Đinh Từ Thức
Nửa thế kỷ trước, vào dịp Tết Quý Mão 1963, sau khi nhận được thông điệp chúc Tết từ Washington, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã gửi cho Tổng Thống Hoa Kỳ John Kennedy một lá thư, do Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần trao tận tay cho người nhận tại Bạch Ốc. Thư đề ngày 23 tháng Hai, 1963, chỉ dài có một trang đánh máy:
Thưa Tổng Thống,Toàn dân Việt Nam đã xúc động sâu xa về thông điệp của Ngài, với tư cách là người phát ngôn cho nền dân chủ vĩ đại của Hoa Kỳ, đã có nhã ý gửi cho họ vào ngày Đầu Năm Mới.Họ đã đón mừng thông điệp này như là một sự biểu lộ tuyệt vời và hoàn hảo cho sự hiểu biết và thân hữu của nhân dân Hoa Kỳ, những người đã giúp đỡ họ với viện trợ dồi dào và hữu hiệu trong những ngày khó khăn của cuộc chiến đấu của họ chống lại sự nổi dậy và xâm lấn của cộng sản.Đây quả thật là một nguồn cảm hứng phong phú cho đồng bào tôi, những người hơn bao giờ hết đã quyết tâm gia tăng gấp bội nỗ lực và hy sinh của họ vào năm tới để đến gần chiến thắng cuối cùng hầu đem lại cho họ an ninh và hòa bình, thăng tiến công bằng xã hội và cùng nhau đạt được mục tiêu mở mang kinh tế cho đất nước.Trong niềm tưởng nhớ thành khẩn những đứa con cao quý của nước Mỹ đã hy sinh mạng sống của mình tại đất nước chúng tôi cho mục tiêu chung, tôi xin cảm ơn nồng nhiệt Tổng Thống, về những lời chúc của Ngài đã bầy tỏ rất chính xác những cảm hứng và hy vọng chung của chúng ta và nói lên sự biết ơn và kính phục của nhân dân Việt Nam đối với quốc gia vĩ đại và dân tộc “đã luôn sẵn sàng trả giá cho tự do”.Ngô Đình DiệmTổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
Thư qua thư lại, ơn sâu nghĩa nặng như thế, nhưng chỉ tám tháng 9 ngày sau, ông Diệm bị giết trong cuộc đảo chánh do Hoa Kỳ khuyến khích, và sau đó ba tuần, ông Kennedy cũng bị giết trong một vụ ám sát*. Tại sao ông Kennedy bị giết? Đó là câu hỏi nửa thế kỷ sau, Hoa Kỳ vẫn chưa biết rõ. Tại sao ông Diệm bị giết? Đó là câu hỏi rất nhiều người Việt tưởng đã biết rõ, nhưng thật ra, vẫn chỉ là “biết” theo kiểu “lộng giả thành chân”.
Thời gian ngay sau cuộc đảo chánh 1-11, 1963, và có trường hợp cả hàng chục năm sau, vẫn có người cố chứng minh vai trò phụ thuộc của Hoa Kỳ trong biến cố này. Ví dụ, trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của ông Đỗ Mậu xuất bản năm 1986, tác giả đã trích lời Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy viết vào năm 1979 rằng: “Việc lật đổ và sát hại (anh em ông Diệm) xẩy ra là chỉ do một số tướng lãnh Việt Nam. Người Mỹ đã không thúc đẩy họ đảo chánh, người Mỹ chỉ không ngăn chận họ mà thôi”. Riêng ông Đỗ Mậu viết “…rõ ràng cuộc cách mạng ngày 1-11-1963 hoàn toàn do quân dân Việt Nam lúc bấy giờ thực hiện, và người Mỹ, đứng trước những khó khăn phức tạp của tình hình đã phải thụ động dựa vào đó để giải quyết những khó khăn của họ. Vậy thì chính quân đội Việt Nam đã ‘bật đèn xanh’ cho Mỹ chứ đâu phải Mỹ ‘bật đèn xanh’ cho quân đội Việt Nam.…” Nhưng càng lâu, qua những chứng liệu được giải mật, chẳng còn ai nói năng như thế nữa. Mỹ đóng vai chủ động trong cuộc đảo chánh là điều không còn ai chối cãi, kể cả tổng thống Mỹ John Kennedy.
Tuy nhiên, về nguyên nhân của cuộc đảo chánh, có một “huyền thoại” cần xét lại.
Trong suốt 50 năm qua, đã có rất nhiều người, nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết ở đây, gồm cả những “bình luận gia”, “học giả” hay “sử gia”, hầu như ai cũng nói giống nhau, như một sự thật hiển nhiên, không cần dẫn chứng, là Mỹ đảo chánh để có thể mang quân vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, vì ông Diệm chống lại việc này. Theo “huyền thoại” này, Mỹ phải lật ông Diệm như loại bỏ một chướng ngại vật, để có thể đổ quân vào VN. Đặc biệt là khẳng định này thông dụng trong dư luận người Việt, nhưng hầu như không được nhắc tới trong tài liệu và sách báo của Mỹ. Tôi chỉ được biết vài ba cuốn sách của Mỹ nói tới điều này, nhưng lại căn cứ từ sách báo Việt ngữ.
Trong cuốn A Death in November (ADIN) xuất bản năm 1987, nói về cuộc đảo chánh năm 1963, bà Ellen J. Hammer viết nơi trang 121: “Một người Việt quen thuộc nói: ‘Mọi người gần gũi ông Ngô Đình Diệm đều biết rằng với ông, vấn đề chủ quyền của Việt Nam là tối quan trọng, không có vấn đề nhượng bộ chuyện này với viện trợ ngoại quốc.’” Và “Diệm nói trong riêng tư rằng người Mỹ đã từng đòi quyền thiết lập căn cứ không và hải quân tại Vịnh Cam Ranh hay Đà Nẵng, được điều hành bởi một cơ sở quân sự thường trực, và rằng họ đã tăng gia áp lực kể từ năm 1961. Vào tháng Bảy năm 1962, trong một cuộc kinh lý tại Vịnh Cam Ranh, ông đã chỉ một ngọn núi ở gần, nói với các cận vệ rằng, ‘Người Mỹ muốn lập một căn cứ ở đấy nhưng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.’ Cho đến tháng Tám 1963, ông đã nói với Đại Sứ Pháp rằng ông sẽ không bao giờ làm theo những đòi hỏi đó. Một số thành viên đảng Cần Lao của ông coi sự từ chối này là một trong những lý do chính cho việc lật đổ ông Diệm.”
Trong phần chú thích ở trang 336 về trang 121 có đoạn trích dẫn trên, bà Hammer cho biết bà đã căn cứ từ bài viết của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, trên báo Hòa Bình, ngày 8 tháng 8, năm 1970.
Là Tổng Thư Ký tòa soạn báo Hòa Bình vào thời gian này, tôi biết về nguồn thông tin của bà Hammer. Bài báo bà cho là Bác Sĩ Tuyến viết, là loạt bài được mệnh danh “bút lý lịch sử” kéo dài nhiều tháng, mang tựa đề “Làm thế nào để giết một tổng thống”, sau khi chấm dứt, đã được xuất bản thành sách ở Sài Gòn. Tôi là người đặt tựa cho loạt ký sự này. Khi bắt đầu đăng báo, Bộ Thông Tin không chịu, yêu cầu đục bỏ, một phần sợ gây “sốc” trong dư luận, phần khác do áp lực từ các tướng chủ chốt trong cuộc đảo chánh, sau khi bị Nguyễn Khánh cho đi an trí một thời gian, đã trở lại là những nhân vật có thế lực, như Nghị Sĩ Quốc Hội. Lúc ấy chế độ kiểm duyệt báo chí mới chấm dứt theo Luật 019/69, do Quốc Hội thông qua, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành ngày 30 tháng 12, 1969. Theo luật này, báo có quyền chỉ trích chính phủ, không bị kiểm duyệt, và chỉ có thể bị tịch thu theo lệnh của tòa án. Dựa vào luật mới, tòa soạn nhất quyết giữ y nguyên cả tên lẫn nội dung ký sự, không chịu đục bỏ hay thay đổi, với lập trường là nếu Bộ Thông Tin thấy nhà báo phạm luật, cứ việc truy tố ra toà. Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba liên tiếp, Bộ Thông Tin vẫn yêu cầu đục bỏ. Từ ngày thứ tư, Bộ để yên.
Tác giả ký sự là hai bút hiệu: Cao Vị Hoàng và Lương Khải Minh. Tuy hai bút hiệu, thực ra chỉ có một người viết, trong khi dư luận, kể cả bà Hammer, nghĩ rằng Lương Khải Minh là bút hiệu của Bác Sĩ Tuyến, nguyên giám đốc sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng Thống; ngôn ngữ bình dân gọi là “Trùm mật vụ”. Ông Tuyến không viết chữ nào trong ký sự này, nhưng có giúp một cách gián tiếp. Với uy tín thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông đã giới thiệu để người mang bút hiệu Cao Vị Hoàng có thể tới phỏng vấn các nhân vật quan trọng của chế độ cũ. Lời kể của họ về anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhất Cộng Hòa được ghi lại là chất liệu cho nội dung ký sự, không được kiểm chứng về độ chính xác, nên khó có thể coi như sự thật lịch sử. Có thể nói Lương Khải Minh chỉ là “bút hiệu danh dự” dành cho ông Tuyến, cũng như chiếc ghế trống trong buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình năm 2010, được gọi là chiếc ghế của ông Lưu Hiểu Ba, nhưng ông này chưa bao giờ ngồi ở đó.
Khi cuốn sách của bà Hammer xuất bản ở Mỹ, qua câu chuyện điện thoại từ Mỹ với ông Tuyến ở Cambridge, Anh, tôi đã có dịp cho ông biết về sự sai lầm của tác giả, và hỏi ông có định lên tiếng đính chính không. Bác Sĩ Tuyến trả lời rằng ông không muốn lên tiếng, sợ nhà báo kéo tới phỏng vấn ầm ỹ, trong khi ông chỉ muốn sống ẩn dật. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng nói khi nào tôi có dịp gặp bà Hammer, thì nhờ nói với bà ấy về chuyện sai lầm, để sửa lại khi sách có dịp tái bản.
Gần đây, Finding the Dragon Lady, một cuốn sách mới xuất bản vào tháng Chín 2013 nói về cuộc đời bí mật của bà Ngô Đình Nhu, tác giả là bà Monique Demery, đã trích một đoạn từ cuốn sách A Death in November, nhưng ngay cuốn ADIN lại trích từ hồi ký “Bên Dòng Lịch Sử” của Linh Mục Cao Văn Luận, trong đó Cha Luận kể lại cuộc gặp Tổng Thống Ngô đình Diệm tại Dinh Gia Long vào ngày 24 tháng 06, 1963. Cha Luận mới gặp nhiều chính khách quan trọng ở Mỹ, như Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Nghị Sĩ Mike Mansfield trở về, khuyên ông Diệm nên nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ để tránh đảo chánh, nhưng ông Diệm không chịu, đáp:
- Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ một bước thì Mỹ sẽ lại đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ? Tôi muốn võ trang đầy đủ cho Bảo an, Dân vệ, thanh niên chiến đấu. Mỹ không chịu. Tôi muốn tăng cường quân đội, Mỹ từ chối không cấp vũ khí và phương tiện, Mỹ chỉ muốn đưa quân qua Việt Nam mà thôi.
Có lẽ Tổng Thống Diệm đã đề cập tới nội dung cuộc họp gữa phái đoàn Mỹ do tướng Taylor cầm đầu và ông Diệm vào mùa Thu năm 1961 (sẽ nói thêm sau này) trong đó ông Diệm có yêu cầu Mỹ tăng viện để tăng quân số, và Tướng Taylor đề nghị gửi một đạo quân Mỹ từ sáu đến tám ngàn người tới VN – dưới danh nghĩa cứu lụt, nếu cần – và ông Diệm đã đồng ý, nhưng ông Kennedy không chấp thuận.
Vào năm 2003, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, vốn là Thiếu Tá Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống khi xẩy ra cuộc đảo chánh 1963, nhờ tôi biên tập bản thảo cuốn “Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Ông Duệ viết sở dĩ Mỹ đảo chánh, vì ông Diệm không chịu cho Mỹ đem quân chiến đấu vào Việt Nam và lập căn cứ ở Vịnh Cam Ranh. Tôi hỏi ông Duệ đã căn cứ vào đâu để viết như vậy, ông trả lời “chuyện đó ai chả biết”. Tôi xin ông cố nhớ lại để có thể kể tên đích xác một vài người, sau giây lát suy nghĩ, ông nêu tên ông Trần Sử, bí thư của Tổng Thống Diệm, lúc ấy đã qua đời. Trong cuốn sách đã dẫn, khi xuất bản, ông Duệ viết trong phần nói về Đại Sứ Ngô Đình Luyện rằng ông Luyện đã kể với ông Duệ:
Trước cuộc đảo chính mấy tháng, có một linh mục thuộc Dòng Jesuit Hoa Kỳ đã bí mật sang Anh gặp ông Luyện, muốn ông báo cho ông Diệm biết là sớm muộn gì Mỹ cũng giúp cho cuộc đảo chánh lật ông Diệm. Khi ông Luyện hỏi có thể làm cách nào để tránh được không, vị Linh Mục này khuyên ông Diệm:
“Nên nhượng bộ chính phủ Hoa Kỳ, đồng ý tất cả những gì người Mỹ muốn qua Đại Sứ Hoa Kỳ. (Theo ông Luyện thì người Mỹ muốn Việt Nam nhường cảng Cam Ranh cho người Mỹ trong một thời gian, như Phi Luật Tân nhường cảng Subic, và để cho người Mỹ một thời gian vào Việt Nam)”.
Ông Luyện đã cấp tốc từ London về Sài Gòn gặp anh mình, Đại Tá Duệ kể tiếp:
“Tổng Thống Diệm nói sẽ nghiên cứu kỹ việc này và bảo ông Luyện sang gặp ông Nhu để bàn thêm. Ông Luyện gặp ông Nhu và ông Nhu có vẻ chú ý và cũng đồng ý nhưng ông lo rằng người Mỹ đòi mang quân vào và xử dụng Cam Ranh thì khó đựơc tổng thống chấp thuận. Ông cũng lo rằng nếu ngừơi Mỹ mang quân vào thì Nga và Tầu sẽ giúp miền Bắc nhiều hơn và có thể cũng đem quân vào nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ là bãi chiến trường đẫm máu.”
Đó là tất cả những gì tôi được biết từ phía người Việt về chuyện người Mỹ muốn mang quân chiến đấu vào Việt Nam và muốn xử dụng cảng Cam Ranh, tất cả đều do những lời kể lại gián tiếp, không được chứng minh bằng tuyên bố hay văn kiện chính thức.
Về phía Hoa Kỳ, ngay từ thời lập quốc, những lời nói việc làm quan trọng liên hệ tới chính quyền thường được ghi chép và lưu trữ. Nếu quả thật chính quyền Mỹ đã có ý định, hay chính thức đòi lập căn cứ quân sự, hay đưa quân vào trực tiếp chiến đấu ở Việt Nam, điều này chắc chắn phải được ghi lại trong những tài liệu công khai hay bí mật. Trong nửa thế kỷ qua, về mối liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam, những người trong cuộc đã viết hồi ký, hoặc trả lời phỏng vấn về vai trò của mình, cũng như những tài liệu mật hay tối mật, phần lớn đã được giải mật, không thấy tài liệu nào nói tới ý định hay đòi hỏi của Mỹ muốn lập căn cứ quân sự thường trực tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có chứng cớ từ năm 1961, đã có nhiều đề nghị — từ cả giới quân sự và chính trị — đem quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam. Nhưng điều quan trọng là, tất cả những đề nghị này, đều đã bị Tổng Thống John Kennedy bác bỏ.
Để hiểu rõ diễn tiến đưa tới cuộc đảo chánh 1963, có thể chia thời gian hơn 9 năm cầm quyền của Thủ Tướng rồi Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành ba giai đoạn. Năm đầu tiên, từ mùa Hè 1954 đến mùa Hè 1955 là giai đoạn thoát hiểm. Từ giữa năm 1955 đến cuối 1960, là giai đoạn ổn định và xậy dựng. Từ đầu 1961 đến cuối 1963 là giai đoạn chuyển tiếp, suy sụp và bị lật đổ.
Giai đoạn đầu, tuy có sự giúp đỡ to lớn của Hoa Kỳ, nhất là về tài chánh và phương tiện cho cuộc di tản và tái định cư hàng triệu người tị nạn Cộng Sản từ miền Bắc, nhưng ông Diệm thoát hiểm không phải hoàn toàn nhờ ở Hoa Kỳ, mà một phần nhờ vào hậu thuẫn của quần chúng và các đảng phái quốc gia. Chính Hoa Kỳ có lúc đã định bỏ rơi ông Diệm trong giai đoạn phôi thai này.
Sau khi thoát hiểm, anh em ông Diệm bắt đầu củng cố lực lượng riêng của mình gồm Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ở bề mặt, và Cần Lao là nòng cốt. Về phía Mỹ, “thoát hiểm” là khoản vốn bảo chứng cho một chính sách tích cực ủng hộ. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đứng đầu là Ngoại Trưởng Foster Dulles, đã trở thành pháo đài kiên cố bảo vệ chế độ của Tổng Thống Diệm. Ngoài viện trợ dồi dào, những “Người Mỹ bạn của Việt Nam” gồm toàn những nhân vật thế lực từ chính khách tới danh tướng và nhất là các ông vua truyền thông, đã hợp sức biến Tổng Thống Diệm thành một “kỳ nhân” (miracle man).
Ưu điểm của chế độ dân chủ là sự đổi mới sau mỗi nhiệm kỳ, nhưng khuyết điểm là thiếu liên tục, có khi lâm tình trạng hụt hẫng. Chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vững như bàn thạch trong 5 năm cuối cùng thuộc nhiệm kỳ của Tổng Thống Eisenhower. Nhưng “thần hộ mạng” của Tổng Thống Diệm là Ngoại Trưởng Dulles qua đời tháng Năm 1959. Cái “bàn thạch” là điểm tựa của Tổng Thống Diệm bắt đầu rạn nứt. Trong khi Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn Elbridge Durbrow chủ trương ông Diệm cần mở rộng chính quyền để được sự ủng hộ của dân chúng trong chính sách chống cộng, ông Diệm lại cho rằng mở rộng dân chủ là giúp cho cộng sản và tay sai lợi dụng. Khi Đại Sứ Mỹ tăng sức ép, ông Diệm tỏ ý không muốn Việt Nam là một nước bị bảo hộ như thời Pháp, điều mà ông đã cố thoát ra khi còn là một ông quan trẻ tuổi, và rằng chủ quyền và trách nhiệm của chính phủ là điều không thể coi nhẹ.
Ngày 9 tháng 11 năm 1960, Nghị Sĩ Kennedy thắng cử tổng thống, với một tỷ lệ rất thấp trước Phó Tống Thống Nixon. Hai ngày sau, 11 tháng 11, cuộc đảo chánh bất thành diễn ra tại Sài Gòn. Từ những chỉ trích của Đại Sứ Durbrow trước đó đối với ông Diệm, tới cuộc đảo chánh diễn ra ngay sau khi ông Kennedy đắc cử, và có cả bằng chứng ít nhất một nhân viên ngoại giao Mỹ có mặt bên các lãnh tụ đảo chánh, khiến mối nghi ngờ của Dinh Độc Lập đối với ê-kíp mới làm chủ Bạch Ốc có cơ sở.
Trước khi ra đi, Tổng Thống Eisenhower căn dặn ông Kennedy phải cố giữ Ai Lao bằng mọi giá, kể cả việc Mỹ phải một mình bảo vệ Ai Lao và xử dụng võ khí hạt nhân loại nhỏ, nếu cần. Vì nếu để Ai Lao vào tay Cộng Sản, cả Đông Nam Á sẽ tiêu tùng.
Edward Lansdale, từ năm 1954 đã là một cố vấn Mỹ thân cận, và là một người bạn của ông Diệm, gặp ông hầu như hàng ngày. Nhưng khi tình thế ổn định, thay vì mở rộng tự do dân chủ để đạt được hậu thuẫn của dân chúng, ông Nhu bắt đầu chèn ép đối lập, gây bất mãn trong giới trí thức và đảng phái. Khi biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chẳng những không chống, còn giúp anh em ông Diệm gây dựng phe đảng của mình để tập quyền, Lansdale thất vọng, xin về Mỹ, mặc dầu vẫn giữ cảm tình sâu đậm với ông Diệm.
Từ khi rời Việt Nam vào cuối năm 1956, Edward Lansdale vẫn muốn có dịp trở lại Sài Gòn. Tổng Thống Diệm cũng muốn thế. Nhưng con người không muốn khép mình trong hệ thống quyền lực cứng nhắc như Lansdale đã bị chống đối khắp nơi, từ Washington tới Sài Gòn. Trong hai tuần đầu tháng 01 năm 1961, trước khi Tổng Thống Kennedy nhậm chức, Lansdale đã lên tướng, tự xoay xở được một chuyến đi, với tư cách Quyền Trưởng Phòng Hành Quân Đặc Biệt thuộc Bộ Quốc Phòng, tới Việt Nam để lượng định tình hình. Theo nhận định của ông, tình hình VN thời gian này khá bi quan. Tuy bề ngoài vẫn có vẻ ổn định, nhưng tại những nơi xa thành thị, tình hình an ninh rất bất ổn. Dân chúng sống trong cảnh lo sợ, nhất là về đêm, dưới quyền sinh sát của cán binh Việt Cộng.
Trở về Washington hai ngày trước khi Tổng Thống Kennedy nhậm chức. Kèm theo báo cáo bi quan về tình hình VN gửi Bộ Trưởng Quốc Phòng sắp mãn nhiệm Thomas Gates (Bố của Bộ Trưởng QP Robert Gates thời Bush-Obama) là một bản ghi nhớ, tả lại chuyến đi tới khu Hải Yến của Cha Nguyễn Lạc Hóa ở Bình Hưng, Cà Mâu. Một “an toàn khu”, với võ khí thô sơ, do dân làng là những người gốc Hoa tị nạn cộng sản, tự tổ chức phòng thủ, nằm giữa nơi đầy Việt Cộng chung quanh, mà địch quân không làm gì được. Lansdale coi đó là mẫu mực của chiến tranh chống du kích. Một cố vấn của tân tổng thống Kennedy là Walter Rostow được đọc báo cáo của Lansdale, ưng ý, đề nghị Tổng Thống Kennedy nên đọc. Một tuần sau khi nhậm chức, ngày 28 tháng 01, 1961, Lansdale được gọi tới Bạch Ốc họp cùng với Tổng Thống, các viên chức cao cấp Bạch Ốc, gồm cả Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao, để thảo luận về tình hình Việt Nam. Dịp này, Tổng Thống Kennedy đã chấp thuận kế hoạch chống nổi dậy tại VN (CIP – Counterinsurgency Plan) gồm đề nghị tăng viện trợ để tăng quân và lực lượng bảo an, đồng thời, yêu cầu ông Diệm mở rộng thành phần chính phủ. Cũng dịp này, Tổng Thống Kennedy cho biết ông muốn đề cử Lansdale làm Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, nhưng Ngoại Trưởng Dean Rusk phản đối. Ông Rusk vốn là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, không thích lối làm việc “tùy tiện” của Lansdale.
Trái với thời kỳ tương đối phẳng lặng kéo dài từ 1955 đến 60, trước và sau khi Tổng Thống Kennedy nhậm chức, đã có nhiều chuyện quan trọng xẩy ra liên hệ tới tình hình VN. Sau khi quyết định chiếm miền Nam bằng võ lực qua Nghị Quyết 15, Hà Nội tổng động viên vào tháng Tư 1960, bắt đầu gửi quân vào Nam. Bốn tháng sau, đại úy Kong Le đảo chánh ở Lào, theo đường lối trung lập. Bốn tháng sau nữa, Liên Xô lập cầu không vận tiếp tế cho lực lượng trung lập của Kong Le vào đấu tháng 12. Hai tuần sau, Hà Nội cho ra mắt tại miền Nam “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng” vào ngày 20-12. Ngày 06 tháng 01, 1961, Nikita Khruskchev đọc diễn văn chống Mỹ và hứa ủng hộ chiến tranh giải phóng tại khắp nơi.
Ngày 9 tháng 4, 1961, ông Diệm tái đắc cử tổng thống. Mười hôm sau, Mỹ thất bại chua cay trong vụ giúp người lưu vong Cuba đổ bộ Vịnh Con Heo. Vì vụ thất bại này, Kennedy không giám quyết tâm cứu Lào. Thay vì bảo vệ Lào bằng mọi giá như lời khuyên của vị tiền nhiệm Eisenhower, Kennedy tìm giải pháp bảo vệ nền trung lập của Lào, qua bàn hội nghị. Hội nghị về Lào khai mạc tại Genève ngày 16 tháng Năm, 1961. Rồi đầu tháng Sáu, lại xẩy ra vụ khủng hoảng Berlin.
Trước hội nghị Genève về Lào, Tổng Thống Kennedy cử Phó Tổng Thống Lyndon Johnson tới gặp ông Diệm tại Sài Gòn, từ 11 đến 13 tháng Năm, 1961. Dịp này, Johnson đưa cho ông Diệm một văn thư của Kennedy gợi ý về việc gia tăng các phi vụ chống lại quân cộng sản, cũng như tăng quân lực VN thêm 20.000 người. Johnson cũng thảo luận về yêu cầu của chính quyền Kennedy là ông Diệm mở rộng thêm cho đối lập trong nước và cho dân chúng được hưởng thêm tự do. Nhưng không có lúc nào Johnson đề cập tới việc gửi quân Mỹ chiến đấu tới Việt Nam. Ông ấy cam đoan với ông Diệm là sẽ gửi máy bay trực thăng và phương tiện cần thiết cho việc tăng quân.
Vài ngày sau, các ông Diệm và Johnson có cuộc họp thứ nhì với nhiều tranh luận hơn. Ông Diệm nhấn mạnh Nam VN cần thêm 120.000 quân trên số 150.000 đã sẵn có, và không thể cáng đáng nổi. Ông Johnson hỏi liệu ông Diệm có chấp nhận quân Mỹ chiến đấu không. Ông Diệm nói chỉ chấp nhận nếu nước ông bị tấn công, nhưng ông yêu cầu thêm nhân viên Mỹ để huấn luyện cho quân lực Việt Nam.
Bốn tháng sau, vào tháng 10, 1961, ông Kennedy gửi cố vấn quân sự là Tướng Maxwell Taylor tới Sài Gòn để trực tiếp lượng định tình hình. Phái đoàn rời Washington ngày 17, ngoài Tướng Taylor còn cố vấn an ninh Walt Rostow, Tướng Lansdale và một số chuyên viên khác. Lansdale, chỉ được coi là chuyên viên trong phái đoàn, không được dự trù có mặt trong thành phần họp với ông Diệm. Nhưng khi phái đoàn vừa tới Sài Gòn, Lansdale đã được mời đi thẳng từ phi trường tới Dinh độc Lập họp riêng với anh em ông Diệm. Lansdale được ông Diệm cho biết ông vừa ban bố tình trạng khẩn trương để đối phó với trận lụt lớn ở miền Tây, và tình hình an ninh chung. Ông Diệm cũng hỏi thẳng Lansdale liệu ông có thể tin tưởng vào chính quyền Kennedy được không? Trong cuốn Edward Lansdale, the Unquiet American xuất bản năm 1988, tác giả Cecil B. Currey đã kể lại cuộc gặp gỡ giữa anh em Tổng Thống Diệm và Tướng Edward Lansdale tại Dinh Độc Lập ngày 18 tháng 10, 1961:
Nhiều năm sau, Lansdale tiết lộ: “Tôi chưa bao giờ nói với ai điều này. Diệm xác nhận rằng ông đã yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ gửi quân chiến đấu Mỹ tới Việt Nam. Lansdale buồn rầu nhìn bạn mình. “Phải chăng ông đã đạt tới tình trạng khiến ông sẽ phải cần đến họ để sống còn?” Ông Nhu có mặt, và giống như chuyến trước của Lansdale, bắt đầu trả lời thay cho anh mình. Lansdale chặn ông ta. “Tôi hỏi anh ông những câu đó, không hỏi ông!” Cả hai người Việt ngồi yên lặng một lúc. Rồi ông Diệm trả lời. “Ông muốn nói rằng tôi không nên yêu cầu gửi quân? Lansdale hỏi một câu khác. “Ông có cần họ không?” Ông Diệm không trả lời ngay và cuối cùng nói “Thật ra, không cần”. Lansdale dịu giọng góp ý “Nên giữ như thế”. Sau này ông nói, “Tôi chống lại việc mang quân chiến đấu tới. Tôi đã nhìn thấy người Pháp làm và phác họa rằng chứng ta cũng sẽ làm như họ thôi – ngay cả với ý hướng tốt”. (tr. 238)
Hôm sau, 19 tháng 10, Taylor và Rostow họp với anh em ông Diệm trong bốn giờ. Ông Diệm than phiền không hiểu tại sao chính quyền Hoa Kỳ [thời Kennedy] chưa chính thức cam kết giúp đỡ nước ông, do đó ông lo ngại Hoa Kỳ có thể bỏ rơi Việt Nam. Ông Diệm không hề đề cập việc mang quân chiến đấu Mỹ tới Việt Nam. Nhưng chính Tướng Taylor nêu vấn đề này ra hỏi ông Diệm.
Trước khi rời Việt Nam, Taylor và Rostow có cuộc họp chót với ông Diệm. Tayor hỏi thẳng ông Diệm có muốn nhận một đạo quân lớn của Mỹ tới như một “lực lượng cứu lụt”, gồm các nhân viên về y tế, thông tin, cơ khí, cùng với một số quân chiến đấu để bảo vệ an ninh cho họ. Ông Diệm đồng ý. Taylor đánh điện cho Tổng Thống Kennedy, đề nghị gửi một đạo quân từ sáu đến tám ngàn người. Trong khi dừng chân tại Baguio ở Philippines trên đường về Mỹ, Taylor gửi điện cho Tổng Thống Kennedy yêu cầu gửi ngay đạo quân này, coi như nỗ lực đóng góp với Nam VN để cứu lụt, đồng thời chặn đứng việc cộng sản xâm lấn Miền nam. Taylor cũng đề nghị Hoa Kỳ cứu xét việc ném bom Bắc Việt.
Nhưng Ngoại Trưởng Dean Rusk không đồng ý với đề nghị của Tướng Taylor. Ông nới với Tổng Thống Kennedy rằng Hoa Kỳ không nên can dự về quân sự, cho đến khi ông Diệm chịu cải tổ về chính trị.
Ngược lại, đề nghị của Taylor được sự đồng ý của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Thứ Trưởng QP Gilpatrick, và Bộ Tham Mưu Liên Quân (JCS). Trong khi ủng hộ việc gửi quân, JCS cũng báo động rằng, lực lượng 8.000 người không có là bao, không đủ để làm thay đổi cán cân lực lượng, và khó tránh được việc gửi thêm quân.
Trong báo cáo chính thức gửi cho Tổng Thống Kennedy ngày 03 tháng 11, 1961, Taylor đề nghị mang quân chiến đấu vào Việt Nam. Điều này khiến Tổng Thống Kennedy rất bối rối, vì từ đầu ông đã không muốn vậy. Nhưng nếu công luận biết có đề nghị này, mà ông từ chối, thì sẽ bị phe bảo thủ chỉ trích là quá mềm yếu trước cộng sản. Vì thế, ông đã không công bố đề nghị của Taylor, liệt nó vào loại “tuyệt mật” (eyes only), trong khi nói với báo chí là Taylor không đề nghị gửi quân, và ông cũng ra quyết định ngày 11 tháng 11 là không gửi quân chiến đấu tới VN.
Theo sử gia Arthur Schlesinger Jr. viết trong Robert Kennedy and His Times, Tướng Taylor sau này nói rằng, khi nhận báo cáo của ông “Tôi không nhớ có ai đã mạnh mẽ chống lại đề nghị gửi quân, trừ một người, và người đó là tổng thống. Tổng thống không muốn bị thuyết phục rằng đó là chuyện phải làm…. Đó chính là tin tưởng cá nhân của tổng thống rằng quân chiến đấu của Mỹ không nên vào [Việt Nam]”.
Vẫn theo ông Schlesinger, ngay từ trước khi phái đoàn Taylor/Rostow đi Sài Gòn, Tổng Thống kennedy đã kiếm được một đồng minh quan trọng, là tướng Douglas McArthur. Vị danh tướng từng đánh bại Nhật Bản và chặn đứng được làn sóng cộng quân tại Triều Tiên, ngay từ tháng Tư 1961 đã cả quyết với Tổng Thống Kennedy rằng sẽ là một sai lầm nếu chiến đấu tại Đông Nam Á. Và rằng “chúng ta sẽ điên khùng nếu đánh trên lục địa Á châu, và tương lai của Đông Nam Á nên được quyết định tại bàn hội nghị”. Quan điểm của Tướng McArthur đã hoàn toàn chinh phục Tổng Thống Kennedy, đến nỗi, sau này, nếu có ai bàn khác đi, ông ấy đều nói rằng: “Các anh hãy tới thuyết phục Tướng McArthur đi, rồi tôi sẽ chịu thuyết phục”.
Cho đến hai năm sau, là cuối 1963, vẫn còn viên chức Mỹ nêu ý kiến gửi quân Mỹ tới tham chiến tại Việt Nam, nhưng đã bị phản đối ngay. Theo Rufus Phillips kể lại trong Why Vietnam Matters, về cuộc họp tại Bạch Ốc sáng ngày 10 tháng 9 năm 1963, dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Kennedy, để nghe báo cáo về chuyến đi cấp tốc tới Việt Nam lượng định tình hình tại chỗ của Tướng Krulax thuộc Bộ Quốc Phòng, và ông Mendenhall thuộc Bộ Ngoại Giao: Sau khi nghe báo cáo tốt đẹp về tình hình quân sự của Krulax và tình hình bi quan về chính trị của Mendenhall, Tổng Thống Kennedy đã hỏi một cách mỉa mai “Có phải hai ông cùng tới một nước không?” Sau khi Rufus Phillips — một viên chức cao cấp của Mỹ về chương trình Bình Định Nông thôn vừa từ Vịêt Nam về — trình bầy ý kiến của mình, là đến lượt John Mecklin, giám đốc thông tin Mỹ (USIS) tại Sài Gòn lên tiếng. “Ông ấy nghĩ rằng chúng ta nên trực tiếp phái quân lực Mỹ tới Nam Việt Nam để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Tới điểm này, phòng họp ồn ào lên, Tướng Taylor (mặc dầu từng đề nghị đem quân chiến đấu tới VN vào năm 1961) cương quyết ‘Không, không, không thể được trong mọi trường hợp!’ Tôi kinh ngạc về đề nghị của Mecklin. Tôi không biết ông ta đã lấy ý tưởng đó từ đâu. Nó đánh lạc sự chú ý từ vấn đề chính, đó là thực tế đối phó với ông bà Nhu. Đến lượt McCone (giám đốc CIA) biện luận rằng quân đội Việt Nam có thể làm việc với Nhu, và rằng tình hình không đến nỗi tệ như báo cáo. Harriman nói rằng tình hình rõ ràng đang tan vỡ và rằng chúng ta không thể tiếp tục với Diệm”.
(coi tiếp phần 2)
—————
* Bạn đọc có thể theo dõi những chi tiết xẩy ra trong ngày TT Kennedy bị ám sát theo đường dẫn:http://damau.org/archives/1875
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét