Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Đặt tên tượng đài với vấn đề hòa hợp dân tộc

Hữu Quả 
411 tỉ đồng cho tượng đài MVNAH ở Quảng Nam

 Chủ trương xây dựng tượng đài “MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG” (MVNAH), đã có từ lâu. Có lẽ do nhiều nguyên nhân, đến ngày 27/7/2009, công trình mới chính thức động thổ khởi công. Theo kế hoạch đề ra, công trình thi công trong vòng ba năm, và sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, đến giữa năm 2011, công trình buộc phải tạm dừng từng phần, do UBND tỉnh Quảng Nam tính toán lại quy mô, bổ sung một số hạng mục, nên vốn đội lên; từ 51 tỉ, lên 81 tỉ, và đến nay có tổng dự toán 411 tỉ, mà chưa hẳn đã là con số cuối cùng của sự tăng. Do bất cập vốn, phải giãn tiến độ, là đương nhiên.

Ngay từ khi mới nghe có chủ trương xây dựng một tượng đài về “Người Mẹ”, tôi đã tán thành và rất tâm đắc, với suy nghĩ: Một đất nước có gần 90 triệu dân, có chiều dài lịch sử bốn nghìn năm, đầy biến động thăng - trầm, thịnh - suy, bi - hùng, trong quá trình dựng nước và giữ nước; đã xuất hiện biết bao người con anh hùng hào kiệt, trong này có vị trí và vai trò người phụ nữ, thật đặc biệt; cùng với phẩm chất anh hùng, họ còn có những đức tính cao đẹp, “rất Việt Nam”, cần được cả dân tộc và đất nước tôn vinh xứng đáng. Vì vậy, việc xây dựng một tượng đài về Người Mẹ, có tầm cỡ, để tôn vinh giá trị cao đẹp ấy, là rất cần thiết, phù hợp với tính nhân văn, góp phần làm phong phú thêm vào kho tàng văn hóa nước nhà.

Bên cạnh sự đồng thuận ban đầu với chủ trương này; nhận thức dần dần được bổ sung sâu sắc hơn, kết hợp tình cảm và suy lý; một băn khoăn hình thành trong tôi đã khá lâu, nay mới có dịp nêu lên, mong được bạn đọc và dư luận cùng tham gia biện giải. Băn khoăn đó là, việc đặt tên tượng đài “MVNAH”, xét một số góc độ, nghe không ổn, cần được tranh thủ ý kiến thảo luận rộng rãi; cần được lắng nghe, suy ngẫm và cân nhắc thêm; để mong có sự chỉnh sửa phù hợp, trong thời gian tượng còn đang thi công, sẽ cho phép thuận lợi hơn.

Suy nghĩ băn khoăn đầu tiên tôi muốn nói là, ý tưởng chỉ đạo làm tượng và đặt tên tượng, có tầm nhìn quá hạn hẹp; không bao quát được chiều sâu và độ dài lịch sử phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc.

Tại sao chỉ lấy giới hạn đề cập bối cảnh lịch sử đương đại; biểu hiện rõ trong việc chọn đối tượng tiêu biểu, để làm tượng tôn vinh là 55 ngàn bà mẹ, đã được xét chọn và cấp bằng công nhận “MVNAH”, (trừ mẹ Nguyễn Thị Thứ ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được chọn làm nguyên mẫu tượng). Chỉ giới hạn chặng lịch sử này, theo suy nghĩ của tôi, chủ yếu là lấy đối tượng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (hai đế quốc to), do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo chăng? Nếu tính thời gian của hai cuộc chiến tranh này cộng lại, cũng chỉ trong vòng 30 năm, so với hàng nghìn năm lịch sử phát triển của đất nước đầy khổ đau và ngoan cường này! Chẳng lẽ chỉ những người mẹ trong giai đoạn lịch sử này mới xứng đáng được làm tượng để tôn vinh thôi sao? Như vậy, có vẻ chặng lịch sử đương đại này, e thiếu tính khiêm tốn chăng, so với chiều dài lịch sử dân tộc; mà chắc chắn sự thiếu khiêm tốn này, không phải thuộc các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được suy tôn; bởi các mẹ chỉ quen cuộc đời lam lũ, quen chịu đựng khổ đau và thầm lặng hy sinh, chứ không ham hố hiếu danh, thành tích. Cũng cần phải thấy rõ, chặng lịch sử này sao mà quá lạm dụng và bão hòa về danh hiệu, đến vậy? Cần phải thống nhất và khẳng định rằng, chính lịch sử truyền thống là một sự thừa kế, một sự nối tiếp, mà làm cho đất nước, cho dân tộc này mãi mãi trường tồn; cớ sao chúng ta phải phân khúc lịch sử một cách giả tạo, để tôn vinh? Chính vì tầm nhìn quá hạn hẹp, chưa nói còn nhiều ràng buộc khác nữa, nên tượng được đặt là, tượng “MVNAH”.

Đến đây, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có sự phân định rạch ròi giữa hai loại công việc, hai lĩnh vực, tuy cùng một mục đích là, biết ơn và tôn vinh các “Bà Mẹ”. Việc thứ nhất là, thực hiện các chính sách “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, đối với các mẹ, có nhiều con hy sinh trong hai cuộc chiến tranh; là trách nhiệm, là đạo lý, cần được làm cho tốt, chứ không chỉ để tuyên truyền. Tuy khả năng có hạn, nhưng cho đến nay, chúng ta đã làm được phần cơ bản; nơi nào còn làm chưa gọn, chưa tốt, cần được kịp thời phát hiện, chấn chỉnh. Đối với các mẹ, cần được chăm sóc cả vật chất và tinh thần một cách thiết thực, chứ không chỉ cấp tấm bằng với danh hiệu “MVNAH” là xong. Theo thăm dò dư luận của báo điện tử Vnexpress, trong 28 nghìn bạn đọc trả lời, thì trên 50% có ý kiến đề nghị dùng số tiền xây dựng tượng đài, vào việc chăm lo đời sống cho các “MVNAH”, thiết thực hơn. Tôi chỉ đồng tình với ý kiến số độc giả này ở khía cạnh, cần quan tâm hơn nữa việc chăm lo thiết thực đời sống các mẹ, chứ không vì thế mà bỏ xây dựng tượng đài, việc nào ra việc ấy chứ. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ, vừa qua Bộ Giáo dục đã chăm lo các mẹ, bằng việc miễn giảm điểm thi đại học. Có phải chăng đây là việc làm thiết thực chăm lo cho các mẹ, hay là sự giả dối? Còn việc thứ hai là, xây dựng một tượng đài, sử dụng một loại hình nghệ thuật, để tôn vinh người mẹ Việt Nam xuyên suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, (tất nhiên trong này có cả tôn vinh các “MVNAH”, của chặng lịch sử đương đại này); thì cần phải có tầm nhìn phổ quát, cao hơn, rộng hơn, sâu hơn, phù hợp với tầm vóc trường tồn của đất nước, của dân tộc. Xin nói rõ lại, tôi không có ý định tham gia góp ý kiến cụ thể nào, như về quy hoạch, quy mô đầu tư, hay về nghệ thuật kiến trúc; mà chỉ mong muốn, từ ý tưởng xác định rõ phạm vi đề cập và phạm vi tác động, để đặt lại tên tượng phù hợp hơn, như “Mẹ Việt Nam”, hay “Mẹ Tổ Quốc”, chẳng hạn.

Suy nghĩ về điều băn khoăn thứ hai là, việc đặt tên tượng đài có liên quan, ảnh hưởng gì, đối với vấn đề hòa hợp dân tộc? Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, chẳng lẽ những người ở cơ quan chỉ đạo xây dựng và đặt tên tượng, không cảm nhận được sao?

Sau chiến tranh, cơ sở vật chất hạ tầng, các công trình bị tàn phá nặng nề, lần lượt được khôi phục, xây dựng lại. Nhà cửa, phố phường, đường xá, cầu cống, trụ sở, trường học, cùng với nhà ở dân sinh, đã được kiên cố, khang trang hơn. Hàng triệu gia đình mất mát người thân, đau thương ngút trời, tưởng không thể khỏa lấp, nhưng rồi thời gian cũng dần dần giúp họ xoa dịu nỗi đau, cố gắng nguôi ngoai để tiếp tục sống. Song, điều đau buồn to lớn, đáng lo nhất, dai dẳng kéo dài nhất, do hậu quả chiến tranh để lại; đó là “lòng hận thù”, “sự kỳ thị”, “định kiến”, “mặc cảm”, “phân biệt đối sử”…; là một thực tế tàn nhẫn nặng nề, to lớn, làm cản ngăn sự cảm thông, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, mà theo tôi, cho đến bây giờ, vẫn chưa có “thuốc giải”. Mặc dầu nhà nước có đưa ra một số chủ trương chính sách nào đó; vận động, kêu gọi hòa hợp dân tộc; nhưng nói một đằng, làm một nẻo, e mới chỉ có tác dụng tuyên truyền nhiều hơn; còn rất xa với thực tế cuộc sống! Vết thương này còn nằm sâu trong lòng dân tộc, như một “khối u ác tính”, hàng ngày còn rỉ máu; ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước, và chưa biết bao giờ mới được hòa giải? Một thực tế đau lòng không thể phủ nhận, mặc dầu đất nước đã gần bốn mươi năm thống nhất, nhưng tâm trạng người dân phía bên này hay bên kia còn nhiều dị biệt, phân tâm. Trong khi, có bao nhiêu người đau khổ, mất mát do chiến tranh, nhưng còn chút “tự hào”; thì trái lại cũng có bấy nhiêu người, vừa phải chịu đau khổ mất mát, họ còn đau cả trong sự tủi hờn của sự “mặc cảm”, “kỳ thị”, mà lúc nào và ở đâu cũng gặp; ví như chuyện “thành phần”, chuyện “chủ nghĩa lý lịch”… Con người bị phân biệt đối xử một cách thô bạo tệ hại. Thử hình dung có hai người mẹ, đều có con chết trận trong chiến tranh, bên này và bên kia; sự đau khổ chắc chắn như nhau; sao chúng ta nỡ, chỉ an ủi một người mẹ thôi, còn người kia thì ghẻ lạnh; ghẻ lạnh bởi chúng ta không xóa đi sự “kỳ thị”, còn “phân biệt đối xử”, thì làm sao có thể hòa hợp được?! Từ phân tích đặc điểm lịch sử trên đây, tôi xin trở lại việc đặt tên tượng. Nếu tên tượng được đặt là “MVNAH”, thì chỉ các bà mẹ có con là chiến sỹ quân đội nhân dân, quân giải phóng tử trận, mới chiêm ngưỡng tượng với tình cảm tự hào; còn các bà mẹ có con đi lính VNCH và tử trận, thì mỗi khi nhìn lên tượng đài “MVNAH”, trong lòng tủi hổ, nếu không, ít nhất trong lòng họ cũng trống rỗng, vô cảm. Như vậy có phải là vô tình hay hữu ý, trong khi chúng ta tôn vinh một bộ phận cộng đồng dân tộc này; lại làm tổn thương một bộ phận cộng đồng dân tộc khác, không? Dù người đề cập có vô tình, nhưng gây tác động khách quan, lại không vô tình chút nào! Cho nên, tôi đề nghị đặt lại tên tượng đài, bỏ chữ “anh hùng” đi, và đặt tên tượng là: tượng “MẸ VIỆT NAM”, hoặc “MẸ TỔ QUỐC VIỆT NAM”, có tính khái quát cao, tính thu hút rộng; đó là hình tượng, là tiêu điểm, để họ cùng ngưỡng vọng, cùng tôn vinh những giá trị nhân văn chung. Vì vậy, việc xây dựng và đặt tên tượng, cần được suy nghĩ sâu sắc, cân nhắc kỹ lưỡng, có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh lịch sử đất nước; tránh làm tổn thương một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm là “hòa hợp dân tộc”, này.

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Tổ Quốc ơi! Xin Người chỉ giúp chúng con, có cách gì sớm hóa giải được lòng hận thù, kỳ thị, hiềm khích, phân ly, dị biệt; cùng nhau quy tụ, quây quần dưới chân MẸ, trở lại đúng nghĩa đồng bào, là con Hồng cháu Lạc; để cho chúng con có sức mạnh, tạo thành một khối đại đoàn kết vững chắc; thực sự cùng chung sức, chung lòng, chăm lo cho đại nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vượt qua chặng lịch sử khó khăn này./.

Tác giả là Nhà báo - TTXVN - đã nghỉ hưu
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét