Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Vẫn chưa chịu chết…


Alan Phan
Những gì không thể đứng thẳng, những gì đang bị đe dọa, những gì đang rung chuyển theo từng cơn gió…rồi sẽ gẫy đổ theo thời gian. Nhưng bình minh sẽ theo sau bóng tối. Sự tái sinh không thể xẩy đến trước cái chết…” - Robert M. Price
Nếu trong 6 tháng tới, giá BDS xuống thêm 25 đến 30% thì chúng ta có thể coi như là bong bóng đã vỡ. Hệ quả là sự tiếp tục xuyên đáy thêm khoảng 30% kéo dài ít nhất là 2 năm. Dĩ nhiên tôi chỉ muốn nói đến phân khúc chung cư trung bình và cao cấp tại Hà Nội và HCM. Các loại BDS khác như biệt thự, đất nền, nhà phố, căn hộ rẻ, vùng ven đô, thương mại, văn phòng …sẽ bị ảnh hưởng lây, nhưng cường độ và thời điểm có thể thay đổi ít nhiều.
Và khi nói đến bong bong vỡ…nhiều người hình dung ngay đến những hoang tàn thường thấy sau những trận ném bom thời chiến… Thực tại không bi kịch như vậy đâu. Thậm chí, phần lớn người dân có thể không quan tâm và ăn nhậu bình thường theo đúng phong cách “makeno” của xã hội.

Tại sao bong bóng phải vỡ mà không xì hơi?

Bởi vì muốn tiếp tục bơm, chúng ta cần hơi. Những thành phần muốn giữ cho bong bóng căng tròn như chánh phủ, ngân hàng, công ty BDS, nhà đầu cơ thứ cấp…đều đã hết hơi. Việc in tiền xả láng để bơm hơi cũng không còn khả thi vì hậu quả của lạm phát. Không quan chức nào dám để dân phải mang bao bố tiền đi mua 1 ổ bánh mì. Tất cả lực đỡ của BDS bây giờ chỉ còn một giải pháp là 50 tỷ USD vàng và ngoại tệ trong dân sẽ được đem ra quăng vào BDS, cách này hay cách khác. Dù các quan chức hồ hởi chuyện huy động được 60 tấn vàng trong dân mấy tháng vừa qua, tôi cá rằng chánh phủ hay các công ty BDS sẽ không moi móc thêm một đồng nào. Dân trí có thấp đến đâu, đồng tiền vẫn sẽ liền với khúc ruột, kể cả ruột ngàn dặm.
Các thành phần nào trong dân sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất?
Khi bong bóng BDS vỡ, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng gấp 3 lần và có lẽ hơn 50% các ngân hàng tư nhân sẽ phá sản. Đây chỉ là một ước tính có nhiều xác suất sai lạc, vì hiện nay, các thống kê về tài chánh công tư của Việt Nam khá mù mờ và mâu thuẫn. Dân gởi tiền được bảo hiểm đến 50 triệu đồng, do đó phần lớn tài khoản sẽ an toàn. Số ngân hàng còn sống sót sẽ được sự hổ trợ đặc biệt của NHNN nên thanh khoản cũng sẽ khá cao. Vì 70% dư nợ của ngân hàng hiện nay là do các tập đoàn tổng công ty nhà nước vay, nên ảnh hưởng trực tiếp sẽ không gây xáo trộn gì trong vận hành kinh tế vĩ mô (vẫn trì trệ).
Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp sẽ đầy dẫy. GDP có thể quay về zero tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao gấp đôi, sức tiêu thụ của người tiêu dùng co cạn và lạm phát có thể tăng quá 2 con số (tùy theo mức độ in tiền).
Khi bong bong vỡ, thành phần giàu có (khoảng 5% dân số) sở hữu nhiều tài sản từ BDS, chứng khoán, vốn riêng của doanh nghiệp và các đầu tư khác sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Tuy vậy, một số nhỏ đại gia dùng đòn bẫy vay mượn cao ngất, có thể lợi dụng tình thế mà xù nợ hợp pháp.
Thành phần trung lưu, công tư chức và mua bán nhỏ (khoảng 20% dân số) cũng sẽ đối diện với thất nghiệp, sức tiêu thụ giảm và lạm phát cao, nhưng có thể thắt lưng buộc bụng và vượt bão an toàn.
Thành phần còn lại (75% dân số) sẽ khổ sở chịu đựng thêm một thời gian dài với mức sống khá cơ cực so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, họ không có nhiều tài sản để bị tổn hại hay mất mát. Gặp khó khăn ở các thành phố và khu công nghịệp, họ sẽ rút về quê cũ sống qua ngày, đợi chờ cơ hội khác.
Thành phần hưởng lợi trong 2013 là những người dân có tiền mặt, dễ dàng thu mua tài sản với giá cực rẻ. Những hiện tượng tích cực khác gồm việc bớt giao thông (ít kẹt xe thì ít bị ô nhiễm hơn), bớt ăn nhậu (ít bệnh và ít tệ nạn xã hội hơn), bớt tham nhũng (ít dự án và ít nhu cầu giấy tờ)…

Bài toán căn bản hiện nay

Theo thống kê mới nhất của NHNN, tổng dư nợ của tất cả ngân hàng thương mại (quốc doanh và tư nhân) là 2.89 triệu tỷ đồng (140 tỷ USD) vào cuối tháng 10. Nếu chi phí đồng tiền (cost of money) là 15% mỗi năm, lãi suất cho số nợ trên là 21 tỷ USD mỗi năm, không tính nợ gốc. Nếu 70% doanh nghiệp toàn quốc vay nợ và chỉ sản xuất ra 77 tỷ USD mỗi năm (dựa trên 70% của GDP năm 2011), thì mỗi USD kiếm được, họ phải chi ra 29 xu (hay 29% doanh thu) để trả lãi suất. Trừ việc mua bán ma túy hay buôn gái, không một ngành nghề kinh doanh nào có thể sinh lợi để giải quyết bài toán này. Không xóa bỏ hết để lập bàn cờ mới, nền kinh tế Việt Nam, bất kể định hướng nào, sẽ loay hoay với vấn nạn này trong cả chục năm tới.
Nhìn lại lịch sử kinh tế của nhân loại, chuyện bong bong tài sản căng nóng rồi vỡ tan là một hiện tượng khá binh thường, qua mọi thời đại với mọi sắc dân trong mọi định chế. Biện luận Viêt nam là một ngoại lệ, cần giải pháp đặc thù hay có một kết cục tốt đẹp không thuyết phục lắm. Ngay cả quyết tâm của các chánh quyền cố gắng ngăn cản sự đổ vỡ cũng thường xẩy ra, thường làm chậm tiến trình, nhưng sau cùng cũng vô hiệu. Ai cũng biết là ung nhọt phải vỡ để da thịt mau lành. Sau một trận lửa lớn, cây cối trong khu rừng thường xanh tốt hơn.
Chấp nhận định luật của thiên nhiên, trả giá cho những sai phạm trong quá khứ và tiếp tục hành trình của đổi mới và sáng tạo. Hãy dành thì giờ lên kế hoạch cho một tương lai mới theo những tiền đề và thay đổi của tình thế. Đừng loay hoay với những điều chỉnh nửa vời, qua những thỏa hiệp với nhiều phe nhóm lợi ích và lợi dụng.
Tệ nhất là lấy tiền của 95% nhân dân đi cứu trợ cho 5% dân giàu có.
Phải dứt khoát là “hãy để chúng chết đi”.
Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét