phamvuluaha
Chris Ellis và John Fender
Với Mùa xuân Ả Rập, đó là Twitter; với những cuộc bạo động mùa hè ở Luân Đôn, đó là BlackBerry Messenger. Bài viết này khảo sát cách mà công nghệ mới nhất giúp đẩy nhanh những “chuỗi liên hoàn thông tin” qua đó người ta ra quyết định dựa vào quan sát hành động của người khác và không bị trừng phạt.
Một số sự kiện lớn trên thế giới, chẳng hạn như Mùa xuân Ả Rập 2011, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản hơn 20 năm trước ở Đông Âu và Liên Xô, cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, đôi khi xảy ra hoàn toàn bất ngờ với gần như tất cả mọi người. Tìm hiểu những sự kiện như vậy dĩ nhiên là quan trọng, nhưng đôi khi không dễ biết nên bắt đầu từ đâu để phân tích chúng. Tuy nhiên, một số công trình gần đây của các nhà kinh tế học đã tỏ ra đầy hứa hẹn trong việc giải thích những sự kiện đó.
Giải thích sự thay đổi chế độ
Trong những năm gần đây, giới kinh tế học đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc giải thích những thay đổi chế độ và sự dân chủ hóa. Trong một số bài nghiên cứu và trong cuốn sách của họ (Acemoglu và Robinson 2006), Daron Acemoglu và James Robinson đã đưa ra một cách giải thích chung như sau: các chế độ độc tài thực hiện dân chủ hóa do có mối đe dọa xảy ra cách mạng của giới lao động.
Theo phân tích của họ, giới chóp bu cai trị có thể muốn tái phân phối thu nhập cho giới lao động để tránh xảy ra cách mạng. Nhưng chỉ hứa tái phân phối thu nhập có thể không đủ tin cậy vì chế độ đó có thể nuốt lời hứa khi mối đe dọa cách mạng đã lắng xuống. Dân chủ hóa là một cách để giới cai trị làm cho lời hứa tái phân phối trở nên đáng tin.
Lý thuyết này có lẽ giải thích được rất nhiều trường hợp dân chủ hóa, nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa lý giải được.
Vẫn chưa rõ tại sao các cuộc cách mạng thực sự diễn ra trên thực tế, vì lý thuyết tiên đoán rằng nếu giới lao động tạo ra một mối đe dọa làm cách mạng đáng tin, quy trình dân chủ hóa sẽ diễn ra mà không cần có cách mạng.1
Giải thích các cuộc cách mạng: Những chuỗi liên hoàn thông tin
Một câu hỏi khác là giới lao động phối hợp hành động bằng cách nào? Trong một công trình nghiên cứu gần đây (Ellis and Fender 2011) chúng tôi dùng ý tưởng chuỗi liên hoàn thông tin (information cascade) để đưa ra một lý thuyết về thay đổi chế độ chính trị được thực hiện do xảy ra cách mạng hay có mối đe dọa làm cách mạng.
Nói nôm na, chuỗi liên hoàn thông tin là nơi người ta ra quyết định dựa vào quan sát hành động của người khác.2 Theo phân tích trong cuộc nghiên cứu của chúng tôi, giới lao động quyết định có nổi loạn hay không bằng cách quan sát hành vi của những người lao động khác, cũng như bằng cách quan sát bất cứ ‘tín hiệu’ nào mà họ có thể nhận được về tình trạng của chế độ. Vì thế nếu một số người nổi loạn, những người khác sẽ làm theo, nghĩ rằng cuộc nổi loạn của họ có thể là một dấu hiệu cho thấy điểm yếu của chế độ. Nếu có đủ số người nổi loạn, sẽ có một cuộc cách mạng thành công và giới cai trị bị lật đổ.
Giới cai trị có thể dự kiến khả năng giới lao động nổi loạn, và có thể phản ứng bằng nhiều cách khác nhau. Họ có thể muốn tái phân phối thu nhập hoặc có lẽ dân chủ hóa. Điều đặc biệt cần quan tâm là ‘chất lượng thông tin’ – những dòng chảy thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với việc xảy ra các cuộc cách mạng. Điều này nhất quán với hành vi của nhiều chế độ chuyên quyền, vốn thường ngăn chặn việc thu thập và truyền bá thông tin.
Phân tích này cho thấy tại sao các chế độ độc tài có thể không muốn loại trừ hoàn toàn rủi ro xảy ra cách mạng vì điều đó có thể dẫn tới tái phân phối đáng kể. Thay vì thế, giới chóp bu có thể muốn hưởng thụ cuộc sống xa hoa nhiều bổng lộc trong một xã hội rất bất bình đẳng, tính toán rằng cũng đáng chấp nhận cái mà họ cho là rủi ro xảy ra cách mạng rất nhỏ. Tuy nhiên, những xã hội như vậy có thể đặc biệt dễ có nguy cơ xảy ra cách mạng.
Mô hình này có thể giải thích tại sao cách mạng thường là điều ngạc nhiên lớn đối với hầu như tất cả mọi người, cả người tham gia lẫn người quan sát – điều này rõ ràng đúng với những sự kiện đang dần diễn ra của ‘Mùa xuân Ả Rập’, trong đó những chuỗi liên hoàn thông tin có cả ở trong một quốc gia và giữa các quốc gia. Chúng tôi cho rằng những phát triển của các công nghệ thông tin, như Twitter và Facebook, có thể khiến cho những chuỗi liên hoàn thông tin đó trở nên càng mạnh hơn. Một kết quả khác là những cuộc nổi loạn không nhất thiết luôn luôn thành công, và đôi khi những cuộc cách mạng có thể là một sai lầm theo nghĩa là kết quả sẽ xấu hơn cho mọi người sau khi cách mạng xảy ra.
Lý thuyết này được minh họa bằng thảo luận một số ví dụ lịch sử, trong đó có cách mạng Pháp và Nga, những cuộc cách mạng Đông Âu năm 1989, cuộc thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989 và những sự kiện ở Miến Điện (Myanmar) năm 2007. Bài nghiên cứu của chúng tôi được hoàn tất trước khi có các sự kiện Mùa xuân Ả Rập, nhưng rõ ràng vẫn thích hợp để giải thích các sự kiện đó.
Giải thích bạo động
Cách tiếp cận chuỗi liên hoàn thông tin cũng có thể giúp giải thích những cuộc bạo động gần đây ở Vương Quốc Anh – việc truyền thông tin đã giúp những người bạo động có thể phối hợp các hành động của họ và tạo điều kiện dễ dàng cho bạo động lan sang các thành phố khác. Nhưng chúng ta cần bổ sung cho cách tiếp cận chuỗi liên hoàn thông tin với một lý thuyết nào đó giải thích tại sao bạo động có thể diễn ra. Về điểm này, rất có thể dùng một lý thuyết nhiều điểm cân bằng về tội ác mà chúng tôi đưa ra trong một bài nghiên cứu khác (xem Fender 1999).
Ý tưởng đằng sau câu chuyện nhiều điểm cân bằng là như sau. Giả sử có một số người có thể trở thành tội phạm, chẳng hề bị lương tâm cắn rứt về chuyện phạm tội, nhưng ra quyết định duy lý về việc có nên phạm tội hay không bằng cách cân nhắc lợi ích kỳ vọng của việc phạm tội so với những chi phí, mà những chi phí đó phụ thuộc vào xác suất bị trừng phạt cũng như chính sự trừng phạt.
Xác suất bị trừng phạt phụ thuộc vào một số yếu tố, nổi bật nhất là những nguồn lực dành cho chi tiêu vào việc ngăn chặn và trừng phạt tội ác (ví như lực lượng cảnh sát, nhà tù, tòa án, vân vân), nhưng cũng phụ thuộc vào số lượng tội ác xảy ra. Nếu lượng tội ác cao, những nguồn lực mà chính quyền có thể dành cho việc ngăn chặn, điều tra, và trừng phạt những hành động phạm tội cá nhân có thể khá thấp, vì vậy xác suất bị trừng phạt cũng có thể thấp.
Như vậy ta thấy có thể có nhiều điểm cân bằng như thế nào – có điểm cân bằng tội ác mức độ thấp, ở đó các tác nhân tin rằng nếu họ thực sự phạm tội, họ sẽ bị trừng phạt, nghĩa là số lượng tội ác sẽ thấp. Trái lại, nếu những người có thể thành tội phạm tin rằng cơ may bị bắt là thấp, họ sẽ có động lực phạm tội, và việc xảy ra tội phạm ở mức độ cao có nghĩa là xác suất bị trừng phạt là thấp, do vậy biện minh cho quyết định phạm tội.
Giả thuyết đặt ra là có một sự nhảy vọt từ điểm cân bằng tội ác mức độ thấp sang điểm cân bằng tội ác mức độ cao trong một thời gian ngắn hồi tháng Tám, rồi trở ngược điểm cân bằng tội ác mức độ thấp. Làm sao và tại sao diễn ra sự nhảy vọt này? Một cách lý giải là bạo động bắt đầu ở Luân Đôn về chuyện được xem là nỗi bất bình chính đáng; phản ứng của cảnh sát khá yếu ớt và những kẻ bạo động thấy chúng có thể thoát được. Chuyện này được truyền đạt lại những người có thể bạo động, lôi kéo họ tham gia bạo động; khi số lượng tham gia tăng lên, các nguồn lực của cảnh sát lại càng bị sử dụng hết mức và càng làm tăng kỳ vọng cho rằng việc bạo động và hôi của sẽ khó có khả năng bị trừng phạt, thế là cả quy trình này leo thang.
Điều này bị đảo ngược khi cảnh sát trở nên có tổ chức chặt chẽ để tăng xác suất bị trừng phạt đủ để tạo dịch chuyển về điểm cân bằng tội ác mức độ thấp. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, những người có thể thành tội phạm tin rằng họ có thể bạo động và hôi của và thoát được.
Cách giải thích của chúng tôi về những cuộc bạo động gần đây là có sự nhạy vọt tạm thời từ điểm cân bằng tội ác mức độ thấp sang điểm cân bằng tội ác mức độ cao. Có lẽ đã không có sự gia tăng đột ngột về thiên hướng phạm tội nền tảng – tức là không có chuyện đột ngột nảy sinh tình trạng ‘thâm hụt đạo đức’ (moral deficit). Thiên hướng phạm tội với bất kỳ xác suất nhất định nào của việc bị phát hiện và trừng phạt có lẽ đã không gia tăng – thay vì thế, chính sự giảm tạm thời xác suất này đã gây ra sự gia tăng đó.
Cách giải thích của chúng tôi còn có một ý nghĩa khác: những biện pháp nhằm ngăn chặn tái diễn bạo động có thể rất khác với những biện pháp có thể được cân nhắc để giảm mức độ tội ác “nền tảng” tại điểm cân bằng tội ác mức độ thấp, mà có thể vẫn còn khá cao. Những biện pháp như vậy có thể bao gồm cảnh sát phản ứng mạnh với bất cứ sự gia tăng tạm thời về tội ác và giám sát và có thể làm gián đoạn thông tin liên lạc giữa những người có thể bạo động.
Kết luận
Những chuỗi liên hoàn thông tin có thể giúp giải thích rất nhiều loại hành vi kinh tế, xã hội, và chính trị. Chúng tôi chưa nhắc đến vai trò của những chuỗi liên hoàn thông tin như vậy trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng chắc chắn những chuỗi liên hoàn thông tin này ý nghĩa quan trọng đối với nhiều sự kiện của cuộc khủng hoảng, và thường có thể rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Giới kinh tế học (và những giới khác) cần nhận thức được tầm quan trọng của chúng.
Tài liệu tham khảo
Acemoglu, Daron và James Robinson (2006), Economic Origins of Dictatorship and Democracy, Cambridge University Press.
Bikhchandari, Sushil, David Hirshleifer, và Ivo Welch (1992), “A Theory of Fads, Fashion, Custom, and Cultural Change as Informational Cascades”, Journal of Political Economy, 100(5):992-1026.
Ellis, Christopher J và John Fender (2011), “Information Cascades and Revolutionary Regime Transitions”, The Economic Journal, 121(553):763-792.
Fender, John (1999), “A General Equilibrium Model of Crime and Punishment”, Journal of Economic Behavior & Organization, 39(4):437-453.
Lizzeri, Allesandro và Nicola Persico (2004), ‘Why did the Elites Extend the Suffrage? Democracy and the Scope of Government with an Application to Britain’s “Age of Reform”’, Quarterly Journal of Economics, 119(2):705-763.
1 Có những cách giải thích khác về dân chủ hóa, dựa vào sự chia rẽ trong giới chóp bu, nhằm giải thích sự thay đổi chế độ theo những cách khác (ví dụ, Lizzeri và Persico 2004). Những cách giải thích này nên được xem như bổ sung cho những cách giải thích dựa vào mối đe dọa xảy ra cách mạng – sự thay đổi chế độ dĩ nhiên là một hiện tượng vô cùng phức tạp và nhiều lý thuyết khác nhau có thể thích hợp ít nhiều.
2 Bikhchandari và các tác giả khác (1992) là một công trình nghiên cứu xây dựng lý thuyết chuỗi liên hoàn thông tin và ứng dụng nó cho nhiều hiện tượng.
Chris Ellis, Giáo sư kinh tế, Đại học Oregon; và John Fender, Giáo sư kinh tế vĩ mô, Đại học Birmingham
Bản tiếng Anh: Riots and revolutions in the digital age, VOX, 26/10/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài,http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/10/28/riots-and-revolutions/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét