Trong chiến tranh các quốc gia lâm chiến dùng mọi phương tiện để chiến thắng; “ranh ngôn” Tây có câu “la fin justifie les moyens” –thành quả biện minh cho phương tiện– đánh cách nào cũng được, miễn là chiến thắng, hoặc nếu không chiến thắng, cũng gây tổn thất cho đối phương. Hai sự kiện điển hình: việc Việt Cộng thẳng tay tàn sát thường dân Huế năm 1968, và việc hai cư dân Mỹ gốc Chechnya, Tsarnaev và Tamerlan Tsarnaev –hai anh em ruột– đánh bom cuộc chạy marathon tại Boston hôm thứ Hai mùng 15 tháng Tư 2013, giết 3 người và gây thương tích cho 170 người khác.
Việt Cộng và quân khủng bố không áy náy lương tâm trước cảnh thường dân bị chúng giết, chúng coi khủng bố cũng là một khí cụ chiến tranh, như súng, như lựu đạn.
“Áy náy lương tâm” trong chiến tranh là một loại xa xỉ phẩm của kẻ chiến thắng; điển hình là người Mỹ đang áy náy về chuyện CIA sử dụng drones tàn sát bọn lãnh tụ al-Qaeda; họ không áy náy trong suốt 10 năm chiến tranh Trung Đông, vì ngày đó họ chưa chiến thắng.
Áy náy của rất nhiều người Mỹ đang xoáy quanh hiện tượng cơ quan CIA biến thể từ sở Trung Ương Tình Báo thành “sở ám sát” –SAS (assassination bureau); chỗ ngứa lương tâm này bị anh ký giả Mark Mazzetti khai thác, viết thành sách –quyển THE WAY OF THE KNIKE (Đường Dao); nhờ gãi đúng chỗ ngứa của quần chúng nên vừa phát hành tác phẩm đã bán rất chạy.
Một trong những công tác “ám sát” nổi tiếng của SAS là cuộc hành quân giết Osama bin Laden; tác giả kê khai những người tham dự cuộc hành quân “ám sát” này gồm Barack Obama, William H. McRaven (CIA), trung đội 6 Người Nhái, và Phi Đội 160 Hành Quân Đặc Biệt.
Cuộc đột kích được mã hóa dưới bí danh OPERATION NEPTUNE SPEAR, do CIA tổ chức và chỉ huy. Mục tiêu tấn công là tòa nhà pháo đài của bin Laden tại Abbottabad, Pakistan; tên trùm khủng bố bị giết vào lúc 1 giờ đêm ngày mùng 2 tháng 5/2011.
Đặc tính chu đáo của CIA được thể hiện qua 2 việc: một là sau khi thi hành công tác chớp nhoáng, Trung Đội 6 vẫn thận trọng bỏ xác bin Laden lên trực thăng đưa về A Phú Hãn giảo nghiệm để khẳng định căn cước kẻ bị giết, và hai là, ngay sau đó đem thủy táng bin Laden trong lòng biển North Arabian Sea.
Tác giả Mazzetti cho là nhiều người Mỹ áy náy về tính chất không quang minh, chính đại trong việc ám sát lãnh tụ địch; nếu bin Laden bị giết bằng bom B 52 như tướng Việt Cộng Nguyễn Chí Thanh bị giết, thì lương tâm Hoa Kỳ có thể ngủ yên hơn.
Sau cuộc “ám sát” bin Laden, CIA còn sử dụng drones giết nhiều lãnh tụ khủng bố khác, và chính công tác “giết lãnh tụ” đã làm tan rã lực lượng al Qaeda; nhưng Mazzetti vẫn thấy lương tâm áy náy vì những chiến công đó không do quân đội –lực lượng có trọng trách giết địch– thực hiện. Ông gọi lối tác chiến bằng drones của CIA là “phương thức giết người cách không, vô hình và ma quái” (eerily impersonal methods of remote killing). Dĩ nhiên, cái dãy dài 3 tĩnh từ này không ca tụng quái chiêu “cách sơn đả khủng bố” của CIA.
Mazzetti còn nêu lên những hậu quả tai hại trong việc biến thể của CIA –từ một cơ quan tình báo trở thành Sở Ám Sát. Ông dẫn chứng bằng việc CIA lầm lẫn cho là Iraq có loại vũ khí tàn sát hàng loạt –vũ khí nguyên tử, hoá học– khiến Tổng thống George W. Bush cũng lầm theo, xua quân tấn công Iraq, tạo ra cuộc chiến tranh sai lầm gây tổn thất nhân sự và làm tiêu hao tiềm năng quốc gia.
Tác giả “Đường Dao” còn vạch ra 2 lần sai lầm của CIA trong những cuộc chiến tranh “mật”: sai lầm thứ nhất là cộng tác với kháng chiến quân mujahedeen của A Phú Hãn tấn công lực lượng Nga chiếm đóng nước này trong thập niên 1980. Ông viết, “CIA giúp du kích quân mujahedeen đánh đuổi quân Nga, để rồi mujahedeen trở thành Taliban quay lại chống Mỹ”. Chỉ trích này thiếu chính xác, vì cuộc chiến tranh Mỹ-A Phú Hãn không hề là hậu quả của cuộc chiến tranh A Phú Hãn chống Nga.
Sai lầm thứ nhì là CIA võ trang cho kháng chiến quân Nicaragua chống chính phủ thân cộng của nước này, nhưng cuộc nổi dậy thất bại.
Mazzetti quan niệm chiến tranh –dù là chiến tranh đặc biệt– cũng vẫn nằm trong địa hạt quân sự, và phải do quân đội thực hiện; ông không thấy yếu tố then chốt của những cuộc tấn công giết lãnh tụ al Qaeda là tin tình báo; sở dĩ những chiếc drones được gọi là phương thức giết người cách không, vô hình và ma quái cũng là nhờ tin tình báo chính xác đến từng nửa phút.
Bí quyềt thành công của CIA là Mỹ kim; họ trả đắt giá mật báo viên người Yemen để người này dán một mảnh giấy nhỏ phát tín hiệu lên va li của bà vợ ông Anwar al-Awlaki; tín hiệu phát ra hướng dẫn drone xạ kích vào đúng chiếc xe chở Awlaki, trong đoàn xe 4 chiếc.
Nói cách khác trao công tác sử dụng drone cho CIA là việc làm đúng, tránh được việc tin tức mất thời gian tính, nếu tin phải gửi từ CIA qua Ngũ Giác Đài, rồi từ Ngũ Giác Đài đến bộ chỉ huy drones.
Tuy vậy, việc ĐƯỜNG DAO tố cáo tính “ám sát” trong hoạt động đặc biệt của CIA là chuyện có thật, tác giả chỉ phạm lỗi dẫn chứng công tác ám sát bằng những diễn biến lạc quẻ. Giết bin Laden không phải là ám sát, giết Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm mới là ám sát.
Nhưng lương tâm Hoa Kỳ không áy náy về việc ám sát ông Diệm, họ cũng không áy này về việc thả quả bom nguyên tử thứ nhì xuống thành phố Nagazaki, giết thêm hàng trăm ngàn thường dân Nhật trong lúc quân đội Nhật đã sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện, sau quả bom thứ nhất thả xuống Hiroshima.
Đến giờ này họ vẫn không áy náy về điều đáng áy náy nhất trong lương tâm Hoa Kỳ là trong lúc tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam họ đã trói gô quân đội Việt Nam Cộng Hòa –đồng minh của Mỹ–dâng cho kẻ địch chung của quân Mỹ, quân Việt Nam; trói bằng cách bắt 2 quân đoàn Việt Nam rời bỏ vị trí chiến đấu.
Họ đã buộc ông Nguyễn Văn Thiệu làm công việc ra lệnh cho Quân Đoàn 1 và Quân Đoàn 2 rút bỏ lãnh thổ, để mất một nửa quân đội, một nửa giang sơn mà không được giao tranh một trận nào với quân Cộng Sản Bắc Việt.
Qua nhiều lần “xả mật” không ai tìm được tài liệu chính xác nào về việc Mỹ ép ông Thiệu đưa quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào chỗ tan hàng rã ngũ, như người ta đã tìm được chứng cứ trung tá tình báo Lucien Conein đưa cho trung tướng Trần Văn Đôn 25,000 Mỹ kim để đảo chánh ông Diệm.
Nguyên nhân khiến lương tâm Hoa Kỳ ngủ yên được giải thích trong đoạn trên “Áy náy lương tâm” trong chiến tranh là một loại xa xỉ phẩm của kẻ chiến thắng. Không phải là kẻ chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam nên người Mỹ không có gì phải áy náy cả; họ chỉ áy náy vì đã ám sát bin Laden bằng một “Đường Dao” tuyệt chiêu; đường dao đang biến ký giả Mazzetti thành triệu phú vì tác phẩm ông viết gãi đúng chỗ ngứa “Áy náy lương tâm” của người thắng trận.
Nguyễn đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét