Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

30 Tháng Tư, vì sao chưa thể quên?


30 Tháng Tư 1975-30 Tháng Tư 2013. Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã 38 năm rồi, nhưng dường như nó vẫn chưa bao giờ thật sự trở thành “một chương đã qua, đã xong” trong lòng đa số người dân Việt Nam trong và ngoài nước.



Những người cùng khổ kiếm không đủ ăn vẫn chiếm đại đa số ở Việt Nam trong khi một thiểu số ăn trên ngồi trốc thì tiền thừa mứa, bận rộn chuyện mua vàng cất giữ, nhập cảng xe hơi bằng máy bay ở cái nước gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa”. (Hình: AFP/Getty Images)
Ðối với “bên thắng cuộc” là đảng và nhà nước cộng sản, cuộc chiến tranh ấy tiếp tục được họ nhắc đi nhắc lại vào những ngày lễ 2 Tháng Chín, 30 Tháng Tư, cùng vô số ngày kỷ niệm khác, vẫn được tổ chức tưng bừng.
Khi những thất bại của mô hình thể chế chính trị hiện tại và trong toàn bộ sự điều hành lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền ngày càng không thể che giấu trước mắt người dân Việt và thế giới, họ càng cố bám víu vào những “hào quang xưa cũ” từ cuộc chiến. Họ càng cố “ăn mày dĩ vãng” để níu kéo lòng tin đã cạn kiệt của nhân dân và biện minh cho sự tồn tại của đảng, của chế độ.
Ðối với “bên thua cuộc”, lúc đầu chỉ là những người trực tiếp và gián tiếp liên quan đến chế độ miền Nam Cộng Hòa, tiếp theo là hàng triệu người bỏ nước ra đi vì không chịu nổi chế độ mới sau “giải phóng”... nhưng dần dần, cả dân tộc cay đắng nhận ra nhân dân Việt Nam chính là bên thua cuộc.
Và khi cuộc chiến càng lùi xa, những sự thật càng được sáng tỏ, cùng với sự thối nát của chế độ này ngày càng lộ rõ, thì tất cả nguyên nhân, diễn biến của cuộc chiến tranh đã qua cùng với cái kết thúc ngày 30 Tháng Tư 1975 lại được nhớ lại. Trở thành nỗi day dứt đối với tất cả những ai quan tâm đến số phận đất nước, dân tộc.
Những câu nói “Nếu như... giá như...” lại dằn vặt người Việt Nam.
Khi từng ngày từng giờ chứng kiến thực trạng xã hội Việt Nam ngày hôm nay, sau gần 4 thập kỷ thống nhất đất nước.
Khi nhìn sang những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Nam Hàn... mà ở thời điểm cách đây 38 năm, về nhiều mặt còn thua hoặc không hơn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ bao nhiêu, nay đã đi được một chặng đường rất dài. Trở thành những quốc gia thịnh vượng và khoảng cách với Việt Nam bây giờ là hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm.
Những quốc gia Ðông Âu cũ một thời cũng do các đảng cộng sản lãnh đạo, nay đã thay đổi rất nhiều chỉ sau hai thập niên đổi sang mô hình tự do dân chủ.
Và nhìn rộng ra trên toàn thế giới, để thấy vị trí của Việt Nam ở đâu, đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam so với người dân ở các quốc gia phát triển ra sao.
Có nhiều người tự hỏi vì sao người Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã kết thúc từ lâu?
Không có gì là khó hiểu. Ðối với nhà nước Cộng Sản Việt Nam, tuy tưởng là thắng cuộc nhưng càng ngày họ càng nhận ra họ không thể thu phục được nhân tâm “bên thua cuộc” cũng như lòng tin của nhân dân.
Càng ngày họ càng nhận ra họ không thể chiến thắng trong thời bình. Không thể đưa đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, không thực hiện được khẩu hiệu “độc lập-tự do-hạnh phúc”, còn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì lại càng xa vời vợi.
Cho dù mù quáng, bảo thủ đến đâu, tự sâu trong thâm tâm, họ hẳn phải nhìn ra con đường mà họ đi là sai lầm, sự chọn lựa của họ là sai lầm và có tội với đất nước, dân tộc.
Lịch sử rồi sẽ phán xét công tội rõ ràng của đảng Cộng Sản Việt Nam.
38 năm sau ngày hân hoan mừng chiến thắng và ở trên đỉnh cao của sự kiêu ngạo, giờ đây, những gì người ta có thể nhận thấy ở nhà nước Cộng Sản Việt Nam là sự hoang mang, bế tắc, khủng hoảng về mọi mặt.
Ðối ngoại, hèn nhát, bất lực trước âm mưu bành trướng bá quyền xâm lược Việt Nam ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. Ðối nội, bế tắc, bất lực trong điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, kể cả những cuộc tranh giành đấu đá nhau giữa các phe phái để giành ghế.
Sự lúng túng, mất phương hướng còn thể hiện qua hàng loạt động thái giả như kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước, trong khi vẫn ra sức đàn áp, ngăn chặn mọi tiếng nói đối lập, mọi sự thay đổi theo chiều hướng dân chủ hóa trong xã hội.
Ðối với “bên thua cuộc” và cả nhân dân Việt Nam, nếu như sau 38 năm, đảng cộng sản đã thành công trong việc đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, độc lập về chính trị, bảo vệ toàn vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải, đem lại cuộc sống tự do, no ấm, công bằng cho nhân dân... Có lẽ nỗi đau về sự thua cuộc và cái giá quá lớn phải trả cho cuộc chiến sẽ qua đi.
Ngược lại, cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục còn là nỗi ám ảnh khi Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, khi nhân dân Việt Nam chưa thật sự được hưởng quyền tự do, dân chủ, sự bình an trong đời sống.
Một nguyên nhân khác khiến cho quá khứ khó quên, là từ trong chính tính cách của người Việt Nam.
Không chỉ riêng nhà cầm quyền là những kẻ bảo thủ và không muốn thay đổi, dường như cái tính ít chịu thay đổi, thiếu rộng lượng, khoan dung cũng nằm trong mỗi người Việt Nam. Cứ nhìn cách người Việt chúng ta hành xử với nhau trong đời thường hay quan điểm của chúng ta trước hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống thì rõ.
Sở dĩ như vậy cũng bởi vì chúng ta phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài ngu dân. Ðặc biệt khi chế độ đó lại kết hợp trong nó những cái tồi tệ nhất của chủ nghĩa phong kiến hủ lậu, chủ nghĩa tư bản thời man rợ và chủ nghĩa cộng sản khát máu, vô thần, như ở Việt Nam hay Trung Quốc.
Cái thiện, nhân tính trong từng con người bị hủy hoại đến tận cùng. Sự chia rẽ, nghi kỵ, thiếu khoan dung, vô cảm, tàn ác... những sản phẩm của một chế độ không tin ở con người, không tôn trọng con người, cũng vì thế mà nảy nở sinh sôi.
Ðã nhiều lần nhà cầm quyền nhắc đến cụm từ hòa giải hòa hợp dân tộc. Và cứ mỗi khi ngày 30 Tháng Tư trở về, vấn đề này lại được xới lại.
Thiết nghĩ, cách hòa giải hòa hợp hiệu quả nhất không phải nằm trên bề mặt ngôn từ hay một vài hành động tỏ ra thiện chí từ phía nhà cầm quyền, mà là hãy dũng cảm thay đổi. Dứt khoát chọn lựa một con đường đi đúng đắn để vực dậy đất nước khỏi sự tụt hậu, bế tắc, cả nguy cơ đánh mất chủ quyền và độc lập vào tay bá quyền phương Bắc.
Một khi Việt Nam đã thoát ra khỏi thời kỳ do đảng cộng sản lãnh đạo để xây dựng lại đất nước, vết thương về cuộc chiến tranh tức khắc sẽ lành.
Bởi không còn có cảnh cứ vào mỗi ngày 30 Tháng Tư người thì tiếp tục ăn mừng ngày giải phóng, ngày chiến thắng, người cay đắng gọi là ngày Quốc Hận, Tháng Tư Ðen. Sẽ không còn có những cuộc tranh cãi bất tận về cờ vàng cờ đỏ, ai mới thật sự giải phóng ai hay tên gọi đúng nhất của cuộc chiến là gì, v.v...
Quá khứ chỉ có thể qua đi khi hiện tại cả dân tộc đã ở trên một nấc thang khác, một bước phát triển khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét