- 1/_ Một phát minh mới: Dụng cụ để đọc được những gì chúng ta nghĩ trong đầu.
- 2/_ Lưỡi cũ hư cắt bỏ thay cái lưỡi mới
- 3/_ Sắp chết? Thì ta ăn chơi cho hết tiền luôn
- 4/_ Chê mông bà nhỏ vậy thì bà cho mày xanh cỏ
- 5/_ Nhà báo này bị lịch sự thừa
THƯ GỬI BẠN TA (5 tháng giêng)
Bùi Bảo Trúc
Ngày 31 tháng 12 năm 2012
1/_ Một phát minh mới: Dụng cụ để đọc được những gì chúng ta nghĩ trong đầu.
Bạn ta,
Ngay từ khi cuốn 1984 của George Orwell ra đời, người ta đã thắc mắc rằng liệu Oceania, cái xã hội kinh hoàng Orwell vẽ ra, cái xã hội trong đó, mọi người bị các Big Brothers theo dõi ngày đêm, kiểm soát từng lời ăn tiếng nói, cũng như tất cả suy nghĩ trong đầu, có thể có trong thế giới thật của chúng ta hay không, thì điều rất đáng buồn, và rất đáng lo sợ, câu trả lời cho thắc mắc đó là cái xã hội đó có thể có thật.
Orwell hy vọng Oceania được vẽ ra với những nét rất thật đó để thuyết phục độc giả của ông rằng cái xã hội đó có thật và có thể sẽ lại trở lại nếu chúng ta quên đi những bài học mà lịch sử dạy cho chúng ta.
Chúng ta đang bước lại gần hơn với cái xã hội đáng sợ đó. Và chúng ta không làm gì được để tránh nó.
Các khoa học gia tuần qua đã phát minh ra một dụng cụ để đọc được những gì chúng ta nghĩ trong đầu. Những câu hỏi như “Này, đang nghĩ gì mà đần mặt ra như thế? Nói nghe coi!” sẽ không còn có thể trả lời một cách dễ dàng như trước nữa.
Thí dụ không thể trả lời cho có, đại khái “À thì đang nghĩ về những ân sủng mà Thượng đế đã đoái thương ban cho đời sống... một mái nhà tranh, hai quả tim vàng đập chung một nhịp của chúng ta đấy chứ có dám nghĩ gì khác đâu..”.
Những câu trả lời như thế trước đây đều được chấp nhận ngay. Nhưng với phát minh mới đây, những câu trả lời như vậy sẽ bị cho thấy ngay đó là những câu nói dối, những điều không đúng sự thật. Người bị hỏi được cho một cơ hội để trả lời lại cho đúng như suy nghĩ trong đầu mới được. Nhưng khi trả lời đúng thì cách gì sống nổi.
Những câu hỏi như “Nè, tui có cần đi sửa gì không thì nói tui nghe coi…” mà trả lời “Không... sao lại sửa để thành lợn què..”. cũng sẽ không thể chấp nhận được. Trong khi nếu trả lời “Có chứ!” và chạy vào bàn giấy lôi trong hộc tủ ra một danh sách dài khoảng hai trang ghi rõ những khu vực cần sửa thì máy sẽ cho biết là nói thật. Nhưng nói thật như thế rồi làm sao đối diện với sự thật trước mặt?
Bộ máy mới phát minh không dễ đánh bại như những cái máy dò nói dối trước đây nữa. Những cáipolygraph có thể qua mặt dễ dàng. Khi trả lời, cứ khấn Phật Bà Quán Âm, lòng sẽ thanh tịnh, bình lặng, nhịp tim sẽ đều, không nhảy lên, nhảy xuống, mồ hôi không toát ra ở tay, ở thái dương, nhịp thở bình thường, đồng tử không mở đóng bất thường, không cà lăm nữa... Mọi câu hỏi có thể trả lời như ý của người bị hỏi mà máy không thể nào tống ra cái biểu đồ như địa chấn kế Richter trong lúc động đất 8 chấm...
Thế nhưng bây giờ, bộ máy mới do các khoa học gia thuộc đại học Pennsylvania phát minh có thể đo được lượng máu đổ dồn lên vùng chuyên dùng để nói dối của não bộ. Khi hiện tượng này diễn ra, tia tử ngoại có thể nhìn thấy ngay được, và đèn đỏ sẽ bật lên loạn xạ để báo hiệu một câu nói dối đang thành hình. Mọi chi tiết tốt đẹp trong câu trả lời đều được đưa ra chỉ nhắm mục đích cứu lấy cái đít của người trả lời, như một cách nói của người Mỹ (... to save one’s ass).
Những cái máy như thế, trong vòng mười năm nữa, sẽ thông dụng như những chiếc VCR trong nhà chúng ta hiện nay. Và khi nó được thu nhỏ lại như những chiếc thẻ tín dụng, lúc nào cũng để sẵn trong ví đầm, trong xách tay, hay đeo tòn ten trước ngực thì làm sao sống?
Đường xa, nghĩ nỗi sau này mà kinh... là vậy.
* * *
Ngày 1 tháng 1 năm 2013
2/_ Lưỡi cũ hư cắt bỏ thay cái lưỡi mới
Bạn ta,
Hạ tuần tháng trước, một người đàn ông ở thủ đô Áo đã được các y sĩ của bệnh viện thay cho một cái lưỡi mới sau khi cái lưỡi cũ của ông bị cắt bỏ vì bị ung thư.
Người đàn ông 42 tuổi này, sau 14 tiếng đồng hồ trong phòng giải phẫu của bệnh viện, đã có cái lưỡi mới. Các y sĩ cho biết ông sẽ bình thường trở lại, sẽ ăn, sẽ nói được như thường và hiện nay, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy cơ thể của ông không thích cái lưỡi mới, đòi vứt nó đi, tống nó ra ngoài, không nhận nó, như một số các trường hợp giải phẫu ghép các bộ phận khác. Có điều là các y sĩ cho biết ông sẽ là người thực bất tri kỳ vị, ăn uống ngon cũng không biết và dở cũng... ăn hết, không phàn nàn chi cả.
Vài ba tuần nữa, khi những vết khâu lành lặn, người ta có thể sẽ biết cái lưỡi mới của ông sẽ ra sao, và đời sống của ông với nó, cái lưỡi mới đó, sẽ như thế nào.
Hãy khoan bàn đến chuyện nói. Vì có thể chuyện đó còn mất một thời gian nữa. Nhưng chuyện ông mất vị giác, đời sống của ông sẽ vui hơn. Ông sẽ không câu nệ về chuyện ăn uống nữa. Nấu gì ăn nấy, không phàn nàn, không chê ỏng chê eo dẫu cho bị quăng cho vài ba món nấu như ma mửa, vẫn ăn như thường. Mì gói do người đàn ông Á châu trung niên nấu mời ông ăn cũng không khác gì Cordon Bleu nữa.
Nhưng cách ăn nói của ông chắc chắn sẽ khác. Những cái lưỡi thường, ăn nói tử tế thì phải khác những cái lưỡi át xít, như người Mỹ vẫn nói.
Đúng như người hàng thịt trong truyện cổ đã lý luận, cái lưỡi là bộ phận quyết định những gì trở thành tiếng nói phát ra từ miệng.
Mồ cha con bướm trắng
Mồ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua... (ca dao)
Nói điều chanh chua, độc ác, ngoa ngoắt là do cái lưỡi mà ra. Chẳng thế mà một trong những hình phạt dành cho những kẻ khi quân, khinh thế, ngạo vật, ăn nói bậy bạ là cắt lưỡi. Nhan Cảo Khanh chỉ vì không chịu về hàng sau khi Thường Sơn thất thủ, lại còn trừng mắt mắng chửi An Lộc Sơn nên bị cắt lưỡi rồi giết chết (Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh/ Thường Sơn chửi giặc chịu hình cũng ưng: Ngư Tiều Vấn đáp).
Chuyện nói năng của ông chắc phải khác. Ông trở thành người mở miệng ra là gãy cây, gãy cối hay là toàn những lời dịu dàng dễ nghe tùy thuộc vào cái lưỡi mới.
Người Trung Hoa đã từng ví lưỡi như móc, môi như gươm – câu thiệt, kiếm thần – để ví lời nói khéo có thể hãm hại được người, hay thiệt kiếm, thần sang, lưỡi như gươm, môi như súng là nói năng ghê gớm mạnh mẽ lắm.
Chuyện này phải đợi khi lưỡi cử động mạnh mới biết được. Nhưng nếu quả thật thay cái lưỡi mới sẽ đổi được cách ăn nói, thì rồi đây, chuyện gắn cho cái lưỡi mới sẽ được ghi nhận thường hơn, không còn là thứ tin tức mà tất cả các hãng thông tấn từ AP đến UPI, Reuters, AFP... mấy ngày hôm nay làm ầm lên như người ta vừa thấy.
Nhiều khi cũng chẳng phải đi đâu xa, vợ chồng trao đổi cho nhau, vết thương lành lặn xong, gậy ông đập lưng ông, lưỡi bà nói bà nghe... thì lúc ấy mới hiểu người kia khổ thế nào.
Lúc ấy, nhờ thay lưỡi, các phụ nữ sẽ không còn mang cái tiếng xấu xa như câu thành ngữ Trung Hoa này nữa: phụ nhân trường thiệt vi tệ chi giai, đàn bà mà lưỡi dài, ăn nói ngoa ngoắt là bậc thang tai hại.
Thành công của các y sĩ Áo ở Vienne sẽ đem lại không biết bao nhiêu là thay đổi cho đời sống chúng ta là như vậy.
* * *
Ngày 2 tháng 1 năm 2013
3/_ Sắp chết? Thì ta ăn chơi cho hết tiền luôn
Bạn ta,
Một người đàn ông ở thị trấn Cornwall đã làm được những chuyện chúng ta chỉ ao ước cả đời mà không làm được.
Ông làm tôi nhớ đến một ông cụ nay đã quá cố, thân sinh bạn của tôi. Cụ đi làm suốt hơn nửa thế kỷ, chỉ kẹt lắm mới nghỉ vài ba ngày trong suốt bằng ấy năm. Cuối cùng, cụ quyết định về hưu, và dự tính làm một số chuyện khi thời giờ không còn lệ thuộc vào công việc nữa.
Cụ về hưu được đúng một tuần thì qua đời.
Cũng như Phan Thanh Giản trong một bài thơ, “duy còn sinh tử tự ư Trời”.
Phải chi mà biết trước được chuyện ra đi, chắc ông cụ không làm việc chăm chỉ như vậy. Cụ phải nghỉ hưu từ lâu, làm tất cả những chuyện muốn làm mà chưa làm được. Thí dụ đi tới những nơi mà một cuốn sách gợi ý là nên đi trước khi chết.
Tới Vạn Lý Trường Thành hét lên một tiếng coi có lung lay bóng nguyệt không, trở lại để xuôi xuống giòng Montparnasse, ngược lên giòng Sacré Coeur như trong thơ Vũ Hoàng Chương, đến La Mã, thành phố của một ngàn đêm trăng, trở lại Huế, đi kiếm rặng liễu nơi người cung phi Thị Bằng đã đứng ngồi...
Ít nhất cũng phải làm được vài ba chuyện như thế rồi thì có nhắm mắt thì cũng... đồng ý nhắm mắt.
Người đàn ông 62 tuổi tên là John Brandrich cách đây hai năm được cái tin không vui từ một y sĩ khám bệnh cho ông. Ông được thông báo là bị ung thư lá lách và chỉ còn sống được khoảng một năm là cùng.
Ông đón nhận cái tin khủng khiếp đó một cách bình thản. Ông nghỉ việc, bán và cho đi gần hết những đồ đạc, vật sở hữu, và đem hết tiền dành dụm ra đi ăn chơi thỏa thích.
Nhưng một năm sau, ông thấy vẫn chưa chết nên đi khám lại xem tại sao chưa chết thì được biết là cái bướu thực ra không phải là bướu ung thư mà là trường hợp lá lách bị sưng nhưng không đe dọa tới tính mạng.
Lúc ấy, ông chỉ còn một bộ quần áo trên người và trong ngân hàng thì không còn một đồng nào.
Ông kiện người y sĩ đã chẩn đoán bệnh sai cho ông. Ông nói rằng ông không chết thì cũng vui nhưng vì lời chẩn đoán không đúng, ông đã tiêu hết tiền để dành. Ông đòi được bồi hoàn số tiền ấy.
Đọc bản tin viết về ông, tôi vừa muốn ông thắng kiện, vừa thấy ông thua kiện cũng chẳng sao.
Ông nên được nhà thương hay người thầy thuốc bồi thường cho ông một số tiền vì việc chẩn đoán sai đã khiến cho ông phải đau đớn, khổ sở không ít. Tưởng tượng có người nói sẽ chết trong vòng một năm thì còn điều gì đáng sợ, đáng lo lắng cho bằng. Bao nhiêu chuyện chưa làm, bao nhiêu người chưa gặp, bao nhiêu nơi chưa đến. Thần chết cầm cái lưỡi hái đứng chờ ngoài cửa, vừa chờ vừa bóc cuốn lịch. Ông nên được bồi thường một khoản tiền.
Còn chuyện trả lại cho ông số tiền ông đã tiêu để ăn chơi suốt một năm thì chưa chắc là đã cần thiết.
Ông tiêu tiền của ông cho cái xác của ông. Ông đi du lịch đây đó cả năm, không một chút bận tâm. Ông làm những việc mà nếu không có lời chẩn đoán sai đó liệu ông có dám làm không? Hay cứ gói bạc ôm khư khư như thằng ăn mày giữ cái bị, ăn tô phở cũng không dám ăn, gọi một cú điện thoại viễn liên cũng không dám gọi, thấy cái ca vát đẹp cũng không dám... chiều cái cổ một chút. Rồi một hôm lăn đùng ra chết thì... chết như vậy làm gì?
Đằng này ông kiếm bà bạn đi một chuyến vòng quanh thế giới, ghé Paris mang chai champagne lên cầu sông Seine uống với nàng một ly, rồi quăng cả chai lẫn ly xuống sông, khoác vai tới ngồi bên cầu Mirabeau nhìn xuống giòng nước lặng lờ trôi, chuông reo, ngày đi, chúng ta ở lại như thơ Apollinaire mà không sướng ư...
Rồi hết tiền thì đã sao? Ông cho biết ông còn cái nhà chưa bán.
Thế thì lo làm cái gì? Ông đọc Nguyễn Công Trứ chưa? Chưa thì đọc cho ông hai câu thôi nhé:
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Không chơi đi, thiệt đấy ai bù...
Đáng lẽ ông phải cám ơn ông thầy thuốc đã cho ông hưởng lạc thú suốt một năm mà vẫn không... chết mới phải.
* * *
Ngày 3 tháng 1 năm 2013
4/_ Chê mông bà nhỏ vậy thì bà cho mày xanh cỏ
Bạn ta,
Tờ New York Post số phát hành cách đây hơn một tháng có đăng một cái tin mà bây giờ đọc, tuy muộn, vẫn có thể làm cho nhiều người lạnh xương sống.
Lạnh xương sống và phải thay đổi cách phát ngôn ngay tình của mình thì mới may ra tránh được thảm họa.
Số báo đề ngày 4 tháng 7 có chạy một bản tin của thông tín viên Denise Buffa theo đó, một người đàn ông trẻ ở Brooklyn, New York, tên là Jason Thomas, 27 tuổi, trong một trận cãi vã với vợ là Judy hôm 11 tháng 5, đã đưa ra phê phán về một khu vực trên cơ thể của vợ, và vì lời phê phán này, Jason bị Judy dùng dao đâm chết.
Judy chắc chắn không hài lòng với nhận định của Jason về khu vực cơ thể ấy của cô.
Bài báo viết rằng trong lúc cãi nhau, Jason nói thẳng vói Judy điều Jason nghĩ về khu vực hậu cứ của vợ. Jason cho rằng Judy có chỗ để ngồi quá nhỏ.
Trong một xã hội được tuyên truyền sáng, trưa, chiều, tối rằng phải to mới là đẹp, thì nhận định của Jason về kích thước khiêm tốn của Judy ở vòng số ba, có thể đã làm cho Judy nổi điên lên, mất bình tĩnh, chạy ngay vào bếp, kiếm con dao đâm vào ngực chồng. Jason chết ngay tại chỗ.
Nói cái đít nhỏ được hiểu như một đánh giá không xây dựng, đầy vẻ chê bai. Judy nổi giận và đâm chết chồng.
Chi tiết này còn cho thấy những khác biệt về văn hóa Mỹ và Việt. Nếu Judy là một phụ nữ Việt thì chắc chắn một mạng người đã không bị phí phạm như ở Brooklyn, New York.
Trong văn hóa Việt, nói ra những chi tiết như Jason đã nói với Judy trong lần cãi nhau đó lại là một lời khen ngợi.
Lý do là vì người Việt coi chuyện nhỏ ở chỗ ấy là tốt. To mới là xấu. Người phụ nữ Việt sẽ rất vui vẻ được chồng khen tặng một cách thẳng thắn như thế. Điều này được thấy rõ trong một câu tục ngữ có rất nhiều nét tướng pháp ở trong: “Cả vú, to hông, cho không chẳng màng”.
To hông cũng phải đi đôi với to ở khu vực hậu cần. Không thể to hông mà không to chỗ để ngồi được. Do đó, theo cái nhìn và quan niệm về đẹp của chúng ta, hai khu vực ấy mà to là có... thí cô hồn “cho không”cũng không thèm đem về.
Nhưng oan nghiệt cho Jason, chỉ vì Judy là người Mỹ, những người cho là hễ cứ to là... đẹp cái đã, nên Jason mới chết lãng xẹt như thế. Chứ hai vợ chồng Việt Nam cãi nhau, mà nói như Jason đã nói là khen vợ lắm, không hề có ý lăng mạ chút nào. Chỉ khi nào nói cái này to, cái kia lớn thì mới làm cho người phụ nữ nổi giận đùng đùng chạy vào bếp kiếm con dao to và dài để nói chuyện phải quấy.
Người Việt Nam không nổi điên lên về những chuyện ấm ớ như thế.
Có nổi điên lên là khi nào bị đưa ra những nhận định về giọng Karaoke, hay về cách ăn mặc của mình.
Bởi thế nên tại các tiệc cưới, người ta vẫn xếp hàng lên tra tấn tai của khách ngồi dưới bằng giọng hát và làm khổ mắt của những thân hữu bằng cái rốn ngoại lục tuần của họ, nhất định cho rằng cháu nội cháu ngoại không được Thượng Đế cho độc quyền hở rốn, bà cũng hở lia chia vậy...
Và phụ nữ Việt Nam vẫn được những người chồng tử tế khen lấy khen để hai vùng chiến thuật, rằng cứ để nguyên như vậy là đẹp dễ sợ rồi, không cần sửa sang, upgrade lên làm gì hết và để mặc các bà vợ chạy như bay đi sửa khi chưa nói hết câu.
Vì không ai dại dột nói rằng đô thị đang rất cần chỉnh trang, xe cần làm máy, gối cần nhồi thêm bông, gà tây đút lò cần thêm stuffing...
Nói khác làm sao toàn thây được đây?
* * *
Ngày 4 tháng 1 năm 2013
5/_ Nhà báo này bị lịch sự thừa
Bạn ta,
Người viết bản tin AP mà tôi đọc được hôm qua thực rất đáng bị lôi ra đánh cho một trận mới phải.
Bản tin nói về vụ tranh chấp ở thị trấn Leonia, New Jersey giữa người chủ một căn nhà và người kia là chủ của một con chó thực ra không có gì đáng nói. Nhưng cái tựa của bản tin này vừa tầm bậy tầm bạ vừa lăng mạ tất cả loài người văn minh và lịch sự của thế giới này của chúng ta.
Cái tựa nguyên văn như thế này: N.J. Men Spar Over Dog's Bathroom Habits.
Những chữ dùng trong cái tựa này làm tôi nghĩ người viết nó cần phải được gửi đi học lại để viết tin mới được.
Bathroom habits, như trong nguyên văn, có nghĩa là những thói quen trong buồng tắm. Buồng tắm có thể được dùng trong nhiều việc. Tắm rửa, gội đầu là việc chính. Các công tác bài tiết của cơ thể cũng có thể được làm trong buồng tắm. Vì thế, có khi vào buồng tắm nhưng không để tắm mà có thể là để làm những việc khác nữa.
Cũng vì lý do đó, khi nói đi vào buồng tắm, dùng cái buồng tắm là cách nói thanh tao hơn thay vì nói rõ ra chủ đích đích thực của việc cần dùng cái buồng tắm.
Nhưng thế nào là thói quen trong buồng tắm?
Đó là những chuyện thường làm, những thói quen khi dùng cái buồng tắm. Thí dụ tắm xong thì rửa sạch bồn tắm, nhặt những sợi tóc rụng để bồn khỏi nghẹt. Dùng cái bồn rửa tay xong thì lau cho khô. Bàn chải đánh răng để vào ống. Tuýp kem đánh răng thì bóp từ dưới lên trên. Gần hết giấy thì thay giấy mới tránh gây kinh hoàng cho người vào sau. Dùng giấy thì dùng vừa phải, không phải mỗi lần vào là kéo nửa cuộn ra coi chơi. Nhấc cái bệ cầu lên thì khi xong việc phải hạ xuống. Cố nhắm cho kỹ, đừng để cho bắn lung tung ra ngoài. Nếu cần phải đọc trong khi dùng buồng tắm thì nên đọc Reader’s Digest với những bài ngắn. Không nên đem trường thiên tiểu thuyết vào buồng tắm. Chỉ khi nhà có một mình và không có trẻ con hay người lớn yếu bóng vía trong nhà hãy hát trong buồng tắm. Thấy có tiếng hắng giọng bên ngoài thì cố gắng cắt ngắn thời gian chiếm đóng buồng tắm để khỏi tạo ra những đáng tiếc đầy bối rối và khó xử cho người bên ngoài. Nên mở to radio hay CD trong buồng tắm để cho tiếng hát át... các thứ tiếng khác. Nếu cần, giật nước để những tiếng thở mệt nhọc khỏi vọng ra ngoài. Xong việc, khi bước ra, nên cười (nếu ngồi quá lâu) để mặt mũi trông đỡ vẻ táo bón...
Đó là những thói quen trong buồng tắm – bathroom habits – như lối hiểu thông thường của tôi. Thế thì theo bản tin của AP thì bộ loài chó cũng dùng cái buồng tắm ư?
Không. Vì không nên mới có chuyện. Con chó trong bản tin khi đi ngang qua cửa nhà người đàn ông nọ thì dừng lại và để trên bãi cỏ một chút kỷ niệm. Chủ nhà đòi chủ chó phải hốt mang đi. Chủ chó không chịu, chủ nhà kiện chủ chó ra tòa.
Như vậy, con chó trong bản tin không hề vào buồng tắm để tắm rửa. Nó chỉ dừng lại, bón cho bãi cỏ một bãi. Vậy thì cứ nói là con chó đại tiện ra bãi cỏ cũng đã là lịch sự chán. Nhưng người viết cẩn thận, có thể là sau khi thấy những tấm bảng ghi rõ Nhà Ỉa, Nhà Đái mang từ Hà Nội vào dựng ở miền Nam, đã quyết định phải lịch sự trong ngôn ngữ một chút.
Do đó mà có những chữ bathroom habits trong tựa của bản tin.
Chó mà cũng có bathroom habits sao?
Bathroom habits của chó là thế nào? Là giơ cái chân lên vừa đủ để khỏi ướt? Khoảng 45 độ, chứ không cần tới 90 độ, bày hết ra cho mọi người coi? Xong việc, quay lại hốt món quà mang về nhà chủ? Cầm theo cuộn giấy để tự làm sạch, khỏi chùi vào ghế sa lông, giường ngủ của chủ? Lúc cần cho thoát một ít hơi trong ruột thì chạy ra ngoài vườn, tránh bắt chủ phải ngửi trung tiện của chó?
Loài chó không bao giờ lịch sự và có học như thế. Chúng tiểu, trung và đại tiện lung tung mặc cho chủ lo đi sau mà hốt. Chúng không hề có những thói quen trong buồng tắm. Chúng không biết nhường nhau bao giờ. Có khi hai ba cậu chó cùng gác chân lên cột đèn, lên cột ống nước cứu hỏa, không xếp hàng trước sau gì cả. Xong việc là ngoắc đuôi chạy đi ngay, không lo chuyện giấy... má gì hết.
Tại sao vậy? Trong khi chó và giấy cùng có... má đi ngay đằng sau mà!
Phải chi mà nó biết cầm tờ Nhân Dân đọc khi dùng cái cột đèn thì giống chủ nó biết là bao nhiêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét