Một trích đoạn ngắn trong bài viết Lịch sử Việt Nam qua chứng nhân ngoại quốc.
hoặc ở Cuộc chiến VN theo quan điểm một sử gia ngoại quốc.
Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Mặt trận bị khai tử một cách tức tưởi. Các đồng chí cao cấp MTGPMN kẻ thì vượt biên, kẻ tự tử vì không cứu được con trai của mình khỏi trại cải tạo. Câu Lạc Bộ Cựu Kháng Chiến bị loại ra khỏi vòng...pháp luật. Các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Ðỗ Trung Hiếu và Lê Ðình Mạnh bị bắt. Hậu quả của phong trào nầy là từ tháng 12 năm 1990 đến tháng 5 năm 1991 có 35.000 người bị bắt, theo sự tiết lộ của báo Quân Ðội Nhân Dân hồi tháng 5 năm 1991.
Choáng ngợp vì chiến thắng, Cộng Sản phát động một kế hoạch táo bạo nhằm phát triển kinh tế lên đến mức 14/100 mỗi năm. Dĩ nhiên nó thất bại. Tăng trưởng kinh tế chỉ rướn lên tới mức 2/100 mỗi năm, không kịp với mức sinh sản 3/100, một trong mức sinh sản cao nhất thế giới – một xu hướng kinh tế thụt lùi lại hơn nửa thế kỷ trước. Mặc dù chiến tranh và thiên tai như bão lụt và hạn hán, dân số tăng gấp ba tính từ năm 1930, trong khi sản lượng thực phẩm chỉ tăng chưa đến gấp đôi. Việt Nam sa vào nạn đói kém bất kể tính năng động của dân Việt, mà với khích lệ, có thể sánh hay vượt những thành đạt kinh tế của các nước Á Châu khác.
Cộng Sản bắt đầu sai lầm bởi gắn bó mù quáng vào giáo điều Mác Xít đặt toàn thể trọng tâm kinh tế vào kỹ nghệ nặng như sắt thép và hóa chất. Mù quáng ở chỗ các nước nông nghiệp như Việt Nam và Trung Cộng bắt chước Sô Viết, vốn đã có những vốn liếng kiến thức, thiết bị kỹ nghệ nặng, dồn mọi tài nguyên nhân lực vào sắt thép. Sô Viết thất bại thì Việt Nam, Trung Cộng tránh sao khỏi thất bại? Mọi viện trợ từ Sô Viết và khối Đông Âu đều không thể cứu vãn. Cộng Sản Việt Nam cũng tin tưởng hão huyền vào 4.7 tỉ đô la “bồi thường chiến tranh” của Mỹ. Năm 1973, Nixon bí mật hứa hẹn với Cộng Sản trong nỗ lực thúc đẩy việc ký kết hiệp định ngừng bắn. Không có hiện kim để nhập cảng nguyên liệu sống, các công xưởng lèo tèo trong nước chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hẳn hoạt động. Sản lượng than đá, một thời là một sản phẩm xuất cảng chính yếu, hầu như ngưng hoạt động vì thiếu đai vận chuyển (conveyers) và xe tải. Những mặt hàng tầm thường như xà bông, kim chỉ … không thể tìm thấy ở Hà Nội, nơi có một cửa hàng độc nhất nhưng trống rỗng – ngoại trừ ở cửa sổ trưng bày những hàng hóa mẫu, thiết tưởng phải là những mẫu hàng sẵn có trên kệ. Và kệ luôn trống rỗng.
Hải Phòng, hải cảng chính miền Bắc cũng tê liệt. Phân nửa số hàng hóa chưa rỡ, hầu hết từ Sô Viết và Đông Âu, bị ăn cắp hay để thối rữa trên bến tàu Tôi thấy những giỏ dụng cụ, máy móc chất đống, lật úp hay rỉ sét vì không bảo quản. Cảng đầy nghẹt những tàu bè khi các viên chức Việt Nam tính toán, cân nhắc giá trị các chuyến hàng để đòi tiền hối lộ quá cảnh. Người Nhật đủ điều kiện tiền bạc nộp 5000 đô la, có thể nhổ neo trong vòng 3 ngày trong khi những tàu khác có thể bị lưu giữ 3 tháng vì hối lộ ít.Trái ngược với tuyên bố của Hà Nội về đoàn kết vô sản, tàu của các nước Cộng Sản anh em bị phiền nhiễu, giam giữ cho tới khi lo liệu đủ tiền hối lộ.
Kế hoạch kinh tế Các Mác cũng dự kiến cung cấp thực phẩm cho thành thị từ những hợp tác xã nông nghiệp do các nông dân thấm nhuần chủ nghĩa xã hội cật lực sản xuất cho nhà nước. Nhưng người dân, quen cày cấy trên thửa ruộng mình làm chủ, thách đố kế hoạch. Đặc biệt vùng châu thổ phì nhiêu sông Cửu Long phía nam Sài Gòn. Thay vì giao nộp gạo, rau, thịt cho các cơ quan thu mua lương thực, họ bán sản phẩm của họ ra ngoài chợ đen. Nhiều nơi, họ mổ trâu, bò vốn là phương tiện chính cầy xới đất, hơn là bị xung công và thay vì khai khẩn mùa màng cho nhà nước, họ bỏ mặc ruộng hoang.
Vụ mùa đặt kế hoạch 21 triệu tấn năm 1980 kém 5 triệu tấn suốt 3 năm. Trong lúc tôi ở Việt Nam năm 1981, khẩu phần lương thực tiết giảm còn 30 cân (14 kí) mỗi tháng, hầu hết là bo bo, bắp hay khoai sắn mà người Việt Nam rất ghê tởm. Thịt và cá, nguồn chất đạm chính của người Việt đều hiếm – các ngư dân thiếu xăng dầu hoặc tìm đường vượt biên. Tại nhà thương, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cho tôi xem các em bé chen chúc nhau, 4, 5 em trong một cái nôi hay nằm lăn trên sàn đất, bụng sưng trướng vì thiếu dinh dưỡng. “Tình trạng không thể sống được,” bà nói trong tiếng thở dài. “Chúng tôi biết làm thế nào bây giờ?”
Một chính sách áp bức để trả thù càng cứa sâu vết thương kinh tế. Khi viên chức Sài Gòn đầu hàng năm 1975, ông Bùi Tín nói rằng: ”Tất cả mọi người Việt Nam là kẻ chiến thắng và chỉ đế quốc Mỹ là kẻ chiến bại. Nếu bạn yêu nước và yêu nhân dân, hãy coi hôm nay là một ngày vui”. Nhưng Cộng Sản giam cầm hơn 200 ngàn người miền Nam trong đó có công chức, sĩ quan quân đội, bác sĩ, luật sư, văn sĩ và hầu hết các trí thức khác trong trại tập trung, được gọi bằng mỹ từ là trung tâm cải tạo.
Một cách mỉa mai, một trong những trại cải tạo tệ nhất là đảo Côn Sơn, nơi thực dân Pháp từng giam cầm các tù nhân Cộng Sản thời năm 1930 và chính quyền Sài Gòn sau này giam cầm những người đối lập. Và Cộng Sản cũng không nhân đạo hơn đối với những tù nhân của họ hơn bọn thực dân đã đối xử với họ trước đây. Thiếu dinh dưỡng hay bịnh hoạn vì sốt rét hay kiết lỵ, tù nhân thường bị cùm ngoài nắng suốt ngày không nước uống, tra tấn hay xử tử. Nhiều trong số họ lại là kẻ đối nghịch với chính quyền Sài Gòn, vài kẻ chính là người miền Nam cựu đồng đội của chính họ bị Cộng Sản Bắc Việt đánh giá là có mầm mống phản động. Năm 1981, một cán bộ Hà Nội binh vực cuộc thanh trừng, nói với tôi :”Chúng tôi phải quét sạch tàn dư tư sản.” (We must clean out the bourgeois rubbish.)
Ngoài tính vô nhân đạo, trại tù còn tước đoạt của quốc gia những chuyên viên có thể đóng góp vào việc phục hồi đất nước. Nhiều người bị trừng phạt chỉ vì họ đã được theo học ở Mỹ hay được chính quyền Sài Gòn tuyển dụng, thường là những công việc nhỏ hoặc không quan trọng. Như Trần Bạch Đằng nói với tôi :”Lẽ ra chúng tôi phải tha thứ họ. Thay vào đó, chúng tôi lãng phí nguồn nhân lực và thu dụng các cán bộ dốt nát, thiếu học. Đó là thiệt hại lớn lao cho quốc gia – và tôi phải thú nhận, chính tôi cũng có lỗi.”
Dưới áp lực thế giới, cuối cùng Cộng Sản nhượng bộ thả các tù nhân – với điều kiện Mỹ phải dung chứa họ. Nhiều người định cư ở Little Saigon, nam California, nơi cuộc đời của họ tan vỡ, họ sinh sống bằng trợ cấp xã hội hay làm những nghề hèn mọn.
Một di sản cay đắng khác của chiến tranh là khoảng 50 ngàn người Việt lai Mỹ, con cháu các binh sĩ Mỹ. Đa số họ ở Sài Gòn, Đà Nẵng và các thành phố lớn khác có binh sĩ Mỹ đồn trú. Các thí điểm mồ côi nuôi dưỡng một ít nhưng hầu hết bị người Việt Nam ruồng bỏ, không được đi học cũng như không khẩu phần thực phẩm. Những người Mỹ lai nàynhìn thấy năm 1981, - một số tóc vàng mắt xanh, một số khác da ngăm đen – chỉ làm nghề buôn bán hàng rong hay ăn xin trên đường phố. Con gái có nhan sắc thì có vẻ được an bài trong những ổ điếm. Mẹ của họ, thường bị gia đình khai trừ, la cà ở các cơ quan tị nạn quốc tế tìm cha, luôn khai báo bằng vỏn vẹn một tên như Joe, hay Bill hay Mac - không có một thông tin lý lịch chi tiết nào khác – người đã từng cưới họ 16, 17 năm về trước.
Đầu tiên Cộng Sản chần chừ không cho phép họ xuất cảnh, hy vọng dùng họ như những con bài tẩy trong canh bạc ngoại giao, mặc cả với Mỹ. Tổng thống Reagan và quốc hội, vì những lý do chính trị quốc nội cũng chùn bước trong việc tu bổ luật di trú Mỹ. Nhưng cuối cùng 2 bên dịu lại. năm 1990, được người cha hay các gia đình bảo dưỡng chấp nhận, khoảng 40 ngàn thanh niên nam nữ đã qua Mỹ và số còn lại cũng được lên danh sách chuẩn bị rời Việt Nam.
Không một bi kịch nào lột được một cách sinh động hơn mối ác cảm về tàn ác và đói rét bằng cuộc trốn chạy khỏi nước sau chiến tranh – cuộc di dân lớn nhất thời hiện đại. Hơn 1 triệu người đào tị, hầu hết bằng đường biển. Nhiều người chết đuối, bị cướp bóc, hãm hiếp bởi hải tặc ngoài khơi Đông Nam Á. Ít nhất nủa triệu người trốn khỏi Lào và Cam Bốt, 2 quốc gia nhỏ bé được bao gồm trong Cộng Hòa Đông Pháp trước Thế Chiến Thứ Hai, sau khi Cộng Sản xâm chiếm cũng năm 1975. Khoảng 1 triệu người thuộc 3 quốc gia Đông Dương này định cư tại Mỹ nhưng nhiều trăm ngàn lây lất năm này qua năm khác trong các trại tị nạn ở Hồng Kông,Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba và Phi Luật Tân. Trừ phi họ tự chứng minh rằng động cơ thúc đẩy của họ thuộc về chính trị hơn là kinh tế, họ có nguy cơ bị cưỡng bách hồi hương – như chúng ta chứng kiến cảnh nhiều người bị xô đẩy lên máy bay bởi nhà cầm quyền Anh tại Hồng Kông. Những não trạng đó vẫn không làm giảm bớt làn sóng người vượt biên trốn chạy nạn Cộng Sản.
Năm 1985, kinh tế Việt nam hoàn toàn sụp đổ. Nhiều nơi ở miền bắc, nơi mà khan hiếm thực phẩm là sự kiện cố hữu, nạn đói đe dọa 10 triệu người. Kỹ nghệ chựng lại trong khi những kẻ thất nghiệp lang thang đầy đường. Buôn bán bị tê liệt ngoại trừ thị trường chợ đen thì thừa mứa từ viên thuốc cảm đến đồng đô la, lén lút chuyển về từ những người tị nạn ở ngoại quốc. Những tin đồn lan truyền khắp nơi về bạo loạn chống chính phủ.
Cảnh giác, lãnh đạo Cộng Sản họp khẩn cấp ở Hà Nội năm 1986 và sau những cãi vã, tranh chấp gay go, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, một nhà cách mạng lão thành ở tuổi thất tuần và cũng là thành ủy Sài Gòn, trong hy vọng sách lược uyển chuyển ông đề ra sẽ ngăn chặn được nền kinh tế tuột dốc như trời long đất lở. Nhưng những cải cách thực tiễn đầy hiệu quả lại làm suy yếu quyền lực đảng, đảng giao phó Lê Đức Thọ, một lãnh đạo theo khuynh hướng bảo thủ, đối thủ (hay đối tác?) của Henry Kissinger trong cuộc việt dã đàm phán hòa bình đầu thập niên 1970. Sự cân bằng quyền lực tạm thời này chi phối chính sách của Việt Nam đong đưa theo kiểu mềm nắn rắn buông nhiều năm về sau.
Mặc dù phe bảo thủ tìm đủ mọi cách để kềm hãm thay đổi, giáo điều Mác Xít đã bị hóa giải hay nói đúng hơn, bị vứt bỏ. Những quản lý mậu dịch nhà nước đã được chỉ thị tự quyết định mọi công việc, không cậy nhờ vào bao cấp của nhà nước nữa, đã tìm thấy lợi nhuận, hoặc tiếp tục điều hành một cách hiệu quả hoặc dẹp bỏ. Lúc này cuốn sách của nhà kinh tế cấp tiến, đoạt giải Nobel Paul Samuelson, đã được dịch sang Việt ngữ, dĩ nhiên không được sự đồng ý về tác quyền theo thói quen Cộng Sản. “Vậy thì ông đã chấp nhận tư bản chủ nghĩa.” Tôi trêu chọc ông bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một người chủ trương cải cách, như thế. Phản đối từ ngữ có tính cách báng bổ, Thạch nói :” Tuyệt đối là không. Chúng tôi chỉ tuân theo kinh tế thị trường và luật cung cầu.” Sau này, họ phát minh ra một sáo ngữ quái gở hơn :”Kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa.”
Để bào chữa cho sự thay đổi , cơ quan tuyên truyền đảng vớt vát – hay có lẽ phát minh ra – một trong những lời giáo huấn của bác Hồ :”Người nghèo sẽ trở nên giàu và người giàu sẽ giàu hơn.” Họ lờ đi rằng đã có một thời kỳ, họ lôi cổ những người giàu ra pháp trường xử tử. Chính sách mệnh danh “Đổi mới” hay “Cấu trúc mới” là một phiên bản của Perestroika, những cải cách của Mikhail Gorbachev ở Sô Viết. Nó thực sự xóa bỏ những hợp tác xã nông nghiệp và dù quyền tư hữu chưa được khôi phục, nông dân có quyền mướn đất của nhà nước (sic) dài hạn và canh tác như ông cha họ đã từng hàng nhiều thế kỷ trước – như những gia đình chứ không phải cơ quan hợp tác xã. Không còn bổn phận dâng hiến hoa lợi cho nhà nước ở một giá cả ăn cướp do nhà nước áp đặt, họ có thể bán hoa màu theo giá cả do thị trường tự do ấn định.
Những cải cách này cùng với tính hồi phục nhanh nhậy đặc trưng của người Việt bắt đầu đơm bông kết trái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét