Ts Nguyễn Quang A |
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan nổi vào vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, ngày 02/05/2014, gây nhiều phẫn nộ. Phản ứng của chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thường bị dư luận chỉ trích là không tương xứng trước các hành động xâm lấn và đe dọa từ phía Trung Quốc.
Trước mối đe dọa chưa từng có nói trên, 20 hiệp hội dân sự Việt Nam cùng ký tên vào lời kêu gọi biểu tình ngày Chủ nhật 11/05/2014. RFI có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự, một trong 20 tổ chức dân sự ra lời kêu gọi trên.
RFI : Ông nhận định như thế nào về thái độ của chính quyền Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông ?
TS Nguyễn Quang A : Thái độ của chính quyền Việt Nam trong trường hợp cụ thể này đã có một bước dứt khoát hơn. Chính quyền đã cử cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư ra làm nhiệm vụ ngăn chặn việc làm sai trái của Trung Quốc. Và khi sự kiện xẩy ra, thì chính quyền - tuy rằng hơi muộn – đã có tổ chức một cuộc họp báo, đã có một cuộc điện đàm giữa ông Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao với phía Trung Quốc. Có thể nói ứng xử của Việt Nam lần này có phần dứt khoát hơn.
Tuy nhiên, có lẽ chính phủ Việt Nam cần phải dứt khoát hơn nữa, dùng tất cả các biện pháp có thể, như đại diện chính phủ trong cuộc họp báo đã nói, về phương diện ngoại giao và phương diện pháp lý, để ngăn chặn việc làm sai trái này của Trung Quốc.
Lực lượng của Việt Nam đã rất kiềm chế, và tôi nghĩ rằng việc tự kiềm chế như thế là rất cần thiết, rất tốt, và sẽ chỉ sử dụng đến sức mạnh vũ lực trong trường hợp cuối cùng mà thôi. Tức là tránh đụng độ vũ trang, nhưng tất cả các biện pháp về ngoại giao, pháp lý cần phải xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa.
RFI : Xin ông cho biết thêm các biện pháp mạnh hơn là gì ?
TS Nguyễn Quang A : Thí dụ là, tại sao Việt Nam không kiện vụ đưa giàn khoan này vào. Vì việc này vi phạm tất cả các quy định của luật quốc tế. Bây giờ Việt Nam coi mấy lô đó, mấy khu đó thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và Việt Nam có quyền bảo vệ khai thác ở đó, Trung Quốc họ nói là của họ. Như thế, chí ít chỗ đó đang là vùng tranh chấp. Mà như thế là việc anh đưa vào như thế, khoan như thế, mà không có sự thỏa thuận giữa hai bên, thì đấy là sự vi phạm luật quốc tế. Anh lại dùng tàu của anh để tấn công tàu của Việt Nam.
Những cái như thế Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án của Liên Hiệp Quốc, hoặc Trọng tài Liên Hiệp Quốc, rồi có thể đưa việc này lên Hội đồng Bảo an, yêu cầu Hội đồng Bảo an có cuộc họp khẩn cấp, bởi vì việc này có thể leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát, rất là nguy hiểm, không chỉ là cho Việt Nam, mà cho tất cả các nước trong khu vực, và ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Và đấy là những công cụ, biện pháp kiên quyết và cứng rắn mà Việt Nam có thể làm ngay được.
RFI : Diễn đàn Xã hội Dân sự cùng tham gia vào nhóm 20 tổ chức dân sự ký tên kêu gọi biểu tình. Xin ông cho biết trong lời kêu gọi này, các tổ chức dân sự Việt Nam muốn đưa ra những yêu cầu gì và hy vọng đạt được mục tiêu gì ?
TS Nguyễn Quang A : Thực sự là, với một sự kiện rất là nghiêm trọng như thế này, như là kinh nghiệm của những năm trước, đằng nào người dân cũng sẽ phải lên tiếng. Mà 20 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam có lời kêu gọi như thế là cũng góp phần vào tiếng nói chung của người dân.
Thứ nhất là phản đối, lên án hành động ngang trái của chính quyền Trung Quốc, rất là nguy hiểm này.
Thứ hai là yêu cầu chính quyền Việt Nam có những biện pháp dứt khoát, cứng rắn, kiểu như tôi nêu vừa rồi.
Và một điểm nữa, là những người bị chính quyền bắt giữ trong thời gian vừa qua, nhất là đối với anh Nguyễn Hữu Vinh, xẩy ra ngay sau sự kiện vừa rồi. Đây là những người đấu tranh rất mạnh mẽ trong những lần lên tiếng phản đối hành động ngang ngược hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đối với những người bị giam giữ như thế, phải có một cử chỉ là thả họ ra. Chưa nói đến chuyện dân quyền rộng lớn hơn, cái đó đã có những kiến nghị, những lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự từ trước rồi.
RFI : Trong dư luận có một số lo ngại là, việc các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đưa ra kêu gọi trong đó ngoài chuyện phản đối chính quyền Trung Quốc, còn có thêm các yêu sách trả tự do cho những người bị giam giữ, với những nội dung rộng hơn như nông dân chống cướp đất hay dân oan đòi công lý…, thì các lực lượng trong chính quyền có thể lấy cớ này để đàn áp biểu tình. Ông nghĩ thế nào về điều này ?
TS Nguyễn Quang A : Nếu quý vị đọc kỹ yêu cầu thứ ba của bản tuyên bố đó, thì đó không phải là rộng như tôi đã nói. Tức là chuyện về dân oan, về nhân quyền rộng hoặc về vấn đề tù nhân chính trị nói chung, thì điều này các tổ chức xã hội dân sự đã có lên tiếng trước kia rồi, hoặc ở những nơi khác. Trong trường hợp này là những tên người cụ thể, những người đã bị bắt, đang ở trong tù (những người bị bắt giam vì các hoạt động phản đối Trung Quốc được ghi trong lời kêu gọi là các công dân Việt Nam : Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đinh Nguyên Kha - ndr).
Đây là những người đã tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối hành động ngang trái của Trung Quốc. Như thế, những yêu sách này đều rất nhất quán với hành động gây hấn của Trung Quốc, chứ không phải lan quá rộng ra những chuyện khác, như mọi người có thể tưởng. Và tôi nghĩ nếu chính quyền Việt Nam thực sự có những lo lắng về chuyện này, thì cũng không phải ngại ai lợi dụng việc này để làm việc khác cả.
RFI : Còn về các phản ứng của xã hội Việt Nam, xã hội dân sự Việt Nam nói chung, xin ông cho biết nhận định.
TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, xã hội nói chung. Nếu anh đi khắp nơi, ít ra ở Hà Nội, hoặc vùng lân cận Hà Nội như tôi được biết, hoặc trên mạng, có thể nói người dân Việt Nam rất là phẫn nộ, lên án hành động vừa rồi của Trung Quốc. Tôi nghĩ là, nếu Nhà nước Việt Nam để yên cho người dân có quyền bày tỏ ý kiến của mình, chính kiến của mình, thì xã hội nói chung và các tổ chức xã hội dân sự khác cũng đều lên tiếng rất mạnh mẽ.
Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam rất rộng. Nhiều loại tổ chức, có những tổ chức khác, làm những vấn đề dịch vụ, như dịch vụ nhân đạo, y tế, giúp những người HIV… Các tổ chức xã hội dân sự như vậy hoạt động khắp đất nước này. Đối với hành động gây hấn của Trung Quốc, tất cả mọi người Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự đều rất phẫn nộ và đều lên án, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.
RFI xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Trọng Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét