Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Góc nhìn giới trẻ: Cắn táo như Bạch Tuyết, không chết cũng uổng

Chia sẻ bài viết này


Nếu đã thuộc lòng câu chuyện cổ tích trên, bạn có thể đọc thêm “Những câu chuyện không phải là cổ tích” được viết bởi tiến sĩ tâm lý học Sue Gallehugh để hiểu điều xấu xa thực sự đằng sau một nàng công chúa chưa chắc đã phải là một bà mẹ kế hay phù thủy độc ác.
“Nổi bật” là một món quà, không phải là cái tội!
Định kiến thứ nhất dành cho nàng Bạch Tuyết. Từ nhỏ nàng đã phải sống như thể một con búp bê được lồng trong khung kính, nàng khao khát được mọi người nhìn nhận như một vật thể sống có tâm hồn thực sự. Họ luôn miệng gọi nàng là Bạch Tuyết, nhưng thực tế nàng muốn mọi người biết rằng mình tên là Lisa. Mọi người cho rằng những cô gái có nhan sắc thì thường kém thông minh, và thậm chí họ còn cho rằng nàng chỉ sống nhờ vào nhan sắc…chấm hết. Những định kiến vô lý đó khiến nàng không còn dám tham dự các buổi dạ vũ, tránh xa lời tán dương của mọi người.
Một vài cô gái xung quanh tôi trở nên cô độc đơn giản bởi vì so với những người khác, cô ấy mắc tội “nổi bật”. Thật tức cười vì một số người tự tử chỉ vì mình không xinh đẹp, còn một số lại tự kỉ vì quá-xinh-đẹp. Theo quan điểm của tôi thì nếu xinh đẹp là một cái tội thì hẳn là các nàng hoa hậu đều đáng lãnh án tử hình. Xinh đẹp là một đặc ân mà không phải ai cũng có, vì thế hãy dùng nó làm nền móng mà xây dựng lên một ngôi nhà tri thức vững chắc, chắc hẳn mọi định kiến về bạn sẽ “vút bay”. Không ai có thể từ chối sức hút của một cô nàng xinh đẹp và giỏi giang cả. Chỉ có những kẻ tầm thường mới tạo ra định kiến để làm thoả mãn lòng ghen tức của mình đối với người khác. Đừng tự cô lập mình chỉ vì kẻ khác muốn như vậy. Chúng ta có quyền làm những điều mình muốn và quan trọng hơn hết là quyền sống thực với bản thân.

Be what you wanna be!
Đừng tự nhốt mình trong những cái biệt danh!
Những định kiến còn lại xung quanh lâu đài của Bạch Tuyết là “dành cho” bảy chú lùn và cả anh chàng hoàng tử. Ethan, Doug, Larry, Gary, Donald, Greg và Chase là tên của bảy chú lùn, nhưng thay vì trông đợi để được gọi bằng những cái tên đẹp đẽ ấy, họ lại bị gọi bằng những biệt danh như là: Người Lùn, Khờ Khạo, Vui Vẻ, Cáu Kỉnh, Ngái Ngủ, Hắt Xì và Mắc Cỡ. Lý do mà họ bị người khác gọi bằng những cái biệt danh đó chỉ vì một vài tật xấu của mình.
Tôi đặc biệt ấn tượng về chú lùn Larry (được gọi là Vui Vẻ). Chú có một người cha kỳ quái, ông đòi hỏi mọi người trong nhà đều phải vui vẻ ngay cả khi họ buồn, nếu không thực hiện đúng như vậy, họ sẽ phải bị trừng phạt. Hậu quả là cách sống đó dần ăn sâu vào tiềm thức của chú, đồng thời khiến những cảm xúc thật của chú bị chai sạn ngày qua ngày. Tệ hơn nữa, chú dần quên đi làm thế nào để sống cho bản thân mình mà ngược lại là luôn luôn trăn trở phải làm sao để được lòng tất cả mọi người…Còn chú lùn Gary (được gọi là Cáu Kỉnh) thì cho rằng: “Nếu mình không quen biết, không mở lòng ra với ai thì họ sẽ chẳng bao giờ gần gũi mình được, và như thế họ sẽ không làm mình đau khổ được nữa.”… vậy là chú quyết định giết chết các mối quan hệ xung quanh bằng chính sự cáu kỉnh của mình.
Không phải cứ mặc quần sịp đỏ thì anh ấy trở thành siêu nhân, mà bản thân anh ấy làm được những điều người khác không thể. Hãy tạo ra biệt danh chứ đừng để biệt danh tạo ra bạn!
Định kiến không phải là bạn
Trong cổ tích, thậm chí đến hoàng tử cũng cảm thấy mệt mỏi với cái biệt danh Hào Hoa. Chàng ta chia sẻ: “Mọi người luôn nhìn vào ta và trông đợi mọi cử chỉ, hành động của ta đều hào hoa và phong nhã như chính tên gọi của ta vậy. Nhưng nàng biết không, ta đang đói đến mức có thể ăn bốc mà không cần muỗng nĩa, nếu mọi người không phiền lòng!”…
Phải, chúng ta thường quen trói buộc mình trong những định kiến mà kẻ khác đã tạo sẵn. Ban đầu chúng ta sẽ có thái độ tức giận, phản kháng, nhưng sau cùng thì chúng ta vô tình xem chúng là một phần của cuộc đời mình. Chúng ta chấp nhận đơn giản vì nghĩ rằng chả thể làm gì khác được, và hiển nhiên sự chấp nhận khiến chúng ta trở thành “đồng loã” trong việc tự hành hạ bản thân mình.
Tôi cũng đã từng là nạn nhân của những biệt danh “tiêu cực”. Ban đầu tôi cũng không muốn gây chiến vì cho rằng sự im lặng của mình rồi sẽ dập tắt tất cả, nhưng suy nghĩ đó là sai lầm. Sau cùng, tôi quyết định sẽ “tặng” cho kẻ gọi tôi bằng biệt danh một ánh mắt nói-thử-một-lần-nữa-xem. Nếu nói việc “đạp đổ” định kiến là khó thì nó sẽ khó, còn nhận định là dễ thì nó sẽ dễ. Lần thứ nhất ra sức đấu tranh cho kẻ khác thấy rằng định kiến mà chúng đặt lên mình là sai, dẫu có thất bại thì tôi nghĩ rằng lần thứ hai, thứ ba sẽ khá hơn.

Thành công có xảy ra hay không còn tuỳ thuộc vào bạn có sức chiến đấu đến đâu.
Kẻ tạo ra định kiến nếu phải tử hình thì chăc chắn kẻ im lặng chấp nhận định kiến cũng không thoát khỏi tội “đếm lịch”. Chúng ta sẽ có lỗi với chính bản thân mình nếu tạo cơ hội cho kẻ khác đặt để định kiến lên mình. Tôi tin rằng bạn đủ mạnh mẽ và thông minh để tìm ra cho mình những biện pháp đấu tranh hiệu quả. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi định kiến và sống thực với bản chất của mình, bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét