Ulara Nakagawa
Diên Vỹ chuyển ngữ
Xem thêm: phần 1
PHẦN 2: Khổng giáo quay lại
Là một phần giới thiệu của loạt bài văn hoá đang diễn ra về quyền lực mềm của Trung Quốc và các Viện Khổng học, tôi đã đề cập về thực tế rằng thật sự có rất ít liên hệ giữa vị triết gia Trung Quốc Khổng Tử cổ xưa và các Học viện Khổng học, (mặc dù trên khía cạnh thương hiệu, cái tên này dường như đã có hiệu quả trong nhiều mức độ).
Tuy nhiên, cũng đã có một sự hồi phục thú vị về mối quan tâm về Khổng giáo tại Trung Quốc, một chuyển đổi có thể dẫn đến việc thay đổi hình ảnh của quốc gia này.
"Đầu tháng trước, biểu tượng nổi bật nhất tại Bắc Kinh là một bức tượng Khổng Tử cao chín mét tại Quảng trường Thiên An Môn. Như bạn biết, Quảng trường Thiên An Môn hầu như là một vị trí chính trị thiêng liêng và nơi duy nhất tại Bắc Kinh hầu như đông cứng trước thời gian trong ba thập niên qua. Thực tế việc họ đặt nó ở đây cho thấy rằng chính quyền đang tiến gần hơn nữa đến việc chính thức đón nhận Khổng giáo."
Đấy là những gì Daniel Bell, tác giả của cuốn Thuyết Khổng Giáo Mới của Trung Quốc: Chính trị và Đời sống Thường nhật trong một Xã hội Đổi thay, đã nói với tôi khi tôi hỏi ông về sự hồi phục của tư tưởng Khổng giáo ở Trung Quốc đương đại. Bell, người đang sống tại bắc Kinh và dạy môn triết tại trường Đại học Thanh Hoa, đã giải thích rằng đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về mối quan tâm mạnh mẽ đối với Khổng giáo tại Trung Quốc trong hai thập niên qua. Theo Bell, đúng là trong mười năm qua việc này đã thật sự tăng trưởng nhiều.
Thật thú vị khi tôi thấy một nhân vật mà trong hầu hết thế kỷ qua từng bị giới trí thức và Đảng Cộng sản đả kích giờ đây lại được đón nhận rộng rãi trong nước.
Vậy Khổng giáo đang được khuyến khích và lan toả tại Trung Quốc bằng cách nào nữa? Theo Bell, điều này đang xảy ra trên nhiều phương diện trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống giáo dục quốc gia. Ông lưu ý rằng ví dụ như những điển tích của Khổng giáo đang được dạy nhiều hơn trong các lớp học trên cả nước. "Ước tính có ít nhất là 10 triệu học sinh đang học các điển tích Khổng giáo một cách nghiêm túc," ông giải thích.
Những cộng đồng Khổng giáo "thử nghiệm"
Trong khi đó, cũng đã có những thử nghiệm, ví dụ như cộng đồng "thử nghiệm" tại tỉnh An Huy, nơi các công dân về cơ bản được khuyến khích sống theo các nguyên tắc Khổng giáo, (đặc biệt nhấn mạnh về tính hiếu thảo và tầm quan trọng của giáo dục, vân vân). Bell tin rằng nếu những thử nghiệm này sẽ thành công, chúng có thể được dùng làm khuôn mẫu cho các cộng đồng Khổng giáo khác trên khắp Trung Quốc. "Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn và hiện có nhiều thử nghiệm đang được tiến hành và nếu chúng thành công tại một tầng lớp, chúng có thể được nhân lên ở các tầng lớp khác trên toàn quốc."
Sự hồi sinh này cũng đang được thúc đẩy bởi các cá nhân, Bell nói, đưa ra ví dụ về một cựu sĩ quan công an Trung Quốc tại Bắc Kinh, người từng bắt đầu đọc các điển tích Khổng giáo - và giờ đây đã trở thành một nhà giáo toàn thời gian chuyên phổ biến Khổng giáo trong hệ thống giáo dục.
Việc này cũng đang xảy ra tại các thành phần khác nhau trong chính quyền, ông nói, "đặc biệt là tại những nơi như Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử, nơi người dân tự hào về di sản Khổng Giáo của họ." Và, Bell bổ xung, nó còn được đưa vào hệ thống giáo dục xã hội Trung Quốc. "Tôi đã tham dự những hội nghị về giáo dục xã hội nơi họ thường dùng những giá trị Khổng Giáo... mà không thực sự gọi tên thật của nó."
Lý do phía sau của việc hồi sinh này là gì? Theo Bell, có rất nhiều nguyên nhân.
Tốt hơn Phật giáo
Về mức độ chính trị - vốn rõ ràng nhất - Bell giải thích rằng trong khi Trung Quốc vẫn được xem là một quốc gia cộng sản hoặc Marxist, "chẳng còn ai ngoại trừ những cụ già cách mạng còn tiếp tục tin vào chủ nghĩa Marx." Điều này đã dẫn đến một hiện tượng "khủng hoảng về tư tưởng chính danh" vốn làm nổi bật câu hỏi: "Chủ nghĩa Marx sẽ là gì, nếu không bị thay thế, thì ít nhất cũng được hỗ trở bởi cái gì?"
Đối với một số người, dân chủ cấp tiến Tây phương dường như là câu trả lời "có thể" cho tình cảnh hiện tại, nhưng theo Bell, vì mức độ tự hào về văn hoá ở Trung Quốc, người ta thường từ chối một khuôn mẫu chính trị kiểu phương Tây, "không chỉ chính quyền mà còn cả những nhà cải cách xã hội, các nhà chỉ trích và sinh viên trẻ đều đang tìm kiếm thêm nhiều những giá trị truyền thống riêng của Trung Quốc" - ví dụ như Khổng giáo. Bell nói thêm rằng rất quan trọng để nhớ rằng những thế hệ mới này không chỉ đơn giản "mù quáng đi theo" những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn rút tỉa từ những truyền thống này để tìm cách giải quyết những khó khăn chính trị hiện tại ở Trung Quốc.
Trong khi đó, trong thành phần xã hội, Khổng giáo cũng được đón nhận để đề cập đến sự suy yếu về trách nhiệm xã hội mà chủ nghĩa tư bản đem lại, Bell cho biết. Ông nói rằng tư tưởng Khổng giáo, về khía cạnh này, có thể đưa ra nhiều khả năng về giải pháp xã hội so với Phật giáo và Thiên Chúa giáo, vốn thường chú trọng nhiều về việc phát triển đời sống tinh thần cá nhân hơn là xã hội.
"Khổng giáo còn hơn là một cuộc sống tốt đẹp trong quan hệ xã hội, và với đức tính của một thành viên trong những quan hệ xã hội khác nhau, điều này đưa đến những trách nhiệm xã hội nhất định," ông giải thích. "Và vì thế Khổng giáo là một nguồn lực đương nhiên để nghĩ đến việc phát huy trách nhiệm xã hội trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân - vốn thịnh hành trong đa phần các xã hội tư bản hiện nay." Vì thế, tư tưởng Khổng giáo đơn giản có hiệu quả tốt trong sự tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc.
Cuối cùng, về mức độ tư tưởng, sự đi lên về vị thế trên thế giới của Trung Quốc đang làm nảy ra việc nhìn lại những giá trị truyền thống cũ. "Giờ đây kinh tế Trung Quốc đang tương đối tốt đẹp so với nhiều quốc gia khác, người ta nói rằng 'hượm đã, có thể là truyền thống của chúng ta đã đóng góp vào việc này.'" Và đấy là lúc Khổng giáo bước vào khung cảnh, và nó có thể được liên hệ đến niềm tự hào văn hoá.
Với việc sống lại của Khổng giáo ở Trung Quốc, liệu các Viện Khổng học thực sự bắt đầu đón nhận và quảng bá những giá trị Khổng giáo trên toàn thế giới? Tiếp theo, tôi sẽ tìm hiểu điều này có thể xảy ra như thế nào, và nếu đúng như thế, tại sao nó lại là một điều tốt.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét