử chinh phục thuộc địa, về sự tiến hoá của luật pháp.
Trong bức thư ngỏ gửi cựu toàn quyền Varenne, về chỉ dụ báo chí 4/10/1927, Hoàng Đạo viết:
"Tôi không cần phải nhắc lại rằng đạo chỉ dụ ấy đã bắt các báo chí ở đây[tức ở là Trung và Bắc, Nam kỳ được hưởng quyền tự do báo chí như ở các nước thuộc địa cũ] phải xin phép mới được xuất bản và phép cho xuất bản chính phủ muốn thu về lúc nào cũng được. Tôi không cần phải nói đến tệ hại của chế độ ấy, tôi đã nói nhiều rồi (...)
Muốn rửa sạch cái tiếng không hay đã đem tên ông đặt vào cái chỉ dụ 1927, ông chỉ còn có một phương pháp, là đem hết tài lực của ông mà xin hủy bỏ cái chế độ không hợp với trình độ của dân tộc Việt Nam ấy đi, để chúng tôi được hưởng một chút tự do, một chút quyền lợi về chính trị mà ông bảo phải đi đôi với công việc giáo hoá" (Thư ngỏ cho ông cựu toàn quyền Varenne, Ngày Nay, số 130, 1/10/38).
Hoàng Đạo không chỉ đòi tự do dân chủ cho người Việt, mà ông đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho toàn bộ những dân tộc bị trị trên thế giới. Khi đối đầu với người Pháp, Hoàng Đạo, luôn giữ thái độ bình đẳng củangười đòi hỏi người, của một dân tộc đòi hỏi một dân tộc khác: Ông khẩn thiết yêu cầu nước Pháp, một nước tự nhận là quê hương, là nguồn cội của Nhân quyền, hãy áp dụng cái Nhân quyền ấy ở Việt Nam.
Về vấn đề cần lao, phản đối tình trạng người lao động bị bóc lột ở Việt Nam nói riêng và người bóc lột người ở thời đại kỹ nghệ phát triển nói chung, Hoàng Đạo viết: "Người ta đem phủ một lượt tro lên sự đốn mạt người bóc lột người. Người ta đem những danh hiệu mới, như tờ cam đoan, tờ giao kèo, lao công cưỡng bách, để che đậy sự thực” (Vấn đề cần lao, Nô lệ trá hình, Ngày nay, số 133, 22/10/38).
Ông phân tích và đứng trên bình diện luật pháp để phê phán những bất cập, phạm pháp trong các chế độ: Lao công cưỡng bách (mộ phu đi rừng cao-su)luật xã hội, luật lao động, vấn đề thanh tra và nghiệp đoàn...
Loạt bài Công dân giáo dục (viết năm 1939), nhắm vào sự giáo dục dân chủ, Hoàng Đạo giải thích cho người Việt hiểu quyền lợi và trách nhiệm của người công dân trong một nước dân chủ, khác với bổn phận một thần dân dưới thời phong kiến: Muốn được tự do, muốn có dân chủ, thì người dân trước hết phải tự ý thức được cái giá phải trả cho tự do, dân chủ, tức là phải ý thức được sự trưởng thành, độc lập của mình, phải hiểuquyền công dân và trách nhiệm của người công dân. Hoàng Đạo viết:“Ý tưởng công dân là một ý tưởng mới. Cùng với những ý tưởng khác, có sức mạnh vô cùng, ý tưởng tự do bình đẳng, nhân đạo, công lý, ý tưởng công dân vì một tình cờ trong lịch sử đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ trước” (Công dân giáo dục, Ngày Nay số 160, 6/5/39).
Trong loạt bài này, Hoàng Đạo giải thích rõ ràng các khái niệm mấu chốt:Hiến pháp, Nhân quyền, Tự do, Ý nghiã cuộc cách mệnh PhápTự do cá nhân, Tự do tư tưởng, Tự do ngôn luận, Tự do hội họpTự do lập hội, Tự do chính trị.
Như vậy, khái niệm tự do dân chủ đã truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, với đoàn quân viễn chinh Pháp, và được mở rộng, dưới thời Pháp thuộc, qua ngả học đường, tạo thành một lớp trí thức tân học, đấu tranh cho dân chủ bằng ngòi bút, một lớp văn nghệ sĩ mới, xây dựng nên nền văn học quốc ngữ.
Tình hình Việt Nam khác với tình hình Trung Hoa: Người Hoa không bị Tây Phương đô hộ, họ không tiếp nhận tinh thần tự do dân chủ ở học đường như người Việt. Cho nên không thể máy móc chép lại lập luận của người Tàu "Dân chủ là một khái niệm của Tây phương không phù hợp với tinh thần Đông phương" để áp dụng cho người Việt. Lập luận đó, vừa hạ thấp trình độ của người dân Việt và trí thức Việt trước các dân tộc khác, lại vừa sai lầm, không đúng với thực tế vì nếu chúng ta nhìn lại quá trình đấu tranh cho tự do dân chủ của người trí thức Việt Nam qua lý luận pháp luật, từ Hoàng Đạo, thời Pháp thuộc, Nguyễn Mạnh Tường thời NVGP, đến các luật gia trẻ thời nay như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định... Việc đấu tranh do dân chủ ở Việt Nam là một truyền thống có từ đầu thế kỷ XX, từ Phan Châu Trinh đến ngày nay, qua những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Nguyễn Mạnh Tường
Sau Hoàng Đạo, Nguyễn Mạnh Tường là người dùng lý lẽ luật pháp để phê bình những sai lầm về mọi mặt trong chính sách cai trị thiếu dân chủ của đảng Lao Động, đặc biệt trong bài tham luận "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" đọc trước Mặt trận tổ quốc ngày 30/10/1956 trong thời kỳ NVGP.
Hai giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (T) và Hoàng Xuân Hãn (P) tại Paris năm 1989(Ảnh : DR)
Hai giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (T) và Hoàng Xuân Hãn (P) tại Paris năm 1989
(Ảnh : DR)
Sau này, Nguyễn Mạnh Tường để lại hai tác phẩm quan trọng, viết bằng tiếng Pháp, cuốn Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ), viết về ba "đấu trường" mà ông phải trải qua sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, và cuốn tiểu thuyết Une voix dans la nuit, roman sur le Viet nam 1950-1990-1993(Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết về Việt Nam những năm 1950-1990-1993), tóm tắt lịch sử cận đại, xuyên qua ba chặng khốc liệt nhất: Cải cách ruộng đất ở thôn quê,Cải cách bất động sản ở Hà Nội, vàChính sách đối với trí thức. Nội dung những tác phẩm này sẽ được đề cập đến sau, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu đoạn ông viết về khái niệm tự do dân chủ trong lòng trí thức Việt Nam thế kỷ XX trong chương Le problème des intellectuels (Vấn đề người trí thức):
Trước hết, Nguyễn Mạnh Tường định nghiã thế nào là trí thức?
Dùng lời một cán bộ cao cấp, thân cận với giới trí thức, báo cáo lên Tổng Bí Thư, (có thể hiểu như lời Trường Chinh nói với Hồ Chí Minh), Nguyễn Mạnh Tường viết:
"Tôi muốn nói những nhà trí thức đích thực, đối cực của thứ trí thực giả hiệu ngực phồng những phẩm hàm, những bằng cấp thật giả không sao biết được. (...)
 Ở những nhà trí thức đích thực, nhân cách đi đôi với văn hoá. Văn hóa ở đây không có nghiã là kiến thức. Có những người đầy kiến thức, là chuyên viên hàng đầu trong địa hạt hoạt động của mình, nhưng họ vẫn vô văn hoá, bởi lối nhìn về con người, về vạn vật của họ ấu trĩ vô cùng. Sự nhận thức thực tế xã hội và con người của họ ngây ngô lạ lùng!
Họ thiếu cái gì? Thiếu sự phán đoán được rèn luyện qua sách vở, thiếu sự giao tiếp với con người, thiếu tiếp cận những vấn đề của cuộc sống, thiếu trao đổi tư tưởng với người khác, thiếu sự suy nghĩ sâu xa và đúng đắn về những thành công và thất bại mà kinh nghiệm sống đem lại". (trích dịch Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit, roman sur le Viet nam 1950-1990-1993Tiếng vọng trong đêm, tiểu thuyết về Việt Nam những năm 1950-1990-1993), bản đánh máy, chưa in).
Đó là một định nghiã trí thức của Nguyễn Mạnh Tường qua lời một cán bộ cao cấp cộng sản. Và đây là vị trí của người trí thức đích thực trong xã hội Việt nam từ xưa đến nay:
"Nhờ nhân cách và văn hoá mà người trí thức, trung quân trong thời phong kiến, có uy tín đối với quần chúng và được vương quyền nể trọng. Sau khi thi đỗ, ra làm quan cai trị dân là họ hoàn tất nhiệm vụ của mình.
 Trong thời Pháp thuộc, giai cấp quan lại bị mất uy tín vì sa vào vòng thối nát hối lộ, mất đi cái hào quang xưa, trở thành cái bia cho báo chí và quần chúng chế giễu, phỉ báng.
Nhưng lớp trí thức mới được đào tạo từ những trường hay đại học Pháp, lại được hưởng niềm tin và kính trọng của quần chúng mà lớp trí thức xưa để lại. Thêm một sự kiện mới nữa: Những nhà trí thức tân học đích thực này đã tiếp nhận tinh thần dân chủ Pháp thoát thai từ cách mạng 1789. Họ không xa lạ gì với vấn đề nhân quyền.
 Thưa đồng chí Tổng bí thư, cái nguy hiểm là ở chỗ đó: Con trùng dân chủ và nhân quyền đã thấm vào máu, nhất là tầng lớp quan lại xuất thân từ đại học Luật mới mở những năm gần đây. Dĩ nhiên có người vẫn còn chịu ảnh hưởng truyền thống cũ, có người là nạn nhân những di tật người trước để lại, nhưng trong đáy lòng họ, vẫn le lói ngọn lửa dân chủ". (Trích dịch Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm)
Mượn lời một cán bộ cao cấp báo cáo tính hình trí thức lên vị Tổng bí thư về mối hiểm nguy của tinh thần dân chủ trong người trí thức tân họctinh thần đó đã đi vào máu, đã ở trong tim họ, để vị tổng bí thư tìm cách đối phó, Nguyễn Mạnh Tường muốn phản ảnh hai thực tại:
- Trí thức thầm nhuần dân chủ là một lực lượng đáng ngại đối với chế độ cộng sản.
- Những người lãnh đạo cộng sản hiểu rõ vấn đề trí thức và dân chủ hơn ai hết. Họ phân biệt hai loại: trí thức thật và trí thức giả. Trí thức giả là bọn bồi bút, để chính quyền sai bảo, và trí thức thật, có uy tín với quần chúng, mới là những người mà Đảng cần phải thanh trừng, bởi đó là mối hiểm nguy: họ mang trong người tinh thần dân chủ, họ chống lại chính sách độc tài đảng trị và họ chuyên chở ý thức tự do cá nhân, chống lại chủ nghiã tập thểđó là những điểm mà những nhà lãnh đạo cộng sản không thể chấp nhận được.
Nhờ sự giải thích của Nguyễn Mạnh Tường trong tiểu thuyết Tiếng vọng trong đêm, mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn phương pháp và mục đích đấu tranh của phong trào NVGP, hiểu được mức hậu thuẫn sâu xa của quần chúng đối với phong trào và hiểu sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với trí thức văn nghệ sĩ tham gia NVGP.
Dập tắt được phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tức là dẹp tan tinh thần tự do dân chủ và nghiền nát tầng lớp trí thức đích thựcchỉ để lại những "trí thức" lo "sống sót đến ngày nay là vì biết sợ" như lời Nguyễn Tuân. Tinh thần dân chủ đã bị "đánh tận gốc, trốc tận rễ" từ năm 1958, cùng với sự trù dập những thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và ngày nay không dễ gì xây dựng lại được.
Sự đấu tranh cho tự do dân chủ trên Nhân Văn và Giai Phẩm
Nguyễn Hữu Đang đặt trọng tâm chính trên vấn đề tự do dân chủ trên báo Nhân Văn. Trong ba số đầu, ông thực hiện cuộc phỏng vấn ba nhà trí thức danh tiếng, không thuộc nhóm Nhân Văn: Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh và Đặng Văn Ngữ về vấn đề mở rộng tự do dân chủ.
Bià tập Giai Phẩm Mùa Thu tập I có đăng bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" của Phan Khôi
Bià tập Giai Phẩm Mùa Thu tập I có đăng bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" của Phan Khôi
Nhìn lại nội dung hai số báo Nhân Vănvà Giai Phẩm đầu tiên, chúng ta có thể thấy một sự phân chia nội dung rất hợp lý: Bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, của Phan Khôi đi tiên phong trên Giai Phẩm mùa thu tập I, như ngọn đuốc dẫn đường.
Trên Giai phẩm mùa thu tập 1 (30/8/56) còn có truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếpcủa Trần Duy, một trong những truyện ngắn hay nhất thời NVGP, nói lên sự bất lực của chính sách tẩy não: không ai có thể tịch thu quá khứ con người.Bức thư gửi một người bạn cũ của Trần Lê Văn mô tả một chân dung bồi bút. Bài thơ Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính thuật lại sự thức tỉnh của một nghệ sĩ sau 9 năm theo cách mạng.
Trên Nhân Văn số 1 (30/9/56), bài Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt là một bài xã luận bằng thơ đả phá chế độ công an trị. Bài Con người Trần Dần của Hoàng Cầm kể lại bi kịch của một nhà thơ trẻ, chỉ in có một bài thơ trên báo với nội dung yêu nước, mà bị bắt đi trong một bối cảnh tăm tối, không biết bị giam giữ ở đâu, có thể bị thủ tiêu, đó là một bản cáo trạng thống thiết về tình trạng bắt bớ giam người trái phép, vô luật pháp. Tranh Nguyễn Sáng khắc lại hậu quả của sự khủng bố trên con người Trần Dần.
30/9/1956, cùng ngày phát hành Nhân Văn số 1, Giai phẩm mùa thutập II xuất hiện với những bài: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ của Trương Tửu, Ông Bình Vôi của Phan Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Thơ cái chổi - Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán,Cũng những thằng nịnh hót của Hữu Loan, Em bé lên sáu tuổi của Hoàng Cầm, Cuốn sổ tay của Lê Đại Thanh,... Đây là số báo mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ về mặt chống đối chế độ.
Trần Đức Thảo, trên Nhân Văn số 3 (15/10/1956) trong bài Nỗ lực phát triển dân chủ, nhấn mạnh đến sự tự do của người trí thức: "Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân".
Học giả Đào Duy Anh, trong bài Muốn phát triển học thuật, trên Giai phẩm mùa thu tập III (30/10/56), nêu lên hai căn bệnh nặng nhất trong học thuật là bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân: "... người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc gò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy."
"Bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại dẫn thẳng đến cái tệ tư tưởng độc tôn: hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta".
"Tư tưởng không tự do thì không thể tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận- các nhà lãnh đạo vẫn thường nói nên mở rộng tranh luận nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi."
"Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật".
Trên Nhân Văn số 4 (5/11/1956), Nguyễn Hữu Đang viết bài Cần phải chính quy hơn nữa, đặt vần đề xây dựng một nhà nước pháp trị. Phùng Cung trong Con ngựa già của chúa Trịnh dùng hình ảnh con ngựa già để chỉ những văn nghệ sĩ phục vụ đảng cũng giống như con ngựa của nhà Chúa, quen thói tôi đòi, vinh thân phì gia, mất hết mọi khả năng sáng tạo. Văn Cao trong Những ngày báo hiệu mùa xuân, lại một lần nữa chỉ bọn nịnh thần mà mắng.
20/11/1956 Nhân Văn số 5, trong bài Hiến pháp Việt nam 1946 và Hiến pháp Trung hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? Nguyễn Hữu Đang nhắc lại điều 10 (của Hiến pháp 1946): Công dân Việt nam có quyền: Tự do ngôn luận. Tự do xuất bản. Tự do tổ chức hội họp. Tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước và điều 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt nam. Nhà ở và thư từ của công dân Việt nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật. Trong Bài học Ba-lan và Hun-ga-ri ký tên Người Quan Sát, Lê Đạt cảnh báo: Nếu muốn tránh một biến cố như biến động Ba Lan thì Đảng phải: "cương quyết và mạnh bạo sửa chữa những sai lầm kịp thời và đúng mức, cụ thể là nâng cao đời sống của nhân dân, mở rộng tự do dân chủ".
Ngày 30/10/56, luật sư Nguyễn Mạnh Tường nổ quả "bom" ngoài luồng Nhân Văn, với bài Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo, đọc trước Mặt Trận tổ quốc.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu những bài quan trọng nhất trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.
Phan Khôi phê bình lãnh đạo văn nghệ
Ảnh chụp Phan Khôi tại cuộc Hội thảo về Lõ Tấn năm 1956(Ảnh : DR)
Ảnh chụp Phan Khôi tại cuộc Hội thảo về Lõ Tấn năm 1956
(Ảnh : DR)
Lê Đạt tuyên bố: "Mặc dầu Phan Khôi không lãnh đạo trực tiếp tờ Nhân Văn, nhưng trong thâm tâm tôi, bao giờ tôi cũng coi ông là người lãnh đạo tờ Nhân Văn". (Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI). Lời nói của Lê Đạt biểu dương ý kiến chung của những ai đã đọc các bài Phan Khôi viết trong thời kỳ NVGP, đã thấy sự can trường của một người đứng ra lãnh trọng trách chủ nhiệm một tờ báo đòi tự do dân chủ, đối lập với chính quyền cộng sản.
Trong thời kỳ NVGP, Phan Khôi có hai bài viết chính: bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ (Giai Phẩm Mùa Thu tập I29/8/1956và truyện ngắn Ông Bình Vôi (Giai phẩm mùa thu tập II, 30/9/1956).
 Phê bình lãnh đạo văn nghệ, là một trong những tác phẩm chủ chốt của phong trào NVGP, nhắm vào ba vấn đề thời sự văn học đương thời, nhưng vẫn còn là thời sự văn học hôm nay:
- Vấn đề tự do văn nghệ sĩ
- Vụ đàn áp Giai phẩm mùa xuân
- Và vụ giải thưởng văn học 1954-1955.
Với ngòi bút sắc sảo, với tác phong "ngự sử văn đàn", Phan Khôi vạch trần những tác hại của đám quan trường nhất phẩm triều đình: Ông chỉ trích Trường Chinh ăn nói bừa bãi, chất vấn gắt gao Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, những người tổ chức và thi hành việc đánh Trần Dần. Trước Phan Khôi, chưa có nhà văn nào dám mạnh mẽ quyết liệt phê bình lãnh đạo đến thế.
Phan Khôi tách bạch hai giai cấp: Lãnh đạo văn nghệ và Quần chúng văn nghệ và ông triệt để phê phán ba vấn đề thực tiễn:
1- Vấn đề tự do của văn nghệ sĩ: Sau khi đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc lãnh đạo nghiệt ngã bắt bẻ nhà văn phải viết theo đúng đường lối chính sách của Đảng, Phan Khôi hỏi thẳng lãnh đạo: chính trị muốn đạt đến cái mục đích của nó thì cứ việc dùng khẩu hiệu, biểu ngữ, thông tri, chỉ thị, không được hay sao mà phải dùng đến văn nghệ sĩ? Rồi ông buộc tội: "Lãnh đạo đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ."
2- Về vụ Giai phẩm mùa xuân: Chất vấn ban chủ tọa Hội Văn nghệ về việc tổ chức hội họp đánh Trần Dần, Phan Khôi viết: "...Hội Văn nghệ khai hội từ 7 giờ tới đến 1 giờ sáng để phê bình bài thơ Trần Dần, mà kỳ thực là hỏi tội Trần Dần, một mầm non văn nghệ. Hỏi độc tội một Trần Dần thôi là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hóa lũ người trong Giai Phẩm, cái ngón ấy đã thành công".
"Tôi nhớ có một vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ "Người" viết hoa. Lấy lẽ rằng chữ Người viết hoa lâu nay chỉ để xưng Hồ chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ Người không phải để xưng Hồ chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như ở trong chiêm bao, chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài [tôn xưng],thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài chữ không phải thuộc về hoàng thượng. Nhưng may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình đang ngồi trong phòng họp Hội Văn nghệ".
Những lời trên đây, tưởng Phan Khôi nói với đám nhất phẩm, nhưng không phải, đó là những lời nhắn tới bệ rồng. Ông không thèm hỏi tội bày tôi nữa, mà ông đi ngược lên trên, điều tra đến manh mối sau cùng, tới lãnh đạo tối cao, qua những chữ: Người, sân rồng, Hoàng thượng, ngai vàng, để xác định: Sự sùng bài lãnh tụ phải đến từ chính vị lãnh tụ. Nếu lãnh tụ không muốn được tôn sùng, nếu lãnh tụ ưa sự bình đẳng, dân chủ, thì kẻ dưới quyền không thể xu nịnh tâng bốc được.
3- Về giải thưởng văn học năm 54-55: ba tác phẩm Mưa sao của Xuân Diệu, Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng và Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh đều chiếm giải. Phan Khôi phê bình: "Cả ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong ban Chung khảo. Nếu ở trong ban Chung khảo mà thôi còn khá, thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở ban Sơ khảo nữa, sao lại có thể như thế? Trường thi phong kiến xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn sạch tiếng: Một người nào có con em đi thi, thì người ấy có được cắt cử cũng phải "hồi tỵ", không được chấm trường. Bây giờ đến cả chính mình đi thi mà cũng không "hồi tỵ": một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã "liêm chính" cả rồi; một lẽ trắng trợn vì thấy mọi cái "miệng" đã bị "vú lấp"."
Qua việc trao giải thưởng văn nghệ hàng năm, Phan Khôi mỉa mai sự gian dối, ám muội trong các địa hạt khác ở "thời đại Hồ Chí Minh", đã đổi mới rồi, mà sao con người lại "thanh liêm" kiểu ấy, bởi "mọi cái miệng đã bị vú lấp mất rồi".
Về việc Hồ Chí Minh viết "truyện mẫu" cho nhà văn viết theo, Phan Khôi bảo: "Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết".
Về việc Đảng dạy dỗ các nhà thơ nhà văn sáng tác theo chỉ thị, Phan Khôi bảo: "Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu!"
Những lời khẳng khái của Phan Khôi trong thời điểm NVGP đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất phan khôi trước mọi áp lực tư tưởng.
Bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ là văn bản "hỏi tội triều đình" trực tiếp và gay gắt nhất, mà cho đến nay chưa một trí thức nào dám làm. Văn bản này sẽ mãi mãi trụ lại như một bài văn tiêu biểu cho sự can trường của một nhà trí thức hiện đại trong thế kỷ XX, đứng trước sự độc tài của một thể chế, không khác gì các sớ dâng vua trảm tấu bọn gian thần thời phong kiến.
Chính văn bản này đã khiến giới cầm bút nhìn thấy ở Phan Khôi một nhàlãnh đạo văn nghệ đích thực, và những trí thức khác như Trương Tửu, theo gương Phan Khôi dứt khoát bước vào diễn đàn NVGP.
(Xem tiếp bài 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét