Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Mảnh lego nào tiếp nối trong “trò xếp hình” của Thủ tướng?

(Ảnh minh họa)

 
Những câu chuyện quán cà phê được Võ Thường Dân ghi chép lại cho thấy dư luận Việt Nam đang thêu dệt lên hình ảnh một thủ tướng đa tài. Ngài có khả năng thao túng từ ngân hàng, bất động sản cho đến hàng không và sẽ còn nhiều lĩnh vực nữa. Sự thật chưa chắc hẳn như người ta vẫn hay đồn đại. Bài viết sau thể hiện góc nhìn của tác giả.

Chắc hẳn nhiều người không xa lạ với trò chơi xếp hình lego mà bạn đã thấy con, cháu hay em của mình chơi. Từng mảnh, từng mảnh được kỳ công lắp lại với nhau thành tòa nhà, xe cộ, trường học hay cả một thành phố. Nhìn lại kế hoạch và các bước hành động của nhân vật nổi tiếng nhất của chính trường Việt Nam hiện tại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tác giả liên tưởng như một người chơi xếp lego tài ba và kỳ công. Đó không đơn thuần là sự ngẫu nhiên, mà có cả lộ trình và kế hoạch rất chu đáo.
Ngân hàng: Thâu tóm thật nhiều, nắm lấy mạch máu tài chính
Việc Thủ tướng Dũng thâu tóm ngân hàng (NH) là câu chuyện không mới, được nhiều người (tất nhiên có điều kiện tiếp cận với nhiều thông tin) thường đem làm câu chuyện lúc trà dư tửu hậu. Lộ trình của những tính toán và hiện thực hóa việc này xin được tóm tắt như sau.
Ngân hàng Bản Việt: bàn đạp quá lộ. Ban đầu, ông Dũng dùng NH Bản Việt (VietCapital Bank, tiền thân là NH Gia Định) để làm bàn đạp cho quá trình thâu tóm. Ông và con gái ông, bà Phượng (cựu chủ tịch của NH này, nay đã không còn giữ chức này nữa) đã nhanh chóng có được mảnh lego đầu tiên cho quá trình thâu tóm. Hai cha con ông có được sự hậu thuẫn của các tổ chức đầu tư quốc tế vì các ông chủ ngoại quốc dư sức hiểu rằng, làm ăn ở xứ này mà không thân, không cùng với chính trị gia thì hỏng ngay. Không những vậy, mà ngay cả những nhân vật được biết những “ông trùm tài chính” của Việt Nam cũng giúp sức cho Thủ tướng Dũng để lập thành những nhóm lợi ích khổng lồ. Một trong những người đó là ông bầu Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch NH Á Châu, đang bị giam về tội lũng đoạn tài chính).
Ông Bầu Kiên trong bài ‘Phù thủy’ ngân hàng trên trang nguyentandung.org
Đầu tháng 11/2011, Đại hội cổ đông của NH Gia Định mới họp để thông qua quyết định đổi tên, nhưng từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, nhiều người đã bàn tán về việc có một cuộc “cá lớn nuốt cá bé” sắp diễn ra trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Dư luận râm ran đến nỗi, nhiều cán bộ NH đã về hưu là các chuyên gia cố vấn cho ông Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), ông Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) cũng ngạc nhiên, chẳng lẽ một chính trị gia hàng nguyên thủ lại ngầm thừa nhận mình đã là một tài phiệt, cho con gái đi “nuốt” những NH khác. Tuy nhiên, những thông điệp và thực tế mà họ nhận được thì không phải là tin đồn nữa. Nhiều người đã gần xa bóng gió là việc đó không tốt cho chế độ, không tốt cho vận mệnh của Đảng Cộng sản VN. Càng nực cười hơn khi lúc đó ông Dũng vẫn là Chủ tịch Ban phòng chống tham nhũng quốc gia, ông cũng nhiều lần kêu gọi công, chính, liêm, minh – học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những thông tin và dư luận này ông Dũng và con gái cũng nắm rõ.
Southern Bank và Eximbank: 2 mảnh leogo mới. Thủ tướng Dũng và bà Phượng nhanh chóng nhận thấy rằng, kế hoạch dùng NH Bản Việt làm bàn đạp không ổn. Thế là mảnh lego khác lại được dùng tới: NH Phương Nam (Southern Bank) và NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank). Trầm Bê (Chủ tịch NH Phương Nam) cùng Lê Hùng Dũng (Chủ tịch Eximbank) là các nhân vật được cho rằng khá thân cận với Thủ tướng sau Bầu Kiên. Có người còn ví von đó đều là “những cánh tay nối dài” trong giới tài chính của thủ tướng Dũng. Hai ông này cũng là những nhà tài phiệt nổi tiếng, khi nói về vai trò của họ với ông thủ tướng trong kế hoạch thâu tóm ngành tài chính, nhiều người nhận xét không biết ai là tay phải ai là tay trái nếu so với Bầu Kiên. Eximbank và Southern Bank được ngài thủ tướng “bật đèn xanh” và nhận được nhiều chỉ thị về việc “nuốt” các NH khác.

Nạn nhân đầu tiên là NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sacombank là một NH lớn nhưng đang có khá nhiều khó khăn về vốn, vì nợ xấu của họ trong lĩnh vực bất động sản không hề nhỏ. Cả người trong cuộc của Sacombank cũng không ngờ rằng, một NH lớn như họ lại suýt bị một NH nhỏ hơn nhiều lần - NH Phương Nam – “thịt” mình. Nhưng các lãnh đạo chủ chốt của Sacombank nhận ra ngay, không chỉ bên cạnh Southern Bank có Eximbank, mà đằng sau là một thế lực tài chính không hề nhỏ. Và Sacombank đã gác kiếm, thất thủ, để đối thủ gần như nuốt trọn.
May mắn thay (hoặc rủi thay) cho các NH khác, công cuộc đang trong giai đoạn hưng phấn, thì Thủ tướng Dũng buộc lòng phải cho bắt Bầu Kiên. Ông Kiên “đầu bạc” trở thành cái đầu Vương Hậu để ông Dũng (như kẻ gian hùng Tào Tháo trong truyện Tam quốc xưa) mượn để trấn an, ở đây, để ông xoa dịu dư luận và “làm lễ vật cầu hòa” với những đối thủ chính trị nhăm nhe với ông. Nhiều người nghĩ “trảm bầu Kiên” với ông Dũng như “tay phải chặt tay trái” nhưng không phải vậy. Ông Dũng lại một lần nữa xuất hiện công khai nói mình là người ký lệnh bắt Bầu Kiên để thể hiện quyết tâm muốn làm trong sạch ngành tài chính VN. Việc này cũng làm quá trình thâu tóm tạm thời gián đoạn nhưng không phải dừng hẳn. Nó vẫn đang âm ỉ với những vụ bắt buộc sáp nhập mà báo chí đưa tin rất hời hợt kia.
Cuộc chơi xếp hình NH này không chỉ bấy nhiêu tình tiết đó, cả những câu chuyện dài. còn có những Kiên Long Bank (NH Kiên Long), HD Bank, … cũng là những mảnh lego nổi bật. Đúng, cả một câu chuyện không đơn giản. Chỉ biết rằng, những mảnh lego trong trò chơi này đã tạo nên một phần hình ghép rất hoành tráng cho gia sản của Thủ tướng. Nói không ngoa rằng, Thủ tướng Dũng, một người Việt, cũng đang nắm được những mạch máu tài chính quan trọng của nước Việt, chứ không như dư luận nghĩ, chỉ những tập đoàn nước ngoài mới nắm được.   
Bất động sản: Nắm lấy những khu đất vàng
Thông thường, một nhà tài phiệt của Việt Nam ngoài việc có ngân hàng, công ty chứng khoán, và không thể thiếu bất động sản. Giàu ở Việt Nam là phải sở hữu những khu đất vàng, là chủ của những dự án đô thị cả chục tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2012, vụ cưỡng chế ở khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên gây rất nhiều chú ý không chỉ trong nước mà cả dư luận quốc tế. Có hàng trăm cảnh sát đã được điều động đến để trấn áp và cưỡng chế. Lúc đó, có thông tin nói rằng, NH Bản Việt của bà Phượng, con gái ông Dũng, là một trong người góp vốn cho dự án này. Nhưng thông tin đó không xác thực, nói đúng hơn không thật. Người ta đã quên ngay những luận điệu cũng như gác qua những nghi ngờ Thủ tướng Dũng sở hữu những bất động sản nào nữa. Dường như dư luận cũng đã quên mất đại gia bất động sản: Bitexco (Tập đoàn Bình Minh).
Tòa nhà 68 tầng của Bitexco tại thành phố Hồ Chí Minh
Bitexco: Một thế lực đáng sợ. Chủ tịch Bitexco cũng là đồng chủ tịch của một công ty xây dựng nổi tiếng, công ty Sông Đà. Tại Sài Gòn, công ty này là chủ sở hữu và đầu tư tòa tháp Bitexco Financial Tower, tự hào là cao nhất Sài Gòn và là biểu tượng mới của thành phố này. Tòa nhà văn phòng số 19 Nguyễn Huệ; khu The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng là những tài sản của Bitexco tại thành phố lớn nhất VN này. Tại Hà Nội, Bitexco cũng sở hữu những bất động sản vàng giá trị cả tram triệu đô như khách sạn JW Marriott Hà Nội, khu đô thị Bitexco Central Park sắp xây ở Hoàng Mai.
Khi trước những thắc mắc làm thế nào 1 công ty bất động sản tư nhân lại nắm được nhiều “khu đất vàng” và “kim cương” đến thế, có một giám đốc một công ty cũng trong lĩnh vực bất động sản (xin được giấu tên) đã buộc miệng thở dài kèm một ít chua chát ghen tỵ “một đống công văn không bằng cái ừ của thủ tướng”. Để dễ nhớ đến mối liên hệ Thủ tướng Dũng với Bitexco, có một chi tiết rất quan trọng, con trai đầu ông Dũng, Nguyễn Thanh Nghị, từng làm “giám đốc PR và quản lý dự án” cho tập đoàn này. Không cần phải góp tiền hay cổ phần cho Bitexco, chỉ cần những giấy phép thông qua dự án và quyết định quy hoạch của Thủ tướng và con trai ông (ông Nghị đang là thứ trưởng Bộ Xây dựng) đã đáng giá vài mảnh đất kim cương trong chuỗi danh sách những mảnh đất vàng mà Bitexco đang sở hữu và đầu tư.
Trong chiến lược xếp lego trên đất vàng, Thủ tướng Dũng cũng tỏ ra cao tay khi không sắp hết trứng vào một giỏ. “Giỏ trứng” khác của ông cũng làm nhiều người đoán già đoán non là Tập đoàn đầu tư Sovico (Sovico Holdings). Những khu đô thị, resort, dự án biệt thự nghỉ dưỡng nổi tiếng của tập đoàn này nhưFurama Resort Đà Nẵng, Dự án khu đô thị cao cấp 65 hec-ta Phú Long tại Nam Sài Gòn, Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp tại Phú Quốc, Dự án dự án Furama villas, Hạ Long Star đã quá quen tên trên các mặt báo Việt Nam.
Lấn sang hàng không: Chuỗi lego nối dài lên cả bầu trời
Quảng cáo của hãng VietJet Air 
Thương vụ 9,1 tỷ đô hơn cả màn PR kinh điển. Cuối tháng 9 vừa qua, trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Dũng, bản hợp đồng mua và thuê 100 chiếc máy bay (62 chiếc đặt mua, thuê 8 chiếc, 30 chiếc là quyền mua thêm) trị giá 9,1 tỷ đô được ký kết giữa hãng hàng không Vietjet Air với Tập đoàn Airbus khiến cả thế giới kinh ngạc. Thời hạn hoàn tất hợp đồng là năm 2022. Các nhà phân tích phương Tây ngỡ ngàng nhìn nhau, Vietjet Air là hãng nào mà có thể đổ cả đống tiền để mua số lượng máy bay lớn như thế. Khi biết đó là một hãng hàng không cổ phần mới thành lập, nhiều người xem đó là cú PR, quảng bá thương hiệu thôi. Tuy nhiên, cả bên bán và bên mua đã xác định là hợp đồng trên có cả lộ trình thực hiện nghiêm túc chứ không chỉ là một văn bản ghi nhớ hay một chiêu PR thương hiệu.
Tiền đâu mà lắm thế? là thắc mắc của nhiều người khi được tin này. 9,1 tỷ đô Mỹ, theo giá quy đổi hiện hành với tiền đồng, tương đương gần 200 ngàn tỷ, một con số kinh khủng. Trong bối cảnh đường bay, thị trường giá rẻ tại VN chưa phát triển, khả năng khai thác hết công suất của gần 100 máy bay mới này sẽ không cao. Tính hiệu quả là bài toán kinh tế khó, càng khó hơn nữa để chứng minh được rằng một hãng hàng không chưa đầy vài năm tuổi đủ khả năng trả nợ khi đi vay. Đồng ý, có chính phủ hoặc ngân hàng hoặc một tập đoàn nào đó bảo lãnh.
HD Bank và Sovico: Chưa phải là nhà đầu tư thực đằng sau Vietjet Air.Ngay sau đó, HD Bank (NH phát triển nhà Tp. HCM) là cổ đông lớn của Vietjet Air cùng Sovico (là cổ đông chính của hãng nắm giữ đến 70% cổ phần) xác nhận họ đứng sau vụ trên. Một ngân hàng TMCP cùng một công ty đầu tư, những đối trọng quá hợp lý trong thương vụ này rồi. Tuy nhiên, không phải vậy. Cả hai đều không phải là kẻ bảo lãnh hay những nhà đầu tư thực sự đứng sau hợp đồng trên.
Cần lưu ý rằng, với mức lãi suất hiện hành, chỉ tiền lãi của con số 9,1 tỷ đô cũng là con số khổng lồ. Vậy ai là người thực sự đứng đằng sau? HD Bank được cho rằng sắp mạnh thêm khi sáp nhập với Đại Á Bank, tuy nhiên, khoản nợ xấu của 2 ngân hàng này không hề nhỏ, tiềm lực tài chính của họ không mạnh đến thế. Trong khi đó, Sovico cũng đâu phải kinh doanh lĩnh vực siêu lợi nhuận nào để đủ vị thế đi vay hoặc bảo lãnh cho Vietjet Air vay. Vậy lực lượng nào đứng sau sắp xếp hợp đồng này là ai và lực lượng này sẽ hành động như thế nào?
Đã có hàng chục bài báo, hàng trăm ý kiến về hiệu quả kinh tế, tính khả thi của hợp đồng trên. Nhiều người cho rằng, thật là viển vông khi nhu cầu đi lại bằng máy bay ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, cũng được dự báo chẳng tăng lên đáng kể nếu giá không giảm xuống rất nhiều so với mức giá hiện tại để tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Vậy nên, đa số ý kiến cho rằng tính hiệu quả của việc mua, thuê cả trăm máy bay đó gần như không có.
Quốc hội bàn hàng không giá rẻ: Mảnh lego tiếp nối đã lộ diện. Tháng 10, Quốc hội đang họp. Câu chuyện dự thảo Hiến pháp như đã rồi, Luật Đất đai sửa đổi cũng chẳng hy vọng gì. Nhưng có một câu chuyện cũng làm nóng nghị trường và mặt báo mấy hôm liền. Đó là đề nghị của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng “cán bộ công chức nhà nước đi công tác phải đi bằng hàng không giá rẻ.” Lý do của ông Thăng là “đi hàng không giá rẻ để tiết kiệm” ngân sách nhà nước. Nghe qua rất thuyết phục. Một quan chức hàng bộ trưởng ở nước Việt giữa quốc hội kêu gọi tiết kiệm ngân sách luôn gây thiện cảm của nhiều người, và kể cả sự chú ý. Nhưng xét kỹ lại nó không hợp lý chút nào.
Hiện Việt Nam đang có 2 hãng hàng không giá rẻ. Ngoài Vietjet Air ra, còn có Jet Star. Jet Star (có cổ phần của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines VNA).Theo nhiều nhà phân tích, thị phần của hai hãng trên là rất nhỏ. Tức Jet Star không đủ sức để phục vụ nếu nhu cầu có tăng lên. Vậy việc kêu gọi cán bộ công chức đi hàng không giá rẻ nhằm tiết kiệm ngân sách (mặc dù có thể làm hạn chế doanh thu của công ty VNA) có được thông qua thì bên cung không thể một lúc đáp ứng bên cầu được. Tất nhiên lúc xét điều này, chưa nói đến thương vụ 9,1 tỷ đô của Vietjet Air nói trên.
Kẻ nắm giữ thị phần chủ yếu về giao thông hàng không vẫn là VNA, công ty 100% quốc doanh. Kêu gọi đi hàng không giá rẻ tức là kêu gọi bỏ hàng không quốc doanh, đi tư nhân. Không thỏa đáng. Trong khi dự thảo hiến pháp vừa rồi cuối cùng vẫn nhét được cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” thì việc một bộ trưởng kêu gọi việc làm gần như ngược lại với chủ trương của Đảng là hoàn toàn không hợp lý.
Đằng sau và sự thật của lời kêu gọi cũng như đề nghị đó là gì?
Nếu Quốc hội thông qua (không sớm thì muộn, nhất là khi VNA sắp cổ phần hóa), thì câu chuyện bài toán hiệu quả kinh tế của Vietjet Air và tính khả thi của hợp đồng 9,1 tỷ đô trên sẽ cao lên hẳn. Rất đơn giản, hàng chục ngàn đến cả hàng trăm ngàn lượt khách là những công chức, viên chức đi hội họp, công tác mỗi năm không chỉ trong nước mà quốc tế sẽ đẩy nhu cầu đi lại bằng hàng không lên cao. Trước đây, VNA là kẻ thủ lợi khi phục vụ cho những đối tượng này. Nay, thay vào đó, tất cả những công chức, cán bộ này bị bắt đi bằng hàng không giá rẻ. Vậy câu trả lời đã hiện rõ, chỉ cần quốc hội thông qua, hợp đồng phục vụ cho những hành khách này hiển nhiên là Vietjet Air rồi. Đến lúc đó, câu hỏi lấy đâu ra người đi, hay bài toán hiệu quả kinh tế cũng đã được giải đáp. Vietjet Air sẽ có số lượng hành khách ổn định, không cần chi thêm tiền cho các đại lý trung gian bán vé, lại tiết kiệm một khoản tiền khổng lồ đáng lẽ phải chi cho quảng bá, marketing. Lợi càng thêm lợi.
“Bàn đồ chơi” lego của thủ tướng Dũng đã quá sức hoành tráng, không chỉ có ngân hàng, có đất vàng mà những mảnh lego như cánh tay nối dài ấy còn vươn cả lên trên bầu trời.

Vietnam Airlines đã có kế hoạch cổ phần hóa
Mảnh lego nào sẽ tiếp tục?
Nhiều người đã có điều kiện thân cận với ông Kiệt, ông Khải chắc không khỏi ngậm ngùi khi lúc đó họ thấy hai ông dung dưỡng cho người nhà làm kinh tế quá đáng. Ngày nay, chắc họ phải ngao ngán đến cám cảnh dưới thời ông Dũng, quyền hành của thủ tướng không chỉ dung dưỡng mà chính ông và nhóm lợi ích của ông lại ẩn danh và cả ngầm ám hiệu rằng họ sẽ là những ông chủ thật sự nắm giữ nhiều phần của nền kinh tế này.
Cũng công tâm nói ngay rằng, chưa có đời thủ tướng nào của Việt Nam lại gây nhiều tổn thất trước mắt cũng như nhiều nguy hại về lâu dài đến thế cho nền kinh tế đất nước như ông Dũng. Những việc làm, những chính sách của ông chắc hẳn nhiều đời sau còn phải bàn nữa.
Khi trước, bao dư luận đồng tình với ông Linh khi ông chỉ mặt ông Kiệt “nói về tham nhũng hãy về dạy lại vợ con mình”, thì nay họ gần như uất nghẹn vì so với những nhân vật kia về khả năng “thu vén tiền tài” thì ông Dũng còn cao tay hơn. Thủ tướng Dũng đã là một nhà tài phiệt vượt lên trên sự giàu có và quyền lực mà người ta biết được khi ở vị trí một nguyên thủ quốc gia có thể có.
Tại sao Đảng Cộng sản không làm gì kìm hãm mà để ông Dũng tung hoành như thế? Họ có muốn làm cũng không thể làm được nữa. Vì bên dưới, đằng sau ông Dũng có quá nhiều thế lực nhóm lợi ích. Chúng cấu kết với nhau không chỉ trên quan hệ hợp tác mà như những vật cộng sinh với nhau. Một kẻ tầm cỡ như ông Dũng mà bị lật, rất có thể cả một tảng băng chìm nổi rộng lớn sẽ tan theo, gây hại vô cùng to lớn đến đất nước.
Bên cạnh đó, cũng có một câu hỏi đang đặt ra với không chỉ đối thủ chính trị của ông Dũng mà cho nhiều người dân: miếng lego nào, hành động nào sẽ được “tay chơi” Thủ tướng Dũng tiếp tục lắp ghép, đạo diễn trong trò chơi “miên miên vô cực” này?
Võ Thường Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét