Chán cảnh làng quê đất cày lên sỏi đá, nắng bụi mưa bùn, Năm Cam khăn gói vô Sài Gòn làm bồi bàn, rồi đánh giày. Trong một lần đánh giày cho Trần Đại (Đại Cathay), Năm Cam nhanh nhẹn xô ngã y, giúp y thoát khỏi nhát chém lén của một tên giang hồ cắc ké băng Chợ Lớn. Sau khi tự tay quật ngã tên chém lén, Đại Cathay đưa Năm Cam cái lưỡi lê. Năm Cam cắt lỗ tai tên nọ đưa cho Đại, lưỡi lê dày bản cắt xật xừ mãi mới đứt nên tên nọ hãi quá đái luôn ra quần. Đại khoái thằng nhóc nên đá bể hộp đồ nghề đánh giày, cho Năm Cam theo hầu đi thu tiền “an ninh” các chủ sòng bài ở khu quận Một, quận Tư.
Theo Đại Cathay vài tháng, Năm Cam được giao trực tiếp thu tiền mấy sòng ngầu hầm, xập xám, bài cào khu vực quận Tư – trừ khu Kho 5, do một trong “Tứ đại thiên vương” cai quản. Người tổ chức các sòng quận Tư là A Lót. Thời gian trôi qua, Năm Cam mở to đôi mắt để thấy phần của mình quá ít. Tiền an ninh thu được phải nuôi em út, chia cho Đại Cathay…, tháng nào đụng đám lôi hổ, dù, biệt động quân (các sắc lính thứ dữ chế độ cũ) coi như lỗ vốn, còn phải lo thuốc men cho đám đàn em trong nhà thương. Trong lúc đó A Lót bỏ túi rất nhiều (tiền xâu, tiền cho vay, cầm đồ) mà chỉ phải nộp tiền an ninh 2% trên chiếu bạc. Năm Cam báo Đại, Đại nói nước đôi:
- Anh cũng biết như chú nhưng chưa thể làm gì khác. A Lót có “Tứ đại thiên vương” đỡ đầu, chưa kể mình thịt nó các sòng sẽ bị xé lẻ khó thu tiền, mất sở hụi anh em mình…
Năm không hiểu rõ lắm Đại Cathay muốn gì nhưng hắn đã có một quyết định… Ở quận Tư thuở đó có một chỗ đấm bóp rất độc đáo và lâu đời trên đường Nguyễn Thần Hiến hiện nay. Khách cởi áo, nằm xếp lớp trên những tấm nệm mỏng. Không ai nói chuyện với ai, tận hưởng cảm giác khoái trá trong tiếng lốp bốp dòn tan. Các cô thợ mặc đồ bộ, không đẹp nhưng đấm nhiệt tình, không có những trò gợi ý ba trợn như những chỗ massage sau này. Giá một lần đấm bóp chỉ bằng ba, bốn tô phở bình dân, mấy chục năm trôi qua vẫn vậy. Thường A Lót vào đây nằm tầm bảy, tám giờ sáng lúc vắng khách. Lúc nào cũng vậy, chủ tiệm chiêu đãi A Lót ly cà phê đen thơm lừng và dĩa cơm hột vịt chiên. Đang lim dim, thả hồn tận đâu đâu, A Lót bỗng bật người dậy vì ly cà phê nóng đổ vào người. Năm đá đổ ly cà phê chứ ai. A Lót khùng lên vồ Năm nhưng đâu có được, thằng nhỏ đã tót xuống đất chạy mất.
Chả hiểu thế quái nào chiều hôm đó mới làm xong cái hột vịt lộn, chưa uống hết chai bia trên đường Tôn Đản, A Lót bỗng thấy Năm từ đâu lò dò tới. A Lót ném chai bia, Năm tránh được rồi chạy vô con hẻm. A Lót đuổi theo ôm Năm, không ngờ mắc mưu thằng nhỏ. Năm móc lưỡi lê thủ sẵn trong bụng ra, đâm thẳng vào ngực A Lót… (Sau này Năm khai nhặt được cái lưỡi lê trong hẻm). Thằng nhỏ không bỏ chạy mà đặt A Lót nằm ngay ngắn rồi vuốt mắt cho đàn anh: “Anh sống khôn thác thiêng tha cho em, em sẽ lo mồ mả cho anh và hàng năm làm đám giỗ đàng hoàng. Em rất thương anh nhưng vì cuộc sống em phải làm như vậy. Anh còn, em không có đất sống…”.
Tòa (chế độ cũ) bằng những thuật ngữ pháp luật rối rắm chỉ phạt Năm mức án tượng trưng vì Năm “bị tấn công trước bằng con người to khỏe hơn, nguy hiểm hơn”. Năm giết người trong trường hợp “không cố ý mà do vượt quá giới hạn phòng vệ…”. Trong tù, được Đại Cathay gửi nên Năm khỏe re, tranh thủ học các món nghề cờ gian bạc lận của những bậc thầy kỳ bẽo đang bóc lịch mệt nghỉ. Khi tự do, Năm càn quét chưa đầy tháng đã trở nên bá chủ của đám du đãng quận Tư.
Băng nhóm du đãng của Đại Cathay lộng hành nhảy từ lãnh vực bảo kê sòng bạc sang tống tiền các nghiệp chủ, thương gia và thường xuyên đánh nhau với đám người nhái, lính tráng làm rối loạn Sài Gòn. Doanh thu của các vũ trường, bar sụt giảm hẳn…, khiến dân làm ăn thưa gửi khắp nơi, vận động các dân biểu tác động đến tổng thống. Nhức đầu với đám du đãng, đích thân phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ gọi Đại Cathay lên cảnh cáo và ra tối hậu thư buộc Đại Cathay và đàn em phải chấm dứt ngay hoạt động. Đại Cathay không nghe lời nhưng lặn kỹ hơn. Cảnh sát càn quét tất cả những nơi nghi ngờ kể cả các bang hội mang tính xã hội đen ở Chợ Lớn… Các ông chủ chịu không nổi, cho mua tên đàn em thân tín của Đại Cathay, tên này chỉ tiệm hút nơi Đại Cathay “lặn”. Đại Cathay bị đày đi Phú Quốc và mất tích luôn, có lẽ bị thủ tiêu.
Giang hồ trở nên vô chủ. Mặc dù theo Đại Cathay nhiều năm nhưng Năm Cam vẫn là giang hồ chiếu dưới, không được giới giang hồ và dân làm ăn kính trọng. Ngay cả ở Quận 4, Năm cũng không có ngai vì bị những người còn lại của “Tứ đại thiên vương” án ngữ. Bằng cách lấy cô em gái của một trong “Tứ đại thiên vương”, Năm loại trừ mối nguy hiểm bên nách và chọn Quận Tư làm sào huyệt, mở các sòng bạc nhỏ và phát triển lên thành hệ thống chằng chịt cơ sở cũng như những mối quan hệ bảo kê cần thiết đối với cảnh sát (chế độ cũ). Sài Gòn lúc đó rất phức tạp. Quận Tư với hệ thống các con hẻm chằng chịt không kiểm soát nổi đã trở thành nơi ẩn nấp dân giang hồ các nơi. Tất cả đều phải nhờ cậy Năm với hệ thống bảo kê của cảnh sát địa phương.
Cảnh sát nhức đầu với đủ loại tội ác và tệ nạn xã hội từ Quận Tư. Phó ban hình cảnh là đại úy Chí, mặc dù đi đêm với Năm nhiều vụ nhưng cũng phải buộc Năm rời khỏi Quận Tư và giải tán đàn em. Năm xin đại úy Chí một tuần để thu xếp rồi lặn luôn. Ban hình cảnh điên tiết truy quét giang hồ đến nơi đến chốn. Sòng bạc, động hút, động gái, cho vay cầm đồ… bị dí chạy mất dép. Kẻ nào “chạy chậm” thì chịu khó vô Chí Hòa bóc lịch. Đám tài phú tới kỳ đóng “hụi chết” mang lên bị tịch thu tiền và tống giam luôn. Chịu không nổi, Năm bắn tiếng sẽ gặp đại úy Chí ở quán phở trên đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ) vào tám giờ sáng chủ nhật.
Ở quán phở, không biết họ nói với nhau điều gì mà đại úy Chí nổi nóng tát Năm té xuống đất. Mấy ngày sau đại úy Chí đang lái xe trên xa lộ thì bị xe be cán bẹp dúm, tài xế bỏ chạy mất, xe thì mướn, không tìm ra tung tích người gây tai nạn. Nhà đang khâm liệm thì Năm đến xin phép bỏ một chỉ vàng y vào miệng đại úy Chí cho ông có tiền đi đò qua dòng sông Lú để mau đầu thai.Có người bảo tác giả vụ tai nạn này chính là Năm và vài người khác.
Danh tiếng của Năm nổi như cồn, trở thành ông vua không ngai của giới giang hồ.
Chính quyền xẩu mình với đám Đại Cathay đời thứ hai này nhưng chưa kịp giải quyết thì quân Giải phóng đã áp sát Sài Gòn…
oOo
Sau giải phóng, Năm quen thói, tổ chức mấy sòng bài cò con ở Quận Tư, bị công an phường bắt ngay. Đi tập trung cải tạo về, Năm cảm thấy lạc lõng hẳn giữa một thành phố khác hẳn. Chính quyền mới tỏ ra nặng tay với dân giang hồ, người dân cũng không ngần ngại viết đơn tố cáo. Những bạn bè, đồng bọn cũ của Năm như đám người nhái, Thanh Đôla, Hùng Địa… đều đã xuất cảnh hoặc về quê… cắm câu. Số còn lại ngao ngán lắc đầu khi Năm mới… mở lời rủ rê. Năm thất vọng chuyển sang kinh doanh bất động sản, phất lên khá nhanh vào thời kỳ đổi mới.
Một hôm khi vào phở Hòa ăn sáng, Năm gặp lại Lý Tam, bậc thầy trong làng kỳ bẽo trước giải phóng. Lý Tam gợi ý Năm tham gia sòng bạc tại nhà cô ca sĩ nổi tiếng với nốt ruồi “chết người” trên mặt. Sòng bạc khá an toàn vì nằm cạnh các dinh thự công, tường cao, biệt lập, không tiếp giáp nhà dân. Năm xem nhà, rất ưng ý nhưng chê tiền xâu ít, khách ở đây hầu hết là giới nghệ sĩ nên tiền trên chiếu không bao nhiêu. Khi có sự tham gia của Năm, sòng bạc nhộn nhịp hẳn với thành phần khách đa dạng và sát phạt hơn.
Năm còn bàn bạc với Lý Tam thuê mấy ao rau muống ở cuối hẻm 148 Tôn Đản mở sòng bạc riêng. Gấp rút xây nhiều chòi lá, Năm chiêu mộ dân địa phương cho làm xe ôm, bán cơm, trà đá khăn lạnh…, có lợi nên chẳng ai đi tố cáo. Con bạc từ nơi khác đến cũng chẳng đụng chạm gây thiệt hại gì cho con hẻm. Có đủ cả các thể loại: ngầu hầm, xập xám, cào, bửu… Xóc đĩa có luôn nhưng ít người đánh. Sòng luân chuyển hàng trăm triệu mỗi ngày, thuộc tầm cỡ lớn nhất thành phố lúc đó. Có tiền, Năm tranh thủ mua chuộc các quan chức địa phương, lấy lòng người dân bằng các hoạt động tương trợ ma chay, cưới hỏi, tết nhất… Nói chung ai cũng khoái. Địa hình hẻm 148 lúc đó rất quanh co, phức tạp, dân nhập cư đến rồi lại đi, nên công an cấp trên muốn kiểm tra quả tang rất khó. Năm chưa hài lòng, muốn triển khai thêm nhiều sòng bạc nữa…
(Trích Thế giới ngầm, bản thảo truyện dài của H.L)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét