Trên facebook, tôi thấy có một số người lý luận: Nếu chiến tranh giữa Việt Nam bùng nổ, dù là trên biển, Việt Nam rất có nhiều cơ hội được dân chủ hóa.
Sai.
Sự thực ngược lại.
Trong trường hợp có chiến tranh,
- thứ nhất, chính quyền vốn lâu nay bị xem là hèn nhát và hèn hạ, sẽ nắm lấy ngọn cờ chính nghĩa, trở thành kẻ lãnh đạo cuộc chiến tranh chống ngoại xâm;
- thứ hai, dân chúng sẽ tự động đoàn kết và cùng đứng sau lưng chính quyền để đánh giặc;
- thứ ba, như nhiều học giả trên thế giới đã phân tích từ lâu, văn hóa chiến tranh (war culture) chủ yếu là văn hóa khuất phục và vâng phục. Trong chiến tranh, người dân, ngay cả ở những nước tiến bộ và có trình độ giáo dục cao nhất, thường có khuynh hướng tự động giảm óc phê phán của mình để lắng nghe chính quyền và làm theo lệnh của nhà cầm quyền.
Đó là lý do tại sao tất cả các nhà độc tài đều muốn chiến tranh: Họ dùng chiến tranh ở bên ngoài để củng cố sức mạnh và đàn áp đối lập ở bên trong.
Một số người khác lý luận: Nếu chiến tranh bùng nổ, chắc chắn Việt Nam sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ; và chắc chắn một trong những yêu sách đầu tiên của Mỹ là Việt Nam phải dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Sai.
Sự thực ngược lại.
Nước Mỹ có nhiều nghịch lý. Một trong những nghịch lý đó là: Một mặt, Mỹ là quốc gia vận động và truyền bá dân chủ một cách nhiệt tình và tích cực nhất trên thế giới; nhưng mặt khác, đôi khi vì quyền lợi của Mỹ, Mỹ sẵn sàng dung dưỡng và bảo trợ rất nhiều nhà độc tài. Bằng chứng? Nhiều lắm. Chỉ kể sơ qua vài người: tướng Maximiliano Hernandez Martinez ở El Slvador; Tổng thống Rafael Leonidas Trujillo ở Dominican Republic; tướng Humberto Branco ở Brazil; tướng Jorge Rafaal Videla ở Argentina; Tổng thống Augusto Pinochet ở Chile; Tổng thống Park Chung Hee ở Hàn Quốc; Tổng thống Ferdinand Marcos ở Philippines, v.v… Gần đây, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ vua Abdullah ở Saudi Arabia; Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen; Sultan Qaboos bin Said Al-Said ở Oman;Teodoro Obiang Nguema Mbasogo ở Equatorial Guinea; Gurbanguly Bordymukhamedov ở Turkmensistan, Hosni Mubarak ở Ai Cập, v.v…
Để bảo vệ Biển Đông, Mỹ và Việt Nam sẽ phải liên minh chặt chẽ với nhau. Để liên minh, hai bên cần thỏa hiệp với nhau một số điểm. Một trong những điểm Mỹ dễ nhân nhượng nhất là bỏ hoặc giảm các yêu sách về dân chủ và nhân quyền!
Bởi vậy, trong trường hợp bùng nổ chiến tranh, dù chỉ ở mức độ thật hạn chế, kẻ có lợi nhất vẫn là nhà cầm quyền và kẻ bị mất mát lớn nhất vẫn là dân chúng: Họ phải vừa chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến vừa tiếp tục bị kiềm hãm trong vòng độc tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét