Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Triền Miên Ứng Chiến


Nguyễn đạt Thịnh
Ứng chiến là tình trạng một đơn vị quân đội sẵn sàng súng đạn để ứng phó với hành động tấn công của địch; ứng chiến cũng còn là tình trạng "một 'chăm' em ơi, chiều nay 'một chăm phần chăm',"  người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, và những người lính Mỹ, đồng minh với họ, ăn trong trại, ngủ trong trại,  mệt mỏi suốt từ tết Mậu Thân cho đến ngày mất nước.

Họ triền miên ứng chiến, mệt mỏi trong thế thụ động chờ địch tấn công, và điều đáng buồn là, đối với quân đội Hoa Kỳ, tình trạng thụ động chờ địch đó vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay, mặc dù chính khách Mỹ đã cuốn cờ bỏ chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam từ năm 1973 -40 năm trước.
Thế thụ động chờ địch của quân đội Hoa Kỳ trong những ngày chia khó, chia khổ với người lính Việt Nam dễ thấy hơn thế thụ động hiện nay, vì ngày đó, quân Mỹ bị đặt trong thế thụ động chiến thuật, ngờ ngờ trước mắt: anh lính Mỹ nằm bên trong căn cứ hỏa lực, anh lính Việt Nam Cộng Hòa lặn lội bên ngoài lùng đánh địch, hoặc đóng quân bên ven làng, bảo vệ nông dân. Mỗi khi đơn vị Việt Nam chạm địch, cố vấn Mỹ tháp tùng đơn vị Việt Nam, gọi hỏa lực Mỹ yểm trợ.
Thế triền miên ứng chiến đã có từ trước khi Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam; người lớn tiếng báo động tình trạng triền miên ứng chiến của quân đội Hoa Kỳ là thống tướng Dwight D. Eisenhower, một trong 2 vị danh tướng trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông nắm quyền tư lệnh quân đội Đồng Minh tại Âu Châu, đánh bại quân quốc xã Đức năm 1945, trong lúc Đức chiếm gần hết các quốc gia châu Âu và Liên Bang Sô Viết. Vị danh tướng thứ nhì là thống tướng Douglas McArthur, người đánh bại lực lượng quân phiệt Nhật, lúc đó cũng đang tung hoành đánh chiếm nhiều quốc gia Á Châu.
 
Thắng trận, tướng Eisenhower được người Mỹ bầu làm tổng thống; và trước ngày giã từ Bạch Cung sau 2 nhiệm kỳ,  ông cảnh cáo nhu cầu phải đem quân đội Hoa Kỳ ra khỏi thế triền miên ứng chiến. Ông trình bầy với quốc dân là sau Thế Chiến Thứ Nhì,  quân đội Mỹ vẫn trong thế ứng chiến chờ địch tấn công, trong lúc những quốc gia đồng minh với Mỹ -như Pháp, Anh, Trung Hoa đều đã cho binh sĩ giải ngũ, để tập trung nỗ lực vào việc tái thiết xứ sở của họ bị chiến tranh tàn phá; ngay cả hai quốc gia bại trận -Đức và Nhật- cũng cặm cụi tạo dựng lại sức mạnh kỹ nghệ, không còn bị chi phối bởi nhu cầu sản xuất súng đạn, chiến hạm, thiết giáp, oanh tạc cơ, khu trục cơ nữa.
Eisenhower nói Hoa Kỳ không thể thường xuyên động viên một phần tiềm năng quốc gia vào việc sản xuất vũ khí và duy trì một quân đội đông đảo để trên chân một kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng tấn công Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ.
Ngay sau Thế Chiến Thứ Nhì, kẻ thù đó là Cộng Sản; Hoa Kỳ đối đầu với Cộng Sản tại Trung Hoa, Việt Nam, Cuba, và nhiều quốc gia khác, những chiến trường mà Hoa Kỳ thua nhiều hơn thắng. Sau những giao tranh trực tiếp hay gián tiếp với Cộng Sản, Hoa Kỳ lâm chiến với những lực lượng khủng bố tại Iraq và A Phú Hãn. Họ cũng không thắng trên 2 chiến trường này. Và giờ này địch thủ của Hoa Kỳ là Trung Cộng.
Trong bài diễn văn giã từ quần chúng để bước ra khỏi cuộc sống công bộc quốc gia, Eisenhower cảnh báo là nỗ lực quân sự vẫn còn chiếm một tỉ lệ ngân sách khá lớn, và đó là tình trạng "triền miên ứng chiến" chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới phải gánh vác.
Trong ngân sách 2011, chi phí quốc phòng chỉ còn có 700 tỉ mỹ kim, 5% tổng sản lượng quốc gia -so với tỉ lệ 14% năm 1953, ngày Eisenhower bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất làm tổng thống Hoa Kỳ.
Eisenhower thấy con số chi phí quốc phòng trong thời bình đó, là quá đáng và vô lý. Ông nói, "đồng tiền bỏ ra để sản xuất mỗi khẩu súng, để hạ thủy mỗi chiến hạm, hoặc để bắn đi mỗi hỏa tiễn đều là những đồng tiền đánh cắp của những người không được ăn đủ no, không được mặc đủ ấm. Sở phí để đóng một oanh tạc cơ thừa đủ để xây trên 30 thành phố Hoa Kỳ, mỗi thành phố một ngôi trường tối tân; hoặc xây 2 nhà máy điện, mỗi nhà máy mang công xuất cung cấp điện lực cho 60,000 cư dân, hoặc xây cất và trang bị tối tân cho 2 bệnh viện, hoặc tân tạo thêm 50 miles đường xa lộ đúc bê tông. Hoa Kỳ trả cái giá của nửa triệu thùng lúa, để sản xuất một khu trục cơ, hoặc trả cái giá đủ xây cất 3,000 căn nhà cho 8,000 người có chỗ ở, để đóng một tuần dương hạm.
Ngày còn là một vị tướng 5 sao, Eisenhower, chống đối chiến lược thụ động và triền miên ứng chiến; ngày trở thành tổng thống, ông đòi hỏi một chính sách giúp Hoa Kỳ chủ động chiến lược, để  không phải tham dự cuộc thi đua võ trang với một cường quốc khác -ngày đó là Nga, và hiện nay là Trung Cộng.
Ưu tư của Eisenhower được giáo sư Aaron B. O’Connell -người giảng dạy sử học tại trường the United States Naval Academy- trường Cao Đẳng Hải Quân Hoa Kỳ- viết lại.
Cũng còn là một cựu sĩ quan TQLC Mỹ, O'Connell viết, "Những người thiếu uy tín quân sự không dám lên tiếng khuyến cáo cắt ngân khoảng quốc phòng, mà chỉ những quân nhân như thống tướng Eisenhower, hay đô đốc Mike Mullen, mới dám chỉ trích những tiêu pha lớn lao và không cần thiết trên địa hạt quốc phòng.
Eisenhower đề cập đến "the lingering sadness of war” (nỗi buồn đeo đẳng của chiến tranh); ông khiếp đảm về số nợ lên đến nhiều trillion mỹ kim mà Hoa Kỳ gánh vác để có tiền đem đốt  vào những cuộc chiến tranh chưa xẩy ra, và có thể tránh được.
Nhưng 60 năm sau Thế Chiến Thứ Nhì, "hội chứng chiến tranh" cũng vẫn còn nguyên đó khiến cả kẻ thua lẫn người thắng cuộc bầu cử 2012, cùng không dám đề cập đến việc giảm chi quốc phòng, trong lúc ngân sách quốc phòng 2012 là con số từ 1,030 tỉ đến 1,415 tỉ mỹ kim.
Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Cộng đều không dám đơn phương phá vỡ cuộc thi đua võ trang, nhưng với một quân lực vài chục lần mạnh hơn đối thủ, Hoa Kỳ có thể đề nghị và dễ dàng được Trung Cộng đồng ý giới hạn cuộc thi đua này, như Nga đã đồng ý với Hoa Kỳ, ngưng cuộc thi đua sản xuất vũ khí nguyên tử.
Hiệp ước không cho Trung Cộng sử dụng sức mạnh quân sự để bành trướng lãnh thổ, lãnh hải, có thể đạt được, nếu các thương thuyết gia quân sự Hoa Kỳ tận dụng viễn ảnh Hoa Kỳ có thể tiêu diệt mọi vũ khí tấn công của Trung Cộng, để tránh cuộc thi đua võ trang đang tạo thâm thủng cho ngân sách Hoa Kỳ.
Chấm dứt thi đua võ trang là việc Trung Cộng chấp nhận thế trên chân có thật của Hoa Kỳ hiện nay, và chấm dứt những tranh chấp giữa Trung Cộng với những lân quốc như Nhật, Nam Hàn, và các quốc gia Đông Nam Á.
Chấm dứt thi đua võ trang còn chấm dứt cả tình trạng triền miên ứng chiến, vô cùng tốn kém của Hoa Kỳ, tạo ra một dư thừa ngân sách, giúp giải quyết tình trạng nợ nần mà không cần cắt giảm quyền lợi của người nghèo -giải pháp của đảng Cộng Hòa- hoặc đánh thuế nặng người giầu -giải pháp của đảng Dân Chủ- để có tiền trả nợ.
Nếu trên chiến trường Việt Nam ngày trước, đại tướng Westmoreland đã không tìm ra được bí quyết chiến lược, chiến thuật giúp đem quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi thế  triền miên ứng chiến, thì hôm nay, trên chiến trường quốc tế hy vọng tổng tư lệnh Barack Obama -người chưa mặc quân phục một ngày  nào cả- có cái nhìn chính lược đủ rộng để thấy điểm yếu của Trung Cộng và điểm mạnh của Hoa Kỳ, ép Trung Cộng chấm dứt cuộc thi đua võ trang, hầu giải quyết chiến tranh mà không chờ chiến tranh xẩy ra.
Chỉ có sự ổn định quân sự đó mới giải quyết được tình trạng bị động, triền miên ứng chiến của quân đội Hoa Kỳ, và tránh được cuộc thi đua võ trang mà Nga đã thua vì đuối sức kinh tế. Ngày đó Nga gục ngã, và Hoa Kỳ thắng cuộc vì kinh tế Mỹ mạnh hơn kinh tế Nga.Thế mạnh vô địch trên địa hạt kinh tế đó, ngày nay Hoa Kỳ không còn nữa.

Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét