Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

KHÔNG AI CỨU ĐƯỢC VIỆT NAM CẢ!


Nhìn hình ảnh những chiếc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc uy hiếp, nhiều người thấy nóng mặt; càng nóng mặt hơn nữa khi thấy những phản ứng đầy tức giận nhưng đồng thời cũng đầy sự kiềm chế đến nhẫn nhục của thủy thủ đoàn Việt Nam.

Thật ra, theo tôi, sự kiềm chế tội nghiệp ấy không có gì đáng trách. Việt Nam không còn chọn lựa nào khác. Đánh nhau trên biển, Việt Nam không thể có kết quả nào khác ngoài sự bại trận. Ai cũng biết Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Trên bộ, còn chơi trò du kích. Ngoài biển khơi, vũ khí và khoa học kỹ thuật quyết định tất cả.

Hơn nữa, sự nhịn nhục còn là một chiến thuật cần thiết về phía Việt Nam: Họ cần có thật nhiều hình ảnh để chứng minh với thế giới họ chỉ là nạn nhân chứ không phải là nhữnng kẻ khiêu khích như Trung Quốc tuyên truyền. Tính chất nạn nhân ấy cần một thời gian để tạo ấn tượng mạnh và sâu đủ để thu hút sự đồng cảm, và từ đó, sự ủng hộ của quốc tế.

Không nên trách móc nhà cầm quyền Việt Nam trong chiến thuật chịu đựng nhẫn nhục ấy.

Điều đáng trách của họ nằm ở chỗ khác: Dường như, với họ, chịu đựng nhẫn nhục là một chiến lược chứ không phải là chiến thuật, nghĩa là có tính lâu dài chứ không phải chỉ tạm thời, trong một vài ngày hay một vài tuần, vài tháng. Bởi, nếu đặt câu hỏi, sau khi đóng vai trò nạn nhân ấy rồi, Việt Nam sẽ làm gì? Nổ súng ư? – Thì chắc chắn cũng sẽ bị đánh giập đầu ngay tức khắc. Chờ đợi quốc tế nhảy vào giúp đỡ để đương đầu với Trung Quốc ư? Câu trả lời đã hiển nhiên: Sẽ không có ai cả.

Nhìn lại, người ta dễ dàng nhận ra ngay một sai lầm chiến lược cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam: Lâu nay, hầu như mọi người đều biết âm mưu thâm độc của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có một kế hoạch nào để chuẩn bị và đối phó cả. Thì đành là họ có mua một số tàu ngầm, tàu thủy và vũ khí của Nga. Nhưng số lượng những chiến cụ và vũ khí ấy so với Trung Quốc chẳng khác nào kiến chọi với voi. Điều ai cũng thấy nhưng Việt Nam không hề làm, hoặc nếu làm, chỉ là giả bộ làm: tìm kiếm đồng minh thực sự có đủ sức để giúp đỡ Việt Nam trong trận đấu nhau với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng lăng xăng đi đây đi đó,  cũng ký hiệp ước này hiệp ước nọ, nhưng thứ nhất, chủ yếu với các nước thuộc loại trung, trong đó, không có nước nào có thể là địch thủ của Trung Quốc cả; thứ hai, quan hệ giữa Việt Nam với các nước ấy vẫn rất hời hợt, không có nước nào tin cậy và thương yêu Việt Nam đủ để có thể nhảy ra chia lửa với Việt Nam trong trận chiến với Trung Quốc cả.

Nhưng dại dột nhất là Việt Nam đã không có đủ thiện chí để xây dựng một quan hệ tin cậy với Mỹ, nước duy nhất có khả năng giúp Việt Nam đương đầu với Trung Quốc. Chơi với Mỹ, họ chỉ tính toán những trò lặt vặt, kiểu bắt dân làm con tin, khi nào Mỹ yêu sách thì thả vài người rồi lại bắt vài người khác. Trên các phương tiện truyền thong, thậm chí, trên các diễn đàn chính thức của đảng, thỉnh thoảng vẫn chửi Mỹ, xem Mỹ như kẻ thù, người đứng đằng sau xúi giục cho âm mưu “diễn tiến hòa bình”.

Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam cô đơn như hiện nay. Thời kháng chiến chống Pháp, họ được Trung Quốc giúp đỡ; thời chiến tranh Nam Bắc, cả Trung Quốc lẫn Liên Xô giúp đỡ; thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, họ được Liên Xô giúp đỡ. Bây giờ: hoàn toàn không.

Đó không phải là một thất bại về ngoại giao mà còn là một thất bại về chiến lược. Hình như không ai thấy, hoặc nếu thấy, họ cũng mặc kệ không thèm làm.

Chính quyền Việt Nam không những cô đơn trong quan hệ quốc tế. Họ còn cô đơn trong quan hệ với dân chúng. Suốt bao nhiêu năm vừa qua, họ thẳng tay trấn áp một cách phũ phàng và tàn bạo tất cả những người yêu nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ xâm lược của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận trong nước lâu nay vẫn xem chính quyền chỉ là một bọn nhu nhược hoặc, gay gắt hơn, bán nước.

Khi, vì sợ Trung Quốc hay vì muốn bênh vực cho Trung Quốc, họ giang chân đạp thẳng vào mặt những kẻ đi biểu tình chống Trung Quốc, họ hoàn toàn tự cô lập với nhân dân.

Bây giờ, ở cái thế vừa cô lập với dân chúng trong nước vừa cô lập với thế giới bên ngoài như vậy, có lẽ chính quyền Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc giả vờ cứng rắn một hồi, lại tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng để Trung Quốc muốn làm gì trên Biển Đông thì làm. Mặc kệ. Quyền chức và tài sản của họ vẫn nguyên vẹn.

Kẻ thua trận, cuối cùng, là đất nước và nhân dân.



Vanvid Nguyen's photo.


Nguyễn Hưng Quốc GIẢI THÍCH: Nhiều bạn góp ý là bài viết của tôi buồn quá, có thể làm nhụt chí của nhiều người. Tôi xin nhận lỗi về việc làm một số bạn buồn. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh: trong cuộc đời, đặc biệt trong chính trị, chúng ta sẽ không thể giải quyết được vấn đề gì nếu chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật của vấn đề ấy. Càng chạy trốn, nguy cơ càng lớn. Ngoài ra, một số bạn nhắc đến yếu tố tinh thần. Đành lá đúng. Nhưng đó là trong chiến tranh trên đất liền. Trên biển, vấn đề chỉ là kỹ thuật. Điều đó hầu như ai cũng biết.

Hồng Vân Trần Cảm ơn Nguyễn Hưng Quốc bài viết đã nhìn thẳng vào sự thật lịch sử chính sự nước nhà là như vậy đấy . Rất đau buồn !

Lee Ha Chun Theo cháu thì chính sách đối ngoại của VN - không là đồng minh với bất kể nước nào, là đúng. 
Nằm ngay cạnh một nước lớn Trung Quốc, VN nhận được rất nhiều lợi ích kinh tế khi hợp tác với nước này. Việt Nam không được phép nghiêng về Mỹ quá nhiều, để mong nhận được sự giúp đỡ của Mỹ. Một nước nhỏ như VN thì chỉ có tìm cách cân bằng mối quan hệ với hai nước lớn này thôi.
Đến hai đồng minh thân Mỹ như Nhật và Philipines, trong tranh chấp Điếu Ngư và Hoàng Nham với TQ, Mỹ chỉ nói chứ cũng không trợ giúp gì nhiều khiến tình thế thay đổi. Mặc dù phải cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng sẽ không bao giờ lựa chọn cách nghiêng hẳn về một bên. Vì thế, đối với các điểm nóng này, Mỹ chỉ đứng giữa thôi ạ.

Nguyễn Hưng Quốc To Lee Ha Chun: Cháu nói đúng nếu Trung Quốc không có ý định lấn chiếm biển và đảo của Việt Nam. Đứng về phương diện kinh tế hay chính trị thời bình, sự cân bằng ấy là hợp lý. Nhưng khi TQ muốn xâm chiến lãnh hải VN thì việc đu dây ấy không phải là cân bằng vì một bên thì đánh, một bên thì không can thiệp. Như thế sao gọi là cân bằng?


Lee Ha Chun Nhưng cháu không nghĩ là vì vấn đề bị xâm chiếm lãnh hải, mà VN chọn thế cờ đi trước là tìm cách thân Mỹ hơn. 
Như cháu đã nói, dù có thân cận với Mỹ đến mấy, Mỹ cũng sẽ không thể giúp VN đảo ngược tình thế. Vì lợi ích quốc gia của Mỹ, hợp tác với một nước lớn như TQ lợi hơn nhiều. 

Vì thế, thực tế là VN lúc này đang không thể trông đợi vào ai. Mà nếu như có thể trông đợi vào ai, thì cũng không nên. Tự lực cánh sinh trong thời bình vẫn là chủ chốt. 

Theo cháu thì nguồn gốc cốt lõi của vấn đề vẫn chỉ là sức mạnh kinh tế của VN quá yếu. Sức mạnh kinh tế là nền tảng của mọi sức mạnh. Không có sức mạnh kinh tế thì không có hạm đội và quân đội mạnh. Không quyền lực mềm.

Thế nên, bây giờ phải nhẫn nhục là phải rồi ạ. Mình thấp cổ bé họng. Trong khi chân lý luôn thuộc về kẻ thắng. Kẻ mạnh là kẻ thắng.



Viết-Trọng Lê  Lee Ha Chun: à, Nhẫn nhục với một thằng khổng lồ thì cũng phải. Nhưng như GS Nguyễn Hưng Quốc nói ở trên là VN đang sử dụng kế nhẫn nhục như một chiến lược chứ không phải một chiến thuật. Mấy chục năm này nhẫn nhục rồi nhưng đến giờ vẫn không có đối sách gì để thoát khỏi cái sự kìm hãm này. Thử hỏi là đảng ta định tiếp dùng hạ sách này đến hết bao đời Thủ Tướng nữa?

Quy Tau Tây Nguyên cũng của TQ rồi, khai thác bô xít rồi , đến Cam Ranh ngư dân TQ cũng đã từng vào rồi, quảng nam, đà nẵng, nghệ an, thanh hóa lao động Trung Quốc nhiều hơn dân bản địa. Rừng đầu nguồn các DN TQ cũng mua hết rồi, các công trình lớn nhất của VN cũng mang tên nhà thầu TQ rồi, từ cái bút chì, cái kẹo, đồ chơi trẻ em, xe máy, ốc vít, quần áo... đến đồ ăn thức uống ta vẫn đang dùng hàng Tàu.Các bạn đã bao giờ đi đám hiếu những người chết vì Ung thư nhiều như những năm qua chưa? .... KO đơn giản mà lá cờ VN là cờ 1 tỉnh TQ từ đầu thế ký trước. ko đơn giản khi ông Tập sang VN lại có thêm 1 ngôi sao lên VTV để toàn dân thấy, khi người dân phản đối thì bắt bớ, đánh đập. Cái lòng yêu nước nồng nàn ngàn năm mà dân còn không được thể hiện thì còn thể hiện được cái gì, đến khi có biến lại kêu gọi lòng yêu nước. Bác Nguyễn Hưng Quốc quá đúng khi nói: chua bao giờ VN cô độc như bây giờ. Ko bạn bè thân thiết, ko hàng xóm. buồn lắm nhưng đó là sự thật...

Ha Kimchi Hỡi ôi ..!kể cả việc làm đổi căn cước mới ,ghi hàng chữ Tàu lên góc xéo trên bên trái của căn cước ,chữ HUAXIN ,tiếng Tàu nghĩa là TÂN HOA ,hay là TÂN NAM TRUNg HOA ?ai đó có nhìn thấy vấn đề này không ?

Hoa Lan Chuông Bài viết đã gọi đúng tên một sự thật quá đau lòng ! Nhưng phải làm gì để cứu những người lính trẻ , nhưng ngư dân đang cô đơn đối mặt với kẻ thù và cái chết ? Chỉ có một ông phs đô đốc tuyên chiến thì giải quyết cái gì đây ? Đaats nước đang như Rắn không đầu Cho dù có biểu tình cúng không đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi !

Pham Tay Son Anh Quốc cũng đã nghe thấy biết bao năm qua những Đồng bào VN ở Quốc nội và Ngoại quốc đã chỉ rõ cái nguy hại ngàn năm chơi với đ/c Trung cộng mà còn kết anh em tình nghĩa (Dân nhậu ở ta có cấu "tình nghĩa, tỉa một nghin" tuy bình dân nhưng rất hay trong trường hợp này)...cũng chỉ vì quyền lực và tiền của một nhóm thiểu sỗ cai trị Dân ta .... -Bao nhiêu năm lãnh đạo cái nhà nước CHXHCN VN này đâu có đi tìm Đồng minh mà chỉ gắn bó với Đồng chí cùng chung ý thức hệ CS-....Mọi rủi ro, cay đắng ,khổ nhọc...Đồng bào ta gánh lấy vì Nhân Dân VN quá "tốt bụng" và đủ sức để nuôi đám "ăn hại đái nát" hàng chục năm nữa.


Nguyen Manh Trung Anh nghĩ là Việt Nam đủ giá trị để trở thành một đồng minh mà Mỹ sẵn sàng bất chấp việc khai chiến với TQ để bảo vệ ư?

Nguyễn Hưng Quốc To Nguyen Manh Trung: Dĩ nhiên là là Mỹ sẽ không vì VN mà khai chiến với Trung Quốc, nhưng Mỹ sẽ vì Mỹ và sẵn sàng đương đầu với TQ. Trong một bài post trên fb trước đây, tôi có bàn đến vấn đề này. Xin copy lại: "VIỆT NAM, TRUNG QUỐC, MỸ VÀ BIỂN ĐÔNG

Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm giống nhau hoặc gần nhau. Điểm khác biệt lớn nhất và có khả năng dẫn đến xung đột là Biển Đông. Trung Quốc không cần đánh chiếm Việt Nam. Trung Quốc chỉ có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Việt Nam và Mỹ có rất ít điểm giống nhau hoặc gần nhau. Điểm tương đồng lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ là Biển Đông. Mỹ không cần Việt Nam về cả phương diện kinh tế lẫn phương diện chính trị. Mỹ chỉ cần Biển Đông. Để bảo vệ Biển Đông, Mỹ cần Việt Nam: cái cần ở đây là một cái cần thứ yếu, phái sinh từ một cái cần khác.

Biển Đông, do đó, là một điểm nóng trong cuộc tranh chấp chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai. Đó cũng sẽ là nơi để Việt Nam lựa chọn giữa kẻ thù và đồng minh."


Phuc Nguyen Hic! Năng thuyết...bất năng hành?  Đúng kg anh? Em đếch theo thằng nào cả!

Nguyễn Hưng Quốc To Phuc Nguyen: Ý năng thuyết bất năng hành của bạn hoàn toàn sai. Không ai đòi hỏi một nhà bình luận bóng đá phải biết ra sân đá bóng cả. Trong chíh trị, không ai đòi hỏi một nha 2bi2nh luận hay nghiên cứu phải nhảy ra làm chính trị. Tuy nhiên, nếu người làm chính trị không đọc và suy nghĩ về các ý kiến của nhà bình luận thì họ sẽ làm những diều rất ngu xuẩn. Như chính quyền VN lâu nay!


Nguyễn Hưng Quốc
 To Phuc Nguyen: Về ý thứ hai, câu đếch theo thằng nào, ở vào những thời điểm khác, có vẻ ngông nghênh, nhưng ở vào thời điểm nàythì tật hết sức dốt nát. Khi Trung Quốc đánh mình, mà mình "đếch theo thằng nào hết" thì hậu quả là bị Tung Quốc đánh chết chứ sao?

Jun Zhong Đến đăng cái Ảnh còn sai. Còn ngồi đấy mà bình luận. Kia là ảnh 2 tàu của nhật kẹp tàu Tq ở đảo điếu ngư. Dù bài viết có hay có sắc bén nhưng làm lại làm nhụt trí và mất niềm tin như thế này. Cũng chỉ đáng cho vào sọt rác !


Nguyễn Hưng Quốc To Jun Zhong: Cám ơn bạn đã chỉ ra cai sai của bức hình. Khi post bài, tôi tìm trên internet vài bức hình để minh họa. Dĩ nhiên, nếu chính xác thì vẫn hay hơn; nhưng nếu sai, cũng chả có gì quan trọng. Có điều, khi bạn nói đến niềm tin, tôi rất lo. Niềm tin của một nhà khoa học: rất có lợi; nhưng niềm tin vào bọn phù thủy thì lại rất nguy hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét