Nguyễn Khắc Mai
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở nên khôn ngoan hơn. Lần họp này (TW 8) ông không đưa ra trước những định hướng tư tưởng, mà giả vờ học cái ngây ngô đã là phương thức của những ông lãnh đạo, tuy không có mỹ hiệu nhưng lại quá cỡ của ba gót A sin như Lê Nin đã chỉ ra, đó là dốt, tham và cậy quyền! Những người ấy khi đi cơ sở họ chỉ có mỗi một câu hỏi với dân, với đảng ủy, với ủy ban là nên trồng cây gì nuôi con gì. Đến nỗi dân phát ngán phải cho một tiếu lâm rằng: nên trồng cây anh túc, thế mà người ta thật thà tưởng thật, hóa ra nó là cây thuốc phiện, còn nuôi thì nên nuôi con ca ve. Tất cả đều sinh lãi nhanh, nhiều. Thế rồi không dám hỏi nữa.
Nay trong bài diễn văn khai mạc, ông Trọng chỉ đặt câu hỏi là chính. Kinh tế phát triển thế nào, Hiến pháp thế nào, tái cấu trúc thế nào, đổi mới giáo dục (không dám nói cải cách, vì sợ nhỡ cải cách lại không thành công, thất bại như lần trước, cho nên phải dùng tới mấy định ngữ “toàn diện”, “triệt để”, …). Đồ rằng sẽ có mấy báo cáo của Chính phủ, Bộ giáo dục, Bộ Quốc phòng và ban Sửa đổi hiến pháp… Những từ nghi vấn được lặp đi lặp lại như “đến đâu”, “liệu”, “phải chăng”, “như thế nào”, gần như suốt cả bài diễn văn khai mạc. Ông khéo léo đặt vấn đề: Trung ương cần cho ý kiến định hướng để Quốc hội thảo luận quyết định.
Ta cũng có thể dùng chữ “phải chăng” mà ông Trọng dùng nhiều trong diễn văn để nói. Phải chăng đã có những định hướng định sẵn của TƯ mà thực tế không tiếp nhận, như định hướng về đất đai mà ngay cả trong Quốc hội cũng có những ý kiến khác. Đánh giá về tình hình kinh tế, xác định ba khâu đột phá kinh tế là tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, và ngân hàng thương mại, thì ngay từ đầu năm nay và vừa mới đây trong những hội thảo của Quốc hội tổ chức đã phủ định và kết luận rằng dữ liệu không chính xác (thật ra là nói dối), không thể có thông tin chính xác và đi đến tri thức (những kết luận) chính xác. Tái cấu trúc ba lĩnh vực riêng lẻ không thể có kết quả nếu không đặt trong tổng thể một chiến lược tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Còn nói về sức mạnh quốc phòng thì không thể là vũ khí luận, mà nền móng của sức mạnh quốc phòng là lòng dân, vận nước và thế của thời đại, đó chính là nhân hòa, địa lợi, thiên thời. Minh triết Việt Nam khẳng định phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc đặng giữ nước.
Phải chăng (lại phải chăng) người ta có quyền đặt câu hỏi và đặt một niềm tin là “có chú nó khôn”? Hy vọng những câu hỏi mà ông Trọng đặt ra sẽ có những đầu óc không bị cái vòng kim cô tư duy xơ cứng máy móc, bị nhào nặn bởi ý thức hệ Xô Viết đã phá sản chi phối. Những đầu óc có trí có dũng có tâm và nhất là có hình ảnh rất đậm nét là người Dân, có tình tự dân tộc, sẽ chụm đầu nhau lại để phân tích đánh giá và dám đưa ra những ý kiến phản biện có chân lý có tình người.
Tôi tán thành ý kiến của ông Tống Văn Công trong thư gởi HNTW8, mà riêng tôi cũng đã nhiều lần phát biểu. Đó là chúng ta đang rơi vào một vòng luẩn quẩn, một hũ nút tắc tị (chữ tắc tị là chữ của một nhóm cán bộ trung cao cấp ở một bộ nọ khi họ trò chuyện trong một công vụ. Tôi nói chúng ta đang có nhiều trì trệ, thì họ bảo không, chúng ta đang tắc tị!) Chúng ta đang chui ngày một sâu vào cái sừng trâu, mà phía trước ngày càng tắc tị. Đến nỗi như Nga Xô cũng buộc phải tự cưa sừng mà ra! Cái nguyên nhân rốt ráo tột cùng khiến cho mọi cải cách của chúng ta trước sau đều nửa vời, không thể đi đến nơi đến chốn, suy cho cùng chính là do cái mô hình chính trị – kinh tế- xã hội-văn hóa kiểu Xô Viết toàn trị mà ra. Nếu chúng ta có tái cấu trúc bộ phận hay tái cấu trúc toàn phần như diễn văn của ông Trọng khi đặt câu hỏi “phải chăng tới đây cần phải tiếp tục có những điều chỉnh và kiên trì tiến hành một cách bài bản, căn cơ hơn, gắn với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế?…”; nếu vẫn đặt trong cái vòng luẩn quẩn của mô hình Xô Viết toàn trị, chắc chắn câu trả lời là có thể đoan chắc: Không thể thành công.
Nếu thật tâm, vì dân, vì nước hẳn những người cộng sản cũng dễ dàng nhận ra rằng khi Dân tộc trao vào tay lãnh đạo của đảng, thì dân tộc ta đang sánh vai với các nước lân bang trong khu vực, nên mới có cái mơ ước sánh vai với năm châu. Ngày nay, mọi người có chút hiểu biết đều nhận ra rằng, càng đổi mới theo tư tưởng và mô hình Xô Viết, càng toàn trị, đất nước càng tụt hậu ngày càng xa hơn so với những nước mà trước đây, ta cùng họ xếp ngang một trình độ. Giờ đây không thể sánh vai, mà thật sự chỉ còn là sánh vế. Có bốn sự thật cần có tư duy mới, không ngụy luận, dám tìm nguyên nhân từ những vấn đề cốt lõi, đi đến tận cùng kỳ lý, không dừng lại bề ngoài để tự ru mình và ru người khác, may ra mới tỉnh mộng, mới thấy được đâu là lẽ đúng sai.
1. Ngót cả thế kỷ vẫn duy trì một mô hình thể chế chính trị mà càng cải cách càng “hành dân”, thủ tục càng rườm rà, nhiều điều phi lý. Một mô hình mà hệ tư duy là duy vật máy móc, lý tưởng và mục tiêu là ảo tưởng, duy ý chí, tinh thần là sao chép vọng ngoại, triết lý đầy những mâu thuẫn lô gich…Còn về thân xác vật chất, tức nguồn nhân lực, là nhân cách con người thì đầy những lỗ hổng trí tuệ và phẩm chất đạo đức. Một thiết chế chính trị không làm nền được cho phát triển bền vững, không biết tiếp nhận năng lượng mới của nhân loại, không đủ sức nhạy cảm để tim ra nguyên nhân của lạc hậu trì trệ, không nâng được trên vai trách nhiệm của mình để tôn vinh nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển trí sáng tạo, thậm chí cũng không làm theo tư duy của Hồ Chí Minh “làm cho dân dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm”. Nghe theo luận điểm của Lê nin một cách mù quáng, chuyên chính vô sản là bà đỡ của chế độ mới, ĐCSVN, thực sự làm luôn “bà đẻ”.
Nên do tiên thiên bất túc mà sinh quái thai, dị tật, có muốn cải tạo, hoàn thiện cũng không thể được! Có một câu hỏi vừa khôi hài vừa cay đắng là cớ sao những nhà cầm quyền đi nước ngoài vẫn van xin thiên hạ công nhận cho VN cơ chế thị trường đầy đủ lại không xin nhân dân, không tạo mọi điều để cho nhân dân tự mình làm ra kinh tế thị trường thật sự và đầy đủ. Nguyên một cái quyền sở hữu, trong đó có sở hữu đất đai, vốn là một trong những điều kiện cơ bản của kinh tế thị trường cũng đánh tráo khái niệm để tước mất cái cơ sở quan trọng để có thị trường. Một thể chế chính trị đã xây dựng nên những quan hệ xã hội ở mọi lĩnh vực đầy khuyết tật, lạc hậu, phản tiến hóa, đã làm cho đất nước ngày một tụt hậu xa so với khu vực, đang hủy hoại môi trường, làm băng hoại xã hội, con người…không thể không cải cách, chấn hưng, làm lại.
2. Ngót 50 năm không xây dựng cho dân tộc một nền kinh tế tự chủ, tự cường với những điều kiện ban đầu rất thuận lợi. Ngót nửa thế kỷ vẫn không xong cơ sở hạ tầng, vẫn cứ còn loay hoay với sửa đổi luật pháp, một hệ thống luật pháp làm nền cho đất nước phát triển như thiên hạ đã làm được, hiện thời xã hội ta cũng chưa có. Chúng ta duy trì mãi những quan niệm kinh tế vùa lạc hậu vừa phản tiến hóa. Ra sức duy trì một nền kinh tế yếu kém, chi phí cao, mà năng suất, hiệu quả thấp, luôn trong cảnh gia công, lệ thuộc…Không phải vì năng lực quản lý yếu kém, mà chính là vì không lấy dân làm gốc, mà thật sự là lấy một lý thuyết lạc hậu để duy trì phe đảng, nhóm lợi ích. Phải biết xấu hổ, khi Hàn Quốc, một thời trình độ như ta, họ chỉ trong vòng non nửa thế kỷ đã bỏ xa ta đến hàng chục lần. Lỗi không phải ở dân, mà ở đảng cầm quyền đã duy trì quá lâu một mô hình kinh tế lầm lỗi. Ngay cả khi Tổng bí thư Trường Chinh tuyên bố đổi mới tư duy kinh tế thì cũng chỉ là nửa vời.
3. Nửa thế kỷ là thời gian của ba thế hệ, nhưng Việt Nam chúng ta cũng không có nổi một đội ngũ cán bộ, công chức đúng nghĩa, đúng tầm. Họ đang là một số đông phình to vượt cả yêu cầu, tham nhũng phổ biến (cái gì cũng ăn), ngồi chơi xơi nước, hành dân là chính. Về nguyên tắc, họ phải trở thành nhóm tinh hoa của xã hội, có trí, có tâm, có đức (cái đức lớn của họ là phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, chứ không phải ngu trung hoặc trở nên hèn mọn giá áo túi cơm), có lối sống văn hóa, lành mạnh…đủ sức cầm trịch, áp đặt một cuộc chơi mới nhằm chấn hưng và phát triển dân tộc trong thế kỷ mới. Họ đang là tội nhân, là nạn nhân. Lỗi lầm chính là ở đường lối của đảng cầm quyền đã biến họ thành lực lượng tiêu cực, có sức phá hoại, cài số lùi nghiêm trọng.
4. Xã hội ta bề ngoài có chút phát triển. Nhưng bên trong đầy ung nhọt nguy hiểm. Nhìn ở bất cứ lĩnh vực nào cũng thấy có rối loạn cục bộ. Chính những rối loạn cục bộ đó đã dẫn đến trạng thái khủng hoảng toàn thể, như đã chứng kiến. Có thể mượn cách nói của Mác: sự hình thành nhân cách cá nhân, là tiền đề, là cơ sở để hình thành nhân cách mới của dân tộc. Ông Trọng có lần nói phải bứt phá về lý luận. Đúng thế. Phải bứt phá để thoát vượt khỏi trạng thái triền miên và phổ biến cảnh tượng rối loạn cục bộ khắp nơi như hiện nay. Lãnh đạo nghĩa là dẫn dắt chứ không phải ăn trên ngồi trốc, làm quan phát tài. Lỗi lầm lớn cũng chính là làm biến dạng nhân cách con người và nhân cách dân tộc.
Lãnh đạo thì phải ưu tiên về tính chiến lược vĩ mô, và khi đã thấy xuất hiện vô vàn những rối loạn cục bộ thì vấn đề là phải tìm cho ra gốc rễ của hiện tượng. Đây là lúc cần suy tính nhiều nước cờ chứ không thể chỉ tính nước cờ trước mắt. Nhà chuyên gia tầm cỡ quốc tế về “Chiến lược điều hành” Lloyd Bruce (Anh quốc) khẳng định: “Nếu không hiểu minh triết và biết dùng minh triết, các nhà lãnh đạo sẽ trả giá đắt cho sự vô minh của mình”. Hãy xóa bỏ u mê lầm lỗi, quẳng đao đi thì thành Phật. Minh triết Việt, phối hợp với kiến thức và kinh nghiệm tốt đẹp của nhân loại tiên tiến sẽ là dấu chỉ tin cậy để chỉ ra con đường phục hưng dân tộc trong thế kỷ mới.
Tôi viết những dòng này để tặng những người còn có lương tri trong ĐCSVN, nhân Hội nghị TW8./.
N.K.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét