Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lẩu dư luận

Nhà văn Thùy Linh
73229_133026546849276_1425516899_nMấy hôm nay giới bloggers có vẻ hồ hởi đón nhận diễn đàn sẽ mở ra nay mai giữa họ và các “dư luận viên” của chính quyền đang thành lập. Dòng sông cuộc sống mải miết trôi, càng ngày bên bồi, bên lở khiến hai nhóm người đứng hai bên bờ càng xa cách. Khó tắm chung dòng và khó nghe nổi lời của nhau là sự thật bấy lâu nay giữa hai phía. Đáng lẽ diễn đàn tranh luận các quan điểm đối ngược phải có từ lâu rồi.
Trước hết cần thống nhất với nhau đây thực sự là các cuộctranh luận, chia sẻ về các quan điểm, cách nhìn, những ước muốn, hy vọng về sự đổi thay tốt đẹp cho đất nước. Hết sức tránh những từ “đấu tranh”; “phê phán”…Bởi người ta chỉ đấu tranh, phê phán với những cái xấu xa, tồi tệ. Hơn nữa hiện giờ thế giới hãn hữu mới dùng đến phương pháp bạo lực, nghiêm khắc khi muốn thay đổi cái xấu. Thay vì đấu tranh, phê phán, lật mặt cái xấu, kẻ xấu, người ta cố gắng khơi gợi điều tốt đẹp trong con người, cuộc sống để thay thế dần sự bất cập, tồi tệ.
Một điều kiện tiên quyết để có thể tranh luận, chia sẻ các quan điểm giữa hai (hay nhiều) phía, tạm gọi là lề trái, lề phải, trung dung có hiệu quả là, không nên bắt đầu bằng các kết luận, cũng như sự dè chừng cảnh giác như với “thế lực thù địch” nào đó. Khi bắt đầu bằng những kết luận thì cần gì, còn gì để tranh luận, chia sẻ nữa? Điều này phía “lề phải” hay mắc phải, hay áp đặt cho “lề trái” nhân danh chính quyền. Ví dụ chưa bước vào các tranh luận thì các nhà quản lý đã bắt đầu bằng sự răn đe, rào chắn như: đấu tranh với các luận điểm sai trái; ngăn ngừa các hành vi lợi dụng để xuyên tạc chính sách, đường lối của đảng; kịp thời sẽ ngăn chặn kẻ xấu kích động nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân…
Theo ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tuyên bố thì thành phố đã chuẩn bị được 900 dư luận viên, các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh và “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng…Giới bloggers rất mong muốn được tranh luận với những ai có chính danh chứ không thể nói với người đối thoại mà không chịu trách nhiệm lời nói của mình. Nếu 400 tài khoản trên internet chỉ để làm các “còm sĩ” ảo như lâu nay thì đương nhiên sẽ có các “còm sĩ” ảo phía bên kia tiếp chiêu mà chính quyền không được phép bắt họ khai báo tên thật. Tranh luận phải công bằng từ việc nhỏ đó. Không nên dùng ngụy danh để tranh luận với chính danh.  
Việc nữa thiết tưởng không cần nói nhưng vì đã và đang lan tràn trên mạng khiến nhiều người khó chịu, nhất là “còm sĩ” của lề phải. Các “còm sĩ” này khi lên tiếng bênh vực chính quyền, cạn lý thường chửi tục và nói tục không kiêng dè. Nếu có thể bảo vệ các quan điểm của mình bằng chửi tục, thóa mạ lẫn nhau thì không cần tranh luận, chỉ cần mở cuộc thi chửi. 
Trong tranh luận tránh hướng đến việc thóa mạ, bới móc đời tư cá nhân, nhất là người đang tranh luận với mình. Trừ khi những vấn đề cá nhân của ai đó ảnh hưởng đến việc chung, thậm chí vận mệnh đất nước. Cần loại bỏ sự thành kiến về hành vi, sai lầm trong quá khứ của cá nhân khi mọi việc đã kết thúc, đã trả giá…Chắc chắn dân oan mất đất có quyền được biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chứ không thể nói rằng họ lợi dụng việc biểu tình để chống chế độ. Cũng như thế, một blogger có thể là tù hình sự trước đây, hoàn toàn có thể là chính danh tử tế, đàng hoàng đối thoại với “dư luận viên” của chính quyền mà không bị bới móc chuyện cũ ra như một bằng chứng rằng anh ta là người không đủ tư cách tranh luận, phản biện.
Đã chấp nhận tranh luận cởi mở thì không nên giới hạn vấn đề và vùng “nhạy cảm” bắt buộc phải tránh né, không được đề cập. Càng nhạy cảm càng nên tranh luận minh bạch để tiệm cận đến gần sự thật nhất. 
Bởi ai cũng hiểu, tranh luận là để tìm ra sự thật. Sẽ có người nói sự thật của ai người nấy biết, vì đứng ở góc nào sẽ nhìn sự vật bắt sáng ở góc đó. Đúng vậy, thế gian không có bản chất riêng của nó. Nó được xác quyết do tâm trí của con người. Con người càng ít vô minh thì thế gian càng sáng tỏ với họ, bằng không sẽ chỉ nhận những sai lầm bởi những ham muốn cuồng dại. Mà muốn ít vô minh thì rất cần dẹp bớt tham-sân-si.
Không lẽ sẽ là những cuộc tranh luận bất tận khi thế gian lệ thuộc vào sự tiếp nhận của con người? Và sẽ là thất bại thảm hại nếu kết quả các cuộc tranh luận khi “lề trái” bị qui kết như sự dè chừng, răn đe, cảnh giác ban đầu đưa ra: luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tán phát tài liệu xấu, xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân…v.v.vv…
Có một điều chắc chắn, sự thật nào gần với lẽ phải nhất thì sẽ được mọi người đồng tình nhiều nhất. Nhưng lại có người căn vặn, thế nào là lẽ phải? Bởi những gì người ta nghĩ về các vấn đề của thế gian đều bị chi phối của dục vọng người đó. Cho nên lẽ phải chắc chắn sẽ phản chiếu rất ít (hoặc không còn) lòng tham, sự ích kỉ của con người. Nếu ai suy nghĩ, hành động vì lợi ích của người khác, vì sự phát triển chung, vì thiện tâm, chí thành thì chắc chắn đó là lẽ phải, là sự thật. 
900 dư luận viên (có thể sẽ nhiều hơn) nên bắt đầu thu thập lý lẽ biện minh cho chính thể có nạn tham nhũng gần như đứng đầu thế giới, thay vì tìm cách “chiến đấu, “phê phán” các luận điệu bị cho là thế lực thù địch chống phá…Vì chính nạn tham nhũng, độc tài đã tạo ra một thế gian bị méo mó, sai lạc do lòng tham của con người. Có một câu chuyện thế này…
Ngày xưa có một vị vua anh minh, cai trị thần dân bằng sự sáng suốt của mình. Vương quốc vì thế rất thịnh vượng, bình an. Nhà vua treo giải thưởng cho những ai đưa ra những lời dạy quí giá. Sự thành tâm của nhà vua được thần thánh chú ý, nhưng vẫn muốn thử thách nhà vua. Một vị thần biến thành quỉ sứ xin yến kiến nhà vua và hứa cho nhà vua lời khuyên quí giá. Nhà vua rất vui mừng nên đón tiếp quỉ sứ ân cần. Đầu tiên quỉ sứ đòi ăn thịt người. Thái tử hiến thân, rồi đến hoàng hậu, nhưng quỉ sứ vẫn còn muốn ăn thịt nhà vua. Trước khi nộp mạng cho quỉ, nhà vua đề nghị nói cho biết lời dạy kia. Vị thần nói: “Đau khổ và sợ hãi bắt nguồn từ nhục dục. Những ai đã diệt dục thì không còn sợ hãi hay đau khổ”. Và vị thần trở lại hình dạng thật của mình. Thái tử, hoàng hậu cũng sống trở lại như cũ…
Nếu người cai trị thế gian tuân thủ nguyên tắc cai trị bản thân mình trước hết, giảm thiểu tối đa dục vọng, lòng tham thì dân chúng hà cớ gì không hạnh phúc, noi gương?
Nhân gian lại dạy rằng, có 7 lời dạy đưa đất nước đến thịnh vượng:
Thứ 1, dân chúng phải thường xuyên tập hợp bàn chuyện chính sự và bàn chuyện quốc phòng.
Thứ 2, dân chúng trong mọi giai tầng xã hội nên họp lại, bàn bạc chuyện quốc gia.
Thứ 3, dân chúng nên kính trọng tập quán lâu đời và không nên thay đổi tập quán này một cách phi lý. Dân chúng nên tuân thủ qui định nghi lễ và duy trì công lý.
Thứ 4, dân chúng phải nhận biết sự khác nhau của giới tính và thâm niên, giữ vững sự thuần khiết của gia đình và công cộng.
Thứ 5, dân chúng phải hiếu thảo với cha mẹ và trung thực với thầy giáo, các bậc cao niên.
Thứ 6, dân chúng nên kính trọng đền thờ tổ tiên và duy trì lễ nghi hàng năm.
Thứ 7, dân chúng phải coi trọng luân thường đạo lý, kính trọng cách hành xử có đức hạnh, lắng nghe những bậc thầy đáng kính.
Tạo cho dân chúng thói quen quan tâm vận mệnh quốc gia khi họ được tự do thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình không chút sợ hãi. 
Liệu sắp tới đây các cuộc tranh luận (hay như ông Hồ Quang Lợi gọi là đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến) trên internet có được xem mở màn cho sự lên tiếng, thể hiện đa nguyên về tư tưởng mà nhiều người mong mỏi đã lâu?
Liệu kết quả qua các cuộc tranh luận có giúp phá vỡ nhiều bức tường bưng bít những sự thật cần bày tỏ? Bởi nếu không làm được việc này thì việc chính quyền lập nên các trang web, đào tạo các dư luận viên, các chuyên gia tham chiến chỉ là cách lùa “cua vào giỏ” để dễ lôi từng con ra vặt càng, hoặc cho vào cối giã nát theo ý muốn của chính quyền khi cần thiết?
Nhưng dù thế nào thì nhu cầu được bày tỏ đã tới lúc khó kìm nén hơn được nữa…Cho nên món “lẩu dư luận” dù chính quyền muốn định hướng gia vị thì từng người vẫn sẽ gia giảm theo khẩu vị của họ. Chỉ có lẽ phải, sự thật thì dù dư luận ngang tắt ra sao nó vẫn sẽ bất diệt.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét