Hôm nay ngày toàn dân huyện tôi tập trung đi hội thảo sửa đổi hiến pháp. Cánh đàn bà thì vô cùng “hồ hởi” vì lâu lắm cái miệng mới có dịp tụ tập hợp pháp ngồi lê trên tầm “vĩ mô”. Cánh đàn ông thì lại có cơ hội họp mặt tán phét, nói chuyện trên trời dưới biển, cũng vĩ mô không kém, lại được nghỉ lao động nguyên ngày một cách hợp pháp mà không bị các mụ vợ càm ràm là lười biếng...
Mới mờ sáng, con đường dẫn đến hội trường huyện người ta đã xuôi về đông như hội, cờ xí đỏ lừ hai bên. Rác rến đã được dọn sạch từ đêm trước. Bọn ăn mày móc túi, đĩ điếm nghe động đã rút quân, lui về tạm an dưỡng và cố thủ đâu đó bên huyện bạn.
Dân chúng các nơi kéo về ai cũng nô nức xôn xao. Nhưng nhiều gia đình tuy được gọi là văn hóa ở đây thật tình chưa bao giờ được nghe cũng như biết hiến pháp là cái thứ gì.
Tập trung ở hội trường xong, theo hướng dẫn của cán bộ, nếu như bà con nào thấy được chương nào, điều số mấy mà ý còn thiếu thì bà con cứ góp ý bổ sung, còn điều gì lặp đi lặp lại nhiều lần thì cứ cho ý kiến gạch bớt. Còn như thấy nội dung bản hiến pháp còn thiếu cái gì thì cứ tự do góp ý để nhà nước ta thêm vào, ví dụ như nghĩa vụ thuế là chưa đủ chẳng hạn...
Mặc dù bị cán bộ theo kèm sát nhưng cả hội trường lúc nào cũng náo động, ồn ào còn hơn họp chợ. Bàn về hiến pháp thì không thấy có mấy ai bàn, nhưng chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện phòng the và cả chuyện bên lề mãi ngoài trung ương thì người ta ra rả bên tai nhau, ai không nghe cũng phải nghe. Vật giá leo thang, trộm cướp, tham nhũng, đĩ điếm, giựt dọc, giết người, đâm chém, ngoại tình, đánh ghen, thanh toán, đua xe... Ôi thôi đủ chuyện trên đời.
Ấy vậy mà khi gần hết buổi, cũng có khối người giơ tay góp ý cho buổi hội thảo. Như là trong điều 126 có ghi là Tòa án nhân dân thì phải sửa là Tòa án Nhân dân & Cán bộ mới được. Vì theo cá nhân này, nếu tòa nào cũng chỉ dành cho nhân dân thì cán bộ phạm tội xử ở đâu, rồi nhà nước lại cứ chiếu theo hiến pháp, viện lý do không có Tòa án cán bộ lại bỏ qua bằng hết số cán bộ phạm tội không xử thì lại chỉ chết dân.
Cũng có cá nhân sợ không có ý kiến thì bị đánh giá không nhiệt tình với hiến pháp, nên cũng cố đưa ra ý kiến vô hại là nên sửa hai chữ Nhân dân trong hiến pháp thành Đồng bào có được không? Rồi nhiều bà ngồi lê chợ nhiều, có bà còn góp ý: Trong điều 21 của chương 2 về kinh tế có ghi kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển, theo bà này: được ai khuyến khích thì phải ghi rõ. Bởi nếu như được thuế vụ khuyến khích thì bãi luôn, bỏ buôn bán đi làm thuê sướng hơn...
Rồi người ta bắt đầu bắt chước nhau, thi nhau cho ý kiến; có người góp ý về Quân đội nên sửa là Bộ đội. An ninh phải sửa là Mật vụ thì giặc và dân hay thưa gởi mới sợ. Ý kiến này chưa dứt thì đã có bà đứng lên cho là Nhà nước cũng nên sửa là Quốc gia, và chính phủ cũng nên sửa là chánh chủ...
Tuy nhiên cũng có những ý kiến tỏ ra có đọc nhiều lần và quan tâm đến bản hiến pháp thì tỏ ra am hiểu, thông thái hơn cho rằng: Nên gộp các điều 54, 55, 56; 91, 92, 93; 34, 35 và 36 lại với nhau cho gọn như cách nhà nước sát nhập các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh hay Bình Trị Thiên trước đây cho gọn và dễ quản lý. Cũng ý này, một số người có ý nên tách các điều 35 của chương 5 và điều 67 của chương 4 ra làm 2 cho hiến pháp thêm dài và có phần sinh động hơn tựa như năm nào tách các tỉnh Nghĩa Bình hay Thuận Hải, Phú Khánh trước kia ra làm hai tỉnh trở lại như cũ thì vẫn độc lập tự do hơn...
Đến khi ban vận động sửa đổi hiến pháp báo đã hết giờ, và buổi hội thảo toàn dân tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp của huyện kết thúc, vẫn còn một ý cuối cùng xin được ghi vào biên bản. Theo ý kiến cuối cùng này thì sau khi góp ý và hiến pháp được sửa đổi rồi, ta nên in là Hiến pháp 2013 chứ không nên ghi là hiến pháp 1992 nữa để người dân không bị nhầm lẫn... Tuy ý kiến này không có gì đặc sắc lắm, nhưng là ý cuối nên rất được nhiều người kể cả cán bộ vỗ tay nhiệt liệt...
Và theo báo cáo lên cấp trên của cán bộ huyện, buổi hội thảo như vậy đã thành công ngoài sự trông đợi. Hầu như có đến hơn 90 phần trăm người dân tham dự đã góp ý sửa đổi.
Sáu tháng sau. Bản hiến pháp sửa đổi được quốc hội thông qua. Trong lần đi nghe cán bộ tuyên huấn truyền đạt hiến pháp mới, một học giả lão làng của huyện nghe đọc xong bản hiến pháp mới, ghé tai nói với bạn già ngồi cạnh: “Tao nghe đọc bản hiến pháp mới đã sửa đổi, nó giống như sau bao ngày háo hức trông chờ được xem bộ phim ''Cô gái đồ ra''. Nhưng khi xem xong, thật chán: Giống như bọn nhà đài này chơi điếm, nói là chiếu phim “Cô gái đồ ra” nhưng “Cô gái đồ ra” với “Cô gái đồ vô” là một chứ có khác gì nhau, nó chỉ thay tựa ra vẻ phim mới...
Kinh Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét