Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Trần Vàng Sao, ngôi sao vàng cô độc


Chương trình VHNT kỳ này, chúng tôi xin được giới thiệu nhà thơ tài năngTrần Vàng Sao nhưng bị vùi dập vì không nói theo tiếng nói chung của đảng.
Photo courtesy of Văn Nghệ Quảng Trị -Nhà thơ Trần Vàng Sao
Mặc Lâm, biên tập viên RFA 
Vào tháng 4 năm 2005, hai tập nhật ký của Đặng Thùy Trâm, một bác sĩ của quân đội miền Bắc chết trong chiến tranh được một sĩ quan quân báo Hoa Kỳ là Frederic Whitehurst mang trả lại cho gia đình của bà đã làm cho diễn đàn văn học Việt Nam nóng lên vì nội dung cảm động trong hai tập nhật ký được xem là cẩm nang cho những người tuổi trẻ mang lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội trong ba lô của mình khi chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam. Cuốn sách ngay sau đó được dịch nhiều thứ tiếng và phát hành tại Pháp kể cả trong các nước cộng sản anh em.


“Tôi bị bắt”

Cũng trong năm 2005, một cuốn hồi ký khác được nhà nghiên cứu lý luận Lữ Phương tung ra trong dư luận trong và ngoài nước. Đó là hồi ký mang tên “Tôi bị bắt” của nhà thơ Trần Vàng Sao. Cuốn hồi ký mỏng 134 trang đánh máy được gửi từ Huế vào Sài Gòn cho Lữ Phương được ông giới thiệu trong lời nói đầu như sau:
“Cuốn hồi ký này kể lại cái tai họa đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây, sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” đó, bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này, anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”.
Bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này, anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”.
Ô. Lữ Phương
Trong rừng, tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo, nhưng chưa thấy có trường hợp nào sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ, trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao.”
Theo ông Lữ Phương sự tâng bốc thái quá Đặng Thùy Trâm và sự độc ác trong cách đối xử với Trần Vàng Sao đã làm cho ông quyết tâm phổ biến nhật ký của Trần Vàng Sao làm đối trọng với những gì mà nhà nước vận động, tuyên truyền. Khi được hỏi điều gì trong nhật ký của Trần Vàng Sao gây ấn tượng cho ông nhất, tác giả Lữ Phương cho biết:
“Rõ ràng đây là sự thất vọng trầm trọng của một người trí thức ở miền Nam khi họ bỏ lên rừng. Nguyên nhân chánh khiến họ “lên núi” là có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Chính điều này làm cho hầu hết anh em tham gia với cộng sản, mặt trận thôi thúc bởi cái chuyện hiện diện của người Mỹ đem bom đạn tàn phá đất nước nên thường thường anh em chịu không nỗi phải đứng ra chiến đấu chống lại. Cuối cùng thì ma đưa lối quỷ đưa đường cuối cùng cũng theo cộng sản, mặt trận. Họ theo và tin tưởng mơ hồ vào nếu thay đổi thì cũng đỡ khổ hơn ít nhất là nó không có bom đạn.
Thế nhưng anh Trần Vàng Sao khi ra miển Bắc - lúc ấy tôi cũng đang ở miền Bắc - thì anh ấy thấy Xã hội chủ nghĩa miền Bắc hoàn toàn thất vọng. Đó là một xã hội nghèo khổ và rất ác liệt, nhất là sự nghi ngờ… Anh Vàng Sao khi ra đó, ảnh viết hồi ký và nó không phải phát biểu công khai mà là nỗi niềm riêng nhưng nó bị chỉ vẽ và đem ra đấu tố. Cái chủ đề của anh ấy trong cuốn nhật ký là thất vọng, một sự thất vọng tuyệt đối đối với Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc, nó đối nghịch hoàn toàn với Đặng Thùy Trâm, đó là lý do tôi muốn đưa ra để bà con có dịp so sánh đối trọng.”


Nhà thơ Trần Vàng Sao


tran-vang-sao-250.jpg
Nhà thơ Trần Vàng Sao. Ảnh: Phanxipăng/tienve.org.

Nhà Thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính sinh năm 1941 tại Thừa Thiên. Từ năm 1965 tới năm 1970 ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành Ủy Huế. Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng và trong thời gian này do quan sát cuộc sống và sinh hoạt chính trị tại Hà Nội khiến ông viết nhật ký miêu tả lại những suy nghĩ thất vọng của mình về điều mà ông được tuyên truyền trước đây. Chính tập nhật ký này khiến ông bị bắt và kéo dài nhiều năm khốn khó trong lòng chế độ.
Trần Vàng Sao nói với chúng tôi về tác phẩm một cách ngắn ngủi vì ông không còn nhớ nhiều chi tiết và quan trọng hơn, ông không thích nhắc lại những ngày đau buồn ấy:
“Bây giờ tui cũng không nhớ nữa, nhưng bản thảo tôi còn giữ ở đây. Giải phóng xong chỉ năm sau là tôi viết liền, khoảng năm 76 hay 77 gì đó kẻo quên. Nguyên nhân như thế này: Có thằng đồng chí với mình, hắn ở chung với mình nhưng hắn lục nhật ký với thơ của mình hắn xem rồi hắn đem trình với cấp trên. Rồi họ vô… thôi nói tắt như vầy: họ lục vali của tôi họ lấy tất cả. Tôi bị bắt sau đó viết ra mọi chuyện, rồi anh em họ lấy họ đi photo copy vì lúc ấy không có vi tính gì như bây giờ.
Họ đưa cho bạn bè và cuối cùng thì lọt vào Sài Gòn. Thỉnh thoảng có mấy người ở đâu đó họ nói, ui chao, có viết hồi ký không? Tôi nói dạ, viết chớ sao lại không? Viết vì mình biết chữ biết nghĩa nên phải viết. Cuốn nhật ký thì khi ở trên rừng năm nào cũng viết hết. Tôi ở trên rừng như vậy là 6 năm. Nó bắt 4 năm, trên rừng 6 năm, toàn bộ là 10 năm. Cho tới năm 1975 tôi mới về Huế.”
Cũng trong năm 2005, một bài thơ của Trần Vàng Sao được chọn đứng chung với 100 bài thơ hay nhất của Thế kỷ 20 đó là bài “Bài thơ của một người yêu nước mình”.
Nói về bài thơ này Trần Vàng Sao cho biết:
“Bài đó làm trong rừng, năm đó tôi bị thương nằm dưới hầm trong trạm xá và viết. Mấy đứa nhỏ bây giờ có đứa nào theo Việt cộng sớm như tôi đâu. Không có chi hối hận cả. Câu hỏi này anh em hay hỏi là có hối hận khi theo Việt cộng không? Không! Không có gì hối hận cả, có chi phải hối hận?”


Bài thơ của một người yêu nước mình

Buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông mía trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
năm nay ngoài năm mươi tuổi
chồng chết đã mười mấy năm
thủa tôi mới đọc được i tờ
mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
nước sông gạo chợ
nhà hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
sống qua ngày nên phải nghiến răng
cũng không vui nên mẹ ít khi cười
những buổi trưa buổi tối
ngồi một mình hay khóc
vẫn thở dài mà không nói ra
thương con không cha
hẩm hiu côi cút
tôi yêu đất nước này xót xa
mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở goá nuôi tôi
những đứa nhà giàu hàng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
thắp ba cây hương
với mấy bông hải đường
mẹ tôi khóc thút thít
cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
con nó còn nhỏ dại
trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
tôi yêu đất nước này cay đắng
những đêm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp
giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau, hột muối
vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời
tôi yêu đất nước này khôn nguôi
tôi yêu mẹ tôi áo rách
chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu
Tôi bước đi
mưa mỗi lúc một to
sao hôm nay lòng thấy chật
như buổi sáng mùa đông chưa có mặt trời mọc
con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
chim đậu trên cành chim không hót
khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
tôi yêu đất nước này những buổi mai
không ai cười không tiếng hát trẻ con
đá đất cỏ cây ơi
mười ba năm có héo mòn
đá đất cỏ cây ơi
lòng vẫn thương mẹ, nhớ cha
ăn quán nằm cầu
hai hàng nước mắt chảy ra
mỗi đêm cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi
ngày mai mua may bán đắt
tôi yêu đất nước này áo rách
căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
tôi yêu đất nước này như thế
như yêu cây cỏ trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
yêu một giọng hát hay
có bài mái đẩy thơm hoa dại
có sáu câu vọng cổ chứa chan
có ba ông táo thờ trong bếp
và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
thủa tóc kẹp tuổi ngoan học trò
áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
trong bước chân chim sẻ
ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
hay nói chuyện huyên thuyên
chuyện trên trời dưới đất rất lạ
chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn
sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
ngó cây cam cây cải
thương mẹ già như chuối ba hương
em chưa buồn
vì chưa rách áo
tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
áo đứt nút qua cầu gió bay
tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
ăn rau rìu, rau éo, rau trai
nuôi lớn người từ ngày mở đất
bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng
Tôi đi hết một ngày
gặp toàn người lạ
chưa ai biết chưa ai quen
không biết tuổi không biết tên
cùng sống chung trên trái đất
cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
cùng có chung tên gọi Việt Nam
mang vết thương chảy máu ngoài tim
cùng nhức nhối với người chết oan ức
đấm ngực giận hờn tức tối
cùng anh em cất cao tiếng nói
bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
bữa ăn nào cũng phải được no
mùa lạnh phải có áo ấm
được ca hát, nói cười, yêu đương không ai cấm
được thờ cúng những người mình tôn kính
hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định
Tôi trở về căn nhà nhỏ
đèn thắp ngọn lù mù
gió thổi trong lá cây xào xạc
vườn đêm thơm mát
bát canh rau dền có ớt chìa vôi
bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử
đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật
tôi yêu đất nước này chân thật
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
cứ trông đất nước mình thống nhất

Giống như các nhà văn nhà thơ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, sau khi nhiều tiếng nói cất lên đòi hỏi trả lại công bằng cho, họ nhà nước đã lặng lẽ cho in lại những tác phẩm của nhiều người trong đó có Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt hay Hoàng Cầm; tuy nhiên những nạn nhân này không hề được một lời xin lỗi cho những năm tháng tù đày oan ức của họ dù công khai hay ở chốn riêng tư.
Trần Vàng Sao cũng vậy, một bài thơ được công nhận có thể đối với nhiều người là quá đủ nhưng đối với một nhà thơ họ cần nhiều điều hơn thế.
Trong kỳ tới chúng tôi sẽ giới thiệu thêm những bài thơ khác của Trần Vàng Sao để thính giả hiểu rõ hơn nhân cách và sự sáng tạo của một 
nhà thơ tài năng nhưng bị vùi dập vì không nói theo tiếng nói chung của đảng



Thiên nhiên sống động từ đôi tay của: William Zimmerman


Dưới nét cọ tài hoa của phù thủy William Zimmerman, những bức tranh sơn dầu như được chuyển hóa thành một ô cửa nhìn ra thiên nhiên rất sống động.

Muôn loài chim chóc cứ như đang nhảy múa cất tiếng hót thánh thót giữa đại ngàn. Những gam màu tươi tắn và hiện thực miên man cuốn hút người xem cảm giác được trải lòng với thiên nhiên hoang dã.

















































































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét