Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng [anh trai anh Ỉn] và việc chế tạo UAV Việt Nam


Ngày 3/5, một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của khoa học công nghệ Việt Nam, đó là 4 chiếc máy bay không người lái (UAV) mang thương hiệu Việt đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm, và đạt kết quả mỹ mãn.
Hiện nay, nhóm chế tạo đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ cho các nhu cầu kinh tế, nghiên cứu khoa học và bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm...
Nhưng ít ai biết rằng, việc chế tạo UAV là do một nhóm các cán bộ, kỹ sư của một số đơn vị kỹ thuật thuộc Bộ Công an thực hiện, và người trực tiếp chỉ đạo là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Với những ai đã từng làm việc với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thì chẳng lạ gì chuyện là cho đến nay, đối với điện thoại di động, ông vẫn chưa… thạo cách lập danh bạ, không rành chuyện nhắn tin, điện thoại đối với ông chỉ có mỗi hai nhiệm vụ là nghe và gọi; ông cũng không rành sử dụng máy tính… Nhưng ông lại nắm bắt công nghệ hiện đại rất nhanh và khi còn là Cục trưởng một Cục nghiệp vụ từ hơn 20 năm trước, ông đã có nhiều chủ trương biện pháp mang tính chiến lược để hiện đại hóa công tác nghiệp vụ của lực lượng an ninh.

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (áo sẫm, đứng giữa) đang xem một chiếc UAV
Còn trong việc chế tạo UAV, theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, chủ nhiệm đề tài thì Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng là “người có công lớn nhất”. Đây sẽ là một “bí ẩn“ của trang lịch sử mới về chế tạo UAV của Bộ Công an.
Từ năm 2008, trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chỉ huy an ninh, và công tác thăm dò, bảo vệ tài nguyên và các mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học khác, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã chỉ đạo một nhóm cán bộ kỹ thuật xem xét nghiên cứu việc chế tạo UAV.
Đây là một việc làm mà theo giới khoa học công nghệ hàng không khi đó thì là “không tưởng”, bởi đã có nhiều cơ quan nghiên cứu danh tiếng đã bắt tay vào chế tạo từ nhiều năm nhưng chưa thành công. Nhiều quốc gia có nền khoa học công nghệ hiện đại cũng phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu chế tạo UAV. Tuy nhiên, cho đến nay, số quốc gia chế tạo được UAV cũng chưa đếm hết mười đầu ngón tay. Cũng có những ý kiến cực đoan, cho rằng “công an chế UAV làm gì”.
Do quy tụ được những nhà khoa học của lực lượng Công an không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn thừa nhiệt huyết nên chỉ sau hai năm đã hoàn thành đề tài để trình lên các cấp có thẩm quyền. Sau đó, đề tài “nghiên cứu tổ hợp chế tạo máy bay không người lái phục vụ khoa học, kinh tế và an ninh quốc gia” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê chuẩn là đề tài cấp Nhà nước. Tiếng là “đề tài cấp Nhà nước” , nhưng kinh phí cấp cho lại cực ít (mà cũng mới chỉ có… trên giấy).
Nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nhóm thực hiện đề tài đã vượt qua được những khó khăn cả về giải pháp công nghệ và tài chính để hoàn thành đề tài.

Máy bay không người lái trên đường băng rải nilon
Và chỉ sau ba năm, Viện Công nghệ Không gian của Bộ Công an đã chế tạo được 12 máy bay gồm 4 chủng loại. Trong đó, loại nhỏ nhất chỉ nặng có… 3kg và loại lớn nhất là 50kg.
Các loại máy bay này đều đạt được trần bay tối đa 4.000m, hoạt động tin cậy trong bán kinh 100km, có tốc độ khá; được chế tạo bằng vật liệu có khả năng làm “mù mắt” các loại radar, có công nghệ thông tin, quan sát tiên tiến nhất. Máy bay cũng được thiết kế thêm nhiều tính năng đặc biệt như vẫn tự “tìm đường” bay về hạ cánh, trong hoàn cảnh mất liên lạc với “ông chủ”. Các UAV do Viện Công nghệ Không gian chế tạo có thể cất cánh từ đường băng, nhưng cũng có thể cất cánh từ trên… ôtô, trên… bệ phóng, thậm chí từ… tay người. Và điều đặc biệt nữa là các nhà khoa học đã thiết kế được phần mềm, giúp UAV có thể “tự sát” để bảo vệ “danh tiếng”, khi chẳng may “sa” vào tay… “người tò mò”!
Và một điều đáng nói nữa là, giá thành những chiếc máy bay này rẻ hơn nhiều so với các loại UAV có tính năng tương tự đang sử dụng trên thế giới hiện nay.
Theo Giáo sư Đỗ Trung Tá, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, người cũng tham gia đề tài ngay từ khi còn phôi thai thì thành công này vượt xa sự dự tính ban đầu. Tất nhiên, còn phải tiếp tục hoàn thiện để khắc phục một vài nhược điểm nhỏ. Nhưng chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, những UAV mang thương hiệu Việt sẽ có mặt trong những vụ cháy rừng, vùng bị thiên tai, hoặc trong phòng chống tội phạm… Thông tin, hình ảnh từ UAV đưa về sẽ giúp các nhà lãnh đạo, chỉ huy có cái nhìn toàn cảnh và sẽ có những quyết định chính xác.
Tính năng kỹ thuật cơ bản:
- AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0m; sải cánh 1,2m; khối lượng tối đa 4kg; tải có ích 1kg; bán kính hoạt động 2km; trần bay 200m; tốc độ lớn nhất 70 km/h; thời gian hoạt động trên không 1,0h; được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.
- AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80m; sải cánh 2,70m; khối lượng tối đa 12,0kg; khối lượng tải có ích 1,5kg; bán kính hoạt động 15km; trần bay 3000m; động cơ 45cm3; tốc độ lớn nhất 120km/h; thời gian hoạt động trên không 2h; đường cất hạ cánh 50m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; truyền ảnh online từ camera khoảng cách 15km.
- AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60m; sải cánh 3,20m; khối lượng tối đa 45kg; tải có ích 15kg; động cơ 80cm3; tốc độ lớn nhất 150km/h; trần bay 3.000m; đường cất, hạ cánh 200m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3h.
- AV.UAV.S3: Chiều dài 3m; sải cánh 3,4m; khối lượng tối đa 115kg; khối lượng tải có ích 35kg; bán kính hoạt động 70km; trần bay 3.000m; động cơ 350cm3; tốc độ nhanh nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không tối đa 5h.
- AV.UAV.S4: Chiều dài 4,20m; sải cánh 5,0m; khối lượng tối đa 170kg; khối lượng tải có ích 50kg; bán kính hoạt động 100km; trần bay 3.000m; động cơ 400cm3; tốc độ lớn nhất 180km/h; thời gian hoạt động trên không 6h; bay cả ban ngày và ban đêm.
Phóng viên Petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét