Chuyện giàn khoan HD 981 được đưa vào Biển Đông, người ta đã đoán biết gần đúng từ lâu. Tôi sẽ chẳng nói thêm điều gì mới, nếu căn cứ theo chuỗi sự kiện không chối cãi được, mà nói lại rằng Lịch Sử rất gần đây đã cho chúng ta biết nhiều điều về mối quan hệ giữa Trung Hoa và Việt Nam. Dẫu sao, nếu ta điểm qua sự kiện toàn cục đôi chút, thì cũng có chút ích lợi.
Sau một giai đoạn tiền thuộc địa, và một giai đoạn thuộc địa đầu tiên, khi đó vương quốc An Nam dù đã bị thống trị bởi bọn thực dân Pháp, vẫn khẳng định mạnh mẽ và là lần đầu tiên một vương quốc đã khẳng định chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa. Vào thời kỳ đó, nước Trung Hoa đã gián tiếp thừa nhận điều đó khi họ từ chối quyền đô hộ của họ đối với nước Việt Nam trong hiệp ước Thiên Tân ký với người Pháp năm 1884-1885. Thế rồi vào đầu thế kỷ thứ 20, lợi dụng vài do dự từ phía nhà nước thuộc địa "bảo hộ", Bắc Kinh đã bắt đầu bộc lộ những thèm khát bành trướng của họ. Tiếp theo, những tham vọng đó của Bắc Kinh càng được mài cho sắc nhọn thêm khi các cường quốc ủng hộ Trung Hoa và giao cho nước này sứ mệnh giải giáp quân đội Nhật sau năm 1945 (theo hiệp ước Postdam). Tiếp đó là sự xuất hiện của cái "đường lưỡi bò" hoang đường gồm 17 vạch năm 1947, cụ tổ của đường chữ U hoặc đường 9 đoạn được trình ra Liên Hiệp Quốc năm 2009.
Bắc Kinh lúc nào cũng dõi theo những khi xảy ra khoảng trống quyền lực để lao vào cái không gian mà họ đang đeo đuổi: khi là khoảng trống do người Nhật để lại năm 1945, khi là khoảng trống do người Pháp để lại năm 1945 và năm 1956, sau đó là khoảng trống do người Mỹ để lại năm 1974, thời điểm mà những cuộc thâm nhập vào Biển Đông đã mang dáng dấp của một cuộc xâm lăng đẫm máu. Cuộc xâm lăng này đã thể hiện rõ là một khúc dạo đầu cho cuộc xâm chiếm gần khắp vùng biển gọi là biển Nam Trung Hoa mà tôi muốn gọi tên là biển Đông Nam Á bởi vì, trước hết vùng biển này thuộc về các nước sống ở đó. Để có thể đánh lừa được thế giới tốt hơn, Trung Hoa đã ký và phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trên biển năm 1982. Ký như vậy song vẫn không ngăn cản họ sáu năm sau lao vào cuộc tàn sát ở đảo Gạc Ma, và tiếp tục gặm nhấm những hòn đảo nhỏ và những bãi san hô gần Trường Sa. Cùng lúc, Bắc Kinh lao vào một cuộc chiến tranh đe dọa các công ty dầu lửa đang hợp tác với các nước ở vùng biển Đông Nam Á. Vừa dậm dọa, họ lại vừa ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, bản Tuyên bố không cho phép sử dụng bạo lực để giải quyết những bất đồng nhưng không có những giải pháp chế tài cụ thể với các nước cam kết.
Tiếp đó, bắt đầu từ năm 2009, Trung Hoa gia tăng leo thang: họ gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc để khẳng định các tham vọng bá quyền ở 80% vùng biển và vùng có các đảo ở biển Đông Nam Á; đó chính là "đường lưỡi bò". Họ ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển này từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 hàng năm. Họ luôn luôn từ chối tham gia những cuộc thương thảo nhiều bên, nhất là tại các cuộc họp thượng đỉnh khối Đông Nam Á, trong đó một vài cuộc, như lần họp tại Campuchia, đã bị phá hoại một cách rõ rệt.
Tiếp đó, bắt đầu thời kỳ những cuộc lấn chiếm mạnh, thời kỳ có sự xâm nhập hiện thời của giàn khoan HD 981, khi Bắc Kinh dùng sức mạnh để xông vào vùng kinh tế đặc quyền của các nước ven biển với mục đích thay đổi những vùng này, vốn là những vùng có chủ quyền theo luật quốc tế, thành những vùng tranh chấp. Đó là những lần xảy ra các vụ xâm lấn vào tàu Bình Minh và tàu Viking 2 hồi năm 2011, xâm lấn vào bãi cạn Scarborough năm 2012. Đồng thời với thủ đoạn xâm lăng thâm độc này, Bắc Kinh củng cố về quân sự và hành chính đối với căn cứ Hoàng Sa. Họ cố sức chính thức hóa và pháp chế hóa việc sát nhập quần đảo này với các đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa bằng cách lập ra "thành phố Tam Sa" trên hòn đảo Phú Lâm của Việt Nam, sử dụng các luật lệ của đế quốc Trung Hoa xưa và nay, được đặt ra từ Bắc kinh hay từ đảo Hải Nam, bằng cách mở các tuyến du lịch, bằng những chiến dịch tuyên truyền quảng cáo, v.v. Họ làm tất cả một cách cấp tập. Rồi họ đơn phương đưa ra một đạo luật có hiệu lực từ mùng 1 tháng 1 năm 2014, áp đặt cho mọi tàu thuyền nước ngoài đang đánh cá trong vùng "lưỡi bò" phải được phép do chính quyền đảo Hải Nam cấp. Họ cũng lại đe dọa tạo ra một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông Nam Á, là điều họ đã áp đặt tại vùng biển Hoa Đông. Họ làm như vậy để kiểm soát cả vùng trời. Và chúng ta đang đứng trước những sự kiện mới chỉ 5 tháng sau khi Bắc Kinh ban hành đạo luật mới và thâm độc đó.
Kể lại diễn biến một cách ngắn gọn như vậy là nhằm cho thấy những gì Trung Hoa đã làm đều là có ý đồ rõ rệt từ lâu, có thể tiên đoán được bởi vì mọi việc đã được sắp đặt. Và cũng để thấy rằng mọi việc đang bước vào một thời kỳ gia tăng tốc độ.
Vụ giàn khoan nằm trong phần đã được lên chương trình đối với bộ phận thuộc về lãnh thổ và lãnh hải của nước Việt Nam. Nước Trung Hoa đã tỏ rõ quyết tâm, họtin rằng họ có đầy đủ mọi phương tiện và họ sẽ không bao giờ lùi bước. Nhưng giống như một tên kẻ cắp, Trung Hoa lại do dự, e rằng nguy cơ có thể quá lớn. Cuộc chiếm giữ của Trung Hoa sẽ chỉ được tháo ngòi khi có sự chống cự về quân sự tại chỗ, khi có sự mạnh mẽ của nhân dân trên đường phố, khi có sự chống cự cực kỳ mạnh mẽ theo con đường ngoại giao và pháp lý (đặc biệt là việc kiện lên các cơ quan quốc tế cùng với Philippines), khi có sự dũng cảm về kinh tế để tự giải phóng khỏi con yêu tinh, khi có sự dũng cảm về dân chủ để đoàn kết toàn dân ở bên trong và ở bên ngoài tổ quốc. Cần phải không ngừng nhắc đi nhắc lại điều này: Việt Nam sẽ chỉ tìm thấy sức mạnh cần thiết của mình ở trong nhân dân. Những tuyên bố gần đây từ Hoa Kỳ, cho thấy rõ rằng mơ màng đến sự giúp đỡ về vật chất của họ là điều vô ích. Sự trợ giúp pháp lý của họ vốn đã rất mong manh vì chính họ cũng không ký vào Công ước năm 1982 về Quyền trên biển! Nhưng điều đó cũng không ngăn cản chúng ta phải nhấn mạnh rằng: họ là bên liên quan, sớm muộn và dù muốn dù không, Hoa Kỳ cũng không thể ẩn náu đằng sau một sự trung lập giả dối, và phải tham gia vào vũ điệu, nếu họ muốn duy trì được "quyền lợi quốc gia căn bản" của mình. Và như thế là từ đây, nước Việt Nam không còn chọn lựa nào khác, Việt Nam đã bị dồn đến sát tường và Bắc Kinh không có ý định tháo lui. Chế độ Hà Nội phải hoàn toàn thẳng thừng tống cổ khỏi hàng ngũ của mình tất cả những kẻ nào làm yếu và phân tán sức mạnh nhân dân, tất cả những kẻ nào hành xử độc ác với nhân dân, những kẻ lưu manh đang đẩy hàng nghìn gia đình nông dân ra khỏi đất đai của họ, những tên cảnh sát dã man đang dùng dùi cui đánh chết người... Việt Nam phải thực sự giải phóng và nuôi dưỡng những nguồn năng lượng nhân dân vô tận đó. Chẳng cần phải mở những cuộc đại hội của Đảng để tổng kết những chuyện đó và định ra những giải pháp cứu nguy dân tộc khi kẻ thù đã ở ngay trong nhà của mình rồi. Bây giờ không phải lúc để diễn thuyết dài dòng với những cái lưỡi bằng gỗ và những cái lưỡi ưỡn ẹo. Nếu Đảng không tiến hành một sự thay đổi căn bản triệt để thì mọi người có thể nói trắng ra rằng chính Đảng đã mở toang cửa cho cuộc xâm lăng của Đại Hán... và mở toang cửa cho sự tan rã của Đảng.
Những người lãnh đạo của Đảng vẫn còn một cơ hội tỏ ra xứng đáng với "bản sắc dân tộc Việt Nam" [tiếng Việt trong nguyên văn – ND]. Họ hãy tỏ ra có bản sắc dân tộc đi! Đây là một cơ hội – xin đừng bỏ lỡ.
Khi tôi viết những dòng này, tôi hy vọng rằng ngày mai và Chủ Nhật sẽ là những ngày biểu tình rầm rộ, có trách nhiệm, và tuyệt đối cứng rắn. Tôi rất tiếc không được ở bên cạnh những người bạn của mình vào những thời khắc làm nên lịch sử bảo vệ đất nước, song trái tim tôi luôn ở cùng các bạn. Tôi cũng mang đầy tình cảm và tinh thần đoàn kết với các đồng bào ngư dân của tôi ở miền Trung Việt Nam, với những con tàu đánh cá mỏng manh song phải đương đầu với bạo lực của bọn dã man chống lại cảnh sát biển Việt Nam như chúng ta đã thấy trong những băng video đăng trên internet.
AM - HCQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét