Những nhạc sĩ lớn lên sau 1975
Đã gần 38 năm trôi qua sau biến cố 1975, một thế hệ những nhạc sĩ Việt Nam lớn lên sau thời chiến, cách cảm nhận về thời cuộc và âm nhạc của họ cũng đã thay đổi rất nhiều. So với các lớp nhạc sĩ đi trước, chủ đề âm nhạc và thế giới nhân sinh quan của các nhạc sĩ lớn lên sau sự kiện 30/4/1975 hoàn toàn thay đổi.
Không ủy mị
Nếu những nhạc sĩ thế hệ trước 1975 với trào lưu viết nhạc phản chiến, có lúc là sục sôi, giục dã, có lúc là bi lụy, thể hiện khắc khoải tâm trạng của những người sống trong thời kỳ chia cắt, khổ đau, thì giờ đây, sau gần 4 thập kỷ, những thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp bước mang trong mình một tâm thế khác hẳn. Họ là những nhạc sĩ trẻ, lớn lên trong thời bình, họ đến với âm nhạc bằng nhiệt huyết mới, chủ đề họ hướng tới là sự thanh bình, yên ấm, ở đó là quê hương, là tình yêu, là tình người, họ gửi gắm vào những ca khúc của mình thông điệp phản ánh giá trị của cuộc sống hiện đại.
Trong số những nhạc sĩ trẻ này, có người sinh ra trước 75, có người sinh ra sau 75, nhưng một điểm chung nhận thấy là những sáng tác của họ đều trong sáng, giản dị; trong những tác phẩm của họ không hề bắt gặp sự “gồng mình” giục dã và nhiều khi cứng nhắc của dòng nhạc đỏ, và ở đó cũng không thấy sự ủy mị, não nề của dòng nhạc vàng. Từ giai điệu cho đến câu từ đều toát lên hơi thở của thời cuộc, họ mang những gì của cuộc sống thực tại, thổi vào đó lời nhạc ý thơ để từ đó, chúng ta có những cái tên như: Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Anh Quân, Đức Trí, Võ Thiện Thanh… và gần đây là Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Lê Cát Trọng Lý hay Đinh Mạnh Ninh… Ngoài tình yêu và sự đam mê dành cho âm nhạc, thì chính những thế hệ nhạc sĩ này cũng góp phần định hình và làm đa dạng thêm cho nhiều dòng nhạc của Việt Nam.
Anh Quân
Nhạc phẩm Tóc Ngắn của nhạc sĩ Anh Quân, là bài hát nằm trong album cùng tên; đây là một album đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của anh hồi năm 2000. Trong album này và nhiều album về sau, Anh Quân cùng người bạn thân thiết Huy Tuấn đã xây dựng con đường riêng cho mình là dòng nhạc R&B pha lẫn soul và funk với những giai điệu và ca từ vô cùng tươi trẻ.
Bộ ba Anh Quân, Huy Tuấn, Mỹ Linh cũng tiên phong trong việc xây dựng một phong cách làm việc chuyên nghiệp ở Việt Nam khi có riêng một ê-kíp âm nhạc, mỗi album đều được thực hiện thống nhất từ ý tưởng đến hòa âm, phối khí, họ luôn được đánh giá là những người làm việc hết sức nghiêm túc. Những album CD nhạc của Anh Quân luôn mang những ngôn ngữ và phong cách đặc biệt, đồng thời bộ ba này thường thực hiện những tour diễn để quảng cáo cho đĩa hát của mình một cách chuyên nghiệp.
Có thể kể đến những album chất lượng mà Anh Quân vừa là nhạc sĩ vừa kiêm nhà sản xuất: Tóc Ngắn 1, Vẫn Mãi Mong Chờ, Made in Vietnam, Chat với Mozart, Để Tình Yêu Hát và mới đây nhất là Một Ngày theo trường phái acoustic, đĩa hát làm hoàn toàn bằng đĩa than, mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trước đây đến quí vị qua phần phỏng vấn Mỹ Linh.
Đỗ Bảo
Nếu nhạc sĩ Anh Quân định hình rõ trường phái R&B với funk và soul thì Đỗ Bảo lại được biết đến nhiều theo chiều hướng lãng mạn, trữ tình pha lẫn chút cổ điển. Ở Đỗ Bảo người nghe thấy tình yêu đôi lứa là chủ đề bao trùm, chẳng hạn anh viết một loạt 5 bài hát mang tựa đề “Bức Thư Tình” rồi những ca khúc khác như Điều Ngọt Ngào Nhất, Cầu Vồng Đêm Mưa, Điều Ta Đang Có hay Cánh Buồm Đỏ Thắm.
Trong phong cách sáng tác đa dạng của mình, Đỗ Bảo cũng được xem là một trong những nhạc sĩ trẻ viết jazz thành công với những album như: Những Ô Mầu Khối Lập Phương hay Thời Gian Để Yêu. Đồng thời người nhạc sĩ trẻ tuổi sinh năm 78 này cũng nổi danh trong vai trò hòa âm phối khí, đặc biệt là sự kết hợp của anh với nhạc sĩ Ngọc Đại qua đĩa CD của Trần Thu Hà có tên Nhật Thực hồi năm 2002 và nhiều album khác về sau này.
Trường phái dân gian đương đại
Cùng góp phần vào sự đa dạng của các dòng nhạc hiện đại, những nhạc sĩ lớn lên sau 75 cũng đặt những hòn gạch đầu tiên cho trường phái dân gian đương đại, như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An hay Giáng Son…
Trong âm nhạc của họ, chỉ thoáng nghe, người nghe nhạc đã cảm nhận được sức lôi cuốn của sự dân dã, mộc mạc trong cảnh làng quê Việt Nam, từ hình ảnh: chuồn chuồn ớt, con cò, giếng làng cho đến cặp ba lá, quạt giấy, người nghe được đắm mình vào một khung cảnh quê xưa.
Với những tác phẩm nổi tiếng như Con Cò, Bên Bờ Ao Nhà Mình, Chuồn Chuồn Ớt, À Í A, Quạt Giấy, hay Giấc Mơ Trưa, các nhạc sĩ trẻ tuổi của dòng nhạc này đã khéo léo sử dụng chất liệu dân gian bằng làn điệu dân ca hoặc âm hưởng dân gian, đồng thời lồng vào đó những tiết tấu và nhịp điệu hiện đại, đương thời. Nhạc phẩm Chuồn Chuồn Ớt đã được trình bày qua tiếng hát Ngọc Khuê.
Trẻ trung hiện đại
Ngoài các nhạc sĩ đã đạt được “độ chín” trong sự nghiệp sáng tác của mình, những nhạc sĩ 8X, 9X sinh ra trong thời bình có cái nhìn khác hẳn về thời cuộc, những chủ đề họ tìm đến thường là những gì của cuộc sống hiện tại, qua lăng kính của mình, họ thổi vào đó một làn gió trẻ trung, hiện đại với các thể loại nhạc như pop, R&B hay dance.
Bằng những chủ đề không mới như tình yêu, quê hương, cuộc sống, gia đình… nhưng người nghe cảm nhận được một sức sống mới căng tràn. Và điểm đặc biệt ở các nhạc sĩ trẻ tuổi là họ đã biết khai thác tối đa hình thức âm nhạc online để quảng bá đến người nghe nhạc.
Những tác giả như Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hải Phong… đã là những cái tên không thể thiếu mỗi khi nhắc đến thế hệ nhạc sĩ trẻ tuổi hiện giờ; chẳng hạn như nhạc phẩm Đường Cong của Nguyễn Hải Phong.
Rocker Phạm Anh Khoa
Trên sân khấu Phạm Anh Khoa rock cuồng nhiệt
Sau cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn năm 2006 với giải thưởng đặc biệt của Hội đồng Nghệ thuật trao tặng, cái tên Phạm Anh Khoa trở nên có giá hơn trong giới showbiz, thế nhưng, với chàng trai gốc Khánh Hòa này thì dường như mọi chuyện vẫn vậy, có chăng là tình yêu đối với Rock và năng lượng để sáng tác những bản nhạc sôi động thêm phần dồi dào và mãnh liệt hơn.
Sau cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn năm 2006 với giải thưởng đặc biệt của Hội đồng Nghệ thuật trao tặng, cái tên Phạm Anh Khoa trở nên có giá hơn trong giới showbiz, thế nhưng, với chàng trai gốc Khánh Hòa này thì dường như mọi chuyện vẫn vậy, có chăng là tình yêu đối với Rock và năng lượng để sáng tác những bản nhạc sôi động thêm phần dồi dào và mãnh liệt hơn.
Thần tượng
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, Khoa tâm sự rằng đã có lúc anh rất bi quan về cuộc sống, những khó khăn dồn dập tưởng chừng đánh gục chàng trai trẻ mưu sinh trên mảnh đất Sài Thành, nhưng rồi cuối cùng, anh cũng vượt qua được hết những chông gai, và người mà anh tôn thờ là thầy giáo, nhạc sĩ Tuấn Khanh, đã tiếp thêm sinh lực, để những ước mơ về âm nhạc của anh được thăng hoa.
“Thực ra mà nói, Khoa phải đặt một vị trí rất là trang trọng trong bàn thờ tâm hồn của mình dành cho thầy Tuấn Khanh, hơn ai hết thầy đã thay đổi cuộc đời của Khoa rất nhiều. Thầy không dạy Khoa một chữ nhạc bẻ đôi nào hết, nhưng thầy xuất hiện vào đúng giai đoạn cuộc sống của Khoa có rất nhiều biến động; thầy là người dạy cho Khoa cách sống lạc quan.
Từ bé cả ba và Khoa đều rất hâm mộ chú Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng thời đấy là dấu son chói lọi của âm nhạc Việt Nam, đứng đầu cả về nhạc trẻ lẫn nhạc Rock.Phạm Anh Khoa
Khoa bây giờ đang sống là bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính cách sống của thầy khi có thời gian sống gần gũi bên thầy.”
Ngoài nhạc sĩ Tuấn Khanh là người ảnh hưởng đến phương châm và phong cách sống, thì một ca sĩ khác cũng tác động rất nhiều đến Khoa ,và là người mang lại cho Khoa những ngọn lửa nhen nhúm ban đầu về Rock:
“Hồi bé Khoa được nghe nhạc trên những chuyến xe tải của ba, ba Khoa là tài xế lái xe tải đường dài. Từ bé cả ba và Khoa đều rất hâm mộ chú Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng thời đấy là dấu son chói lọi của âm nhạc Việt Nam, đứng đầu cả về nhạc trẻ lẫn nhạc Rock.
Khoa dường như bị chất lãng tử của chú Elvis Phương ngấm vào từ bé rồi, sau này lớn lên một chút, Khoa đi học guitar, ngưỡng cửa đầu tiên tiếp xúc với guitar là mình đã được nghe những bài nhạc Rock bất hủ, Rock Ballad, và cảm nhận được loại nhạc này phù hợp với mình, có một gì đó phá cách, có một gì đó phù hợp với cuộc sống mà mình đang chọn, vì thế Khoa đến với Rock rất tự nhiên, không có gì là gượng ép.”
Viết nhạc như viết nhật ký
“Nhạc của Khoa đơn giản thôi, Khoa viết lại, nó giống như nhật ký vậy, âm nhạc của Khoa sẽ trưởng thành từng ngày đúng như con người của Khoa, đĩa sau sẽ trưởng thành hơn đĩa trước, về mặt ngôn ngữ, về mặt âm nhạc sẽ khác đi, tuổi thọ âm nhạc của Khoa cũng y chang như con người mình.”
Có lẽ chính bởi âm nhạc của Khoa giống với con người Khoa, mà giới trẻ yêu nhạc Rock, yêu nhạc của Khoa luôn tìm thấy một sự lạc quan, một nhiệt huyết tràn đầy nhựa sống trong từng câu chữ, giai điệu nóng bỏng:
“Hơn ai hết, Khoa yêu quý dòng nhạc của mình vì rất nhiều lý do, một trong những lý do là vì nhạc Rock với ngôn từ của nó được đề cao rất nhiều, chứ không phải những ca từ sáo rỗng và hời hợt. Thể loại nhạc Rock, ngoài giai điệu thôi thúc ra thì tinh thần sống rất lạc quan vì phương châm sống của Rock là Rock Never Dies, nó luôn có những cái nhìn hướng về phía trước, nó rất đầy sức hút với bản thân Khoa. Khoa vẫn đang nỗ lực từng ngày để giữ lửa đam mê của mình mặc dù gặp rất nhiều khó khăn.
Nhạc của Khoa đơn giản thôi, Khoa viết lại, nó giống như nhật ký vậy, âm nhạc của Khoa sẽ trưởng thành từng ngày đúng như con người của Khoa, đĩa sau sẽ trưởng thành hơn đĩa trước, về mặt ngôn ngữ, về mặt âm nhạc sẽ khác đi, tuổi thọ âm nhạc của Khoa cũng y chang như con người mình.Phạm Anh Khoa
Nếu nói về Phạm Anh Khoa, thì Khoa nghĩ rằng mọi người có thể nhìn nhận Khoa có năng lực hay không có năng lực là một chuyện, nhưng ai cũng thừa nhận một điều duy nhất là ở Khoa là một tấm gương vượt khó, Khoa đã ráng giữ được ngọn lửa đam mê của mình trong những lúc khó khăn nhất, những lúc tồi tệ nhất, Khoa cũng đã vượt qua và mình đến với âm nhạc của mình với một tinh thần không ngại bất kỳ điều gì cả.”
Với Phạm Anh Khoa, một Rocker trong nền âm nhạc Việt đang được xem là bão hòa bởi những dòng nhạc dễ dãi, thế nhưng, anh không đi theo con đường màu mè, nhung lụa, mà chọn cách riêng khá chông gai, để tiếp tục truyền lửa cho những người yêu Rock Việt và hy vọng Rock Việt sẽ có chỗ đứng hơn trong tương lai:
“Khó khăn của riêng Khoa đang phải đối chọi là bởi vì ở Việt Nam mình, nhạc của Khoa khi đi thi, người ta thích, nhưng khi đứng riêng lẻ trong showbiz thì nó bị lẻ loi, mình luôn có cảm giác như mình là đứa con ghẻ, thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, có gì mình yêu thích mà nó dễ dàng đâu, thế nên, Khoa vẫn chấp nhận để theo đuổi dòng nhạc mình yêu thích. Khoa cứ cố gắng đến hết mức có thể của mình thôi, Khoa tin đến một lúc nào đó, dòng nhạc của mình sẽ có một chỗ đứng xứng đáng hơn với vai trò của nó.”
Vâng, với lời nhắn gửi “tin một lúc nào đó dòng nhạc Rock sẽ có một chỗ đứng xứng đáng hơn với vai trò của nó” chúng ta cùng chúc cho dòng nhạc Rock Việt sẽ thành công hơn nữa trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm nhiều những Phạm Anh Khoa để làm phong phú thêm cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và cho dòng nhạc Rock vốn kén người nghe nói riêng.
Nhạc sĩ Dương Thụ và góc nhìn về Nhạc Trẻ
Sức mạnh nằm ở nội tâm con người
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, ông đã gắn bó với âm nhạc Việt Nam giai đoạn hiện đại suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhìn về nhạc trẻ giai đoạn trước đó và bây giờ, những điểm gì ông thấy là thay đổi nhiều nhất?
NS Dương Thụ: Như các bạn biết, nhạc trẻ gắn liền với khoa học kỹ thuật, hơn nữa những phương tiện mới về internet cũng giúp các bạn rất nhiều trong việc học tập. Tất nhiên về mặt kỹ thuật so với những ban nhạc trẻ sau 75 mà ta gọi là những nhóm ca khúc chính trị - những nhóm thực chất là những ban nhạc trẻ, những ban rock và pop, về mặt kỹ thuật thì tiến bộ hơn, nhưng chưa chắc về mặt cảm xúc âm nhạc đã bằng.
Tiếng đàn hay là tâm hồn hay cộng với năng khiếu, tài năng, chứ tiếng đàn hay, chữ “hay” ở đây rung động người khác không chỉ ở chỗ anh có tài, có kỹ thuật đâu. Cho nên, các bạn trẻ bây giờ chơi nhiều, có tiến bộ về mặt kỹ thuật, nhưng về mặt cảm xúc âm nhạc không làm cho tôi để ý như các anh ngày xưa. Ví dụ, ngày xưa nhạc pop, nhiều anh viết những bài hay lắm, như bài Xe Đạp Ơi, nó hồn nhiên, tự nhiên xúc cảm. Hay ngày xưa anh Đức Huy anh viết nhạc pop trước năm 1975, nhiều bài hay lắm, như bài Cơn Mưa Phùn hay Bay Đi Cánh Chim Biển. Làm sao bây giờ các bạn ấy địch được với những người viết như thế.
Vấn đề chính là nhân cách, con người và vốn sống của anh. Chứ nếu anh sống hời hợt, nếu suốt ngày anh chỉ chúi mũi vào máy vi tính, không dính với đời sống, anh không có cái đau khổ của một người bình thường, cái đó nó không làm người khác rung động được.
Thời đại mới, chúng ta hơi coi trọng văn minh vật chất, văn minh kỹ thuật mà chúng ta không coi trọng yếu tố quan trọng nhất là con người. Vì thế, cho nên mặc dù các sân khấu, tác phẩm biểu diễn rất lộng lẫy, huy hoàng, ghê gớm nhưng nó không đọng lại được gì. Nhưng có khi chỉ anh Đức Huy ôm đàn guitar hát thì mình vẫn nhớ mãi được, đó là sức mạnh của người ta, sức mạnh nằm ở chính nội tâm con người. Điều đó các bạn trẻ không chú ý, các bạn hay chủ quan, hay kiêu và như vậy cũng không được.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ đã có những chia sẻ rất sâu sắc như vậy.
Công chúng nào thì nhạc sĩ ấy
Vũ Hoàng: Xin được quay lại với nhạc sĩ Dương Thụ. Như nhạc sĩ vừa đánh giá về góc nhìn của những người viết nhạc trẻ thời gian gần đây, tuy nhiên, ở góc độ của những người nghe nhạc, thì ông đánh giá ra sao ạ?
NS Dương Thụ: Giới trẻ bây giờ được phương tiện nghe tốt hơn, các bạn trẻ bây giờ tiêu thụ âm nhạc kinh khủng lắm, chúng tôi gọi là “ngốn nhạc”, họ nghe nhạc khủng khiếp lắm, nghe nhạc suốt ngày, ở đâu cũng thấy nhạc, không bao giờ để cho tai nghỉ cả, đó là một sự khác biệt. Vì âm nhạc sinh ra không phải để giải quyết chuyện ấy, âm nhạc như người bạn tốt nhất của anh về mặt tình cảm, chia sẻ với anh lúc buồn.
Tôi không phê bình gì cả, vì xã hội nào thì văn hóa ấy, công chúng nào thì đẻ ra lớp nhạc sĩ ấy, nếu công chúng mà xịn, mà giỏi thì những nhạc sĩ này không tồn tại, vì ai mà mua, mà nghe.NS Dương Thụ
Phần lớn những người hiểu nhạc và yêu nhạc họ có những tác giả và tác phẩm yêu thích của họ, nghe đi nghe lại nhiều lần và có lúc, không phải là ăn cơm cũng nghe nhạc, uống nước cũng nghe nhạc, đi xe đò cũng nghe nhạc, dần dần người nghe nhạc không hiểu nhạc là cái gì, không hiểu được nhạc nữa. Và không hiểu được nhạc nữa sẽ nuôi sống những người viết nhạc kém, tạo ra một lớp người viết của họ, có thể nói thế này, công chúng nào thì nhạc sĩ ấy, đời sống âm nhạc nào thì đẻ ra âm nhạc ấy. Vậy nên mình cũng không trách người viết được vì có cung thì mới có cầu, vì họ thích lấp đầy lỗ tai suốt ngày thì phải có thứ mì ăn liền chứ sao có thể toàn đòi ăn cao lương mỹ vị được, cho nên cuối cùng hỏng hết.
Cho nên khi âm nhạc đánh mất ý nghĩa của mình, công chúng làm hỏng âm nhạc và điều đầu tiên là tạo ra một lớp nhạc sĩ chỉ viết coi nhạc là thứ vui chơi giải trí, viết nhạc vớ vẩn. Và như thế thì, một nền âm nhạc vắng bóng tác giả sẽ không phát triển được, tất cả những sự phát triển phải do những cá nhân tài năng.
Tất nhiên bây giờ vẫn có những nhạc sĩ gọi là nhân vật, nhưng quá ít, cho nên nền âm nhạc không đủ mạnh, bởi nó không có người sáng tạo, nó không có những nhân vật, mà chỉ có đám đông làm nhạc và đám đông nghe nhạc mà thôi. Tôi không phê bình gì cả, vì xã hội nào thì văn hóa ấy, công chúng nào thì đẻ ra lớp nhạc sĩ ấy, nếu công chúng mà xịn, mà giỏi thì những nhạc sĩ này không tồn tại, vì ai mà mua, mà nghe.
Cuộc đời định giá rõ lắm, thứ nhạc rẻ tiền chỉ 7-8,000 đồng một đĩa, còn nhạc thứ hạng thì một đĩa hơn trăm ngàn, bây giờ người ta thích ít tiền mua được nhiều đồ, chứ người ta không nghĩ rằng một món đồ thật quý đáng giá hơn gấp trăm ngàn lần món đồ linh tinh, ngưởi ta chưa đến được văn hóa đó.
Chưa có những nhân vật đủ độ lớn
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, dường như sự không hiểu đúng về âm nhạc của cả giới nghe nhạc lẫn giới viết nhạc mà tạo ra một thị trường nhạc Việt khá lộn xộn như ông đánh giá. Vậy, nếu để hiểu đúng về một mặt khác tích cực hơn của nhạc Việt, thì nhạc sĩ đánh giá ra sao ạ?
NS Dương Thụ: Còn hiểu đúng thì ở Việt Nam vẫn có những nhạc sĩ phòng giao hưởng. Tôi cũng đang cố gắng cùng anh em hoạt động trong lĩnh vực này, mỗi năm làm chương trình “Điều Còn Mãi” là chương trình thính phòng giao hưởng hoàn toàn Việt Nam, có nhiều tác giả trẻ lắm, họ là những người viết nhạc giao hưởng, tức là văn hóa đẳng cấp họ có.
Thứ nhất là nó phát triển hơn xưa, vì âm nhạc mình cứ hiểu là những thứ nhạc bậy bạ nên mình chửi họ, chứ thực ra âm nhạc Việt Nam bây giờ là tiến bộ, về mặt thính phòng giao hưởng, xưa chỉ có mấy tác giả thôi, nhưng bây giờ thì đông lắm, mấy anh đi học ở nước ngoài, về viết, tôi đã từng dựng cho các anh ấy rất nhiều.
Thứ hai, về thanh nhạc, trước kia khi tốt nghiệp (giao hưởng) ở nhạc viện ra là vứt đi, nhưng bây giờ người ta có việc làm và kỹ thuật bây giờ cũng tốt, họ chỉ thiếu cảm xúc thôi, chứ trình độ của ca sĩ ở khu vực nhạc nghiêm túc cũng được nâng lên, nhưng tài năng kiệt suất thì không có, cũng giống như bên nhạc nhẹ, thiếu các nhân vật, các anh vào trường nhạc, rồi ra kiếm tiền nhanh quá.
Nói tóm lại, âm nhạc cũng phát triển về mặt nào đó, những nhạc sĩ nghiêm túc viết bên nhạc nhẹ như nhạc sĩ Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh là những tác giả đâu có tệ. Nhưng nó ít quá và từng nhân vật không đủ mạnh như thế hệ trước. Thí dụ, thế hệ trước có ông Văn Cao, ông Phạm Duy hay ông Đỗ Nhuận, mình không so sánh, vì so sánh là khập khiễng. Nhưng ở đây tôi muốn nói là độ lớn, mỗi người có độ lớn của họ so với thời kỳ họ sống. Độ lớn của các tác giả trẻ mới hiện nay chưa đủ độ lớn so với thời kỳ họ sống nên họ chưa khuynh loát được, họ chưa làm cho người khác theo được.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ rất nhiều đã chia sẻ đến thính giả đài ACTD về những suy nghĩ của ông về tình hình âm nhạc Việt Nam trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét