Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Biểu tình xưa & nay

Nguyễn T Bình
Chia sẻ bài viết này

Hiện giờ, ở trong nước cũng như ngoài nước vẫn còn những người lặng lẽ hoài nhớ thời tuổi trẻ của mình dọc ngang trên đường phố Sài Gòn, không phải với sức mạnh cơ bắp du côn, mà với chính nghĩa rất nhân bản “chống chiến tranh, đòi hòa bình”. Đó là thời của phong trào SVHS thấm đậm lòng yêu nước thương nòi. Thời này hai chữ biểu tình ngày nào cũng tràn ngập mặt báo, kể cả báo của chính quyền và báo thân chính quyền. Các bác, chú, cô, dì trọng tuổi tỏ rỏ ra mặt ủng hộ “đám nhỏ biểu tình chống chiến tranh, đòi hòa bình”, chí ít vì lẻ sống toàn vẹn của từng cá nhân, từng gia đình.
Tự thân hai chữ biểu tình không có nghĩa xấu. Nhưng có thời, có người rất e ngại, sợ hãi hai chữ biểu tình. Trong tự điển tiếng Việt của Ban biên soạn chuyên từ điển : New Era, NXB Hồng Đức năm 2010, ở trang 136, hai chữ biểu tình được định nghĩa là “hội họp tại một nơi hoặc đi ngoài đường để bày tỏ lực lượng hoặc yêu cầu điều gì”, với ví dụ “biểu tình phản đối chính quyền”. Nếu tôi nhớ không sai, thế giới cũng thường sử dụng chữ metting trong ý nghĩa là biểu tình. Ở VN mấy chục năm nay hai chữ biểu tình bị cho là nhạy cãm, dù trong Hiến pháp 1992 tại chương V, điều 69 ghi rõ “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Do đó, gần đây hai chữ này được phía nhà nước nói và viết là “tự tập đông người” được hiểu theo nghĩa tiêu cực, ví dụ như “tụ tập đông người khiếu kiện về đất đai” chẳng hạn. Trong khi các cuộc “tụ tập đông người” để chào mừng sinh nhật Hồ chủ tịch, kỷ niệm ngày 3/2 thành lập đảng, kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội, ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam… thì được gọi là metting, phiên âm thành mít tinh, thêm hai chữ trọng thể phía sau. Giống như “trạm xe buýt” thì viết là “nhà chờ xe buýt” (chẳng có vách viếc, cửa nẻo sao lại gọi là nhà được), “quan thuế” thì gọi là “hải quan”, ở VN nhiều năm nay việc xuất nhập hàng hóa và con người ra vô đâu phải chỉ thông qua duy nhất cửa khẩu biển, thế mà từ ĐH VI tới nay dân đã góp ý rất nhiều vẫn ngoan cố không (chịu) sửa. Vào phi trường TSN hay Nội Bài thấy các bảng ghi hai chữ “hải quan” mắc cở quá trời !
Tựu chung, các chữ biểu tình, metting, “tụ tập đông người” cùng một nghĩa giống nhau. Chỉ khác ở VN lâu nay một khi được gọi là metting đương nhiên hợp pháp, dù không thấy ghi trong bất cứ điều luật nào. Có lẽ vì metting bao giờ cũng do đảng lãnh đạo, chỉ đạo nên cóc cần “theo qui định của pháp luật”. Còn lại, biểu tình và “tụ tập đông người” đều phải “theo qui định của pháp luật” như đã ghi rõ trong Hiếp pháp 1992 hiện hành. Nhưng hơn 20 năm đã trôi qua cái gọi là “qui định của pháp luật” về biểu tình, cũng như về tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, được thông tin vẫn không thấy đâu – nghĩa là “đứa nào tự tiện thực hành điều 69 trong Hiến pháp là tao bụp thẳng tay, nựng tận nhà, bươi tận gốc, tróc tận rể. Hiến pháp chỉ là chiêu bài, bình phong thôi, tao mới là thực quyền....
Có lẽ, trong tình hình như vậy, cần bám chặt ý nghĩa, tính chất biểu tình là hành động thể hiện ý muốn, nguyện vọng chính đáng, hợp lý, hợp tình của số đông nhưng là hành động tuyệt đối ôn hòa, có văn hóa. Sử dụng sức mạnh cơ bắp, văng tục, chữi thề, xài hàng lạnh hàng nóng, đập phá tài sản công dân, vật dụng tiện ích công cộng và nhất là cố tình tạo ra đổ máu, thương vong thì đó không thể gọi là biểu tình – xin chú ý nhiều hơn chữ tình đứng ngay sau chữ biểu.
Theo nhận xét của cá nhân tôi, hầu hết anh chị em tham gia phong trào SVHS Sài Gòn năm xưa rất ý thức điều nêu trên. Do đó, sau này nhiều người đã tỏ thái độ không hài lòng trước việc nhiều bài báo, cuốn sách viết về phong trào SVHS Sài Gòn đã minh họa bằng tấm hình chiếc xe jeep của Quân Cảnh Mỹ (Military Police US) bị lật ngữa đốt cháy lữa phừng phừng trên đường Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng Q1), ngay trước đài truyền hình số kênh 9, Đại học Văn khoa, Trung tâm quốc gia nông nghiệp, Đại học dược. Thậm chí có ý kiến cho đó là “hành động phá thối”, kích động gây bất lợi cho phong trào, chọc cho lực lượng đàn áp nổi “máu điên cá nhân” thẳng tay hành động, bắn trực xạ phi tiển vào đám đông biểu tình. Từ đó gây hoang mang trong phong trào, khiến không ít anh chị em tự động rút lui về nhà, có người buông xuôi, chấp nhận bị bắt lính – như thằng bạn tài hoa, học giỏi của tôi, từng là thành viên tích cực của phong trào SVHS Sài Gòn, sau làm phi công máy bay thám sát, hiện giờ sống tại Mỹ với hai bằng tiến sĩ, mỗi lần về lại cố quận nó vẫn thích nhắc chuyện phong trào SVHS, nay ai còn ai mất.
Ngày xưa chúng tôi đi biểu tình hầu hết đều ăn mặc tươm tất, con trai áo chemise trắng, quần tây màu xanh hoặc đen, “bắn y vô quởn” nghiêm túc. Con gái mắc áo dài trắng, quần trắng, đặc biệt hai ống tay áo dài không bao giờ xắn lên. Xin chịu khó tìm xem lại tấm hình Lê Văn Nuôi, học sinh Trường kỷ thuật Cao Thắng, Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, mặc chemise trắng bỏ vô quần tây màu xanh rất chững chạc, đang trả lời phỏng vấn của đông đảo nhà báo quốc tế và quốc nội tại hội trường Trung tâm quốc gia nông nghiệp (người đứng phía sau mặc áo nâu sòng là đại đức Thích Quảng Trí, SV Văn khoa và người đứng kế bên chính là tác giả bài viết này).
Năm xưa, đi biểu tình “chống chiến tranh, đòi hòa bình” có thể nói là một niềm hãnh diện của những anh chị em tham gia phong trào SVHS. Cánh con gái hay nhắc cánh con trai “nhớ tức giận gì thì tức giận, không được chữi thề nghe mấy ông, chữi thề nghe chói lổ tai, hạ thấp tư cách, chẳng được lợi ích gì”. Nhớ chị Hạnh còn tỉnh bơ phân công tôi “ông Bình phải luôn luôn chạy sau cùng để coi ai bị rớt thẻ căn cước thì lượm dùm, kẻo không cảnh sát lượm được, truy tới tận nhà nguy lắm”. Nghe bạn bè kể lại, sau 30/4/ 1975, gia đình chị Hạnh bị “đánh tư sản”, đưa lên vùng KTM Minh Long ở tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương), ông già hận lòng quá thắt cổ chết khi vô rừng đốn củi hầm than bán kiếm tiền mua gạo mắm nuôi vợ con, mỗi lần làm giỗ cha, chị Hạnh đều vừa thắp nhang, vừa khóc, đọc hai câu thơ “chim khuyên xuống núi ăn trùng / anh hùng mạt vận lên rừng hầm than”.
Tôi chưa hình dung được hết có gì khác nhau giữa biểu tình “chống chiến tranh, đòi hòa bình” năm xưa với biểu tình “chống toàn trị, đòi dân chủ” thời nay, nếu một khi nó buộc phải xuất hiện dưới dạng thức phong trào mang tính chất hoàn toàn tự nguyện của nhân dân và trong nhân dân. Mà nhân dân thì bao giờ cũng bao quát, rộng lớn, rộng khắp, bao gồm nhiều thành phần xã hội, tôn giáo và đương nhiên trong nhân dân có tuổi trẻ, có SVHS. Điều này thiết nghĩ nhà cầm quyền đương thời hiểu biết rất rõ - nhất là các lão thành ở T4 và ở R từng chỉ đạo phong trào đấu tranh đô thị miền Nam và Sài Gòn nói riêng. Sức mạnh nhân dân có lẽ chỉ thua sức mạnh thiên nhiên mà thôi.
Xin hãy lắng lòng nghe lại các ca khúc từng được phát liên tục trên đài phát thanh giải phóng miền Nam Việt Nam và đài tiếng nói Việt Nam phát từ Hà Nội trong suốt 55 ngày đêm chiến dịch HCM, sau đó được phát dài dài trên đài phát thanh “tiếng nói nhân dân thành phố HCM” và đài truyền hình kênh 9 sau khi được tiếp quản. Đó là những ca khúc biểu thị sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân nói chung, chứ không phải của riêng sức mạnh võ trang, súng ống. Chắc chắn các nhạc sĩ, tác giả nổi tiếng trong dòng nhạc hùng cách mạnh cách đây hơn 38 năm – cụ thể như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, tức Huỳnh Minh Siêng chẳng hạn – chưa bao giờ nghĩ tới sẽ có một ngày toàn dân “Hướng Về Hà Nội” cũng như “Tiến Về Sài Gòn” với tâm trạng, thái độ, hành động cụ thể hoàn toàn khác ngày xưa – ý tôi muốn nói ngày xưa người dân được kêu gọi bạo động, “có súng dùng súng, có dao dùng dao, có gậy gộc, giáo, mác dùng gậy gộc, giáo, mác”, nhưng ngày nay người dân đã thức tỉnh, nên người dân tuyệt đối bất bạo động. Nhu thắng cương. Cần và nên làm theo lời dạy của Nguyễn Trải “lấy đại nghĩa thắng hung tàn / lấy chí nhân thay cường bạo”. Nói bình dân dễ hiểu hơn “cái gì mình đã chống thì dứt khoát mình không được giống”. Vậy thôi !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét