Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Về bài nói chuyện mới phát hiện của cố tổng bí thư Lê Duẩn

Cố tổng bí thư Lê Duẩn.

 
Việc ông Đặng Phong mới phát hiện thêm được một bài nói chuyện như vậy của ông cố TBT Lê Duẩn, nếu quả đúng sự thật, là một điều hay, bởi nó giúp bổ sung cho phần tiểu sử của vị Tổng Bí Thư quan trọng này của đảng CSVN được hoàn chỉnh hơn.

Tuy nhiên, việc phát hiện đó chắc không ảnh hưởng gì đến sự phán xét của lịch sử về sau đối với Ông nói riêng, cũng như đối với đảng CSVN nói chung.
Từ góc độ cá nhân, tôi thiển nghĩ rằng trường hợp của ông cố TBT Lê Duẩn là một bằng chứng rằng dân tộc Việt Nam, tuy thông minh, đã và đang không có những nhà lãnh đạo ngang tầm với thế giới, và có lẽ đó là yếu điểm lớn, là lý do khiến Đất Nước không vươn lên được mạnh mẽ, vẫn tụt hậu về nhiều mặt so với các quốc gia khác, không thoát ra được khỏi ảnh hưởng bao trùm của Trung Hoa.
Phải thừa nhận rằng ông Lê Duẩn là một người tài năng, có thể ở mức xuất chúng, nghĩa là thuộc loại nhân tài hiếm hoi. Việc ông từ một người vô danh, ngoi lên,loại dần những đối thủ lớn như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh,Phạm văn Đồng, thu phục được Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, và rồi lấn át ngay cả vị lãnh tụ cao nhất, trở thành kẻ cầm vận mệnh của cả Dân tộc trong tay trong một thời gian dài là một bằng chứng hùng hồn về tài năng xuất chúng đó.
Nhưng tài năng đó bị giới hạn, gói gọn lại trong việc tranh chấp quyền bính, trong những xảo thuật chính trị hạn hẹp trong một chính đảng, trong việc vạch ra những sách lược và chiến lược cho một cuộc chiến thuộc quy mô quốc gia và vùng. Tài năng đó thiếu một viễn kiến chính trị tầm cỡ quốc tế (worldly vision); một viễn kiến giúp Ông vượt thoát ra khỏi tín điều ý thức hệ, đứng cao hơn hẳn đồng bào mình và người đồng thời để có một tầm nhìn xuyên suốt lịch sử của Dân tộc, của thế giới, từ đó dẫn đưa Đất Nước đi lên. Tài năng của ông LD chỉ đủ để trở thành một nhà lãnh đạo trung bình, chưa đủ để trở thành một nhà lãnh đạo kiệt xuất, giúp đưa Đất Nước khai sinh một thời đại mới.
Ông LD, so ra, không ngang tầm với những lãnh tụ các quốc gia khác cùng thời. Chẳng hạn, ông không bằng Lý Quang Diệu hay ngay cả Pak Chung Hee (cuả Nam Hàn), thua xa Đặng Tiểu Bình. Hạn chế lớn nhất, trong cương vị một lãnh tụ, là ông LD không thoát ra khỏi được sự ràng buộc ý thức hệ; Ông là một đệ tử trung thành của chủ nghĩa CS, toàn tâm toàn ý tin theo học thuyết Maxist. Về mặt này thì Đặng Tiểu Bình, với câu nói nỗi tiếng: "Bất kể là mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột" tỏ ra hơn hẳn ông LD, đã không bị ràng buộc với giáo điều CS. Bình đã tỏ ra có phong cách của một lãnh tụ cỡ lớn, những người mà trong thâm tâm không tin vào một điều gì khác ngoài viễn kiến lãnh đạo của chính họ, sẵn sàng chỉ xử dụng mọi tín điều khác như phương tiện, chứ không là mục đích. Ngày xưa các hoàng đế La Mã đã xử dụng đức tin Ki-tô giáo, nhưng không để cho đức tin đó ràng buộc mình; ngày nay các ông vua Saudi Arabia cũng xử dụng Hồi giáo để củng cố sự trị vì của họ, nhưng chính bản thân họ không để bị buộc ràng bởi tôn giáo ấy trong vai trò lãnh đạo; các lãnh tụ lớn của Mỹ cũng không khác, họ hô hào Dân Chủ, nhưng tự họ rất sẳn sàng làm những việc phi dân chủ để phục vụ quyền lợi và duy trì vị thế quốc tế của Hoa Kỳ.
Chính vì không có viễn kiến lớn để vượt ra khỏi sự ràng buộc của giáo điều ý thức hệ mà ông LD, cũng như vị lãnh tụ đàn anh của Ông, đã tự hạn chế mình trong một khuôn khổ nhất định và hạn hẹp. Có thể ví Ông và các vị khác đồng hội như những con ngựa đã khớp hàm thiếc, chỉ nhìn thấy có một hướng, một phiá; phía đó được phác hoạ và đánh dấu một cách đơn giản bằng những dấu mốc trên sơ đồ: Xã Hội Chủ Nghĩa, là đấu tranh giai cấp, là Hợp Tác Hoá, là liên minh Công Nông, là chuyên chính vô sản, và nhất là mô hình Sô-Viết! Ông LD, cùng những nhà lãnh đạo CS khác, đến với học thuyết Marxist-Leninist như kiểu những kẻ tài tử về thưởng ngoạn tranh, họ đến rất gần bức tranh, chăm chú nhìn vào,từng chi tiết một, họ bị say mê cuốn hút vào những chi tiết sặc sỡ, hấp dẫn, họ bị những chi tiết ấy thôi miên mạnh đến độ họ không còn tỉnh táo để lùi xa, nhìn lại bức tranh ở tầm nhìn tổng quát, bỏ qua công việc rất quan trọng là so bức tranh ấy với những bức cùng loại bên cạnh để từ đó trở lại bình tĩnh hơn, nhận ra đâu là cái hay, đâu là điều bất cập của bức tranh. Họ đã mua vội bức tranh, đã ôm lấy chủ nghiã CS vào lòng, thiết tha sỡ hữu lấy một ý thức hệ mà không đầy 60 năm sau đã sụp đổ tan tành!
Chính vì sự hạn chế về viễn kiến vừa nói mà vào những năm 1940s,ông LD, và người đàn anh của Ông, cố chủ tịch HCM, đã không nhận ra được rằng vào thời điểm đó, sự suy yếu của Trung Hoa là cơ hội ngàn năm một thuở cho Việt Nam để thoát một lần vĩnh viễn ra khỏi sự khống chế của nước láng giềng khổng lồ bằng cách Tây Phương hoá hoàn toàn, vượt lên trước Trung Hoa về văn hoá, khoa học-kỹ thuật, về kinh tế và quân sự. Họ, ông LD và các lãnh tụ CSVN,do mê muội ý thức hệ, đã không nhìn suốt chiều dài lịch sử để thấy rằng VN chỉ tự chủ, ổn định và phát triễn những khi Trung Hoa suy yếu, còn ngược lại luôn bị uy hiếp và ngay cả bị đô hộ khi Trung Hoa mạnh lên. Thay vào đó, ông LD và giới lãnh đạo CSVN đã vẫn tiếp tục dựa vào Trung Hoa, không những vậy, còn quay lại tàn sát đồng bào mình, những người không cùng chính kiến, tận diệt đến mức những người đó trong một thời gian dài về sau không đủ nhân sự và cán bộ để có đời sống chính trị biệt lập. Và chính khi làm như vậy, ông LD và đảng CSVN đã thật sự làm tiêu hao trầm trọng nguyên khí của Dân Tộc, khiến đến khi Trung Hoa trở lại hùng mạnh như hôm nay thì người VN hầu như không còn đủ khí lực để đương cự trước áp lực nặng nề về mọi mặt của họ. Tương quan quá chênh lệch và lệ thuộc giữa VN-Trung quốc ngày nay là bằng chứng và là hậu quả của sự thiếu viễn kiến của ông LD, cũng như của những lãnh tụ khác của đảng CSVN, và của việc họ bỏ lỡ một cơ hội lớn cho Dân tộc.
Cũng chính do sự thiếu viễn kiến mà ông LD đã huy động nhân sự đánh bại phe "chủ hoà" trong Bộ Chính Trị để tiến hành cuộc chiến tranh "giải phóng Miền Nam"; một cuộc chiến tranh đẫm máu với chừng 4 triệu người Việt chết, càng làm suy yếu VN hơn, và tuy cuối cùng thống nhất được Đất Nước, nhưng lại cũng tạo cơ hội cho Trung Hoa bắt tay với Mỹ-Tây Phương để canh tân đất nước của họ. Vì không có viễn kiến, ông LD đã không nhìn thấy được trong chủ trương của phe "chủ hoà" những ưu điểm phù hợp với diễn biến và sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, về khả năng thống nhất nước nhà mà không phải đổ máu; Ông đã làm mọi cách để đánh bại quan điểm của một số nhân vật cao cấp trong BTC vào thời đó cho rằng sau 1954 cần ưu tiên phục hồi kinh tế và xây dựng Miền Bắc hơn là tiếp tục chiến tranh và phải đương đầu trực tiếp với Mỹ. Làm được vậy giúp Ông ngoi lên cương vị cao nhất, nhưng lại khiến hàng triệu người ngã gục, đánh mất cơ hội cho hai Miền phát triển và thống nhất một cách hoà bình, mất đi những tiền đề tốt cho sự tiến lên nhanh và vững mạnh của một Việt nam thống nhất về sau. Sự thắng thế của Ông trong Đảng, một cách vô tình, đã biến VN thành một war agent, một cơ hội mặc cả, phục vụ lợi ích cho kẻ thù ngàn đời Bắc phương.
Rồi cũng đo thiển cận,do bị vòng kim cô ý thức hệ ràng buộc, sau 1975 ông LD đã dẫn dắt Đất Nước phạm vô số sai lầm nghiêm trọng về ngoại giao, kinh tế, văn hoá, và xã hội. Ở đây, Ông đã không hành xử như một lãnh tụ với tầm nhìn xa, trông rộng,trái lại Ông đã như một người chột dìu dắt đám người mù sờ soạng, "làm mò" (chính bà Nga vợ hai của Ông đã thú nhận như vậy trong một cuộc phỏng vấn với BBC) trong việc giải đáp bài toán kinh tế lớn lao của Đất Nước trong tình hình mới. Sự tiêu phí xương máu, tài nguyên và nhân lực của Đất Nước suốt cả một thập niên sau đó, cùng những hậu quả lâu dài chưa lường được là kết quả của sự lãnh đạo "mò" thiếu viễn kiến và mê muội ý thức hệ của Ông.
Tóm lại, bài nói chuyện chưa được biết tới đó của ông LD, tuy thú vị, nhưng chắc chắn không thay đổi gì được sự đánh giá chung của hậu thế dành cho Ông.
Nguồn: Trương Đình Trung/Danluan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét