Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Nhà cầm quyền giả câm giả điếc trong khi người dân trong nước tiếp tục lặn ngụp trong bể trầm luân

Nguyễn Duy Vinh
Chia sẻ bài viết này


Trước tiên tác giả bài viết này phải giải thích ngay ba chữ “bể trầm luân” sợ các cháu trẻ ở Việt Nam và nhất là ở hải ngoại không hiểu nghĩa ba chữ này. Các cháu nào đã học hay đọc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì chắc chắn đã nghe qua ba chữ bể trầm luân. Trầm có nghĩa là “chìm đắm”, còn luân là “trôi lăn” theo một vài từ điển cũ xuất bản trước 1975 ở miền Nam. Riêng từ điển mới nhất của giáo sư kiêm học giả Hoàng Phê vừa xuất bản lại lần thứ năm trong nước năm 2013 thì ghi rõ hơn và định nghĩa trầm luân là “chìm đắm trong bể khổ, theo quan niệm của đạo Phật” (trang 1322). Như thế lặn ngụp trong bể trầm luân là lặn ngụp trong bể khổ.
Vậy bể khổ đó là bể khổ như thế nào theo quan niệm nhà Phật?
Trả lời được câu hỏi này đòi hỏi chúng tôi phải quay về nghiên cứu thêm về đạo Phật để biết Đức Phật đã nói gì về cái bể khổ này. Sự thật về khổ hay khổ đế là một trong bốn sự thật tuyệt vời (tứ diệu đế) mà Đức Phật đã giảng dạy. Bắt đầu Ngài nói về sự có mặt của khổ đau trong Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm anh em ông Kiều Trần Như ngay sau khi Ngài giác ngộ. Trong kinh này Đức Phật nói đến tám cái khổ lớn của loài người. Tám cái khổ này gồm có: Sinh, Bệnh, Lão, Tử, Cầu Bất Đắc, Ái Biệt Ly, Oán Tăng Hội và Ngũ Ấm Xí Thạnh. Dưới đây tôi xin tuần tự đi thêm vào chi tiết của từng cái khổ và xem cách ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta.
1. Sinh: sinh nở không phải là chuyện dễ tùy mình sinh ở đâu và trong những hoàn cảnh nào. Sinh nở ở Ấn Độ cách đây hai ngàn sáu trăm năm (tức là vào thời Đức Phật tại thế) có rất nhiều rủi ro vì phương tiện thuốc thang, cách ăn uống dinh dưỡng cũng như sự chăm sóc về y tế chắc chắn không được đầy đủ như ngày nay. Sinh đẻ trong những điều kiện thiếu thốn như thế có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ và của đứa bé sơ sinh. Mà điều kiện sống và trưởng thành cho đứa bé trong một xã hội nghèo nàn thời đó cũng không có gì bảo đảm tương lai đứa bé. Như vậy sinh chính tự nó đã là khổ và ngoài ra nó còn là nguyên nhân cho những cái khổ khác sau này. Và dĩ nhiên việc đứa bé ra đời đồng thời cũng là một phép lạ. Hầu như tất cả những nền văn minh nhân loại đều trân quý sự ra đời của một trẻ thơ. Bên trời Âu Mỹ người ta có những buổi lễ sinh nhật được tổ chức rình rang trong vòng gia đình và bạn bè thân thuộc. Nước ta tuy không có phong tục ăn sinh nhật trong quá khứ nhưng ngày nay các bạn trẻ trong nước đã bắt đầu bắt chước và hấp thụ phong tục Âu Mỹ và có nhiều nơi trong nước đã có nhiều gia đình tổ chức những buổi ăn mừng sinh nhật rất vui tươi và ấm cúng. Sinh đẻ ở Việt Nam ngày nay tương đối cũng ít hiểm nguy hơn dưới thời chiến tranh. Chả thế mà dân số nước ta từ khoảng xấp xỉ 30 triệu (thống kê năm 1960, sách địa lý Tăng Xuân An) cho cả Nam lẫn Bắc mà ngày nay (năm 2013) đã lên gần 90 triệu trên toàn quốc. Số người tăng vọt đông đảo này cũng là một nguyên nhân gây ra biết bao khổ não cho nhà nước trong quy hoạch định hướng xã hội chủ nghĩa, nói nôm na trên lý thuyết là chủ nghĩa hướng về dân. Thôi thì trong lúc chúng ta chưa biết được rõ ràng ý của nhà nước về vấn đề định hướng này (bản văn hiến pháp đang có hiệu lực ở Việt Nam hiện nay không có điều khoản nào định nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa), chúng ta cứ tạm chấp nhận những mục tiêu như đẩy mạnh kinh tế, như xóa đói giảm nghèo vân vân của nhà nước Việt Nam là để tạo ra một môi trường an sinh thuận lợi và thích hợp cho người dân. Dân chả làm ra xã hội là gì. Nếu không vì dân thì định hướng xã hội đó trở thành vô nghĩa và chắc chắn sẽ không được dân ủng hộ. Và nếu dân không hạnh phúc, họ sẽ vùng dậy đòi quyền sống và lúc đó sẽ không còn sự ổn định mà nhà nước lúc nào cũng nơm nớp lo toan.
Dầu gì chăng nữa, chúng ta có thể kết luận sinh là một cái khổ lớn theo nghĩa đã giải lý trên đây. Vừa qua đã có những vụ sinh đẻ ở Việt Nam làm chết cả mẹ lẫn con tại một bệnh viện đa khoa ở Thanh Hóa. Theo các báo chí trong nước thì có sự cẩu thả của một bác sĩ và nhóm y tá trợ tá của vị bác sĩ này. Trong khi chờ đợi giới hữu trách điều tra để biết rõ sự việc, cái chết của chị Nguyễn Thị Xuân đã được dân thành phố Thiệu Hóa rêu rao là vì chị ấy không có sẵn phong bì để nộp cho bệnh viện. Phong bì đây là tiền. Không có tiền kèm thêm để mua “dịch vụ đặc biệt” thì phải đợi, và chính cái đợi này có thể đã đưa đến cái chết của hai mẹ con chị Xuân vì đây là một trường hợp khẩn cấp cần được bác sĩ săn sóc và ra tay cứu độ ngay.
2. Bệnh: bệnh là khổ. Ai sinh ra mà không muốn được khỏe mạnh bay nhẩy và sống lâu để hưởng thụ hết những thú vui trên đời. Một điều phải nói ngay là có bệnh ở một nước tân tiến thì khổ ít hơn là có bệnh ở một nước nghèo hoặc đang trên đường tiến triển vì chính phủ do dân bầu của những nước dân chủ tân tiến luôn có những khoản tiền khổng lồ đổ vào các dịch vụ y tế cho người dân. Dịch vụ y tế và phương pháp chữa trị kém cõi của các nước chậm tiến là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết tức tưởi oan khiên. Chúng ta chỉ cần xem các tin tức trên mạng để thấy rõ điều kiện chữa trị ở đa số các nước trên thế giới hiện nay. Riêng ở Việt Nam, thủ tục đầu tiên (tức là phải có phong bì xòe ra khi nhập viện) rất cần thiết để bảo đảm cho một sự chăm sóc tương đối chu đáo hơn. Đó là chưa kể có một số nhân viên y tế bất tài vì số người này kiếm được việc trong ngành y là nhờ vào chạy chọt “mua chức mua việc” với những phong bì dầy cộm. Đã có nhiều bài báo trong nước nói lên tệ nạn bất tài này của ngành y. Bất tài thường đưa đến bất hạnh, tức là khổ đấy. Một số ngài quan chức của Bộ Y Tế thì còn lo mánh mung làm giàu và họ bận lắm không lo được gì nhiều cho dân.
3. Lão: già là khổ. Già ở đâu cũng khổ, không cứ gì ở Việt Nam. Ở Việt Nam nhờ vào văn hóa tam đại đồng đường trước đây, già nhiều khi đỡ khổ hơn là ở những nước văn minh. Mặc dù điều kiện vật chất ở những nước văn minh rất đầy đủ, vấn đề con cái quá bận bịu lo kế sinh nhai và không chăm sóc được cho ông bà cha mẹ lúc tuổi già là một vấn đề thường được nhắc đến. Ở Việt Nam, nhờ vào khí hậu ấm áp ôn hòa (trừ khi có mưa to và lũ lụt), người già, nếu có con cái phụng dưỡng, vẫn cảm thấy đỡ cô đơn và hiu quạnh hơn những người già gốc Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Những người già không có con cháu bên cạnh thì dù có sống ở VN hay ở nước ngoài vẫn cảm thấy rất cô đơn. Tuy nhiên việc các cụ lớn tuổi sống chung với con cháu cũng gây ra rất nhiều phiền não vì một số các cụ lớn tuổi hay mắc chứng bệnh mất trí nhớ (bệnh Alzheimer hay bệnh đãng trí dementia) hoặc cơ thể ngày mỗi yếu không tự mình di chuyển được dễ dàng trong nhà. Sự chăm sóc đòi hỏi sự có mặt của người thân 24 giờ trên 24, công vào việc thuê mướn các dụng cụ cơ khí như xe lăn, máy đưa lên đưa xuống cầu thang, bồn tắm đặc biệt v.v… Bao nhiêu nỗi khổ về già.
4. Tử: nhiều người quan niệm chết là hết. Cái hết này tùy vào sự ra đi. Ra đi êm ái hay là ra đi trong sự hành hạ của cơn bệnh, của tuổi già. Chết là hết nếu sự ra đi thật sự thanh thản. Khi mình không còn day dứt hối tiếc những việc đã hoặc chưa làm và khi mình không còn bị đay nghiến dày vò bởi niềm hối hận của những việc mình gây ra, sự ra đi như thế chắc chắn thanh thản hơn và cái chết như vậy chỉ có thể gây khổ cho những người thân còn sống. Nào là lo ma chay, nào là lo mua hòm chôn cất hay thiêu đốt xác thành tro. Tất cả đều rất tốn kém. Rồi thì khi cái nắp quan tài đóng chầm xuống, những người thân còn lại ôm nhau mà khóc. Mà có cái khóc nào đáng thương bằng cái khóc cho chính đứa con thân yêu của mình như tấm hình cạnh đây (cháu bé bị tiêm nhầm thuốc, thay vì vắc xin chích ngừa thì y tá bệnh viện chích nhầm thuốc co bóp tử cung). Một tấm hình mà các bạn tôi xem ai cũng mủi lòng. Một hoàn cảnh vô cùng thương tâm và tôi xin thành thật chia buồn cùng gia đình trên tấm ảnh này.
bekhotramluan.jpg
5. Cầu bất đắc: cầu mong điều gì mà không được toại ý là khổ. Những điều cầu mong còn được gọi là khát vọng. Một sự ao ước về một điều gì. Ao ước lấy được người mình yêu. Ao ước được thăng quan tiến chức. Ao ước có nhiều tiền. Ao ước được ăn ngon và được ngủ nhiều… Nhiều ao ước lắm. Có những cô gái không được gia đình cho phép lấy người mình thương đã nhảy lầu hay nhảy xuống sông tự vẫn. Có những người dân bị nhà nước cưỡng chế đất làm tan giấc mơ được quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của họ như trường hợp ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng. Ông Vươn đã dùng súng hoa cải tự vệ khi toán lính quân đội nhân dân và công an Hải Phòng vũ trang đến tận cổ tấn công vào nhà và khu đầm nuôi hải sản của gia đình ông. Vụ án ông Vươn đã là đề tài cho cả nước bàn tán xôn xao một dạo, tạo ra nhiều nỗi bất bình phẫn uất và hiện nay vẫn còn tiếp tục gây khổ đau cho gia đình ông Vươn.
6. Ái biệt ly: phải xa lìa người mình thương là khổ. Trong cuộc chiến Nam Bắc, có rất nhiều thanh niên hoặc thiếu nữ đã phải từ giã người yêu khi những thanh niên đến tuổi đi lính và phải rời xa gia đình bè bạn. Bao nhiêu người mẹ đã gạt nước mắt đưa con xuống thuyền vượt biên sau 1975. Hằng vạn người vượt biên đã chết trên biển vì tàu họ bị sóng bão đánh chìm. Hàng vạn người vợ người mẹ đưa con và chồng lên đường đi học tập cải tạo sau 1975. Có rất nhiều người đi và không bao giờ trở lại. Phần lớn chết vì điều kiện sống trong các trại cải tạo quá thiếu thốn và khó khăn. Người còn lại cũng sống vất vưởng trầm luân trong những tháng năm xa cách. Con xa cha, vợ xa chồng, mẹ già đầu bạc sương mai mỏi mòn trông ngày về đoàn tụ với những đứa con thân yêu.
7. Oán tăng hội: phải sống cạnh người mình ghét và phải chịu đựng người đó là khổ. Chỉ cần đọc lại Loan và Dũng trong truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh để biết Loan đã khổ như thế nào trong khi phải sống bên cạnh người chồng mà nàng bị bắt buộc cưới là Thân và bà mẹ chồng dữ dằn đanh ác là bà Phán Lợi. Ở Việt Nam hiện nay không biết có bao nhiêu cảnh oán tăng hội này. Cảnh những người phụ nữ Việt Nam bị bó buộc (và đôi khi bị bắt buộc) lấy chồng ngoại quốc như người Trung Quốc, Đại Hàn, Đài Loan và Singapore. Đã có nhiều thiếu nữ trẻ đẹp ở tuổi thanh xuân sau khi về nhà chồng đã nhảy lầu hay uống thuốc quyên sinh tự tử.
8. Ngũ ấm xí thạnh: Ngũ ấm (hay ngũ uẩn) theo sách nhà Phật là năm cái nhóm tập hợp làm ra con người. Năm nhóm đó là sắc (thân thể xương thịt), thọ (những cảm thọ), tưởng (cái nhìn cái thấy của mình), hành (những tâm hành như giận, yêu, ghen ghét v.v…) và thức (những cái biết trên bình diện tâm thức). Khi một trong năm nhóm này quá mạnh và lấn áp những nhóm khác, con người nằm trong trạng thái bất an. Khi cái thân bị đau nhức, cái tâm (tức là bốn ấm còn lại) cũng sẽ không thảnh thơi. Nói một cách khoa học hơn là khi năm uẩn này không có sự hòa hợp, cái khổ sẽ sinh ra. Sự hòa hài giữa năm uẩn rất quan trọng theo triết lý nhà Phật. Sống trong một môi trường ô nhiễm trầm trọng như nhiều nơi ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn bụi bặm như Hà Nội và Sài Gòn dễ đưa đến sự bất hòa giữa năm uẩn. Khi phổi ta (sắc) không thở được dễ dàng thì chẳng bao lâu ta sẽ khổ vì bệnh sẽ sinh ra. Đó là chưa kể những phiền não lo âu khi mình phải lái xe trên những đường phố đông nhung nhúc những người và xe, nhất là loại xe máy nổ hai bánh ở Việt Nam. Tâm thần mình bất an thì thân mình trước sau cũng bị ảnh hưởng. Người dân trong nước ngày nay sống trong cảnh nơm nớp lo âu và bất an rất nhiều. Lái xe ra đường thì lo tai nạn. Chầu chực làm thủ tục giấy tờ với nhà nước thì lo không đủ phong bì. Đau ốm đi bệnh viện thì lo không được chữa trị đúng cách. Ăn nói hoặc viết lách để phản đối về việc Trung Quốc xâm lấn ở biên giới Việt-Trung cũng như ở biển Đông thì lo công an kêu lên làm việc và có thể bị chở đi biệt tích hoặc bị tra tấn nhừ tử trong đồn công an. Đi ăn uống ngoài phố thì lo ăn nhầm thức ăn bị ngộ độc nhất là những thức ăn khô hoặc đóng hộp được gởi từ Trung Quốc sang.
Trong khi người dân phải bôn ba tranh đấu vất vả cho cuộc sống ngày càng khó khăn trong nước, thì các nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục thờ ơ giả câm giả điếc. Họ lại còn giả mù nữa. Họ bịt cả tai mắt mũi mồm vì họ không muốn hoặc không đủ sức giải quyết những vấn đề trọng đại của quốc gia. Những vấn đề trọng đại này có thể tìm thấy trong hầu hết tất cả những lĩnh vực như chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước mà nền móng đã bị sâu mọt tham nhũng ăn ruỗng. Nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn ở nước ta. Chuyện phong bì, phong bao, lót tay đã trở thành chuyện sinh hoạt thường nhật. Từ bệnh viện, đến trường học, từ cảnh sát giao thông đến quan chức hải quan, từ công an xã đến công an phường, công an tỉnh, từ mặt trận kiểm sát đến ủy ban nhân dân thành phố, không chỗ nào là không có thủ tục “bồi dưỡng”, “phong bao”. Những vụ tham nhũng trầm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Từ vụ ông Dương Chí Dũng và đồng lõa làm thất thoát cả mấy chục triệu đồng USD trong việc quản lý các công nghệ đóng tàu Vinalines, tiếp theo các vụ tham ô tài sản của các viên chức cao cấp trong tập đoàn Vinalines cho đến vụ bà Huỳnh Thị Huyền Như cán bộ Vietibank chi nhánh TPHCM lừa đảo chiếm đoạt cả ngàn tỉ đồng VN. Từ vụ nhận hối lộ xảy ra ở ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Dak Nông cho đến vụ bầu Kiên. Từ vụ lạm quyền làm thất thoát cả triệu đồng USD tại chi nhánh Nam Hà Nội của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đến vụ tham ô tài sản lớn lao của tập đoàn Vinashin. Nhìn đâu cũng thấy sâu như lời chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đã có những kiến nghị đến từ những cử tri các quận phường và người dân yêu cầu chính phủ đẩy mạnh việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt nhất là 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng vẫn được các báo trong nước nhắc đến thường xuyên nhưng cho đến nay nhà cầm quyền vẫn giả câm giả điếc không lên tiếng trả lời cho dân về những kiến nghị này.
Kinh tế Việt Nam (VN) đang gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Nếu chúng ta để thì giờ xem kỹ các báo cáo của chính phủ VN do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD) trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sáng 21/10/2013 vừa qua, chúng ta có thể hiểu được là nước ta có nhiều vấn đề rất lớn khiến tình hình kinh tế VN rất khó được ổn định. Theo báo cáo này thì hình như trong nhiều năm qua VN vẫn luôn sống trong tình trạng bất ổn định kinh tế. Nguyên nhân sâu xa là do nợ xấu ngân hàng và các vấn đề thu chi ngân sách bị thâm hụt lớn. Nợ xấu ngân hàng hiện nay nghe theo tin tức các báo trong nước cho biết đã lên đến xấp xỉ 200 ngàn tỉ đồng VN. Báo cáo của ông NTD năm nào cũng giống năm nào và cứ lập đi lập lại bốn chữ “ổn định kinh tế” vừa mơ hồ vừa rỗng tuếch vì chính phủ đã không đưa ra được những phương pháp cụ thể có khả năng làm thay đổi tình thế. Tiền vốn đầu tư của nước ngoài cũng như tiền vay mượn của nhà nước Việt Nam là những số tiền khổng lồ, thế mà hệ quả lợi lộc đến với dân thì rất ít chứng tỏ nhà nước đã thất bại trong việc quản lý những số tiền khổng lồ đó. Chúng ta có thể đặt một câu hỏi cho nhà nước ở đây là “thế số tiền thất thoát giữa thu và chi nó đi đâu? ” và ngay cả trẻ con cũng có thể đoán được một số lớn số tiền này đã chui vào túi của các quan tham nhũng trong khi số còn lại mất đi do sự quản lý lãng phí và bất tài của nhà nước Việt Nam.
Hết khó khăn kinh tế đến tình trạng xã hội bất an. Nhà nước hiện nay không giải quyết được rất nhiều bất công xã hội đang diễn ra tại Việt Nam. Từ những vụ cưỡng chế đất đai cho đến việc bắt bớ những công dân Việt Nam tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền. Công an đánh đập và bắt giam những công dân Việt Nam bày tỏ lòng yêu nước phản đối việc Trung Quốc xâm lấn đất đai và biển đảo Việt Nam. Tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Những vụ cướp giật trên các đường phố Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng ngày càng táo bạo. Cách ứng xử giữa con người với con người không còn được như trước kia. Có nhiều người than rằng ngày nay người dân Việt Nam ngày càng trở thành vô cảm. Đạo đức xã hội trong nước bị xuống cấp trầm trọng trong khi ngoài nước ở những nơi có nhiều người Việt đi xuất khẩu lao động thì hiện tượng ăn cắp, ăn trộm, làm nghề bán dâm, buôn lậu đầy dẫy. Hình ảnh người Việt Nam ở những quốc gia như Nhật, Nam Hàn, Nga, Anh, Singapore, Mã Lai và ở các nước trung đông như Qtar, Dubai, Arabie Saoudite v.v…không được gì đẹp cho lắm vì những tệ nạn kể trên.
Về văn hóa thì không biết tương lai văn hóa Việt Nam sẽ đi về đâu dưới sự lãnh đạo bất cần ngày nay của đảng cộng sản Việt Nam. Về văn học nghệ thuật, dân trong nước được xem thường xuyên mỗi tối qua các chương trình truyền hình nhà nước những bộ phim của Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Phim quay từ Việt Nam do người Việt diễn xuất hầu như không có hoặc quá ít và kém cõi không cạnh tranh nổi với phim nước ngoài. Từ sau năm 1975 đến nay, không thấy có những sáng tác văn chương đáng kể. Về âm nhạc cũng chỉ thấy hát đi hát lại những bài tình ca cũ rích và những bài nhạc trước 1975 (còn được gọi là “nhạc vàng”) rất được người dân hai miền hâm mộ.
Phẫn uất của người dân trước tình hình trầm luân của đất nước được thể hiện qua những kiến nghị hiền hòa và thẳng thắn. Kiến nghị nào cũng có hơn cả ngàn người ký. Nhà cầm quyền thì tiếp tục giả câm giả điếc và không một kiến nghị nào được nhà nước trả lời hoặc có những hành động giải quyết những đòi hỏi chính đáng của người dân. Đi ngược dòng thời gian, tác giả bài viết xin ghi lại đây những kiến nghị quan trọng nhất:
1. Kiến nghị của các lãnh đạo tôn giáo yêu cầu thả những tù nhân lương tâm: do các linh mục trong dòng Chúa Cứu Thế gửi cho chính phủ và quốc hội VN ngày 02 tháng 10 năm 2013 lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi công bằng và nhân quyền tại VN. Kiến nghị này có các đại diện tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo và các nhóm Phật Giáo khác nhau trong nước đồng ký.
2. Kiến nghị 72: đây là kiến nghị rất quan trọng đòi hỏi sửa đổi hiến pháp Việt Nam (tức là hiến pháp 1992). Kiến nghị này gồm 7 điểm đòi hỏi nhà cầm quyền phải chấp nhận cạnh tranh chính trị, bảo vệ quyền con người và sở hữu đất đai, tổ chức nhà nước VN với 3 quyền phân lập rạch ròi, tổ chức lực lượng võ trang để bảo vệ lợi ích toàn dân chứ không phải để trung thành với bất kỳ một tổ chức nào, trưng cầu dân ý dân đối với hiến pháp (quyền phúc quyết), gia hạn thời gian góp ý kiến sửa đổi hiến pháp. Kiến nghị 72 là do 72 người sống trong nước đã từng là những người có công trong cuộc cách mạng cứu nước của “bên thắng cuộc” và đã được nộp lên quốc hội cũng như gửi đến chính phủ VN ngày 19 tháng 01 năm 2013.
3. Kiến nghị của các xã hội dân sự VN về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992: do bẩy (7) nhóm xã hội dân sự VN thảo, ký và nộp lên quốc hội VN ngày 15 tháng 03 năm 2013. Kiến nghị này đòi hỏi hiến pháp phải phản ánh đúng chức năng của một hiến pháp dân chủ, bảo đảm quyền lập hiến thuộc về toàn dân và không phân biệt đối xử, bảo đảm các quyền tự do căn bản nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, bỏ quy định giới hạn quyền con người, quyền công dân, thành lập ủy ban quốc gia về quyền con người, thành lập tòa án hiến pháp.
4. Kiến nghị của 82 nhân sĩ trí thức gửi chủ tịch nước VN trước chuyến thăm Mỹ: kiến nghị này được gửi đến văn phòng chủ tịch nước vào giữa tháng 07 năm 2013 trong đó có chữ ký của 82 nhà trí thức có tên tuổi trong nước, nhà báo và cựu viên chức. Kiến nghị yêu cầu chủ tịch nước không để những “cam kết” với Trung Quốc phủ bóng lên cuộc công du Mỹ sắp tới, để ý đến đất nước trầm luân và kinh tế khó khăn, cải thiện dân chủ và nhân quyền tại VN để được Mỹ ủng hộ vào TPP.
5. Kiến nghị khởi tố vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn: do luật sư Trần Vũ Hải ký và gửi lên thủ tướng chính phủ yêu cầu chính phủ chỉ đạo cho Bộ Công An xem xét lại vụ đánh sập ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Thanh Lãng (Hải Phòng).
6. Tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực: đăng trên báo mạng bauxite VN ngày 04 tháng 06 năm 2012 và ở đợt 9 đã có đến 3350 chữ ký.
7. Thư kêu gọi tổ chức quốc tế (đối tác của Ecopark) nhằm cảnh tỉnh họ về tình trạng cưỡng chế đất bất hợp pháp của nhà nước VN ở Văn Giang: đăng trên các báo lề trái ngày 09 tháng 05 năm 2012.
8. Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ: nộp cho chính phủ ngày 07 tháng 05 năm 2011 với 1889 chữ ký.
9. Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình trạng hiện nay: do 1219 người ký và nộp lên Trung Ương Đảng Cộng Sản VN nói lên tình trạng độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp và bị xâm phạm nghiêm trọng và tình hình đất nước có nhiều khó khăn và mối nguy lớn như là kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng, văn hóa-xã hội đất nước đang xuống cấp, chế độ chính trị còn nhiều bất cập cản trở sự phát triển của đất nước.
10. Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam: kiến nghị có 2746 người ký và nộp lên chính phủ VN yêu cầu: phải ngừng ngay dự án bauxite Tây Nguyên cho đến khi quốc hội xem xét toàn bộ báo cáo và đưa ra những phê chuẩn thích hợp.
11. Thư thỉnh nguyện của nhà thơ Hoàng Hưng kêu gọi chính quyền Việt Nam quan tâm đến 400 tu sĩ Bát Nhã đang bị hàng trăm kẻ lạ mặt khủng bố và hành hung: thư thỉnh nguyện này đã có hơn ngàn người ký đã được chuyển đến văn phòng chủ tịch nước, thủ tướng và quốc hội VN ngày 05 tháng 10 năm 2009. Thư thỉnh nguyện kêu gọi các lãnh đạo nhà nước VN quan tâm và có biện pháp giải quyết tình trạng 200 thanh niên xã hội đen đang đập phá và xua đuổi khoảng 400 tăng sinh đang tu tập theo Pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã (xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) trong khi công an có mặt làm ngơ. Thư cũng nói lên việc chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm và đồng tình cho phép việc đánh phá tu viện được diễn ra dưới sự hiện diện của công an tỉnh Lâm Đồng. Thư cũng nhấn mạnh việc làm ngơ của toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức của VN đã im lặng trong suốt thời gian xẩy ra biến cố ở Tu Viện Bát Nhã.
Kiến nghị thì kể mãi cũng không hết. Tác giả bài viết xin ngừng ở năm 2009 và có đôi lời kết luận dưới đây qua bài thơ 4 chữ để kính tặng toàn thể dân Việt Nam và cũng để nói lên sự giả dối của nhà cầm quyền đương thời trước cái bể trầm luân trong đó dân trong nước đang lặn ngụp:
Nhân:
Nhà nước bất tài
Làm việc bất cẩn
Thái độ bất cần
Thu nhập bất chính
Tòa án bất công
Quản lý bất cập
Công an bất nhẫn
Quả:
Tình hình bất an
Xã hội bất hòa
Lòng dân bất mãn
Kiến nghị bất tận
Nhà cầm quyền VN vẫn tiếp tục giả câm giả điếc và người dân VN tiếp tục lặn ngụp trong bể trầm luân.
Nguyễn Duy Vinh
Tiến Sĩ Cơ Khí Động Học về hưu, đang dạy học ở Châu Phi.
Viết vào cuối thu năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét