Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Quan hệ Việt Trung thời kỳ mới: mừng ít lo nhiều

Nam Nguyên

 Chuyên gia phản ứng khá thận trọng, nếu không muốn nói là đầy hoài nghi đối với quan hệ Việt-Trung thời kỳ mới, qua Tuyên bố chung 10 điểm ngày 15/10 tại Hà Nội kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Sử dụng chiến thuật


Hầu hết báo chí do Chính phủ kiểm soát đều đưa tin lớn về những thỏa thuận được cho là, mang tính cách mở rộng hợp tác kinh tế thương mại cùng lúc hạ nhiệt tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuyên bố chung Lý Khắc Cường-Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển Việt-Trung với những lời lẽ đầy tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ tinh thần Công ước Quốc tế về Luật Biển hoặc tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.

Về vấn đề vừa nêu, GSTS Nguyễn Thế Hùng nhà hoạt động xã hội dân sự, đồng sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam từ Đà Nẵng nhận định,  đối với chính sách của Trung Quốc, Việt Nam luôn luôn phải nghi ngờ thiện chí của họ nhất là trong tình hình hiện nay. Việt Nam chẳng là gì dưới mắt Trung Quốc, theo ông Việt Nam phải hiểu rõ điều này và cần khôn khéo thể hiện đại đoàn kết dân tộc, phải theo thể chế dân chủ để đất nước hùng mạnh thì mới có thể sinh tồn bên cạnh Trung Quốc. GSTS Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh:

Theo tôi không phải họ mềm dẻo xuống thang hoặc tôn trọng vấn đề luật pháp quốc tế đối với Việt Nam, mà họ đang sử dụng chiến thuật trong lúc phải đối phó Nhật Bản và Philippines, hoặc để cho thế giới không thấy được dã tâm của họ. Chiến lược cuối cùng của họ là khuất phục Việt Nam, làm cho Việt Nam suy yếu để đạt mục đích cuối cùng là lái Việt Nam đi theo hướng của họ chứ không thực sự ích lợi cho Việt Nam.”

Về quan hệ thương mại kinh tế, theo tuyên bố chung, Trung Quốc hứa huy động vốn cho Việt Nam phát triển nhiều dự án khu công nghiệp và các tuyến giao thông trọng yếu nối vùng biên giới Trung Quốc với Hà Nội; thúc đẩy doanh nghiệp hai bên đầu tư qua biên giới. Hai Thủ tướng Trung Quốc và Việt Nam hứa hẹn hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD.

Đáp câu hỏi của chúng tôi là Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc hơn chục tỷ USD mỗi năm, vậy làm sao có thể cân bằng thương mại song phương lại vừa nâng kim ngạch ở mức lớn lao như vậy. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:

“Riêng về thương mại tôi nói thật, mỗi khi lãnh đạo hai bên gặp nhau cứ hứa hẹn đẩy kim ngạch thương mại lên bao nhiêu…bao nhiêu, kể cả phía Trung Quốc hứa hẹn tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam thì vẫn làm cho tôi thấy lo nhiều hơn là mừng. Tại sao vậy, bởi vì lâu nay Việt Nam chủ yếu là nhập siêu từ Trung Quốc và mức nhập siêu càng ngày càng lớn càng nặng nề. Kể cả trong mấy năm gần đây khi mà kinh tế khó khăn, nhập khẩu của Việt Nam giảm xuống, thậm chí có năm Việt Nam còn xuất siêu được vài trăm triệu đô la nhưng vẫn nhập siêu từ Trung Quốc như thường và số tiền nhập siêu từ Trung Quốc vẫn rất lớn. Như vậy chứng tỏ cải thiện kim ngạch rất khó.”

Lo nhiều hơn mừng


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra thận trọng về khả năng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Bà nói:

“Ngay cả khi Trung Quốc hứa hẹn tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam, để cho Việt Nam cải thiện cán cân thanh toán với Trung Quốc thì tôi vẫn lo. Bởi vì  Trung Quốc chủ yếu muốn mua hàng nguyên liệu thô của Việt Nam, nào là khoáng sản đào bới tài nguyên thiên nhiên lên để bán cho họ như là bauxite chẳng hạn hay là các khoáng sản khác. Rất nhiều thứ khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác và xuất thô sang Trung Quốc rồi, làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam cạn kiệt rất nhanh. Tuy Trung Quốc cũng mua một số mặt hàng khác như nông sản nhưng chủ yếu cũng là hàng thô chưa qua chế biến; riêng cách mua nông sản không những làm cho Việt Nam thiệt thòi mà nhiều khi còn gây khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi không làm thế nào được. Thế rồi những thủ tục khó khăn tạo ra ở biên giới, như là thanh long hiện nay đang đọng lại ở biên giới chẳng hạn,  là những cách gây khó cho nông sản Việt Nam.”

Bà Phạm Chi Lan lý giải thêm về lý do bà cảm thấy lo nhiều hơn mừng, khi hai phía Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận mở rộng hợp tác thương mại. Bà nói:


“Dù có tuyên bố tăng cường nhập khẩu nhưng điều đó chưa chắc có thể tạo khả năng xuất khẩu trả nợ cho Việt Nam sang Trung Quốc, từ đó có thể giúp cải thiện được cán cân thanh toán. Cho nên nói lên một con số thì dễ, nói lên ý chí hoặc mong muốn của hai bên thì dễ, nhưng mà cách thức thực hiện như thế nào và đàng sau nó là tất cả những biện pháp như thế nào để tạo được một cán cân thực sự mang lại lợi ích cho cả hai bên, thì đấy là điều hoàn toàn không dễ một chút nào cả. Bởi vì vẫn còn thấy thiếu vắng những biện pháp cụ thể và về phía Việt Nam đã thấy trong bao nhiêu năm rồi, với bao nhiêu cam kết hứa hẹn về chính trị rồi mà quan hệ thương mại luôn luôn mang tới bất lợi cho phía Việt Nam. Vì vậy cho nên nghe hai bên cam kết sớm đạt được mức kim ngạch 60 tỷ USD, thực sự tôi không cảm thấy mừng mà thậm chí còn cảm thấy lo.” 

Bên cạnh vấn đề kinh tế thương mại, Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc thời kỳ mới còn nhấn mạnh việc ‘tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận…góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên. Nhận định về vấn đề này, GSTS Nguyễn Thế Hùng phát biểu:

“Trung Quốc thường nói một đàng làm một nẻo, họ bảo là định hướng nhưng cuối cùng nhiều lúc họ bật đèn xanh hoặc họ không chấn chỉnh. Khi mình phản ảnh thì họ đổ lỗi này kia trong khi Việt Nam nghiêm túc thực hiện, như vậy nó không có công bằng. Đối với Việt Nam những gì Trung Quốc họ làm không đúng với luật lệ quốc tế…thì phải để cho nhân dân người ta bày tỏ, để cho báo chí chính thống bày tỏ để tạo dư luận trong nước và quốc tế thì như vậy người Trung Quốc mới bớt chuyện làm không đứng đắn của họ lại. Chứ đàng này, mình không để cho báo chí chính thống, không để cho người dân bày tỏ trên những blog của họ, không để cho người dân đi biểu tình ôn hòa, như vậy mình không tạo được sự đồng thuận nhân dân, không tạo được sức ép lên dư luận trong nước và quốc tế, lại mất đi một lực lượng ủng hộ chính quyền thì rất là dở.”

Chuyến đi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Việt Nam còn đạt kết quả Việt Nam ký kết văn kiện đồng ý thiết lập Viện Khổng Tử tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Dư luận cho rằng, bề ngoài của một Viện Khổng Tử mang tính cách một Trung tâm truyền bá và quảng cáo văn hóa Trung Quốc. Nhưng theo TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện viết trên Blog của ông: “Phải thừa nhận hiện nay giới lãnh đạo về vắn hóa của Việt Nam có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc. Mà việc tuyên truyền, gây sức ép cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên Việt Nam là quá mạnh.” TS Nguyễn Xuân Diện lập lại sự quan ngại của ông qua phát biểu với Đài Á châu Tự Do. Vì âm thanh không được tốt, chúng tôi xin trích đọc nguyên văn lời TS Nguyễn Xuân Diện.

“Vì vậy, để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa hay gọi là “quyền lực mềm” sẽ bị áp đặt tại Việt Nam. Lúc ấy, chúng ta sẽ không thể nào chống lại được. Văn hóa là nền tảng của đất nước, một khi văn hóa bị thuần hóa thì đó là một điều nguy hiểm.”

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Trung được mở rộng trong thời kỳ mới, qua chuyến đi của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Hà Nội quả là ẩn chứa rất nhiều điều, làm cho các chuyên gia kinh tế, chuyên gia văn hóa và các nhà hoạt động dân sự đầy quan ngại. Đúng là chưa mừng đã vội lo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét