Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Vai trò của Đông Á và Nhật Bản tới năm 2032 – Siêu thế của Mỹ vẫn tiếp tục là không lay chuyển được



(Xoay trục về châu Á) Vai trò của Đông Á và Nhật Bản tới năm 2032 – Siêu thế của Mỹ vẫn tiếp tục là không lay chuyển được

Shinichi KITAOKA
Tôi rất tò mò muốn biết trật tự quốc tế sẽ thay đổi thế nào trong hai mươi năm tới. Liệu Trung Quốc, với tư cách là một thế lực đang lên, sẽ trở thành một quốc gia bá chủ? Nhật Bản sẽ có chỗ đứng nào trên trường quốc tế? Trong bài viết này, tôi sẽ tìm hiểu bức tranh chính trị quyền lực ở Đông Á và các phương cách hướng tới việc phục hồi địa vị của Nhật Bản như một người tham dự cuộc chơi trên sân trường toàn cầu.
Môn lịch sử là chuyên môn của tôi. Các nhà nghiên cứu lịch sử phân tích các sự kiện trong quá khứ nhưng không đưa ra các phỏng chiếu cho tương lai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử biết rõ một điều về tương lai, đó là không ai có thể biết trước được tương lai.
Vào năm 1945, khi Nhật Bản thua trận trong cuộc chiến gần đây nhất, ai có thể dự đoán rằng nước này sẽ bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ chỉ trong vòng hơn 10 năm sau đó? Ai có thể dự đoán được Nhật Bản sẽ là nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội mùa hè vào 19 năm sau và tổ chức Triển lãm thế giới tại Osaka 25 năm sau?
Vào năm 1868, khi công cuộc Minh trị Duy tân bắt đầu, ai có thể dự đoán được việc phế phiên, lập huyện ba năm sau đó, vào năm 1871? Ai có thể đoán trước được tầng lớp võ sĩ sa-mu-rai sẽ bị bãi bỏ tám năm sau, vào năm 1876 bằng việc chấm dứt trả tiền lương, thù lao cho tầng lớp này và cấm mang kiếm theo người? Ai có thể dự đoán được Nhật Bản sẽ dành được phần thắng trong một cuộc chiến với Trung Quốc dưới thời nhà Thanh 26 năm sau đó, cũng như với Nga 36 sau?
Tương lai là không thể đoán trước được.

Những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc

Có rất nhiều dự đoán trung hạn và dài hạn được đưa ra trong thế giới ngày nay, tập trung vào xu hướng xuống dốc của nước Mỹ và sự vươn lên của Trung Quốc.
Vào ngày 11.12.2012, Cục tình báo quốc gia Mỹ, với vai trò điều khiển các cơ quan thu thập thông tin tình báo và cung cấp thông tin cho giới điều hành chính sách, đã cho ra báo cáo Những xu hướng toàn cầu 2030, một phân tích có tích dự đoán cho kinh tế thế giới trong vòng 15 đến 20 năm tới, dự báo rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 và Mỹ sẽ giữ nguyên được ảnh hưởng lớn nhất trong số các thế lực dẫn đầu thế giới nhưng sẽ không đủ khả năng để giữ vị thế siêu cường duy nhất, nguyên nhân là do sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng sẽ không một nước nào, dù Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác, đóng vai trò cường quốc bá chủ.
Tại Trung Quốc thì có nhiều nhìn nhận khác nhau. Ví dụ như ông Wang Jisi, chủ nhiệm khoa của Trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, vốn được biết tới như một người theo chủ nghĩa thực dụng tỉnh táo, cho rằng Trung Quốc cần nhiều thập kỷ, thậm trí 100 năm nữa để đuổi kịp Mỹ theo đúng nghĩa của khái niệm này, nhưng ông ta lại phê phán Mỹ không cư xử với Trung Quốc một cách công bằng khi Mỹ cho rằng vị thế siêu việt về dân chủ của nước này là hiển nhiên.
Nhưng theo ông Yan Xuetong, chủ nhiệm Viện quan hệ quốc tế hiện đại thuộc Đại học Tsinghua, một người được biết đến như một nhân vật có lập trường cứng rắn trong quan hệ đối ngoại, cho rằng hiện thời Trung Quốc đã có sức mạnh tương đương với Mỹ và giữa hai nước không có quan hệ cộng tác khác nào khác ngoài điều hành xử lý xung khắc. Ông Yan biện minh rằng yếu tố đạo đức, vốn sẵn có trong tư tưởng Trung Quốc, là siêu việt so với nền dân chủ nước Mỹ.
Tôi thì tôi nhìn nhận quan hệ giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh sau đây.
Trước hết, Mỹ và Trung Quốc có thể so sánh được với nhau về mặt diện tích lãnh thổ, nhưng việc sử dụng đất đai cho sản xuất và nhà cửa của dân cư có thể ở mức 80% cho trường hợp nước Mỹ, so với mức dưới 15% cho Trung Quốc, một nước có nhiều núi cao và sa mạc. Kết quả là nước Mỹ thực tế có thể coi là hơn 5 lần rộng lớn hơn Trung Quốc.
Thứ hai, lượng dân số trong tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vài năm tới, sau đó sẽ bắt đầu giảm sút. Theo một dự đoán tầm trung của Cục kinh tế và xã hội Mỹ, tổng dân số của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030. Sẽ không phải là dễ dàng để giữ được tăng trưởng kinh tế một khi lực lượng dân số trong tuổi lao động giảm và tăng trưởng sẽ còn khó khăn hơn một khi tổng dân số quốc gia đi xuống.
Ngược lại, dân số nước Mỹ được dự đoán sẽ tăng lên mức 400 triệu vào năm 2030 và sẽ tiếp tục tăng cho tới khoảng năm 2050.
Thứ ba, vị thế siêu việt của Mỹ về quân sự sẽ tiếp tục là không lay chuyển được. Vì sức mạnh quân sự là kết quả của tích lũy, Trung Quốc sẽ cần nhiều thập niên, thậm chí là không bao giờ vượt qua được Mỹ trong năng lực quân sự toàn diện ngay cả trong trường hợp ngân sách quân sự thường niên của Trung Quốc vượt trên ngân sách quân sự của Mỹ. Trung Quốc có thể so sánh sức mạnh quân sự với Mỹ trong khu vực nhưng không thể vượt qua đối thủ trong phương diện toàn cầu.
Thứ tư, Mỹ giữ chắc vị trí đầu bảng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, lĩnh vực mà kinh tế và quân sự dựa vào để phát triển. Các trường đại học của Mỹ đóng vai trò là các trung tâm trong lĩnh vực này, sử dụng một lượng tài chính lớn cho việc lựa chọn nhân tài từ khắp thế giới tới. Không có nước nào có khả vọng đuổi kịp nước Mỹ trong khía cạnh này.
Hệ thống chính trị tạo nên điểm thứ năm. Nước Mỹ thường được coi là một quốc gia của người WASP – người da trắng gốc Anglô Sác Xông theo đạo Tin lành. Niềm tin rằng sẽ không có một cá nhân nào ngoài lực lượng này có thể trở thành tổng thống nước Mỹ lần đầu tiên bị lung lay khi J.F.Kennedy trở thành tổng thống vào năm 1960. Tổng thống Jimmy Carter được bầu lên từ miền Thẳm Nam (Deep South) và là một người theo đạo Baptist, một đạo được cho là không thông thường so sánh với các tổng thống Mỹ trước đó.
Hệ thống chính trị nước Mỹ có sức mạnh từ việc chấp nhận các lực lượng thiểu số. Cho dù đôi lúc có mất ổn định, như trong trường hợp tổng thống G.W. Bush với định hướng theo chủ nghĩa đơn phương hay nhìn nhận cực đoan tương tự như những người theo đề xướng Tiệc trà (Tea Party), hệ thống này cuối cùng thường đạt được khả tính.
Một người Mỹ gốc Phi đã trở thành tổng thống nước Mỹ vào năm 2008 và ông Mitt Romney, người theo đạo Móc-môn, đã có một cuộc tranh cử mạnh mẽ trong đợt bầu cử tổng thống năm 2012.
Đối lại, khả năng điều chỉnh của hệ thống chính trị của Trung Quốc thường cao về mặt tức thời, ngắn hạn nhưng không thể chối cãi được là nó đã đặt xã hội Trung Quốc vào một tình huống dễ bùng nổ vì để bất bình xã hội tích lũy ngày càng nhiều. Chế độ một đảng có thể tồn tại tiếp chỉ trong ngày một ngày hai.
Ngoài so sánh sức mạnh quốc gia như trên, ta hãy phân tích tác động quốc tế của hai nước.
Bình đẳng giữa các quốc gia độc lập là một nguyên tắc trong thế giới ngày nay. Đó là một nguyên tắc được thiết lập sau chiến tranh TG II, từ đó trở đi mâu thuẫn giữa các quốc gia phần lớn được giải quyết một cách hòa bình.
Trung Quốc thường được coi là ở trung tâm của Đông Á trong thời tiền cận đại. Các quốc gia ở Đông Á chấp thuận vị trí siêu việt của Trung Quốc và cam kết phục tùng, ngược lại Trung Quốc bảo vệ các quốc gia này. Các nước láng giềng trả cống nộp cho Trung Quốc và ngược lại nhận được nhiều hơn từ phía Trung Quốc. Có vẻ như hệ thống quốc tế có cấp bậc kiểu này vẫn được người Trung Quốc giữ lại trong suy nghĩ của họ. Trung Quốc, một nước tuyên bố ủng hộ các nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ trong những năm 50 thế kỷ trước, nay lại đòi hỏi phải được cư xử như với một quốc gia hạng nhất, như đã thấy trong nhìn nhận của các vị giáo sư nêu ở trên.
Pháp quyền ở nghĩa sâu sắc của khái niệm này không tồn tại ở Trung Quốc. Trong truyền thống, Trung Quốc không có luật pháp kiểm chế các vị hoàng đế. Ngay cả ngày nay, Trung Quốc không có luật pháp kiểm tra người lãnh đạo tối cao. Ở các biển Đông và Nam Trung Quốc, Trung Quốc cho tàu vào đánh cá ở các vùng lãnh hải các nước khác tuyên bố là địa phận hay vùng kinh tế đặc quyền của họ, hộ tống thuyền đánh cá bằng tàu quân sự trá hình thành “tàu phục vụ công cộng” – thực chất là biến các vùng biển này thành địa phận hay vùng kinh tế đặc quyền của Trung Quốc.
Hoạt động kiểu trên rõ ràng là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình. Ý tưởng coi trọng luật quốc tế không hề tồn tại hoặc rất yếu kém ở Trung Quốc.
Tất nhiên là các cường quốc thường hay giải quyết vấn đề bằng sức mạnh hơn là bằng luật pháp. Việc Mỹ không phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ai cũng biết. Trong khá nhiều trường hợp, Mỹ đã dùng đến luật pháp quốc tế một cách tùy ý và ép buộc các quốc gia khác phải theo ý mình.
Trong số các quốc gia bảo vệ quyền bình đẳng giữa các quốc gia độc lập và giải quyết hòa bình mọi xung đột tồn tại khác biệt lớn, có các quốc gia thường không tuân thủ theo các nguyên tắc này trong hành động thực tiễn, có các quốc gia không tuân thủ theo ngay từ đầu. Theo tôi, khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong khía cạnh này không thể chối cãi được là lớn.

Liên minh đa phương trong thế kỷ 21

Nhật Bản đứng ở đâu trong tình thế này?
Ông Yan Xuetong nhấn mạnh rằng Nhật Bản nên tự xác định là một quốc gia châu Á, cắt đứt quan hệ quỵ lụy của mình với Mỹ và rằng Trung Quốc sẽ không đối xử với Nhật Bản một cách không đúng mực nếu Nhật Bản làm như vậy. Suy nghĩ này đại diện cho một ý tưởng về trật tự đặt trên cơ sở người mạnh ban phước cho kẻ yếu. Là một thành viên của châu Á có nghĩa là gì? Nhật Bản từ lâu đã nói “không” trước cái gọi là siêu đẳng của Trung Quốc. Ở Đông Á, Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất không coi sự siêu đẳng của Trung Quốc như một điều hiển nhiên. Nhật Bản có truyền thống pháp quyền. Ở Nhật Bản, nơi quyền lực và thẩm quyền được phân chia từ thời xa xưa, tồn tại một thời kỳ dài trong đó các vị hoàng đế hay mạc chế shogun không có được quyền lực tối cao.
Để kiểm chế các đối tượng tham dự chính trường, luật pháp được xây dựng và việc tuân thủ các qui tắc đã trở thành một truyền thống. Mặc dù có một thời kỳ đi lệch hướng trong các mối quan hệ quốc tế trong những năm 30 của thế kỷ 20, Nhật Bản luôn trung thành với nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn xung đột một cách hòa bình, Nhật Bản cũng luôn tôn trọng quyền con người như quyền tự trọng, tự do và an toàn cá nhân trong một quãng thời gian dài.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Angus Maddison, Trung Quốc đã là cường quốc nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm 20 của thế kỷ 19, sau Trung Quốc là Ấn Độ. Thế giới đang quay trở lại thời kỳ này hay sao?
Tôi bác bỏ điều này. Các thế kỷ 19 và 20 được đặc trưng bởi vị thế siêu đẳng của châu Âu và Mỹ (cùng với Nhật Bản), nhưng không bị hạn chế bởi sự siêu đẳng này vì các siêu cường trên đã tạo dựng ra một thời kỳ lịch sử trong đó khái niệm tự do, dân chủ, quyền con người và pháp quyền được xây dựng và chấp nhận rộng rãi. Trong quan hệ quốc tế, hai thế kỷ này đã mở đường hướng tới ý tưởng giải quyết xung đột một cách hòa bình, một phần như là kết quả của hai cuộc chiến tranh thế giới.
Ngay cả nếu như các quốc gia châu Á lớn mạnh lên thành cường quốc trong trật tự thế giới trong thế kỷ 21, sự lớn mạnh của chúng phải được đặt nền tảng trên các nguyên tắc trên.
Cách nhìn nhận này được chứng thực qua trường hợp Miến Điện, vốn từng được coi là nước được Trung Quốc bảo trợ tới thời gian gần đây, nhưng hiện cho thấy là đang chia tay với Trung Quốc.
Khi một quốc gia đạt được vị thế độc lập, quốc gia này không muốn quay trở lại vị trí một nước lệ thuộc vào một nước lớn. Hướng đi này không phải là dễ thực hiện cho một nước nằm gần với Trung Quốc, với dân số chỉ vài triệu, thí dụ như Lào hay Cam-pu-chia. Nhưng Miến Điện, với dân số 65 triệu, Việt Nam với dân số 80 triệu và In-đô-nê-xia với dân số trên 200 triệu không lập tức công nhận vị thế siêu đẳng của Trung Quốc, Phi-líp-pin cũng không làm như vậy.
Cho dù Thái Lan là nằm dưới ảnh hưởng của Trung Quốc, dân số của các quốc gia Đông Nam Á kể trên cộng lại sẽ đạt tới 500 triệu vào năm 2030, gần bằng một nửa dân số Trung Quốc. Ở phía nam, Ấn Độ với dân số được dự đoán là sẽ đạt 1,5 tỷ, vượt dân số Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác, luôn coi pháp quyền là một nguyên tắc quan trọng.
Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc, sáu nước nằm ở phía đông nước Tần là các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề và Sở đã lập nên một liên minh dọc chống lại nước Tần, một triều đại nổi lên ở phía Tây. Nhưng nước Tần đã sử dụng chiến lược thọc nêm bẻ gẫy liên minh này bằng cách ký kết hòa ước lập liên minh ngang với từng nước trong sáu thành nước trên, thống nhất Trung Quốc. Qua sự kiện lịch này, khái niệm “gasso renko” (lập liên minh đa phương chống lại một kẻ thù mạnh và một liên minh riêng rẽ với một kẻ thù mạnh) đã nảy sinh.
Việc gì đang xảy ra ở Đông Á hiện nay giống hệt diễn biến lịch sử trên. Trung Quốc ban phát những lợi ích thương mại hào phóng cho những nước dễ bảo, tạo dựng bất lợi thế cho những nước khó bảo. Có nhiều cách để họ làm như vậy. Chuối nhập khẩu từ Phi-líp-pin bị hỏng phải bỏ đi vì giải quyết thuế quan quá lâu. Một thay đổi nhỏ trong khai báo hải quan có thể gây thương tổn cho các nước khác. Trung Quốc khó có thể tự công nhận hành vi kiểu này của họ là sai trái, cũng như khó chấp nhận rằng các vấn đề chính trị và thương mai phải được nhìn nhận tách biệt.
Mâu thuẫn là có tồn tại ngay cả giữa Nhật Bản và Úc, thí dụ như vấn đề săn bắt cá mập. Nhưng khó có thể nghĩ đến việc Úc vì thế sẽ hạn chế xuất khẩu quặng sắt sang Nhật. Quan điểm nhìn nhận đúng đắn như vậy là nền tảng của các mối quan hệ quốc tế hiện đại.
Sự có mặt của Mỹ như một cường quốc tạo ra hậu thuẫn cho liên minh đa phương hiện đại. Ở phía bắc là Nga, vẫn luôn là một thế lực quân sự lớn, và Úc ở vị trí đông nam. Ấn độ nằm ở phía nam sẽ sớm trở thành quốc gia với dân số đông nhất thế giới. Xét từ cân bằng lực lượng, Trung Quốc ngày nay còn thiếu nhiều để có thế mạnh của triều đại nước Tần trong lịch sử.
Điều có ý nghĩa quyết định ngày nay là nguyên tắc quan hệ quốc tế. Một trật tự quốc tế tự do tôn trọng pháp quyền và tạo điều kiện cho cạnh tranh là có hiệu quả cao hơn nhiều một quốc gia bá quyền tìm cách chế ngự các nước láng giềng thông qua chính sách ban phát phước lợi chọn lọc. Vì thế, một trật tự theo cấp đằng với Trung Quốc tiền hiện đại ở vị trí trung tâm sẽ khó mà có thể thiết lập được ở Đông Á, trừ các trường hợp quá đặc biệt, cực đoan. Tuy nhiên, một trật tự quốc tế tự do không thể đạt được mà không có các điều kiện cần thiết. Đòi hỏi tối thiểu nhất là các quốc gia có quan tâm phải nỗ lực tôn trọng trật tự để có thể phát triển tốt.
Nhật Bản, với tư cách là lực lượng kinh tế và quân sự lớn mạnh nhất trong liên minh đa phương, đang nắm trong tay chiếc chìa khóa. Nhật Bản phải lập tức xây dựng lại nền kinh tế của mình, tăng cường năng lực quốc phòng quốc gia, đẩy mạnh liên kết với các nước láng giềng. Trong thời gian áp dụng các biện pháp chống giảm phát, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm nợ nhà nước thông qua tăng thuế và giảm bớt phúc lợi đảm bảo xã hội, Nhật Bản ít nhất phải lập ra Hội đồng an ninh quốc gia, thay đổi cách hiểu bản Hiến pháp của đất nước để cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, tiếp nhận các trách nhiệm lớn hơn thông qua thay đổi chính sách chỉ phòng vệ và chia sẻ vai trò với Mỹ, tăng cường hiện đại hóa và hiệu quả hóa trang thiết bị thông qua đẩy mạnh ngân sách cho quốc phòng.
Một điều phải được tính đến là cần thiết vạch định rõ ràng phân giới giữa hiện thực thực tế và chuyển biến tư tưởng về phía hữu. Để thành lập Hội đồng an ninh quốc gia, thay đổi chính sách chỉ phòng vệ, tăng ngân sách cho quốc phòng và trong một chừng mực nhất định nới rộng hay bãi bỏ Mục hai trong chương 9 của Hiến pháp Nhật Bản (không sở hữu lực lượng vũ trang) là những cách làm vẫn thường được tiến hành ở các nước khác và không có gì là khác thường. Tất nhiên là có các cá nhân ở trong và ngoài nước sẽ phê phán các thay đổi trong chính sách nêu ở trên, coi đó như là bước đi lệch về phía hữu, nhưng họ sai lầm.
Tuy vậy, khẳng định Nhật Bản chưa từng xâm chiếm các nước khác hay Nhật Bản là cao đẳng hơn các nước láng giềng không những chỉ làm nảy sinh nhiều câu hỏi về sự thật lịch sử mà còn cản trở đoàn kết với các nước liên quan. Chúng đại diện cho một bước đi lệch về phía hữu cần phải tránh vì lợi ích không chỉ của riêng Nhật Bản mà còn của toàn thế giới.
Như một điểm có tính quan trọng quyết định, trật tự tại Đông Á phải được giữ nguyên tới năm 2030 khi đà xung lượng của Trung Quốc sẽ yếu đi do hậu quả của các yếu tố đã phân tích ở trên. Nhìn nhận này không hề coi Trung Quốc như thù địch vì Trung Quốc phải có được khả năng phát triển hoàn toàn, toàn diện trong khuôn khổ của trật tự này. Đây không phải là cái gì khác ngoài một liên minh nhằm hướng vào việc thúc đẩy Trung Quốc nhận hiểu ra và trở thành một lực lượng chủ yếu.
Như ở phần đầu bài viết, tôi đã nói tới công cuộc Minh trị Duy tân và hồi phục sau chiến tranh. Có hai điều kiện cho phép Nhật Bản phát triển trên mức hoạch định của thời đó, đó là tăng trưởng dân số và lãnh đạo kiệt xuất.
Nhật Bản nên thực sự để ý tới vấn đề dân số, không cho phép để quốc gia này bị bỏ qua, thậm chí trở thành lu mờ trong các vấn đề thế giới. Không có bài thuốc chữa nào công hiệu lập tức cho vấn đề này. Tăng trưởng dân số không thể có được ngay. Tuy nhiên, là khác biệt lớn để có chỉ số sinh sản 1,2 hay 1,8. Mọi biện pháp có thể khả thi phải nên được áp dụng để ngừng giảm sút dân số, cho dù chỉ ở mức thấp, và nỗ lực đạt được tăng trưởng nếu có thể.
Vấn đề ổn định chính trị thì không cần phải giải thích rõ hơn. Đã có lực lượng lãnh đạo mạnh, dẫn đầu bởi ông Toshimichi Okubo và ông Hirobumi Ito trong thời kỳ Minh trị Duy tân. Trong thời kỳ sau chiến tranh, đã có các thủ tướng Shigeru Yoshida, Nobusuke Kishi, Hayato Ikeda hay Eisaku Sato lãnh đạo Nhật Bản.
Những đảo lộn chính trong công cuộc Minh trị Duy tân và những thay đổi lớn sau thất bại trong cuộc chiến tranh cuối đây đã là cần thiết để giúp khôi phục lại ổn định chính trị. Mượn lời của ông Joseph Schumpeter, chúng có thể được mô tả như một “hủy diệt có tính tạo dựng” trong chính trị.
Hủy diệt có tính tạo dựng như thế có thể có hay không, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới trật tự thế giới trong năm 2030.
Ông Shinichi Kitaoka đã từng là giáo sư tại Ban luật và chính trị thuộc trường đại học Tokyo, giáo sư Khoa luật trường Đại học Tokyo, đại sứ đại diện cho Nhật Bản tại Liên hợp quốc. Hiện nay ông là giáo sư Viện đại học quốc gia nghiên cứu chính sách, hiệu trưởng trường Đại học quốc tế Nhật Bản.
Bài viết này được lấy ra từ tạp chí Ngoại giao (Diplomacy) vol. 17 (do Bộ ngoại giao Nhật Bản xuất bản).

Giáo sư Shinichi Kitaoka
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét