Nhà sử học Dương Trung Quốc nói Chính quyền ở Việt Nam hiện nay giữ nguyên cách nhìn của họ về Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, 50 năm sau khi ông bị sát hại.
Nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC hôm 5/11, ông Dương Trung Quốc nói ông Diệm là "nhân vật có vị trí nhất định trong lịch sử hiện đại Việt Nam" nhưng nói thêm:
"Về quan điểm chính thống không có thay đổi gì trong sách giáo khoa hay các công trình nghiên cứu lịch sử.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ trong nhận thức của những người làm công tác lịch sử, những nhà nghiên cứu lịch sử chắc cũng có những suy nghĩ.
"Dẫu sao với độ lùi thời gian 50 năm, những biến cố diễn ra trên đất nước Việt Nam nói chung và chính thể Việt Nam Cộng hòa nói riêng, cũng có thể người ta đưa ra được một vài suy nghĩ khác nhau."
Mặc dù vậy nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng của Việt Nam nói hiện "chưa có đánh giá chính thức nào trên phương diện sử học chính thống" ở Việt Nam về ông Diệm.
"Cái vụ người ta cũng hay nhắc đến là câu chuyện đánh giá ông Diệm từ những câu chuyện còn mang tính chất chưa được xác thực," ông Quốc nói.
"Thí dụ đánh giá của cụ Hồ Chí Minh đối với ông Diệm chẳng hạn, thông qua một vài hồi ức của những nhân vật quốc tế ở trong Ủy hội Kiểm soát Đình chiến Đông Dương, người Ba Lan, người Ấn Độ chẳng hạn, cho rằng phải chăng cũng có một chủ nghĩa dân tộc, một chủ nghĩa yêu nước nào đó theo kiểu Ngô Đình Diệm chăng.
"Điều đó cũng có trong những suy nghĩ, trong những trao đổi nhưng về quan điểm chính thống, theo tôi, hầu như chưa có thay đổi gì."
'Quyết liệt chống Cộng'
Nói về các tài liệu giải mật của Hoa Kỳ đề cập tới chuyện ông Ngô Đình Nhu, cố vấn của ông Diệm, đã có những liên hệ bí mật với cộng sản trong đầu thập niên 60, ông Quốc cũng nói đã được nghe về những "gặp gỡ bí mật ở Tây Nguyên có liên quan tới vai trò của ông Ngô Đình Nhu."
Còn về đánh giá của miền Bắc liên quan tới Tổng thống John F. Kennedy, người có phần chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính ông Diệm cũng như sự can dự gia tăng của Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Dương Trung Quốc dẫn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với con trai của Tổng thống Kennedy hồi năm 1998:
"Ông Diệm cũng là người phát động 'Lấp sông Bến Hải, Bắc Tiến' trước cả khi ông Hồ Chí Minh tiến hành giải phóng miền Nam. Rõ ràng trách nhiệm liên quan tới Tổng tuyển cử, lẽ ra diễn ra sau hai năm ký Hiệp định Geneve, ông Diệm đã không chấp nhận."
Dương Trung Quốc
"Ông Tổng thống Kennedy là người đã trực tiếp dấn sâu cuộc chiến của Mỹ vào Việt Nam nhưng hình như khi ông nhận thức ra rằng đó là sai lầm thì ông cũng rơi vào cạm bẫy, cũng như một vụ ám sát..."
Ông Dương Trung Quốc bình luận thêm: "Có thể nói đây là một vấn đề của lịch sử và liên quan tới chính sách của Mỹ ở Việt Nam, và chắc chắn có mối liên hệ giữa cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng thống Kennedy vào một thời điểm gần như sát nút nhau.
"Còn đánh giá lại giai đoạn lịch sử đó phải đặt trong bối cảnh chung và đương nhiên ông Diệm là người chống đối quyết liệt Chủ nghĩa Cộng sản.
"Ai cũng biết ông ấy là người kế thừa quan điểm của ông Bảo Đại là không ký kết vào Hiệp định Geneve.
"Và ông Diệm cũng là người phát động 'Lấp sông Bến Hải, Bắc Tiến' trước cả khi ông Hồ Chí Minh tiến hành giải phóng miền Nam.
"Rõ ràng trách nhiệm liên quan tới Tổng tuyển cử, lẽ ra diễn ra sau hai năm ký Hiệp định Geneve, ông Diệm đã không chấp nhận.
"Điều đó dễ hiểu thôi vì theo mọi đánh giá nếu cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào thời điểm đó thì ông Diệm sẽ thất bại."
Ông Quốc nhìn nhận rằng khi đó miền Bắc "vẫn còn hào quang của Điện Biên Phủ" trong khi "ông Diệm vẫn gắn bó với chế độ của ông Bảo Đại và gắn liền với thất bại của người Pháp ở Đông Dương."
"Cho dù ông Diệm đã chuyển sang dựa vào Mỹ là chính nhưng vào thời điểm đó ông Diệm chưa xác lập được vị thế chính trị, chưa có quá khứ để có thể tạo dựng được uy tín, ngoài việc ông ấy chống Cộng," ông Quốc nói.
"...Tôi nhớ chủ trương Tổng tuyển cử, khi đó miền Bắc rất chủ động. Tôi có tài liệu nói rằng khi Hà Nội khánh thành Sân vận động Hàng Đẫy thì Chính phủ miền Bắc đã gửi thư đề nghị Chính phủ miền Nam cử một đội bóng đá ra thi đấu."
'Điểm tựa phản diện'
Trong phỏng vấn với BBC hôm 5/11, ông Dương Trung Quốc cũng đưa ra cách nhìn nhận của ông về nhân vật Ngô Đình Diệm:
"Đánh giá ông Ngô Đình Diệm thì phải đánh giá ông ấy là một chính khách, chính khách đã có mặt trong những hoạt động chính trị từ thời kỳ cuối của Triều đình nhà Nguyễn, trong Nội các của ông Bảo Đại, rồi trở thành người thành lập nền Cộng hòa đầu tiên dựa vào Mỹ và dựa vào chủ trương chống Cộng.
"Cái thứ hai khi nói về ông Diệm không thể nói tới yếu tố gia đình trị và có những yếu tố không phải bản thân ông Diệm mà gia đình ông Diệm, thí dụ như bà Nhu chẳng hạn, ông Nhu chẳng hạn.
"[Họ] là chỗ dựa của ông Diệm và là những điểm tựa rất phản diện và mang lại những thất bại cho ông Diệm ở chính trường trong nước cũng như quốc tế.
"Đọc lại những văn kiện lịch sử lúc bây giờ thì rõ ràng rằng cái vụ thái độ ứng xử với Phật giáo là nguyên nhân trực tiếp, cũng như ứng xử của gia đình ông Diệm nó mang lại cái tất yếu là cuộc lật đổ và cái chết trực tiếp của ông Diệm thì gắn liền với diễn biến cụ thể mà thôi."
Ông Dương Trung Quốc nói chuyện chia hai miền nam, bắc luôn chỉ có ý nghĩa tạm thời và chuyện thống nhất hai miền theo Hiệp định Geneva là mục tiêu "cuối cùng" và "bất di bất dịch".
Ông cũng nói thêm Cuộc chiến Đông Dương diễn ra cũng chỉ vì Pháp muốn tách miền Nam ra khỏi Việt Nam.
Theo sử gia này, miền Bắc luôn có mục tiêu "xuyên suốt" để thống nhất Việt Nam trong khi ở Việt Nam ông Diệm phải "ứng phó" với vua Bảo Đại, các phe phái khác nhau và phải chuyển chỗ dựa từ người Pháp sang người Mỹ.
"Miền Bắc không quan tâm nhiều tới vụ này, ngay cả thời điểm kỷ niệm 50 năm cuộc đảo chính và ông Diệm bị sát hại.
"Trước sau gì ông Diệm vẫn là lực lượng chống lại Hiệp định Geneva và chủ trương chia cắt lâu dài.
"Chúng ta ai cũng nhớ tới câu nói, mà sau này người ta có thể tìm cách biện hộ, là 'biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17'.
"Đương nhiên đằng sau nó còn chủ nghĩa chống cộng và Luật 10/59 nữa.
"Trong quan điểm chính thống thì không có gì thay đổi cả. Chỉ có cùng với thời gian lịch sử người ta có thể đánh giá xem ông Diệm có một tinh thần dân tộc nào đó, được thể hiện bằng một cách nào đó, vào thời điểm đó hay không mà thôi.
Ông Quốc nói cũng cần nhìn những gì diễn ra cách đây 50 năm và hơn nữa trong bối cảnh thế giới phân cực rõ rệt và sự phân cực đó hiện diện ở khắp nơi, khiến các bên đều phải lựa chọn lấy "chỗ dựa".
Bắc và Nam Việt Nam, cùng với Bắc và Nam Triều Tiên và Đông Đức và Tây Đức đã trở thành ba "tiền đồn" của sự phân cực trên thế giới.
Nhưng ông cũng nói thêm: "Tôi nghĩ rằng người Việt Nam, dù miền bắc hay miền nam, kể cả ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm, thì trong cốt lõi của nó vẫn có tinh thần dân tộc.
"Chỉ có là tinh thần dân tộc được thực thi như thế nào trong vai trò lãnh đạo quốc gia của mỗi một giai đoạn chính trị mà thôi.
Chưa có 'nhu cầu'
Ông Quốc nói hiện tại ở Việt Nam chưa có nhu cầu tìm hiểu thêm về nền Đệ nhất Cộng hòa của ông Ngô Đình Diệm.
"Theo tôi ở Việt Nam chủ yếu các lưu trữ liên quan tới nền Đệ nhất Cộng hòa nằm ở phía nam Việt Nam, nằm trong mấy kho lưu trữ.
"Cho đến bây giờ đó không phải là vấn đề quá nhạy cảm hay là người ta che giấu.
"Tôi nghĩ với những loại tư liệu ấy ở Việt Nam không phải là khó tiếp cận.
"Tuy nhiên người ta có cảm thấy nhu cầu nghiên cứu hay không, có nhu cầu hay không để đánh giá lại giai đoạn lịch sử đó, cái đấy tùy theo nhu cầu của những người làm sử.
"Vấn đề liên quan tới ông Diệm, ít nhất trong thời điểm này, chưa phải là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với mọi người."
Dương Trung Quốc
"Khi viết lại lịch sử của thời kỳ này thì bây giờ cũng đã có một số thay đổi.
"Ví dụ trước kia gọi là 'ngụy' theo cái nghĩa là 'ngụy' không phải là một thực thể, không có một giá trị nào đó.
"Nhưng bây giờ người ta nhìn chế độ Việt Nam Cộng hòa một cách thực tế hơn bởi vì nó tác động tới các việc của quốc gia, thí dụ những vấn đề liên quan tới chủ quyền, liên quan tới quá trình phát triển của một bộ phận lãnh thổ rất quan trọng là phía nam Việt Nam.
"Cái nhận thức nó cũng thay đổi bắt nguồn từ nhu cầu của đời sống hiện tại này."
Ông nói "chính trị đòi hỏi phải khách quan" và "cùng với thời gian những vấn đề quá khứ càng chân thực hơn."
"Nhưng vấn đề liên quan tới ông Diệm, ít nhất trong thời điểm này, chưa phải là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với mọi người," ông Quốc nói.
"Cho nên tôi cũng quan sát và thấy hầu như trong nước không có một động thái gì nghiên cứu sâu về cá nhân ông Diệm hay giai đoạn lịch sử này."
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét