Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Trách Nhiệm Với Non Sông (Bài II)


Đợi “Ngày Quốc hận 30 Tháng Tư” qua đi để những cảm xúc buồn bã lắng xuống, tôi bắt đầu viết bài số 2 về chủ đề “Trách Nhiệm Với Non Sông” tiếp theo. Trong khi sửa soạn viết bài này, tôi dự định nói về trách nhiệm của người Miền Nam đã để cho Miền Nam rơi vào tay cộng sản thì tình cờ được đọc bài “Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích”  (Post ở cuối bài) của bạn Nguyễn Thành Công đăng trên trang mạng Quê Choa. Tôi rất lấy làm tâm đắc và quý mến tác giả. Theo như lời mở đầu, sở dĩ bạn Công viết bài nêu trên là vì đọc bài viết của tôi đăng trên các trang mạng vừa rồi mà trong đó tôi nghiêm khắc quy trách nhiệm cho những vị “lão thành cách mạng”, những con người từng tự hào với quá khứ “quyết tử để dân tộc quyết sinh”, đã tận lực giúp Hồ Chí Minh xây dựng lên một cỗ máy độc tài toàn trị vừa lạc hậu vừa dã man, nhưng lại thờ ơ trước những bức bách của bọn cầm quyền. Có lẽ vì vậy mà bạn Công nghĩ rằng tôi thuộc vào loại người chống Cộng quá khích?
Lâu nay tôi luôn luôn phản đối những người quá khích trong mọi lĩnh vực như tôn giáo hay chính trị. Bởi vì sự quá khích làm cho trí óc mất đi sự sáng suốt, bình tĩnh trong suy luận để hành động xứng đáng. Thậm chí tôi đã từng viết rằng người không có khả năng trí tuệ thì mới quá khích!
Bạn Nguyễn Thành Công nói về một số lý do Miền Nam thua trận là hết sức đúng với mối âu lo của tôi từ khi Miền Nam còn tồn tại chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Chính tôi, một sĩ quan cấp Thiếu tá tuy không giữ trọng trách lớn, cũng có lỗi về sự sụp đổ Miền Nam.
Năm 1954, các thế lực quốc tế chia cắt Việt Nam thành hai nước tại ranh giới vỹ tuyến 17: Miền Bắc là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thuộc phe cộng sản và Miền Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa thuộc phe tự do. Sau hai năm, hai nước sẽ thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử. Ông Hồ Chí Minh không tin vào thỏa ước đó, nên ông ta đã chỉ thị cho thuộc cấp chôn giấu vũ khí và cán bộ nằm im để chuẩn bị cuộc chiến tranh khuynh đảo. Ông Ngô Đình Diệm viện cớ mình không đặt bút ký vào hiệp định Genève nên không chấp nhận tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Lý do ông Ngô Đình Diệm không chấp nhận là điều dễ hiểu vì dân số ở Miền Bắc có 17 triệu và Miền Nam chỉ có 14 triệu. Quan trọng hơn nữa, Công An Miền Bắc có thể cưỡng bức người dân phải lựa chọn chế độ cộng sản; nhưng Miền Nam không thể cưỡng bức người dân làm theo ý chính phủ. Sang năm 1960, Miền Bắc chính thức quyết định “thống nhất” đất nước bằng vũ lực dưới chiêu bài giải phóng dân tộc.
Những người Quốc gia làm cách mạng chống Thực Dân là do lòng yêu nước tự phát. Trái lại, ông Hồ Chí Minh là cán bộ tình báo của Mạc Tư Khoa, được đào tạo các kỹ thuật tuyên truyền (nói dối) tinh vi, kỹ thuật đấu tranh khuynh đảo và được quốc tế cộng sản ủng hộ. Ông đã tài tình giả dạng đóng vai một nhà ái quốc khiến cho người dân Việt Nam ngây thơ mà lầm tưởng ông thực lòng hô hào kháng chiến chống Thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc. Uy tín của ông Hồ lên rất cao trong quần chúng vì nhân dân không biết ông ta là một nhà chính trị đại bịp. Hôm nay với bằng chứng lịch sử rõ ràng ông Hồ là tay sai đắc lực của cộng sản quốc tế và là kẻ bán nước khi chỉ thị Thủ tướng Phạm văn Đồng ký công hàm gửi cho Quốc vụ viện Trung Cộng nhìn nhận hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Tầu. Ca ngợi công đức của ông Hồ là ca ngợi kẻ bán nước!
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, một mặt lên tiếng phê phán các nhà cầm quyền cộng sản, một mặt vẫn vái lạy Hồ Chí Minh như một ông Thánh, khiến cho tôi phải phản bác cái luận điệu trái chiều đó và nghiêm khắc lên án quý vị “cách mạng lão thành” đã thờ ơ lạnh lùng trước nỗi cùng cực của đồng bào mình dưới một chế độ hà khắc, tàn bạo do chính quý vị đã tiếp tay ông Hồ dựng lên.
Sở dĩ tình trạng dân mình chịu cảnh thảm thương, tang tóc như ngày hôm nay cũng là cái lỗi lớn của những người Việt ở Miền Nam chống Cộng sản mà tôi sắp sửa đề cập dưới đây.
Ông Hồ Chí Minh trước khi trở thành cán bộ cộng sản, đã khẩn khoản viết đơn xin Thực dân Pháp vào học trường Thuộc địa để phục vụ đế quốc. Ông ta không phải là người yêu nước, chẳng qua bị Thực dân Pháp từ chối thì ông đi đầu quân cho đế quốc Đỏ Liên Xô dưới danh nghĩa nhà cách mạng giải phóng dân tộc.
Ông Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại mời làm Thượng thư Bộ Lại (tương đương chức Thủ tướng). viết bản đề nghị Thực dân Pháp cải tổ đường lối cai trị, nhưng Pháp không chấp nhận, ông từ chức để tìm đường cứu nước bằng cách khác. Vào thời điểm cực kỳ khó khăn khi đất nước bị chia đôi, vua Bảo Đại lại mời ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng. Ông Diệm miễn cưỡng nhận lời vì bị vua Bảo Đại áp lực đặt vấn đề trách nhiệm công dân tự do chống lại chủ nghĩa cộng sản. Ông Diệm nhất quyết sống chết với Đất Nước, chứ không chấp nhận đề nghị ra khỏi nước của Đại sứ Hoa Kỳ. Chỉ cần nêu vài ba sự kiện đó thôi, chúng ta cũng đủ thấy ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước, không màng danh lợi cá nhân, không tham sống sợ chết.
Tiếc thay! Một số người dân Miền Nam cho rằng ông Diệm là tay sai của Mỹ giống như cha con Nguyễn văn Tâm, Nguyễn văn Hinh là tay sai của Pháp. Và ông Hồ được đánh giá là nhà ái quốc đấu tranh giành độc lập!
Sau ngày chia đôi Đất Nước, tình hình Miền Nam hết sức hỗn độn. Ông Diệm về chấp chánh mà quân đội Quốc gia, Công An và ngân sách quốc gia thì nằm trong tay Thực dân Pháp. Ông Diệm hoàn toàn không có dưới tay những cán bộ chính trị hay quân sự hết lòng phụng sự lý tưởng tự do. Bọn Pháp thực khốn nạn, chúng bám lấy Việt Nam cho đến ngày thua cộng sản, rồi lại xúi tay chân bộ hạ quấy rối chính quyền của ông Diệm, thuộc phe Tự Do. Cái phe bị gọi là Tư Bản (trong đó có Pháp) mà cộng sản đòi chôn sống! Pháp ủng hộ những giáo phái nổi lên chống ông Diệm. Tướng Bảy Viễn, chủ nhân sòng bạc Đại Thế Giới và động điếm Bình Khang đặt cho ông Diệm những yêu sách không thể thỏa mãn.
Phái bộ Hoa Kỳ sang giúp ông Diệm lại nghe lời bọn Thực dân Pháp, cũng chống ông Diệm. May mà có ông Landsdale làm bản báo cáo gửi về Tòa Bạch ốc kịp thời, khiến cho Tổng thống Eisenhower thay đổi quyết định, nhờ đó ông Diệm mới đứng vững. Ông Diệm được Mỹ ủng hộ tối đa và trong một thời gian ngắn ông Diệm đã ổn định tình hình mà người ta tưởng chừng như một phép lạ. Giải quyết thành công vấn đề định cư cho gần một triệu người Miền Bắc tỵ nạn Cộng sản trong tình hình hỗn độn như thế, không phải ai cũng làm được!
Một mặt lo xây dựng Miền Nam từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, một mặt lo triệt hạ những cơ sở nằm vùng của Việt Cộng, ông Diệm còn bị sự chống đối của các đảng phái chính trị. Đáng lý ra hai đảng lớn là Việt Nam Quốc Dân đảng và Đại Việt phải đoàn kết giúp ông Diệm để tiêu diệt kẻ thù chung thì mới phải. Trong một bài viết ngắn ngủi, tôi không thể kể ra hết cái tội của hai đảng lớn vừa nêu.
Vì nghĩ rằng muốn chống Cộng hữu hiệu thì phải tham gia vào một tổ chức có truyền thống Chống Cộng, tôi đã tuyên thệ vào Đại Việt từ khi còn rất trẻ mà không biết Đảng trưởng là ai, chỉ biết cái bí danh là Anh Cả. Do trẻ tuổi bồng bột, lại thiếu thông tin, tôi chống ông Diệm. Vì ở trong cái Đảng chống ông Diệm, nên tôi cũng tưởng rằng ông Diệm độc tài, gia đình trị. Sau này tôi ăn năn hối lỗi thì đã muộn!
Cùng thờ Đảng trưởng Trương Tử Anh (đã bị Cộng sản thủ tiêu), các lãnh tụ kế thừa như các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng văn Sung (anh của tôi), Bùi Diễm, Nguyễn Ngọc Huy, Hà Thúc Ký thay vì đoàn kết nhau để tiêu diệt cộng sản hầu báo thù cho Nước và cho Đảng trưởng, lại phân hóa lẫn nhau. Bên Quốc Dân Đảng cũng vậy, chia năm xẻ bảy thành nhiều hệ phái gồm các ông Vũ Hồng Khanh, Trần văn Tuyên, Nguyễn Tường Tam …
Tôi không dám quả quyết kết tội ông Trí Quang và Phe nhóm là cộng sản, vì không có tài liệu cụ thể. (Tôi dùng cụm từ “Trí Quang và Phe nhóm” để người đọc đừng hiểu lầm tôi đồng hóa Trí Quang với Phật giáo. Trí Quang và Phe nhóm còn gây rối trường kỳ và liên tục các chính quyền sau khi ông Diệm đổ, đủ cho ta thấy họ đấu tranh không vì nguyên nhân ông Diệm đàn áp tôn giáo, mà vì cố tình giúp cho sự xâm lăng của cộng sản Miền Bắc sớm thành công. Bọn chính trị gia xôi thịt, cơ hội dựa thế lực Nhóm Trí Quang để nhảy vào chính trường kiếm chác địa vị, tiền bạc; chứ không thèm nghĩ tới sự tồn vong của Miền Nam.
Tôi có thể khẳng định Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải là nhà độc tài ác ôn, một tín đồ Công giáo cuồng tín đàn áp Phật giáo như lời tuyên truyền của cộng sản cùng với sự phụ họa của bọn chính trị gia xôi thịt, vô trách nhiệm. Bằng cớ là:
1/ Hà Mạnh Trí ám sát Tổng thống Diệm ở Ban Mê Thuột không bị xử tử hình. “Anh Cả” Hà Thúc Ký âm mưu giết ông Diệm, lập đài phát thanh bài xích ông Diệm, đem quân ra chiến khu Ba Lòng chống ông Diệm, khi bị bắt cũng không bị ông Diệm xử tử hình,:ông Diệm còn lệnh cho y sĩ riêng của mình là bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh đến tận nhà lao để chăm lo sức khỏe cho ông Hà Thúc Ký và sai thuộc cấp đến giúp đỡ cuộc sống vật chất của bà Hà Thúc Ký (hiện còn sống ở San Jose có thể xác minh sự kiện này). Thế mà bộ máy tuyên truyền cộng sản kết tội ông Diệm là nhà độc tài khát máu và được các phe chống ông Diệm ở Miền Nam phụ họa.
2/ Trong nội các của chính phủ ông Diệm đa số Bộ trưởng có tín ngưỡng Phật giáo. Dưới thời ông Diệm, nhiều chùa chiền bị đổ nát do chiến tranh được trùng tu. Phật tử muốn xây chùa là được xây chùa, muốn lập khuôn hội Phật giáo là được lập, muốn mở thêm trường Bồ Đề là được mở. Thế mà lời hô hoán của Trí Quang và tay chân bộ hạ kết tội Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo lại được quần chúng nghe theo.
3/ Đức Cha Lê Hữu Từ yêu cầu ông Diệm cho phép Đức Cha được quyền duy trì lực lượng quân sự của khu Công giáo tự trị Bùi Chu – Phát Diệm di cư vào Miền Nam. Nhưng ông Diệm từ chối vì ông Diệm không muốn thấy tình trạng một Quốc gia trong một Quốc Gia. Ông Diệm chỉ muốn có một Quân đội duy nhất để bảo vệ Tổ Quốc. Vì vậy ông Diệm sáp nhập các lực lượng giáo phái khác vào Quân Đội Quốc Gia không phải vì độc tài.
Xây dựng một quốc gia tiến tới nền dân chủ khi dân trí còn thấp, lãnh tụ đôi khi cần phải có những biện pháp độc tài. Trường hợp Lý Quang Diệu của Singapore, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Phác Chính Hy của Đại Hàn v… v… là thí dụ điển hình. Hoa Kỳ là nước dân chủ trên thế giới đã lập trại tập trung nhốt tất cả những người Mỹ gốc Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, không ai có thể kết án chính phủ Hoa Kỳ độc tài. Việt Nam Cộng Hòa đang có chiến tranh với bọn xâm lược Miền Bắc, công tác triệt hạ cơ sở hạ tầng của địch, bắt bớ cán bộ cộng sản nằm vùng và bọn ký giả lợi dụng quyền tự do báo chí để hỗ trợ Cộng sản là đương nhiên.
Cái sai lầm lớn nhất của Tổng thống Ngô Đình Diệm là không chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ đưa quân vào Miền Nam vì sợ lịch sử lên án cái tội nô lệ ngoại bang. Về nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia là đúng, nhưng về mặt thực tiễn là sai. Tướng lãnh Miền Nam do Thực dân Pháp đào tạo được ông Diệm nâng cấp lên Tướng để chỉ huy các đại đơn vị, họ chỉ có khả năng đánh những trận lẻ tẻ của du kích quân, nhưng không thể thắng trận địa chiến của đối phương với lính chính quy. Tướng lãnh cộng sản có thể kém về phương diện văn hóa, trình độ học thức, nhưng lại thiện chiến trong đánh giặc nhờ từng trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, còn có một yếu tố khác. Nói ra thì đau lòng, nhưng sự thật cần phải nói ra.
Động cơ thúc đẩy thanh niên thời Cách mạng Mùa Thu năm 1945 là do tinh thần yêu nước, chống Thực dân Pháp giành độc lập. Họ là những người có lý tưởng, nhưng đáng thương cho họ là bị Hồ Chí Minh dẫn dắt vào con đường tà đạo mà trở nên u tối, không nhận ra Đất Nước sẽ đi về đâu sau khi chiến thắng. Có lý tưởng dân tộc (mà không biết mình bị phỉnh gạt) nên người chiến sĩ “cộng sản” tự hào chấp nhận gian khổ, chấp nhận quyết tử. Họ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh hận thù, sẵn sàng giết kẻ địch khác lý tưởng không nương tay, dù cùng nòi giống. Trong khi ấy Quân Đội Quốc gia được Pháp thành lập, gồm phần lớn là những người phải đi quân dịch (miễn cưỡng) hoặc tình nguyện vì cần có một cái nghề để sinh nhai, như thể đi làm thầy giáo hoặc kỹ sư. Giống như bản thân tôi, tình nguyện vào Không Quân để làm phi công, dù thù ghét cộng sản, nhưng không hề mang ý tưởng chém giết, mà khởi thủy vì nguyên nhân lãng mạn do ước muốn được tung mây lướt gió giữa không trung. Cho nên nhiều khi phải xả những tràng đạn xuống địch quân để giải vây một đồn bạn bị tấn công, mà lòng tôi cứ xót xa quặn thắt vì cuộc huynh đệ tương tàn. Tính nhân bản đó trong chiến tranh là đã làm mình tự suy yếu. Hầu hết quân nhân trong Quân Lực VNCH không thể ác như cộng sản cũng là một trong những lý do khiến cho Miền Nam thua trận!
Tổng thống Ngô Đình Diệm cương quyết giữ chủ quyền quốc gia mà không ý thức rằng Miền Nam muốn sống còn thì phải chấp nhận yêu sách của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ là nguồn tiếp liệu vũ khi và kinh tế. Người Mỹ giúp Miền Nam không phải vì yêu dân Việt Nam, mà vì họ muốn dùng Miền Nam làm tiền đồn ngăn chặn làn sóng Đỏ do chủ thuyết Domino. Hai bên đều có nhu cầu và quyền lợi giống nhau thì trở thành Đồng Minh, chứ chẳng vì ai thương ai. Ở phía nhược tiểu mà đi ngược lại chủ trương của họ, tất nhiên họ phải thay ngựa dọc đường thôi! Nếu Tổng thống Diệm đừng cố chấp vì cái nguyên tắc “chủ quyền” cứng nhắc đó thì người Mỹ sẽ không “gợi ý” cho Trí Quang và Phe nhóm mượn cớ đàn áp Phật giáo để gây bất ổn chính trị và không mua chuộc các Tướng lãnh làm đảo chánh. Cái dở của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là quá yếu về phương diện tuyên truyền. Nếu Tổng thống lên đài phát thanh nói rõ sự thật cho đồng bào hiểu rằng Miền Nam bị khối Cộng sản dùng Quân đội Miền Bắc xâm lăng, Quân lực Miền Nam không đủ khả năng kháng cự. Chúng ta cần Quân đội Hoa Kỳ giúp bảo vệ giống như họ đã bảo vệ Âu Châu trong Đệ nhị Thế chiến chống Liên Minh Đức – Ý. Quân đội Hoa Kỳ không phải là Thực dân như đế quốc Pháp. Họ đã giải phóng Âu Châu, nhưng họ không đặt nền thống trị trên các quốc gia Âu Châu giống như Liên Xô đã và đang thống trị các quốc gia Đông Âu. Tôi tin chắc rằng đồng bào sẽ hiêu sự hiện diện của Quân Đội Hoa Kỳ là chính đáng, là cần thiết.
Hoa Kỳ cũng sai lầm khi tưởng rằng thay thế Tổng thống Ngô Đình Diệm thì họ sẽ điều khiển chiến tranh một cách hữu hiệu hơn. Như ở trên tôi đã nói, các Tướng lĩnh VNCH được đào tạo từ Thực dân Pháp, tinh thần quốc gia thấp kém, không nhìn thấy hiểm họa Cộng sản trước mắt, nên cứ liên tục tranh quyền đoạt lợi bằng các cuộc đảo chánh, chỉnh lý khiến cho tinh thần chiến đấu hăng say của người lính càng ngày càng suy sụp. Một sai lầm chiến lược khác của Hoa Kỳ là khi tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam với chủ trương không quyết đánh bại kẻ địch. Kéo dài cuộc chiến dằng dai khiến cho nhân dân Mỹ mất kiên nhẫn. Người lính Mỹ bị trói tay; Mỹ không thua trên chiến trường, mà Mỹ thua tại nước Mỹ!
Nếu tôi là người dân Mỹ, tôi cũng sẽ là kẻ phản chiến. Tại sao? Tại vì tôi không thể để cho con em của mình đến hy sinh cho một xứ sở có những lãnh đạo chính trị, quân sự tồi, chỉ ham tranh giành quyền lợi và quần chúng thì biểu tình đòi đuổi Mỹ về nước. Bọn Ngụy hòa Việt Nam như cái loại Ni sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Huỳnh Tấn Mẫm… là bọn gian lận rất đáng khinh bỉ, chúng chỉ là đầy tớ cho Cộng sản vì chúng mượn danh nghĩa yêu chuộng hòa bình, chấm dứt chiến tranh. nhưng chỉ đòi Miền Nam buông súng. Chúng tôi, những chiến binh ngoài chiến trường mới thực sự là những kẻ phản chiến đích thực, vì khát khao hòa bình, mong muốn chiến tranh sớm chấm dứt. Nếu chiến tranh càng kéo dài, cơ may sống sót càng hiếm. Ai chẳng tham sống, sợ chết? Vì giặc đến nhà nên phải đánh, chứ đâu phải là Thần Thánh mà không sợ chết?
Tướng Moshe Dayan nổi tiếng khắp thế giới sau khi đánh tan Liên quân Á Rập trong vòng 6 ngày vào năm 1967. Sau đó ông Dayan được làm Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Ngoại giao mà trong lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra xuất sắc. Khi thôi chức, ông Dayan sang thăm Việt Nam trong tư cách phóng viên của đại nhật báo Do Thái. Ông tháp tùng quân đội Mỹ đi thị sát các cuộc hành quân và tìm hiểu tình hình quần chúng tại nhiều nơi. Trước khi ông rời Việt Nam, một nhà báo Việt hỏi liệu ông có một lời khuyên nào để Miền Nam chiến thắng cộng sản. Không một chút do dự, Tướng Dayan trả lời bằng một câu ngắn gọn: “Miền Nam hãy thua cộng sản trước đi đã, rồi sẽ thắng”. Lúc bấy giờ báo chí Sài Gòn có những bài đả kích Tướng Dayan, vì họ cho rằng lời phát biểu của ông ta nhằm chủ đích xúi Hoa Kỳ bỏ rơi Miền Nam để dồn nguồn lực tài chánh viện trợ Do Thái.
Tôi có suy nghĩ khác với báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhân dân Miền Nam không có ý chí sống còn như dân Do Thái. Việt Nam Cộng Hòa bị Cộng sản quyết tâm xóa bỏ trên bản đồ thế giới giống như Do Thái bị các quốc gia Hồi giáo chung quanh quyết tâm tiêu diệt. Với kinh nghiệm đau thương từ vụ Holocaust, dân Do Thái ngày nay đã dồn hết mọi nỗ lực để bảo vệ xứ sở của họ. Tướng Moshe Dayan nhận định rằng dân Miền Nam không “thấy” cái khủng khiếp của Cộng sản, nên phải bị Cộng sản đánh bại, bị đối xử tàn tệ, rồi mới mở mắt. Giá như quân dân Miền Nam từ mọi tầng lớp biết cái ác, cái man rợ, cái lưu manh, cái ngu dốt của cộng sản thì chắc chắn họ đã đoàn kết một lòng tiêu diệt Cộng sản. Được vậy, Miền Nam đã không mất! Sẽ không có những trại tù khổ sai để nhốt quân cán chính Miền Nam bị quy là Ngụy! Sẽ không có vùng kinh tế mới để đày đọa dân lành! Sẽ không có nạn vượt biên, vượt biển gây chết chóc cho hàng trăm ngàn nạn nhân làm chấn động lương tâm nhân loại!
Cái ngày Miền Nam sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian, vì nhân dân không ý thức sự quý báu của Tự Do. Khi nào bị Cộng sản “đô hộ”, các thứ như nhân phẩm, nhân quyền, nhà cửa, đất đai đều bị mất sạch thì lúc đã quá muộn. Nghe tiếng than thở của người Miền Bắc vào Nam sau Tháng Tư năm 1975 “Chúng tôi tưởng các anh ra giải phóng chúng tôi; không ngờ các anh lại thua thì cả nước sẽ biến thành nhà tù vĩ đại”, tôi càng thấy cái tội của mình càng lớn hơn, Nhiều đêm tôi đã khấn nguyện vong linh nhà ái quốc Ngô Đình Diệm tha tội cho mình.
Bây giờ những người suốt đời tận tụy cho “lý tưởng cộng sản” nhìn nhận rằng Ngày 30 Tháng Tư là ngày Miền Nam giải phóng Miền Bắc ra khỏi sự u tối, tôi nhận thấy mình đồng ý với lời tiên tri của Tướng Moshe Dayan trước 1975 là đúng! Nhạc sĩ Tô Hải là một “cách mạng lão thành” mà tôi đánh giá rất cao vì ông dám công khai nhìn nhận mình hèn vì sợ hãi cái chủ nghĩa bất nhân, dám công khai kết tội Hồ Chí Minh, dám xuống đường cùng đi biểu tình với giới trẻ trước Tòa Lãnh sự Trung Cộng chống sự xâm lăng của kẻ thù. Vừa rồi, tôi kêu gọi quý vị “lão thành cách mạng” hãy đến lăng ông Hồ để xé thẻ Đảng, xé sổ hưu … không phải vì tinh thần Chống Cộng quá khích. Tôi chỉ muốn quý vị ấy ít nhất phải có hành động như nhạc sĩ Tô Hải để làm ngọn đuốc cho giới trẻ tiến lên. Cái thứ như nhạc sĩ Phạm Tuyên có bố là nhà văn hóa Phạm Quỳnh bị Cộng sản chôn sống mà lại muối mặt làm bài ca “Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng” thì nền đạo lý của dân tộc chẳng còn gì!
Quý vị “lão thành cách mạng” hãy nhớ câu than thở của Lê Duẩn: “Chúng ta đánh Pháp, đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” để đừng bao giờ tự hào cái quá khứ oai hùng đánh Pháp, đánh Mỹ nữa. Càng mang cái hãnh diện hão đó, càng chứng tỏ tư cách đầy tớ của mình thôi! Lê Duẩn cũng ý thức thân phận đầy tớ của mình, nhưng tại vì cái “vòng kim cô xã hội chủ nghĩa” quấn chặt quá, ông ta không gỡ ra được mà thôi!
Tôi không bao giờ coi Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành là Cộng sản. Họ chỉ lợi dụng cái lý thuyết “công bằng xã hội” hoang tưởng của Marx để xây nên một chế độ cai trị chuyên chính. Bởi vì Marx từng nói: “Chỉ có loài cầm thú mới lo chăm chút cho bộ lông của chúng và quay lưng lại trước nỗi bất hạnh của đồng loại”. Dựa vào tiêu chuẩn đó, những “Tay Tổ” nêu trên không thể là người cộng sản như Marx nghĩ, họ còn tệ hại hơn cầm thú vì chính họ gieo rắc nỗi bất hạnh, chết chóc trên đồng loại một cách khủng khiếp, chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Cộng sản là một “hư từ” để đánh tráo khái niệm, đã bị nhân loại kết án. Bằng cớ là những người cộng sản quyền cao chức trọng trong cuộc hội thảo do giáo sư Trần Phương chủ trì mà không một ai hiểu chủ nghĩa xã hội là gì. Ai mất công đi chống cái không hiện hữu? Tôi chống là chống lại sự man rợ, lưu manh, lừa đảo bất cứ từ đâu tới để xây dựng một xã hội lương thiện, tôn trọng phẩm giá Con Người. Tôi thúc giục quý vị “lão thành cách mạng” hãy tích cực dấn thân để bênh vực cho những cựu chiến binh dưới quyền mình như bạn Nguyễn Thành Công bị chế độ cướp đất cướp nhà, chứ không phải ngồi nhà viết Kiến Nghị với lại Thư Ngỏ ... Kính gửi những nhà lãnh đạo vô liêm sỉ. Thản nhiên vô cảm trước sự việc luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bỏ tù vì yêu cầu nhà cầm quyền tuyên dương công trạng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và những chiến sĩ của Quân Đội Nhân Dân đã bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa là một sự vô cảm hết sức đáng bị lên án. Vô cảm trước nỗi oan ức của con cái đồng chí mình, vô cảm trước vong linh chiến sĩ hy sinh bảo vệ Tổ Quốc là cái tội không thể tha thứ được! Đó là sự tội đồng lõa với bọn cầm quyền manh tâm bán nước cho giặc thù truyền kiếp của giống nòi, bất xứng với cái danh nghĩa “quyết tử”.
Mới đây đọc bài thơ "Đất nước những tháng năm thật buồn " của ông Nguyễn Khoa Điềm, tôi cảm thấy … buồn cười! Một người khi đảm nhiệm chức vụ Tuyên Giáo Trung Ương thì đề ra những chỉ thị cấm đoán các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, nay thì lo lắng ngọn Cờ Đỏ có còn thắm như xưa? Có lẽ thi sĩ không ý thức được rằng vì mình chiến đấu dưới ngọn Cờ Đỏ ấy mà Đất Nước lâm vào cảnh điêu linh ngày hôm nay? Bản thân trót a tòng với tội ác, tốt hơn hết ông Điềm phải có trách nhiệm tố cáo tội ác để trừ khử nó đi, chứ sao lại than thở như“thương nữ bất tri vong quốc hận” để còn mãi ca khúc “hậu đình hoa” một cách ủ dột và thê lương như thế? Tôi mong ông Nguyễn Khoa Điềm đọc bài này để nhận thức lại nhằm có hành động xứng đáng với dòng dõi Nguyễn Khoa danh tiếng của Đất Thần Kinh. Như Ngài Nguyễn Khoa Nội Táng, như Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Theo tôi, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ca tụng ông Hồ, một kẻ bán nước tàn ác giết hại nhân dân mình, là một hành động lăng mạ nghiêm trọng trên vong hồn những nhà ái quốc chân chính Việt Nam như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, bà Nguyễn thị Năm…! Làm sao nhân dân Việt Nam có thể nổi dậy để tiêu diệt cái đám cầm quyền lưu manh, gian ác, bất nhân này được, khi còn những người như Tướng Vĩnh cứ miệt mài ca tụng ông Hồ là một bậc Thánh có công giải phóng dân tộc? Sau những bài viết của tôi đăng trên mạng, cụ Vĩnh còn khuếch đại âm thanh cái bài tụng ca chát chúa về ông Hồ thì rõ ràng hết thuốc chữa. (You can not teach the old dog a new trick, ngạn ngữ Hoa Kỳ). Tình trạng người dân Việt ngày nay bị tước đoạt nhân phẩm, tài sản, đất đai khiến cho tôi đau xót, thù hận ông Hồ, kẻ đã đưa Đất Nước xuống hầm tai vạ, lại càng tức tối thêm những người vô trách nhiệm với Non Sông như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
Ý thức rằng chúng ta cần đoàn kết để có sức mạnh lật đổ một bạo quyền nhơ nhớp, tham nhũng, lưu manh, nhưng thú thực tôi không thể đoàn kết với những người có đầu óc như Tướng Vĩnh. Tôi triệt để chống lại những kẻ tòng phạm dựng lên một Nhà Nước chuyên chính, mà nhất định không chịu nhận lãnh trách nhiệm của mình, lại còn tuyên dương kẻ ác như Cha Già Dân Tộc. Đó là quyết tâm của tôi; chứ không phải quá khích! Mong bạn Nguyễn Thành Công hiểu như vậy để chúng ta có thể bắt tay nhau trong hành trình giải phóng dân tộc mau chóng thoát ra khỏi tình cảnh nô lệ Tầu do bọn cầm quyền, hậu duệ của ông Hồ, tiếp tục bán nốt phần đất còn lại của cha ông chúng ta.
Bằng Phong Đặng văn Âu


Thư tâm tình gửi các bạn chống cộng quá khích

Nguyễn Thành Công, cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Chia sẻ bài viết này
(Nhân đọc bài Trách nhiệm với non sông của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu, tôi viết thư này muốn trao đổi, tâm sự với các bạn chống cộng quá khích, nếu bạn không phải là những người chống cộng quá khích thì không nên đọc).


Tôi sinh trưởng ở một tỉnh miền Bắc, vào quân đội, ra chiến trường nhưng không tham gia đơn vị chiến đấu mà ở đơn vị hậu cần. Vì vậy tôi chưa hề bắn súng vào bất kỳ ai. Tuy nhiên, trong một đợt ném bom của không quân Mỹ tôi bị thương, không nặng lắm, được đi điều trị, khi trở lại đơn vị thì miền Nam đã giải phóng. Tóm lại, cuộc sống của tôi cũng bình thường như nhiều người khác. Vào mấy năm gần đây, gia đình tôi nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Nói thế chắc các bạn biết rồi. Tôi gia nhập vào nhóm những người được gọi là dân oan, thường xuyên đến trước cổng cơ quan nhà nước đòi giải quyết quyền lợi mà chưa biết đến bao giờ mới xong.
Ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, tôi làm quen với nhiều người dân oan khác, tìm hiểu hoàn cảnh của họ. Hóa ra không phải chỉ có gia đình tôi, quê tôi đang bị nhà nước cướp đất mà khắp nơi trong nước đang diễn ra tình trạng cướp đất, ngày càng tàn khốc, ngày càng trắng trợn. Tôi cùng với nhân dân bị oan khuất bắt đầu đấu tranh, giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Thế rồi những người bạn dân oan của tôi hướng dẫn tôi sử dụng mạng vi tính. Cả một chân trời thông tin ào đến với tôi. Từ mạng, tôi biết có nhiều người đang đấu tranh đòi quyền dân chủ, tự do cho đất nước. Cuộc đấu tranh của dân oan được các bạn ở hải ngoại ủng hộ trên mạng. Quả thật chúng tôi rất mừng. Tôi còn biết thêm nhiều bạn trước đây đã vượt biển, chịu bao sóng gió, nguy hiểm để đến được một nước nào đó. Đến nay những người ấy đếu thành đạt, sống ở nước ngoài mà vẫn đau đáu nhìn về quê hương. Nhiều bạn lên tiếng đòi dân chủ cho nhân dân, tự do cho tổ quốc. Tuy nhiên, đọc thông tin trên mạng có một số bạn, nhiều người gọi là "chống cộng quá khích" tôi rất lấy làm tiếc. Tôi nghĩ tâm nguyện của các bạn chống cộng quá khích chỉ muốn mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước chứ không hề định cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhưng các bạn nóng lòng sốt ruột, đặt ra những yêu cầu "quá khích", nếu ai không đồng ý thì các bạn tập trung "ném đá" dữ dội, vô hình trung làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh.


Có một lần vào Huế, tôi nói chuyện với một người lái xe ôm. Tôi hỏi: Trước năm 75 anh làm nghề gì? Trả lời: Tôi đi lính ngụy! Tôi nói: Anh không nên nói thế, phải nói là gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa oai hùng. Oai hùng chứ không anh hùng. Một quân đội vứt súng chạy như vịt thì không thể gọi là anh hùng, tuy trong đó cũng có những người đáng gọi là anh hùng. Mà tại sao các anh lại vứt súng bỏ chạy thế? Trả lời: Vì chỉ huy chạy hết rồi còn đâu! Tôi nói: Không nói thế được đâu, nếu chỉ huy chạy thì sao anh không lên nắm quyền chỉ huy để tiếp tục chiến đấu? Phải xử bắn tại chỗ những tên chỉ huy hèn nhát, rồi vừa chiến đấu vừa binh vận, thuyết phục chúng tôi trở về bảo vệ đồng bào miền Nam mới phải chứ? Đến đây thì người cựu binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa im bặt, không trả lời được nữa. Tôi hỏi tiếp: Anh có là sĩ quan không? Trả lời: Sĩ quan cấp thấp. Lại hỏi: Thế tại sao năm 75 anh không rút súng tự xử để bảo vệ lý tưởng? Lại im lặng.
Tôi hỏi tiếp: Các anh có biết vì sao mình thua không? Trả lời: Vì các anh giỏi hơn! Tôi nói: Không phải, anh nhầm lớn, chúng tôi không giỏi hơn các anh. Tôi là một cựu chiến binh miền Bắc, được đảng và nhà nước đào tạo, giáo dục, khi vào miền Nam tôi thấy trình độ chung của chúng tôi kém các anh nhiều. Các anh có học hơn, sống với nhau có tình, ứng xử rất có văn hóa. Chẳng hạn khi vào thành phố hỏi đường, anh em miền Nam chỉ đường nhiệt tình, vui vẻ, dễ mến, mặc dù lúc đầu chúng tôi khó chịu vì có anh để tóc dài. Lại trả lời: Vì bên giải phóng được viện trợ nhiều súng đạn hơn! Tôi nói: Anh lại nhầm, lúc ở chiến trường chúng tôi không nhiều súng đạn hơn các anh. Lại trả lời: Vì miền Nam bị Mỹ bỏ rơi, còn miền Bắc được Liên Xô, Trung Cộng chi viện. Tôi nói: Anh vẫn nhầm, thế anh có biết năm 1972 tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, báo Nhân Dân ở Hà Nội đăng bài xã luận cho rằng bị phản bội không? Năm 1972 Trung Cộng bắt tay với Mỹ, bỏ rơi Việt Nam. Nói bị bỏ rơi thì chính miền Bắc mới là người bị bỏ rơi. Tôi nói thêm: Khi QĐND Việt Nam tiến đến Xuân Lộc, anh có biết là các chiến sĩ quân lực VNCH đã chiến đấu kiên cường tới mức QĐND Việt Nam phải né tránh đi vòng đường khác không? Điều đó nói lên rằng một bộ phận quân lực VNCH (đáng tiếc cho các bạn, chỉ có một bộ phận chứ không phải là toàn quân) đã chiến đấu xứng đáng là người lính trên chiến trường. Nếu toàn thể quân lực VNCH chiến đấu như thế thì hôm nay các bạn không phải hối hận, những người như chúng tôi không phải lấy làm tiếc cho các bạn, cũng là cho chính chúng tôi. Tổ Quốc Việt Nam cũng khác chứ không phải như hôm nay!
Nhiều khi tôi tự hỏi: Vì sao Quân Lực VNCH lại thua trận và sụp đổ hoàn toàn được nhỉ? Khi người Mỹ rút quân, đã để lại cho miền Nam một số lượng vũ khí khổng lồ, rất hiện đại. Chẳng hạn, theo đài Sài Gòn lúc ấy, không quân VNCH đúng thứ ba trên thế giới về số lượng. QĐND Việt Nam không được viện trợ khẩn cấp, chỉ dùng những thứ đã được viện trợ từ trước, tức là không hơn gì về vũ khí. Ngày hôm nay rất nhiều bạn cựu chiến binh quân lực VNCH đổ lỗi cho việc thiếu vũ khí, rồi bị Mỹ bỏ rơi... tôi thấy không thuyết phục. Nếu không chỉ đúng nguyên nhân của thất bại thì các bạn không rút được kinh nghiệm và sẽ lại tiếp tục thất bại thôi.
Vậy vì sao quân lực VNCH thất bại, nói rộng hơn vì sao chính quyền VNCH thất bại?


Chính quyền VNCH thất bại vì thiếu yếu tố căn bản quyết định sự tồn tại của nó, cũng là yếu tố quyết định thắng bại của mọi cuộc chiến tranh: yếu tố nhân dân. Bây giờ các bạn thử nhìn lại cuộc chiến từ đầu. Vừa lên làm tổng thống VNCH ông Ngô Đình Diệm đã hô hào "Bắc tiến". Thậm chí nhà thơ Vũ Hoàng Chương còn làm thơ cổ vũ: Hẹn một ngày mai về cố đô / Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ... Sau đó ông Diệm tung nhiều toán gián điệp biệt kích ra miền Bắc nhằm gây dựng lực lượng. Nhưng tất cả các toán gián điệp biệt kích đều bị bắt, không một toán nào đứng chân trên miền Bắc được. Thậm chí công an miền Bắc còn lập chuyên án, tổ chức bắt giữ các toán mới thâm nhập để thu vũ khí, vật dụng...Ngược lại, nhiều tốp cán bộ miền Bắc trở vào Nam, xây dựng các khu căn cứ để nhận vũ khí từ ngoài Bắc chuyển vào, phát động chiến tranh du kích. Tại sao Tổng Thống Ngô Đình Diệm thất bại trong việc thâm nhập miền Bắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thắng lợi trong việc cử cán bộ thâm nhập miền Nam. Đấy là vì Chủ tịch Hồ Chí Minh khai thác tốt yếu tố nhân dân. Đất nước nào thì nhân dân cũng là tập thể có nhiều thành phần. Có bộ phận nhân dân luôn ủng hộ chính quyền, có bộ phận khác thì chống chính quyền, và có bộ phận chỉ biết làm ăn, không tham gia vào các phong trào chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã khai thác sự ủng hộ của bộ phận nhân dân ủng hộ ông ngay tại miền Nam, vì vậy tạo dựng được các căn cứ để chuyển quân từ Bắc vào Nam tiến công đánh đổ chính quyền VNCH. Vào đầu năm 1975 QĐND Việt Nam có thể đưa xe tăng tiến vào các thành phố lớn ở miền Nam. Thế xăng ở đâu để cấp cho xe tăng? Các bạn cứ hình dung công binh miền Bắc đã lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu vào sâu trong đất miền Nam, áp sát ngay các thành phố. Vì sao công binh miền Bắc làm được điều đó? Vẫn là yếu tố nhân dân. Không có nhân dân, QĐND Việt Nam không đủ hậu cần cho cuộc tiến công, đương nhiên sẽ không có cái ngày 30/4/1975. Suốt cả cuộc chiến, quân lực VNCH có thể tấn công vào Căm-pu-chia, sang Lào nhưng chưa bao giờ tấn công ra miền Bắc. Vì sao vậy? Nếu tiến công ra Bắc để ngăn chặn chiến tranh từ gốc của nó thì sao? Các tướng lĩnh quân lực VNCH cho rằng quân miền Bắc xuất phát từ Căm-pu-chia tiến vào miền Nam nên tấn công sang để ngăn chặn từ xa, thế thì tại sao không tấn công tận gốc là miền Bắc? Lý do đơn giản vì nếu đổ quân ra Bắc thì chắc chắn thất bại. Kinh nghiệm cho thấy ngay việc tung các toán gián điệp biệt kích ra cũng không thành công, lấy cơ sở nào để nói tiến ra Bắc thắng lợi. Chúng ta lại thấy yếu tố nhân dân quyết định thắng bại trong cuộc chiến. Tôi có thể nói thêm: Tháng 4/1975, khi quân giải phóng tiến vào, người dân ở thành phố miền Trung bỏ chạy về phía Nam. Nếu giả định không phải là quân giải phóng tiến vào Nam mà là quân lực VNCH tiến ra Bắc thi cái gì sẽ xẩy ra? Chắc chắn nhân dân miền Bắc sẽ tiến hành chiến tranh du kích tại những vùng quân lực VNCH chiếm được. Nhân dân sẽ không bỏ chạy đâu, đó chính là nét khác biệt với tình hình ở miền Nam.
Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cộng sản bắt đầu thực hiện các chính sách cải tạo xã hội. Bản chất các chính sách này là sai, không phù hợp với tiến trình phát triển của nhân loại. Nền kinh tế xuống dốc làm nhân dân cả nước sống trong đau khổ triền miên. Chính sách đổi mới nửa vời tuy có làm đời sống thay đổi chút ít nhưng Việt Nam vẫn ngày càng tụt hậu so với các nước láng giềng. Đến lúc toàn khối XHCN Đông Âu sụp đổ thì đảng cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa chính trị, bí bách phải bám vào Trung Quốc. Đây là chỉ dấu cho chúng ta biết các nhóm lợi ích điều khiển đảng cộng sản đã tách khỏi nhân dân. Kể từ đó các nhóm lợi ích giành giật nhau quyền lãnh đạo, chà đạp lên toàn thể nhân dân, vơ vét biến của chung thành của riêng nhóm lợi ích. Biểu hiện bề mặt của chuyện này là các chính sách cướp đất, rửa vàng...Nhóm lợi ích đã trở thành giặc nội xâm tàn bạo nhất trong lịch sử 4000 năm dựng nước của dân tộc ta. Có áp bức thì có đấu tranh. Nhân dân bị áp bức nhiều tỉnh thành đấu tranh, nổi bật nhất là chống cướp đất. Cuộc đấu tranh của nhân dân, đặc biệt là dân oan toàn quốc đã và đang thức tỉnh ngay cả những đảng viên cộng sản lão thành, có nhiều năm cống hiến cho đảng. Đây là cuộc đấu tranh mà một bên là các nhóm lợi ích trong đảng cộng sản Việt Nam, một bên là toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có cả các đảng viên trung kiên của đảng. Chúng ta cần đoàn kết toàn bộ những người yêu nước, yêu nhân dân, không kể đến quá khứ của họ. Những đảng viên "trung kiên", "chân chính" của đảng cộng sản, nếu đứng về phía nhân dân thì cần được hoan nghênh, ủng hộ. Không nên đề ra những yêu cầu quá khích cho bất cứ ai, nhằm đoàn kết rộng rãi nhất với mọi người. Chúng ta đấu tranh không phải để "xả giận" cho thất bại trước đây, không phải để "trả thù" kẻ áp bức chúng ta, cho dù những kẻ áp bức ấy thực sự mất hết tính người. Chúng ta đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội dân sự trên nước Việt Nam này, ở đó ai cũng được tự do, bình đẳng trước pháp luật, được quyền sống và mưu cầu hạnh phúc.


Tôi có lúc đã ngưỡng mộ, thán phục một số người chống cộng như Nguyễn Khoa Nam, Lý Tống... Nghe tin Lý Tống cưỡi lên máy bay, rải truyền đơn giữa Sài Gòn tôi hết sức thán phục. Đấy là hành động anh hùng giữa đời thường. Nhưng khi nghe chuyện Lý Tống xả thuốc mê vào ca sĩ Việt Cộng trên sân khấu thì hình ảnh Lý Tống đã chết trong tôi. Lý Tống anh hùng đã trở thành Lý Tống côn đồ, vô văn hóa. Người ta không thể chống bọn vô văn hóa bằng hành động vô văn hóa, thiểu năng trí tuệ. Nhiều trang mạng ở nước ngoài dùng những từ ngữ như "bưng bô cộng sản" tự làm xấu đi hình ảnh những anh hùng chống cộng trong mắt tôi (ăn nói kiểu gì mà... mất vệ sinh thế?). Vậy thật ra các bạn là ai? Các bạn là những người anh hùng lỡ vận muốn cứu nhân dân đang chìm trong ách thống trị tàn bạo của nhóm lợi ích trong đảng cộng sản hay các bạn chỉ là đám đầu gấu bị mất quyền lợi muốn chiếm lại vị trí ăn trên ngồi trốc trước kia? Các cụ ta dạy: Người thanh ăn nói cũng thanh, các bạn hãy tỏ ra là những người hơn hẳn về văn hóa, có dũng khí, thông minh nhưng chưa gặp vận. Bây giờ là lúc vận nước đang đến, các bạn hãy dùng kinh nghiệm, khả năng của mình để giúp nhân dân vượt qua cơn bĩ cực, tên tuổi các bạn sẽ được người sau mãi mãi nhớ đến, biết ơn.
Tôi nhớ đến đêm 23/4/2012. Đấy là đêm mà nhiều anh em chúng tôi đã đến cánh đồng huyện Văn Giang, Hưng Yên, cùng nhân dân đốt lửa chờ đám giặc nội xâm đến cướp đất. Có người ở ngay trên cánh đồng với nhân dân, có nhóm "phục kích" ở xã bên, nếu giặc nội xâm cướp đất ban đêm thì sẽ chi viện nhân dân bằng đòn đánh úp từ phía sau lưng chúng. Chúng tôi là cựu chiến binh, có người là biệt động mà. Rồi chúng tôi bàn đi bàn lại: Có dùng vũ khí chống cưỡng chế hay không? Vì là các cựu chiến binh, nếu cần vũ khí thì chúng tôi sẽ có vũ khí. Nếu dùng vũ khí nghĩa là có người chết, nghĩa là sẽ có đàn áp khốc liệt, phần thiệt sẽ thuộc về nhân dân. Đến tận lúc trời mờ sáng mới đi đến quyết định: Đấu tranh hợp pháp, bảo toàn sinh mạng cho cả hai bên, bên bị cưỡng chế và bên đi cưỡng chế. Cần phải tận dụng tất cả tiếng nói của nhân dân, của các đảng viên cộng sản còn lương tri để chặn bàn tay tội ác của nhóm lợi ích tại Văn Giang. Để xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, chúng ta phải học theo cụ Nguyễn Trãi:Dùng đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Đất nước đang trong những năm tháng khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, và tôi tin các bạn là những người đại nghĩa, chí nhân, sẽ có phương thức hiệu quả giúp nhân dân trong lúc khó khăn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét