Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

SAIGON XƯA : Báo chí Saigon thời sơ khai

SAIGON XƯA :Ông Trần Tấn Quốc và trang kịch trường trên tờ báo Tiếng Dội

Ngành Mai

Là một trong những nhà báo kỳ cựu tên tuổi ở miền Nam, ông Trần Tấn Quốc từ khi còn ngồi ghế nhà trường đã nuôi mộng làm báo, và năm 22 tuổi ông chính thức bước chân vào làng báo.
  
Hình chụp đêm phát giải Thanh Tâm 1959 tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Từ trái, ký giả Văn Hoàn, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ký giả Trần Tấn Quốc, ký giả Ngọc Hồ, ký giả Hoàng An. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Khởi đầu chỉ làm anh phóng viên đi xe đạp lượm tin hàng ngày gọi là tin local (tin vặt-địa phương) mà có kẻ xấu mồm gọi là tin “xe cán chó”. Tuy vậy với số lương đầu tiên trong nghề cũng có thể sống được để theo đuổi cái “nghiệp báo” hay là “nghiệp chướng” mà khi vào nghề mới thấy.

Lúc ấy mỗi tháng ông Quốc lãnh 30 đồng tiền Ðông Dương, gởi về cha mẹ 10 đồng, ăn ở 6 đồng, tiền học lớp đêm 3 đồng, còn lại những 11 đồng để sắm quần áo, xài vặt phủ phê, vì lúc đó chưa biết hút thuốc lá, và chưa quen uống cà phê đen. Hai năm sau ông Quốc về cộng tác với tờ báo khác mang tên Nhựt Báo của ông Nguyễn Bảo Toàn,và những năm kế tiếp làm cho các tờ Công Luận, Ðiển Tín cùng vài tờ báo nào đó nữa.

Ðến năm 1950, ông Phan Văn Thiết là người bạn cùng quê Cao Lãnh với ông (người ta thường gọi là ông Tòa Thiết, do bởi ông đậu Luật khoa Cử nhân từ đầu thập niên 1930, từng làm chánh án, luật sư) nhường tờ Tiếng Dội cho ông Trần Tấn Quốc khai thác với danh nghĩa chủ nhiệm có sự chấp thuận của nhà cầm quyền.

Với tờ Tiếng Dội của ông Thiết, Trần Tấn Quốc bắt đầu làm chủ báo từ đây. Trong làng báo miền Nam ai cũng biết Trần Tấn Quốc là một ký giả, đồng thời là chủ báo mạnh dạn chủ trương mở riêng biệt một trang kịch trường đầu tiên trên tờ Tiếng Dội, nhằm thúc đẩy sự tiến triển liên tục của ngành sân khấu cải lương.

Là chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhưng ông Quốc đích thân chăm lo trang kịch trường chớ không giao cho một biên tập viên nào. Lý do vì đây là công việc đòi hỏi người phụ trách phải am tường, phải hiểu biết sâu rộng về cải lương. Nói một cách khác là phải theo dõi liên tục hoạt động sân khấu với một trình độ căn bản về thu thập, chứ không phải hiểu biết cách lơ tơ mơ mà làm được. Ông Quốc đã nghĩ rằng không ai rành rẽ bằng ông trong vấn đề này. Nhưng vì sao mà ông Quốc lại đặt nặng trang kịch trường đến như thế? Ðể trả lời câu hỏi trên, thì đây là lời của nghệ sĩ Năm Châu thường nói với các ký giả kịch trường ở Ngã Tư Quốc Tế: “Ở Sài Gòn này có trên 10 rạp cải lương, đêm nào cũng có hát, chưa kể miền Lục Tỉnh từ Mỹ Tho dài xuống Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá... nơi nào cũng có rạp hát và gần như lúc nào cũng có các gánh cải lương lớn, nhỏ trình diễn. Cải lương hoạt động tất nhiên có nhiều tin tức liên quan đến bộ môn nghệ thuật mà đa số người miền Nam ưa thích. Nếu tin lên báo thì không riêng gì khán giả mua báo theo dõi chuyện cải lương, mà rất nhiều thành phần khác có liên hệ làm ăn với nghệ thuật sân khấu, họ cũng cần có tờ báo để nắm bắt tình hình, hầu tính toán công cuộc làm ăn. Ông Quốc chăm lo kỹ lưỡng trang kịch trường là do vấn đề thương mại, chỉ nội người ham mê cải lương mua báo, ông Quốc cũng bỏ tiền nặng túi rồi!”

Lời nhận định của nghệ sĩ lão thành Năm Châu rất thực tế vào thời đó, vì đa số độc giả của Tiếng Dội là những người hâm mộ cải lương. Năm 1950 lúc ông Quốc mới làm chủ nhiệm, tờ Tiếng Dội chỉ đăng vài tin hoạt động cải lương nơi trang 2, không nhứt thiết ngày nào trong tuần. Thế rồi dần dần thì ở trang 2 này kịch trường chiếm trọn, nhưng mỗi tuần chỉ có một ngày Thứ Năm. Ðến 1953 thì mỗi tuần tăng lên hai ngày Thứ Tư và Thứ Bảy. Tuy vậy vẫn không đáp ứng được số độc giả ham đọc tin tức cải lương, họ muốn đọc mỗi ngày. Có người hỏi ông Quốc tại sao không đăng luôn tin tức cải lương mỗi ngày? Ông trả lời: “Mỗi tuần 2 ngày mà tôi còn muốn điên cái đầu đây rồi, nếu làm suốt cả tuần chắc tôi phải vô Chợ Quán hay lên Biên Hòa thôi”! (Có 2 nhà thương điên: 1 ở Chợ Quán và 1 trên Biên Hòa).

Là người nắm vận mạng tờ Tiếng Dội, ông Trần Tấn Quốc quan niệm tờ báo như món hàng, món hàng ấy phải trình bày thế nào đập vào nhãn quang của người đọc. Có lần vào tháng 6, 1954 cô đào Năm Phỉ chết trong lúc đang coi chiếu bóng ở rạp Nam Quang, Chợ Ðũi. Tờ Tiếng Dội của ông Quốc đã đăng tin ấy với cái tựa sắp bằng chữ lớn nhứt của nhà in, kéo dài 8 cột đặt trên đầu trang nhứt. Mới nhìn qua có người cho là “chướng quá” và đặt câu hỏi mỉa mai: “Cô Năm Phỉ có phải là một nhân vật quốc tế? Cái chết của cô phải chăng như cái chết của Staline”?

Nhưng con mắt những ký giả nhà nghề đã thấy rõ dụng tâm của đồng nghiệp Tiếng Dội: Quần chúng miền Nam rất ưa thích cải lương, mà cô Năm Phỉ là thần tượng của tri kỷ mộ điệu muôn phương. Cô Năm đã thu hút được tình cảm của bao nhiêu triệu khán giả ái mộ trên 30 năm nay. Tờ Tiếng Dội đăng lớn tin cô từ trần là có dụng ý làm cho báo bán chạy. Lẽ dĩ nhiên ngoài phần hình thức, ông luôn luôn quan tâm đến giá trị nội dung của bài vở trang ngoài cũng như trang trong, vì đó là chính yếu để tờ Tiếng Dội có thế đứng vững vàng trong làng báo.

Theo nhận xét riêng của tôi, người viết bài này, thì tờ Tiếng Dội làm ăn khá nhứt là thời kỳ 1953 lúc đoàn Hoa Sen khai trương lần thứ hai tại rạp Nguyễn Văn Hảo, với những máy bay, xe tăng cùng phim ảnh lên sân khấu. Thời kỳ mà đoàn Hoa Sen oai trùm với những tuồng chiến tranh, thì trang kịch trường của tờ Tiếng Dội cũng tràn ngập tin chiến tranh cải lương. Lúc bấy giờ hàng đêm ông Quốc đi coi tuồng chiến tranh, rồi về viết phóng sự ngoài việc tường thuật cái mới lạ của sân khấu Hoa Sen, còn nói về cảnh chen lấn mua vé, hôm nào cũng vé bán hết từ chiều, đã vô tình quảng cáo thêm cho đoàn Hoa Sen vậy.

Có điều là thời này vé hát mua trễ là hết, nếu như tuồng hay, nhưng lại không có cái nạn vé chợ đen. Còn mấy lúc sau này, vé hát thường bị ế, ghế trống hơn nửa rạp. Vậy mà muốn có “ghế tốt” khán giả phải mua vé chợ đen mới có. Thế mới ngược đời!

Khi xưa 1954 trở về trước chưa có nhà phát hành báo chí, ra báo thì tờ nào cũng tự bán lấy, do đó người chủ báo ngoài sự hiểu biết, kinh nghiệm về báo chí, mà còn phải có khả năng về thương mại thì mới dám ra báo. Khi tờ báo đã có con số độc giả rồi như tờ Tiếng Dội thì từ lúc 4, 5 giờ khuya trời chưa sáng, thiên hạ còn ngủ thì ở trước các báo quán đã sinh hoạt náo nhiệt. Người của những sạp báo ở Ðô Thành và phụ cận đã có mặt để lấy báo về bán cho kịp buổi sáng trước khi công tư chức vào sở làm việc. Giới thầy chú này có thói quen là trước khi vô sở, họ thường ngồi tiệm cà phê vừa đọc báo vừa nhâm nhi ly cà phê, phì phà điếu thuốc lá.

Trong thời gian trang kịch trường nói về đoàn Hoa Sen với những tuồng sấm sét: Ðoàn Chim Sắt, Mộng Hòa Bình, Nợ Núi Sông... thì tại trước báo quán Tiếng Dội ở đường Lagrandière (đường Gia Long sau này) cảnh giành giựt lấy báo thường diễn ra, do bởi chiếc máy in của báo Tiếng Dội là máy thường, ra báo có hạn, số cung không đủ cho số cầu.

Lúc đó mấy sạp báo quanh vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh có khi mua trễ là hết tờ Tiếng Dội. Còn ở các tỉnh thì dân ghiền cải lương cũng mỗi ngày coi cải lương hàm thụ bằng cách tập trung tại địa điểm bán báo, chờ chiếc xe đò mang báo về, mua tờ Tiếng Dội để đọc bài tường thuật đêm hát của đoàn Hoa Sen.

Trên giai phẩm Người Việt Xuân Quý Tỵ vừa qua, tôi có viết bài “Ðoàn Hoa Sen đưa điện ảnh lên sân khấu” kể lại thời nghệ sĩ Bảy Cao với các tuồng chiến tranh.

Tóm lại là ông Trần Tấn Quốc mở trang kịch trường trên tờ Tiếng Dội đã đưa đến sự tiến triển bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, thì ngược lại cải lương sân khấu cũng gián tiếp nuôi sống tờ Tiếng Dội. Có nhiều người mua báo thì tờ Tiếng Dội mới sống vững, mới tồn tại, mới có tiền trả lương cho biên tập, cho nhân viên tòa soạn, cho in ấn, chớ không như bây giờ ở hải ngoại có nhiều tờ báo tốn tiền in ra rồi đem bỏ ở các chợ. Báo bỏ chồng đống mạnh ai nấy lấy, một tờ cũng được mà mười tờ cũng chẳng sao, có khi hốt cả xấp mang về mà không biết có đọc hay chăng nữa? Khi xưa mà ông Quốc ra báo cái kiểu này thì từ chết tới chết, chớ không phải bị thương đâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét