Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Quyền lực mềm của Trung Quốc: Các Viện Khổng học (1)

Ulara Nakagawa

Diên Vỹ chuyển ngữ
Chia sẻ bài viết này
PHẦN 1: Tại sao có tên này
Khổng Tử: (511-479 Trước CN) Một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo và người sáng lập tư tưởng Nho giáo Trung Quốc (Tự điển Bách khoa Stanford).
Viện Khổng học: (2004- ) Những học viện công cộng phi lợi nhuận với mục đích quảng bá ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc ở nước ngoài. (Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc)
Có gần 400 nghìn người trên 96 quốc gia đang theo học trong 369 lớp Khổng giáo tại 322 Viện Khổng học về ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc - một quốc gia châu Á đang được mọi con mắt đổ dồn vào khi nó đang trên con đường bước lên vị trí đại cường quốc của thế kỷ 21. Quyền lực ngày cao cao của Trung Quốc rõ ràng là một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người xem những Viện Khổng học trở thành một khởi xướng đầy hấp dẫn của quyền lực mềm. Nhưng cũng có những quan điểm thú vị gắn liền với những học viện này mà tôi sẽ đề cập đến qua loạt bài viết này.
Ví dụ như, cần thừa nhận một điều mỉa mai nhưng cũng quan trọng rằng chẳng có tí liên hệ gì giữa nhà triết học Khổng Tử xa xưa của Trung Quốc mà khởi xướng này đã mượn tên và bản thân các học viện trên. Đây là điều mà Daniel Bell, tác giả của cuốn Thuyết Khổng Giáo Mới của Trung Quốc: Chính trị và Đời sống Thường nhật trong một Xã hội Đổi thay, đã nhắc nhở tôi khi tôi đề cập đến chủ đề này: "(Viện Khổng học) chủ yếu nhằm đào tạo ngôn ngữ hơn là quảng bá giá trị Khổng giáo."
Thế thì tại sao lại có cái tên này? Tôi đã nhờ một trong những cố vấn chính trong loạt bài này, Don Starr thuộc Đại học Durham, để làm sáng tỏ phần nào vấn đề này.
Không thể gọi là "Học viện Mao Trạch Đông"
Don Starr đã nói với tôi rằng khi nói về những tổ chức văn hoá quốc gia trên thế giới, chúng thường muốn được nhận diện bởi danh xưng của quốc gia ấy (Quỹ Nhật Bản, Hội Đồng Anh) hoặc một nhân vật văn học nổi tiếng (Việt Goethe của Đức, Hội Dante Alighieri của Ý), có nghĩa là trong ngữ cảnh này, quyết định của Trung Quốc cũng chẳng có gì khác thường.
Tuy nhiên ông cũng nói rằng ban đầu các nhà quan sát Trung Quốc đã đặc biệt bất ngờ về cái tên Viện Khổng học vì "Khổng Tử từng bị các trí thức Trung Quốc và Đảng Cộng sản đả phá trong hầu hết thế kỷ 20."
Nhưng ông cũng nói thêm rằng giờ đây ông tin rằng cái tên này là một lựa chọn rất tốt, hầu như bởi vì những gì nó chưa mang lại hơn là những gì nó đã mang lại.
Ví dụ như, ông nói, nếu nó được gọi là Quỹ Trung Quốc (hoặc cái gì đấy tương tự), nó có thể làm dấy lên vô số những vấn đề nhạy cảm khó gỡ chung quan danh xưng của quốc gia: "Đã có sự lẫn lộn giữa hai Trung Quốc và Đài Loan. Ví dụ như China Airlines là của Đài Loan - Cộng Hoà Trung Hoa. Vì thế nếu dùng "Trung Quốc," mặc dù Trung Quốc lục địa sẽ tuyên bố chỉ có một Trung Quốc, tuy nhiên trên thực tế, cũng có những người khác tự nhận là Trung Quốc."
Ông nói rằng vì người dân tại Đài Loan, Hồng Kông và Singapore nhìn chung đều vui sướng ngưỡng mộ Khổng Tử, quyết định dùng tên của nhà tư tưởng này hầu như "là điều liên kết những Hoa Kiều... chứ không phải chia rẽ."
Vậy nếu dự định dùng tên của một nhân vật văn hoá, tại sao lại chọn Khổng Tử? Một lần nữa, là vì những gì cái tên không có hơn là những gì nó đang có. Starr giải thích: "Tôi cho rằng tên tuổi, thương hiệu đã thành công trong phạm vi khi chẳng còn những cái tên nào có vẻ tốt hơn. Bạn có thể cho rằng, chắc chắn ta có thể tìm ra được một cái tên tốt hơn thế nữa. Nhưng một khi bạn bắt tay vào suy nghĩ, điều này rất khó."
Ví dụ như ông cho rằng trong khi có một cái tên có thể nảy ra ngay trong đầu mọi người là 'Học viện Mao Trạch Đông, hoặc tương tự như thế," nhưng đơn giản là nó "không phù hợp."
Một thương hiệu toàn cầu
Thêm vào đấy, Starr nói rằng trên thực tế Khổng Tử là một trong vài thương hiệu toàn cầu mà Trung Quốc có được. Ông nói đối với đa số người phương Tây, Khổng Tử thường được liên hệ đến việc học hỏi và những triết lý chung, và vì thế nó hợp với các học viện và mục đích của chúng về mặt thương hiệu.
Trong khi đó ở Trung Quốc, bất chấp chỉ trích trong lịch sử đối với Khổng giáo, khái niệm này vẫn luôn được thừa nhận về việc nhấn mạnh vào học hỏi và bình đẳng trong học hỏi - những nguyên tắc mà chính quyền hiện tại nói rằng họ muốn được triển khai rộng rãi.
Còn những giá trị khác? Theo Starr, những phong trào khác như Chủ nghĩa Marx vốn từng rất phổ biến trong quá khứ tại Trung Quốc, giờ đây "là một khuôn mẫu kiểm soát xã hội... thật sự kém hiệu quả. Tôi nghĩ trên quan điểm của người Trung Quốc, Khổng giáo thì hợp lý hơn và giới lãnh đạo Trung Quốc muốn nhấn mạnh giá trị của nó."
Liệu có phải chỉ nhờ cái tên mà Khổng Tử đã được chọn để đại diện cho Trung Quốc trước thế giới, hay đây thật sự là một lựa chọn tốt nhất, không còn nghi ngờ gì rằng các học viện này là những chiến thuật về quyền lực mềm thành công nhất của của đất nước. Mặc dù kế hoạch ban đầu của Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc (hoặc Hán Ban) chuyên cấp ngân sách cho các học viện, là chỉ thiết lập 100 cơ sở trên toàn thế giới vào năm 2010, mục tiêu này đã nhanh chóng được thay đổi thành 500 khi các học viện hoạt động tốt hơn mong đợi.
Tôi sẽ điểm qua những nguyên nhân khiến chúng thành công trong bài sau.
(con tiep)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét