Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Là tiên


cattoc0104
Xin phép cho tôi được tự khai lý lịch cá nhân.
Tôi chào đời tại Sài gònvào tháng Tư năm 1975. Mẹ đặttên tôi là Én.
Lê thị Én. Cái tên mang đến cho tôi ít nhiều mặc cảm khi bị bạn bè ghép thêm một chữ ở phía trước – theo nghĩa thanh, lẫn nghĩa tục. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu của gia đình. Ba đạp xích lô, mẹ bán rau cải ngoài chợ để nuôi đàn con sáu đứa. Tôi còn nhớ cái cảnh theo mẹ sắp hàng mua gạo ở
phường, rồi sau đó mấy chị em phải ngồi nhặt từng hột sạn để nấu cơm và bữa cơm nào chúng tôi cũng phải rời khỏi bàn ăn khi bụng còn lưng lửng. Ba thường nhắc, thời còn chiến tranh vậy mà gia đình vẫn no đủ với mức lương lính của ông. Ba hay nói: “Phải chi! việt cộng không “giải phóng” Sài gòn... Phải chi có tiền để gia đình vượt biên... Phải chi có thân nhân ở ngoại quốc...”, nhiều thứ phải chi nữa, mà thứ nào cũng hấp dẫn và trái ngược với hoàn cảnh hiện tại của gia đình tôi lúc đó.

Rồi ngày tháng cũng qua nhanh, tôi lớn lên và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp –theo lời khen tặng của những người xung quanh. Đẹp nhưng không có tiền để ăn diện thì cũng chẳng phải là điều đáng ao ước. Thấy bạn bè ăn diện đúng mốt, chạy xe láng coóng, nhìn lại mình, tôi ôm trong lòng mặc cảm thua sút mọi người. Chưa xong trung học tôi đã bỏ trường để làm thợ tóc trong một tiệm bình dân ở Phú Nhuận. Công việc với thu nhập ít ỏi khiến tôi suy nghĩ mãi không biết làm cách nào để có nhiều tiền ngoài việc ước mơ lấy chồng giàu để thay đổi số phận. Và tôi quyết tâm phải đạt được ý nguyện này hầu có cơ may đỡ đần ba mẹ cả đời vất vả, gian nan mà không được ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng trời không chiều lòng người, nên kết quả thật bi thảm khi tôi bị một tên sở khanh lường gạt và cuối cùng phải lăn lóc vào nghề “karaoke-cà phê ôm” một nghề thật buồn tủi cho đứa con gái có nhan sắc như tôi. Và chính nơi đây tôi đã gặp “Chàng!”.
Chàng là ai?
Năm 2000, chàng xuất hiện bên tôi đầy “cốt cách” với tờ giấy bạc một trăm đôla “típ” khi yêu cầu tôi hôn lên bờ môi khô đét trong ánh đèn mờ ảo của quán cà phê! Chao ôi! Nụ hôn đáng giá một trăm đô đã làm chàng trở thành “ngu ngơ như thời mới lớn” –nguyên văn ngôn ngữ của “chàng” – dù tuổi của “chàng” xấp xỉ ba tôi. Liên tục một tuần, đêm nào “chàng” cũng đến và yêu cầu tôi ngồi bên cạnh suốt buổi tối để nghe “chàng” tâm sự, kèm theo những ve vuốt mà tôi phải rùng mình chịu trận khi nhìn cái đầu lơ thơ vài sợi tóc của một ông lão đã bước qua tuổi sáu mươi.
“Chàng” kể:
- Gần ba mươi năm sống bên cạnh người vợ cộc cằn, hung dữ, anh chưa hề biết hạnh phúc là gì, nhưng vì các con anh đành phải hy sinh, cố gắng chịu đựng. Bây giờ gặp em anh mới cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Em biết không, chỉ cần được ngồi bên em, được vuốt ve bàn tay ngọc ngà của em, anh cũng thấy mình đang lặn ngụp trong niềm hạnh phúc...
Không biết khi nói những lời ấy “chàng” có ngượng miệng hay không, chứ tôi thì gai ốc nổi đầy người. Tiếp theo, “chàng” kê khai lý lịch trích ngang. Là kỹ sư tài giỏi, “chàng” từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của một công ty lớn, hiện đang sống trong một căn nhà nguy nga, đồ sộ nhưng vẫn lẻ loi một mình sau cuộc ly hôn mà “chàng” khôi hài cho rằng “được hoàn toàn giải phóng”. Và cuối cùng, “chàng” bày tỏ mối tình say đắm dành cho tôi sau bảy ngày kề cận tại quán cà phê đèn màu.
Trong bữa ăn – trước khi “chàng” trở về Mỹ– tại một nhà hàng sang trọng, với bộ đồ vest mới toanh, láng mướt, “chàng” trao cho tôi năm mươi đóa hoa hồng và tỏ tình bằng giọng nói tha thiết “Anh yêu em”. Là một cô gái trải đời, từng đóng kịch để moi tiền đàn ông, vậy mà chưa lần nào tôi cảm thấy ngượng ngùng như giờ phút ấy. Tôi tưởng chừng như có hàng chục đôi mắt từ những bàn bên cạnh đang chằm chặp theo dõi từng động tác của tôi và chỉ ao ước mình là con chim én thật sự để bay vù ra cửa sổ thoát thân, dù có phải va đầu vào cửa kính. Chẳng hiểu tại sao tôi lại xấu hổ đến đỏ bừng đôi má. “Chàng” ngỡ tôi e thẹn vì yêu, nên sung sướng bày tỏ:
- Em có yêu anh không?... đừng trả lời không nghe. Anh sẽ không sống nổi nếu không có em bên cạnh. Về đến Mỹ, anh sẽ chuẩn bị lễ vật trở lại đây để xin phép ba má cưới em.
Nghĩ đến những tờ đôla xanh, tôi ỡm ờ:
- Em không biết nói sao để anh hiểu... vì em sợ... ngay lúc này mà nói chuyện thương yêu hình như quá. Hơn nữa, em nghĩ, em đâu xứng đáng với anh.
Không cần biết lời tôi nói có thật hay không “chàng” vẫn say sưa rót vào tai tôi những lời tình tứ và hứa hẹn sẽ yêu tôi cho đến lúc bạc đầu – dù rằng sau lớp thuốc nhuộm, tóc của “chàng” chắc chắn có nhiều muối bạc. Lần này “chàng” cho tôi hai trăm đôla gọi là “chút tình gửi lại cho em”.
Trở về Mỹ “chàng” thường xuyên gọi điện thoại cho tôi và hứa mỗi tháng sẽ gửi cho tôi hai trăm đô để tôi vững tin mà chờ đợi “chàng”. Tôi không yêu “chàng”, nhưng những gì “chàng” cung cấp cho tôi và viễn ảnh “theo chồng về Mỹ” quả thật quá hấp dẫn. Thôi thì cuộc đời tôi đã lỡ, nên đành phải gát lại niềm mơ ước về một tình yêu trong cổ tích mà chấp nhận làm “tiên” theo câu nói của người xưa “chồng già vợ trẻ là tiên”. Một năm sau tôi chuẩn bị hành trang để lên đường sang Mỹ sum họp với chồng. Còn nỗi vui mừng nào hơn. Tôi tự nhủ, “Én ơi, rồi mi sẽ có cơ hội bay tít tận trời xanh!”.
Cái lâu đài tình ái mà “chàng” đã tả cho tôi nghe, thật ra lớn và đẹp hơn nhà tôi ở Việt Nam nhiều, nhưng so với những căn nhà ở đây thì đã quá cũ. Còn “chàng” chỉ là một công nhân thường đã về hưu với số lương vừa đủ sống chứ chẳng phải giàu có như “chàng” từng ỡm ờ, úp mở khiến tôi lầm tưởng... và nhiều sự thật phũ phàng khác lần lượt diễn ra. Dù đã rõ tất cả, nhưng tôi không cảm thấy thất vọng, buồn phiền, vì trong thâm tâm, tôi có ý định sẽ hát tặng “chàng“ bài con sáo sang sông khi đủ lông đủ cánh kia mà.
Những điều tôi nói về “chàng” dưới đây, không phải là “ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra” mà là sự thật dở khóc, dở cười.
Số là “chàng” không còn hàm răng trên, nên mỗi tối sau khi ăn, “chàng” cẩn thận gỡ hàm răng giả ngâm trong chiếc ly thủy tinh sau khi đã chùi rửa sạch sẽ. Vì thế, những lời tình tứ “chàng” thì thầm bên tai tôi khi lên giường cứ thều thào như người từ “cõi đi về!”. Cái dáng có vẻ bệ vệ trong những bộ đồ đắt tiền mà tôi đã nhìn thấy lúc ở Việt Nam thì bây giờ, trong trang phục đời thường để lộ ra một thân hình gầy đét cùng làn da xanh xao vì thiếu nắng. Đây là một vấn nạn kinh hoàng mà tôi phải chịu đựng mỗi ngày với người chồng già nua, còm cõi nhưng đầy ham mê sắc dục mà trong lòng không chút yêu thương.
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác không kém phần quan trọng. “Chàng” với phong cách lịch lãm, tế nhị khi tán tỉnh tôi đã biến mất và thay vào đó là một ông già keo kiệt, ghen tương, hung hãn mỗi khi gặp người quen đến “chào bác” rồi quay sang tôi “chào cô” kèm theo đôi mắt có đuôi – vì họ tưởng tôi là con gái của “chàng”.
Có lần vào tiệm phở, gặp hai người thanh niên khoảng tuổi tôi, họ gật đầu chào và đến ngồi ngay bàn bên cạnh. Hai anh công khai nhìn tôi bằng cặp mắt thích thú mà chẳng cần giấu giếm. “Chàng” biết vậy nên càng tỏ ra cưng chiều, chăm sóc tôi hơn như thầm bảo “cục ngọc này là của tao, đừng có hòng ve vãn”. Một trong hai người thấy vậy lại tưởng lầm tôi là con gái “rượu” của ông già, nên bước qua thân thiết hỏi han:
- Bác Tuân à! Có phải đây là con gái út đi học xa mà lúc trước bác thường nhắc tới hay không?
Không đợi “chàng” trả lời, anh quay sang tôi niềm nở:
- Bốn năm trước tôi làm việc cùng hãng với bác Tuân.
Rồi quay sang “chàng”, anh rất cung kính:
- Bác ơi! Cô út giống bác... đẹp quá. Bác cho phép con làm bạn với cô út nha bác.
Tôi ngẩng lên, ánh mắt dừng lại khá lâu trên khuôn mặt điển trai của người con trai khoảng độ tuổi tôi. Đến nước này, thì “chàng” không còn thể chịu được nữa, đứng dậy quát to:
- Con... con... cái đầu mày. Đây là vợ của tao biết chưa?
Sau một lúc ngớ ra đến tội nghiệp anh quay lưng đi một mạch ra cửa. Từ đó, tôi ít được đi ra ngoài một mình, mà luôn luôn bị kiểm soát chặt chẽ như tù binh. Những tháng ngày sống bên “chàng” mới buồn thảm làm sao, tôi như một kẻ nô lệ chỉ biết phục vụ cho người chồng già hơn mình đến ba mươi tuổi, đang tranh thủ thời gian để hưởng thụ cuộc đời! Cái giá mà tôi phải trả để được qua Mỹ không biết có quá đắt không, nhưng tôi luôn mong có cơ hội để thoát ly cuộc sống quá chán chường này. Và cơ hội đó đã đến khi tôi tình cờ được biết, nơi tôi ở có một cơ quan bảo vệ những phụ nữ bị bạo hành. Muốn thoát khỏi bàn tay của “chàng” thì tôi phải làm một màn khổ nhục kế. Sau khi suy tính kỹ lưỡng, tôi tìm cách chọc “chàng” nổi ghen. Và khi cơn ghen lên tột đỉnh, “chàng” không ngần ngại để lại trên thân thể tôi những vết bầm “đáng giá”. Thế là tôi được giúp đỡ để tiến hành thủ tục ly dị mà vẫn đủ điều kiện ở lại Mỹ.
Giờ đây, tôi đã ở xa ”chàng” mười tám tiếng lái xe với cuộc sống mới đầy hứa hẹn. Đôi lần gọi điện thoại thăm người quen thì được biết “chàng” đang chuẩn bị về Việt Nam cưới vợ khác!

* * *

Bạn thân mến,
Thật ra, cô Én cũng hơi ác khi tặng một nhát dao chí tử vào trái tim già đang rạo rực yêu đương. Ai bảo, già như “chàng” - người đàn ông mà cô Én gọi trong câu chuyện- không được quyền yêu! Tôi định viết vài dòng để bênh vực người bị “xử ép” như bác Tuân nếu đoạn cuối của câu chuyện không có câu “chàng đang chuẩn bị về Việt Nam cưới vợ khác”.
Điều này chứng tỏ, sau cú đá nảy lửa của cô Én, “trái tim không ngủ yên” của “chàng” chẳng hề hấn gì, nên chắc hẳn “chàng” cũng chẳng cần ai xót thương hay an ủi. Điều tôi thắc mắc là, trước khi “rước” người vợ mới “về dinh” “chàng” có đề ra một kế hoạch phòng thủ nào không? Chẳng lẽ, sau bài học đau đớn này lại thêm một lần nữa “chàng” uổng công xúc tép nuôi cò....

Trần Yên Hạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét