Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Hòn đảo Hy Lạp, nơi tử thần quên viếng



Muốn sống lâu? Đây là bí quyết: ăn thứ tinh khiết, ngủ trễ, quên cái riêng tư và biết tri túc và tri nhàn lạc.
Bài sau đây lược dịch từ The Greek island that death forgot được đăng trên tờ The New York Times Magazine, số cuối tháng 10, 2012.
Vào năm 1943, một cựu chiến binh Hy Lạp tên là Stamatis Moraitis tới Mỹ để điều trị vết thương trên cánh tay. Ông ta đã sống sót sau khi trúng đạn, chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, lên được tàu Queen Elizabeth, lúc đó dùng làm tàu vận tải quân sự, vượt Đại Tây Dương. Ông Moraitis này khi tới được miền đất hứa thì tạm trú tại Port Jefferson (New York) nơi có đông đồng bào từ quê hương Ikaria tới lập nghiệp. Tại đây ông ta kiếm được một việc lao động tay chân, rồi mới dời tới Boynton Beach, (Florida). Cũng trong những ngày tha hương ông đã lập gia đình với một phụ nữ Mỹ gốc Hy Lạp, sinh ba người con, mua được một căn nhà ba phòng và chiếc Chevrolet đời 1951.
Một ngày trong năm 1976, ông Moraitis cảm thấy khó thở, leo lên cầu thang cũng khó khăn nên buổi trưa phải ngừng làm việc. Sau khi chiếu điện, bác sĩ kết luận Moraitis bị ung thư phổi. Giờ đây ông nhớ lại, ông đã tới 9 bác sĩ thì ai nấy đều bảo ông bị chứng phổi nan y và rằng ông chỉ còn sống 9 tháng nữa là cùng, dù tuổi đời của ông lúc đó mới chừng nửa lục tuần.

Ban đầu Moraitis định lưu lại Mỹ để ráo riết trị bệnh, lại được ở gần gũi con cái đã trưởng thành và người bạn đời yêu quý. Nhưng cuối cùng ông quyết định trở về Ikaria để khi chết có thể được vùi thân nơi đất mẹ gần gũi tổ tiên. Thế là Moraitis và vợ là Elpiniki, quay về ngôi nhà cũ, nơi cha mẹ già của ông đang cư ngụ ở Evdilos, phía bắc của đảo Ikaria. Ngôi nhà không rộng, tọa lạc trên sườn đồi thoai thoải chung quanh là nho và olive (ô liu) mát mẻ. Những ngày đầu về quê hương, Moraitis tối ngày nằm trên giường buồn bã để mặc vợ và mẹ già săn sóc. Chỉ vào sáng chủ nhật, ông mới gượng lên đồi tới một nhà nguyện thuộc Chính Thống giáo Hy Lạp, nơi ông nội của ông từng làm một giáo sĩ. Khi bạn bè thời thơ ấu phát giác Moraitis đã về quêâ, họ đã ân cần thăm hỏi ông. Cả bọn trò chuyện chuyện cũ, chuyện mới hàng giờ với vài chai rượu nho, sản phẩm của quê hương. Moraitis kể lại lúc đó ông cảm thấy nếu có phải chết nay mai thì cũng mãn nguyện.
Trong những tháng kế đó, một diễn biến lạ lùng xảy ra. Moraitis cảm thấy khỏe khoắn hơn. Một hôm cảm thấy sức lực dồi dào, ông bắt tay vào việc trồng trọt loanh quanh trong vườn nhà. Lúc đó ông không hy vọng gì tới mùa gặt hái sẽ được nếm vị cây trái mình trồng nhưng cảm thấy khoan khoái dưới ánh mặt trời và hít thở gió biển trong lành.
Cứ thế sáu tháng trôi qua, Moraitis vẫn chưa chết như bác sĩ ở Mỹ dự đoán. Không những thế mà còn được hưởng vị ngon ngọt do cây trái ông đã vun trồng. Phấn khởi, Moraitis bắt tay vào việc dọn dẹp vườn nho của gia đình và không biết từ lúc nào ông quen với việc thức dậy, khi ngủ đã trọn giấc, rồi ra vườn làm việc cho tới trưa, chuẩn bị bữa trưa cho mình. Ăn xong vào trong nhà, rồi ngủ một giấc dài.
Chiều xuống, ông thường dạo bước tới một quán đầu làng chơi domino với bè bạn cho tới nửa đêm.
Năm tháng trôi qua, sức khỏe của ông tăng tiến. Ông cho xây thêm phòng trong ngôi nhà cũ để đón con cái có dịp ở Mỹ về chơi. Ông mở rộng vườn nho cho tới lúc nó có thể sản xuất khoảng 1500 lít hay 400 gallons rượu nho. Giờ đây Moraitis đã 97 tuổi (theo như trên giấy tờ) nhưng ông cho rằng mình thực sự đã 102 tuổi và chứng ung thư phổi đã biến mất tự lúc nào không biết, dù ông tiết lộ chưa hề trị liệu bằng hóa trị, uốâng thuốc hay bằng cách nào khác. Tất cả những gì ông làm chỉ là dọn về Ikaria. Ai trả lời cho ông tại sao? Vì có dịp trở về Mỹ 25 năm sau ông tìm tới các bác sĩ đã trị liệu cho ông thì tất cả đã chết trước ông!
Dan Buettner, một ký giả của tờ The New York Times Magazine, kể lại đã gặp Moraitis ở Ikaria vào tháng bảy vừa qua, khi tới khảo sát về tình trạng sống thọ trên đảo “trường sinh” Ikaria. Trong một thập niên, được sự hỗ trợ của hiệp hội “National Geographic Society”, ký giả cho biết đã mở cuộc khảo sát về những nơi cư dân sống trường thọ. Dự án này được mở rộng nhờ những người cộng tác như Ts. Gianni Pes của Đại học Sassari ở Ý và Ts. Michel Poulain chuyên viên nhân số học người Bỉ. Vào năm 2000, các vị này đã tìm ra một địa điểm đáng chú ý là tỉnh Nuoro trên đảo Sardinia là nơi nổi tiếng thế giới về nhiều vị nam giới sống tới trăm tuổi. Họ tập trung chú ý tới một số làng, được khoanh đường xanh trên bản đồ, gọi nơi này là “vùng xanh” (blue zone). Từ 2002, các nhà nghiên cứu tìm ra thêm ba nơi nữa trên thế giới mà dân cư sống ở một mức tương đối thọ hơn nơi khác: Okinawa, (Nhật), Nicoya (Costa Rica) và Loma Linda (California).
Vào năm 2003, ký giả cho biết, bắt đầu tham khảo ý kiến công ty để xem liệu có thể mang những gì họ tìm được áp dụng vào các cộng đồng ở Mỹ hay không: “Chúng tôi cũng tiếp tục tìm kiếm các tụ điểm của các vị trường thọ, và vào năm 2008, theo chỉ dẫn của một nhà nghiên cứu Hy Lạp, chúng tôi bắt đầu điều tra về hiện tượng này ở Ikaria”.
Kế hoạch của Ts. Poulain là chú tâm tới các vị cao niên sinh trong khoảng thời gian từ 1900 tới 1920 và xác định xem họ chết lúc nào và ở đâu. Con số thu lượm được phải chính xác. Nhưng gặp khó khăn vì những người cao tuổi ở những nơi như Vilcabamba Valley ở Ecuador và ở vùng núi “Caucasus Montains” ở Georgia không biết rõ tuổi mình. Đối với cư dân trong làng quê, nhiều người ra đời không có giấy khai sinh nên dễ dàng lãng quên tuổi đời. Một năm nào đó họ bảo đã tám mươi, nhưng vài tháng sau có thể khai đã 82, rồi chẳng mấy chốc họ vỗ ngực bảo rằng đã bách tuế. Khi một nơi được cho là có nhiều vị trường thọ thì sẽ trở thành tụ điểm thu hút du khách và ai cấm người dân khai tuổi theo ý mình. Chẳng hạn những câu chuyện như về Moraitis hồi phục một cách kỳ diệu khỏi chứng ung thư cũng trở thành một câu chuyện được thêm mắm thêm muối trong vùng. Các nhà nghiên cứu biết được trở ngại này nên sàng lọc kỹ lưỡng tuổi tác các vị cao niên bằng nhiều cách như tham khảo lý lịch của họ trong sổ trưng binh, tài liệu rửa tội khi họ ra đời. Sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng, Ts. Poulain và đồng nghiệp của ông ta tại Đại học Athens kết luận cư dân ở Ikaria thực tế đạt tới tuổi 90 ở mức gấp hai lần rưỡi tỷ số người Mỹ đạt được con số này. Hơn thế nữa, họ lại sống dai hơn, từ 8 tới 10 năm, trước khi bị suy sụp vì bệnh ung thư hay bệnh tim mạch, và họ cũng ít bị trầm cảm và số bị chứng si khờ người già cũng chỉ ở mức một phần tư so với người Mỹ cao niên. Trong thực tế ở Mỹ, các vị cao niên từ 85 tuổi trở lên có tới một nửa có dấu hiệu Alzheimer. Ở Ikaria, phần lớn các vị cao niên cho tới phút cuối cùng của cuộc đời vẫn sáng suốt.
Ikaria là hòn đảo có diện tích 256 km2, hay 99 dặm vuông, và là quê hương của khoảng 10.000 cư dân quốc tịch Hy Lạp, nằm cách duyên hải phía tây Thổ Nhĩ Kỳ chừng 48 km hay 30 dặm. Nó nổi danh là địa điểm hồi phục kiện khang hàng mấy trăm năm qua, và dân Hy Lạp thường đổ tới ngâm mình trong suối nước nóng gần Therma.
Để tìm hiểu thêm danh tiếng nơi trường thọ Ikaria, ký giả có tới thăm Bs. Ilias Leriadis, vào năm 2009 là một trong vài vị bác sĩ ở Ikaria. Trò chuyện với ông ta, bên cạnh bình rượu nho, với ô-liu Kalamata, bánh mì Ikaria và nước chấâm “humus” (làm bằng đậu, olive, tỏi, ớt...) vị bác sĩ này tiết lộ bí quyết sống của cư dân quanh ông: “Ở đây người ta thức khuya. Chúng tôi dậy trễ và trong ngày thường đánh một giấc trưa. Tới 11 giờ sáng tôi mới mở cửa phòng mạch vì trước đó chẳng có ma nào tới”. Nhấp một ngụm rượu bác sĩ Leriadis nói tiếp: “Ông có thấy ở đây không ai mang đồng hồ không? Khi ta mời ai tới dùng bữa thì họ có thể tới vào lúc 10 giờ sáng hay 6 giờ chiều. Ở đây chúng tôi không cần đồng hồ”.
Rồi ông lấy ngón tay chỉ qua eo biển Aegean hướng tới đảo Samos và nói: “Chỉ cách đây 15 km mà thôi là một thế giới khác. Ở đó là nơi phát triển, với nhà cao tầng, nơi nghỉ ngơi và có những căn hộ giá hàng triệu Euro. Ở Samos, người ta chú ý tới tiền. Còn ở đây thì không. Trong những ngày nghỉ tôn giáo hay văn hóa, dân cư dồn tiền mua thực phẩm và rượu. Nếu dư tiền thì cho người nghèo. Đây không phải là nơi của riêng ai mà của mọi người”.
Nhóm Poulain đã nghiên cứu 164 cư dân ở đây vào năm 1999 tới tuổi 90 trở lên thì thấy 75 phần trăm còn sống. Rồi cùng một nhóm khác họ đã phỏng vấn một số vị cao niên trên đảo để xác định tình trạng sức khỏe tinh thần và thể xác và bí quyết sống của họ. Kết quả tìm được thói quen dùng thực phẩm của các vị trường thọ là: giàu chất dầu olive và rau, ít chất sữa (trừ sữa dê) và thịt, cũng uống ít rượu nho. Đặc biệt thực đơn của dân Ikaria gồm nhiều rau cỏ trồng trong vườn như cải bắp, khoai tây, đậu và các loại rau xanh sữa dê và mật.
Các nhà nghiên cứu bí quyết trường thọ ở Ikaria cho rằng chế độ ăn uống của người dân ở đây là một lý do khiến họ an khang lâu dài. Trước hết nhờ hấp thụ ít các loại thực phẩm có “chất béo bão hòa” ở thịt và sữa đã giúp mức bệnh tim mạch giảm. Sau đó là dầu olive, nhất là thứ không đun nóng, có khả năng giảm loại cholesterol xấu và tăng loại cholesterol tốt. Còn sữa dê có chất tryptophan tăng cường chất serotonin và dễ tiêu hóa cho người già. Một số loại rau xanh đi kèm với chế độ ăn uống của vùng Địa Trung Hải chứng tỏ hữu hiệu trong việc giúp cơ thể hấp thu chất antioxidant (chống ung bướu). Cà phê các vị cao niên uống hằng ngày với liều lượng vừa phải, ngày nay được biết có tác dụng giảm mức bệnh tiểâu đường, bệnh tim và đối với một số người mắc bệnh Parkinson. Còn một yếu tố khác giúp những người trên đảo thần tiên này sống lâu là nhờ tiêu thụ cây nhà lá vườn không bị nhiễm hóa chất và các loại thuốc trừ sâu, nên được hưởng chất dinh dưỡng cao từ rau quả. Một chuyên viên y tế cho rằng nhờ chế độ ăn uống như thế người dân Ikaria trung bình thọ thêm bốn năm so với dân Mỹ.
Hơn nữa cách sinh hoạt của người hải đảo này cũng năng động hơn hẳn nơi khác. Tại những quán như ở phía tây Ikaria về đêm sinh hoạt nhộn nhịp trong tiếng nhạc và điệu nhảy. Phụ nữ trong vùng tụ tập trong phòng ăn, ngồi uống trà ban ngày, vào lúc nửa đêm dọn dẹp bàn ghế và phòng ăn trở thành sàn nhảy, người ta tay nắm tay giao hòa trong điệu nhạc dân tộc.
Một phụ nữ trong vùng tiết lộ sống vui vẻ trẻ trung với ký giả: “Ở đây mọi người an vui vì chúng tôi tri túc. Chúng tôi có thể không có tiền để mua sắm các thứ xa hoa nhưng chúng tôi có đủ để mua thực phẩm để trên bàn trong bữa ăn và có nguồn vui gia đình ấm cúng và bạn bè thân ái. Chúng tôi không cần vội vàng để làm xong việc ban ngày, vì chúng tôi có thể làm ban đêm. Ngày tàn, chúng tôi không quay về nhà ngồi trên sofa mà tìm bạn bè chung vui”.
Mặc dù ở Ikaria mức thất nghiệp khá cao nhưng lối sống tự túc và tri túc nhờ trồng trọt và chăn nuôi cũng đủ để người dân hưởng hạnh phúc và sống an nhiên tự tại, lấy chữ nhàn, chữ lạc làm quý.
Đặc biệt Ikaria là môi trường biển đảo trong lành, núi đồi ngoạn mục và dân tình hòa hài, tập tục thuần lương. Một người dân tự hào rằng trong ngôn ngữ Hy Lạp không có chữ chỉ riêng tư (privacy) và “khi mọi người biết rõ việc người khác, thì ai nấy đều cảm thấy có mối liên hệ mật thiết và an toàn”.
Với hoàn cảnh không cạnh tranh, không cám dỗ, chế độ thực phẩm tinh khiết và thói quen đẹp của cư dân, thảo nào Ikeria nổi tiếng là nơi tử thần ít lui tới.
Chu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét