Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Tinh thần của nhà nước pháp quyền


Nguyễn Văn Thạnh
Chia sẻ bài viết này
Phù luật pháp ta có dân chủ, phù con người ta có chuyên chế!

Tinh thần thượng tôn luật pháp của người dân

image001_17.jpg
Thời gian tết vừa rồi, tôi có xem một đoạn của bộ phim “hiệp sĩ đường phố”, chiếu trên đài THVL2. Đoạn phim miêu tả cảnh một hiệp sĩ dùng tài lẻ mở khóa cổng của một ngôi biệt thự, giả làm anh chàng lau sàn nhà để tiếp cận nói chuyện với một nhóm cô gái đang ở trong đó. Động cơ xâm nhập của anh hiệp sĩ là muốn điều tra để giải thoát các cô gái mà anh cho là bị ép buộc bán thân. Hành động của anh cuối cùng bị lộ và bị bảo vệ tòa nhà rượt đánh với rất nhiều hung khí, may mà anh chạy thoát. Cả nhà tôi ngồi xem, rất thán phục tinh thần hiệp nghĩa của anh hiệp sĩ này, mọi người đều ủng hộ việc làm anh ta, không ai mảy may nghĩ đến cái sai của anh ta. Tôi nói “dù có dụng ý tốt nhưng anh ấy đã là tên phạm tội, anh ta vi phạm điều luật liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân”. Tuy nhiên không ai đồng ý với ý kiến của tôi, họ đều bảo vệ anh hiệp sĩ. Suy nghĩ như những người trong gia đình tôi không phải là hiếm, tôi nghĩ đến đạo diễn, nhà sản xuất, đài truyền hình công chiếu có khi họ cũng nghĩ thế.

... và của quan chức

Thời gian gần đây, có một ngôi sao chính trị đang lên ở Việt Nam, đó là ông Nguyễn Bá Thanh. Rất nhiều du khách đến Đà Nẵng đã đồng tình rằng thành phố thay da đổi thịt nhiều dưới thời ông làm chủ tịch và bí thư, nhiều người qui công lao đó cho ông. Chính điều này đã nâng cao uy tín của ông trong dân chúng. Nhiều người khen ông là người quyết đoán, đã quyết là làm, phong cách mạnh mẽ.
Tháng 8/2012, tại buổi đối thoại ngân hàng với DN, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tuyên bố: "Nếu các ngân hàng không hạ lãi suất theo quy định và tiếp tục hành người đi vay, tôi sẽ công khai tên, tuổi từng ngân hàng giữa cuộc họp HĐND để cho toàn dân biết. Đến lúc đó, người dân sẽ hiểu và chắc chắn họ sẽ không đem tiền đến gửi và giao dịch với ngân hàng nữa, để xem các nhà băng sống thế nào?”. Kết quả: sau hơn 20 ngày Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh dọa "ra đòn" tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngân hàng hôm 7/9, đến sáng 27/9, các ngân hàng tại Đà Nẵng đã đồng loạt hạ lãi suất...
image004_1.jpg
Hẳn nhiều người dân và doanh nghiệp sẽ thấy hả hê và khâm phục ông Nguyễn Bá Thanh, nhiều người có thể tôn ông lên hàngTriệu Tử Long trong phim Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng dưới góc nhìn của tôi, hành vi của ông như thế hoặc là lạm quyền, phạm luật hoặc mị dân (anh biết trước ngân hàng phải hạ lãi suất, anh chém gió trước để lấy tiếng). Trong nhà nước pháp quyền, mọi chủ thể đều phải hoạt động dựa trên hiến pháp và luật pháp. Nhà nước chỉ có vai trò giữ luật và thực thi luật. Chính trị gia không được dùng quyền lực của mình để tác động lên hoạt động của của doanh nghiệp. Nếu trong luật có qui định về vấn đề công khai ngân hàng thì dù không muốn ông cũng phải công khai, nếu luật không qui định công khai thì ông không thể vì yêu ghét mà công khai.
Các doanh nghiệp gồm cả ngân hàng cũng phải hoạt động theo qui luật thị trường, họ phải làm sao cạnh tranh được đối thủ và có lãi cho mình. Rõ ràng khi nhà nước phá giá đồng tiền thì ngân hàng phải huy động với lãi suất cao thì dân mới gửi tiền (lãi suất thấp hơn tốc độ mất giá thì có điên mới gửi ngân hàng, người ta đi mua vàng), huy động lãi suất cao thì làm sao cho vay lãi suất thấp được? Trong trường hợp này chính quyền không thể dùng quyền lực của mình để ra lệnh thị trường được, họ phải hành động đúng nguyên lý thị trường là giữ giá đồng tiền, đây cũng là trách nhiệm của họ (để làm việc này thì họ không được chi nhiều hơn thu hoặc in tiền cứu các tập đoàn nhà nước con cưng). Một trách nhiệm họ không làm tốt lại đi dùng quyền lực để ép doanh nghiệp chịu hậu quả là trái tinh thần nhà nước pháp quyền.
Chưa hết, tại hội nghị Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước do UBND TP Đà Nẵng tổ chức (10/1/2013), với vai trò mới-tân Trưởng Ban Nội chính TƯ- ông tuyên bố"sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều" hay “như chuyện cán bộ ngân hàng giúp doanh nghiệp nâng khống giá đất để được vay vốn lớn hơn so với giá trị thế chấp nên để xảy ra nợ xấu ngân hàng. Hiện cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ ít à. Mấy ông đó là phải bắt ngay, không cần đợi có bằng chứng chung chi gì hết". Điều này là sự lạm quyền rất nguy hiểm trong nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, quyền lực nằm ở quốc hội-nơi duy nhất được ra luật. Qui trình bắt người, xét xử, tống giam đều phải theo qui định chặt chẽ của luật pháp. Chưa nói trong nền kinh tế thị trường, giá cả là vô chừng, một miếng đất nếu người ta thích thì có thể mua giá cao, nếu không thích thì giá thấp cũng không mua, nếu có phong trào mua bán thì giá cao, nếu ế ẩm thì giá thấp, rất khó để biết đâu là nâng khống giá, đâu là giá thị trường biến động (rõ thấy nhất là giá cổ phiếu, khi cao có thể vài triệu, nhưng khi thấp thì còn vài chục-đó cũng là chuyện thường). Dù hiện nay ĐCS có thể lũng đoạn nền chính trị của đất nước nhưng để danh chính ngôn thuận, cũng phải hoạt động qua cơ chế luật pháp chứ không thể qua “đảng pháp” như trước kia được nữa.
Một người làm “quan to” như vậy còn nhầm lẫn vai trò, quyền lực của mình thì làm sao hàng ngàn nhân viên công an không lạm quyền của mình trong thực thi việc công?

Những lực cản vô hình trong mục tiêu nhà nước pháp quyền và giải pháp

Trong cuộc sống tôi thấy nhiều tinh thần nhà nước pháp quyền như “bình đẳng trước pháp luật”; “làm việc theo hiến pháp, pháp luật”; “công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, nhà nước chỉ có quyền làm những gì pháp luật cho phép”,... không được nhận thức, tôn trọng và thực hiện đầy đủ cả về phía người dân và nhân viên công lực.
Nhà nước pháp quyền là giấc mơ của bất cứ dân tộc nào, bởi lẽ trong nhà nước đó pháp luật sẽ ngự trị. Mọi người, mọi chủ thể phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên để xây dựng thành công một nhà nước như vậy, chúng ta không chỉ tập trung vào việc hoàn thiện hiến pháp-luật pháp, còn một khâu vô cùng quan trọng đó là truyền thông nhận thức về tinh thần nhà nước pháp quyền sâu rộng trong dân chúng và người cầm quyền. Có như vậy tinh thần nhà nước pháp quyền mới được tôn trộng, bảo vệ và giữ vững.
Một điều quan trọng nữa là người dân phải từ bỏ não trạng của một người nô lệ, trông chờ vào minh quân. Một đất nước, một thành phố muốn tốt đẹp phải xây dựng thể chế luật pháp minh bạch, công bằng, thực hiện được - và người dân hăng hái tham gia vào việc này - chứ không thể giao phó số phận mình cho ông A hay bà B để rồi khi không có họ thì mọi việc bét nhè. Tôi không bao giờ đánh giá cao quan chức hay người quản lý mà còn mình thì còn tốt, hết mình thì hết tốt.
Để kết thúc bài viết này, tôi đồng ý với Status mới đây của nhà báo Huy Đức viết trên Face của mình, khi báo chí đưa tin ông Nguyễn Bá Thanh “Tui đi, Đà Nẵng như mất một 'tiền đạo”:
Tôi đã từng bị chỉ trích dữ dội khi phê bình báo chí khen Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh mạt sát các giám sở nhưng càng ngày càng thấy thật khó đồng tình với cách lãnh đạo của ông. Những người nghĩ rằng mình ra đi không có ai tài bằng mình lãnh đạo thì hoặc là vĩ cuồng hoặc là ngụy biện cho sự độc tài (như Chavez hay Puttin). Về phía người dân, cũng chỉ những người mang tâm thức nô lệ mới ủng hộ những kẻ tham quyền cố vị. Nếu dân Mỹ, vì cho rằng Bill Clinton là tài giỏi và còn trẻ (khi ông rời Nhà Trắng chỉ mới 56 tuổi) rồi cho sửa Hiến pháp để ổng ngồi thêm thì làm sao có cơ hội xuất hiện Obama. Độc tài thì ngay cả Mỹ cũng có nguy cơ trở thành Iraq thời Saddam Hussein và Bill Cliton rồi cũng thoái hóa không khác chi anh Ủn”. - Osin HuyDuc
Xem ra, để có nhà nước pháp quyền ở xứ ta, đường đi còn dài và gian nan vì não trạng của con người không bao giờ có thể giải quyết được một sớm một chiều.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Đà Nẵng, TP của những cây cầu và tâm sự buồn vui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét