Để làm chủ tương lai, con người thường hình dung ra những viễn cảnh và lập phương án sao cho phù hợp với những biến đổi của cuộc sống. Sẽ chẳng có ai là chưa bao giờ chuẩn bị trước những phương án cho mình, nhất là khi họ dự tính trong tương lai có những biến đổi khách quan và chủ quan với nhiều bất lợi.
Theo thống kê của Tạp chí Xây dựng Đảng thì hiện nay Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) có 3.636.158 đảng viên. Trong số này thực ra chỉ có khoảng vài trăm ngàn đảng viên ĐCSVN là đang có thực quyền. Thực quyền ở đây là muốn nói đến khía cạnh đảng viên đó có cơ hội “kiếm chác” được từ vị trí công tác của mình, ví dụ như có cơ hội tham nhũng, mua quan bán chức, thao túng tài chính vv…
Trong bối cảnh Việt Nam đang có vô vàn nguy cơ xáo trộn xã hội, thậm chí rơi vào tình trạng mất nước như thời kỳ Bắc Thuộc trước đây, hiện nay cá nhân các đảng viên ĐCSVN đang có những phương án gì để đối phó với những biến động có nhiều khả năng xảy đến trong một tương lai không xa?
Trước hết, và dễ nhìn thấy nhất, đó chính là việc các quan chức đảng viên ĐCSVN (nhất là cấp trung ương) đang lo cho con cái đi du học Phương Tây hay Mỹ, và sau đó tìm mọi cách xin ở lại làm việc và định cư lâu dài, hoặc ít nhất cũng chuẩn bị sẵn một chỗ sinh sống và làm việc có thời hạn để có thể tạm cư tại nước ngoài cho con cái trong lúc đất nước có biến…
Mặt khác, từ nhiều năm qua, các quan chức lắm tiền nhiều của đã tuồn ngoại tệ và vàng ra nước ngoài, ký gửi tại các ngân hàng có độ an ninh tốt như của Thụy Sĩ, Hoa Kỳ. Như vậy một khi đến nước phải “nhảy” thì các ngài quan đảng chỉ việc xách cặp lên máy bay là xong. Tuy nhiên phương án này chỉ là tạm, vì nếu sau này muốn truy xét và thu lại số tài sản của quốc gia mất mát do quan chức tham nhũng cũng không khó khăn gì trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.
Vậy còn khoảng trên dưới ba triệu đảng viên trong số 3.636.158 đảng viên không nắm quyền, hoặc không có thực quyền, bao gồm cả các công chức, viên chức và cán bộ hưu trí thì sao? Ta hãy giả sử như trong tương lai gần, có một cuộc cách mạng xảy ra theo kiểu một cuộc đảo chính quân sự dẫn đến Việt Nam trở thành một nước đa đảng. Và chắc chắn là cái “đa đảng” đó cũng sẽ dưới quyền kiểm soát và thao túng của kẻ nổi loạn, vì chắc chắn những kẻ làm binh biến sẽ cho rằng mình xứng đáng được ngồi ghế cao nhất bởi họ đã có công xóa bỏ chế độ Cộng Sản…
Tình huống trên nếu xảy ra thì cũng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Một khi chính quyền được giành giật, tranh giành theo lối trấn áp nội bộ thì sẽ chỉ hứa hẹn một tương lai là đất nước sẽ tiếp tục rơi vào tay những kẻ độc tài mới. Đối với những người am tường thời sự chính trị quốc tế thì họ sẽ không mấy thích thú với mô hình nhà nước hậu Cộng Sản theo cung cách Boris Yeltsin hay ngày nay là Vladimir Putin ở nước Nga. Mặc dù, dù sao thì chế độ chính trị đó cũng đã có những điểm tiến bộ hơn chế độ độc tài Cộng Sản “thuần chủng” trước đó.
Vậy tại sao đứng trước cơ hội ngàn năm có một, trên dưới ba triệu đảng viên ĐCSVN lại không đứng lên làm chủ tình hình? Nếu như có hàng triệu đảng viên ĐCSVN cùng sát cánh tạo nên một thế trận nhân dân, buộc nhà cầm quyền hiện nay phải trao trả quyền lực về tay nhân dân trong đó có bản thân mỗi đảng viên ĐCSVN thì đó là điều tuyệt vời nhất! Tại sao lại nó đó là một điều tuyệt vời nhất? Bởi vì lúc đó sẽ không có chuyện “quyền lực sang tay” tức là xã hội tạm thời không có chính quyền (dù là chính quyền lâm thời), mà chỉ có hội đồng cách mạng.
Trường hợp trên xảy ra chính là điều kiện thuận lợi nhất để người Việt Nam mời các cơ quan quốc tế vào giám sát quá trình hình thành nhà nước mới thông qua tổng tuyển cử tự do. Và như vậy sẽ không có chuyện những thế lực nào đó ỷ sức mạnh quân sự để thao túng quyền lực thông qua bầu cử trá hình (điều này vẫn xảy ra trong chế độ độc tài). Đó chính là con đường ngắn nhất để hình thành nên một nhà nước mới thực sự của dân, do dân và vì dân.
Theo quan sát từ thực tế, tiếng nói có hiệu lực và nếu đó là những lời hiệu triệu quốc dân đồng bào, thì tiếng nói của các cựu quan chức Cộng Sản, những cựu tướng tá là chiến binh thời trước năm 1975 nay đã về hưu, vẫn có sự thuyết phục rất lớn trong xã hội. Người ta tin lời những con người ấy chính là vì quá khứ của họ khá trong sạch trong vấn đề tham nhũng – nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thối nát toàn diện của xã hội Việt Nam hôm nay.
Vấn đề là ở chỗ, mặc dù đã quá chán ngán bộ máy cầm quyền hiện nay, một bộ phận lớn các đảng viên ĐCSVN tuy trong lòng đã bất đồng, nhưng họ vẫn loanh quanh dền dứ trong việc xuất đầu lộ diện ra mặt đấu tranh. Tình trạng này chính là hậu quả của hiện tượng tâm lý rất đỗi bình thường: Họ chưa hình dung ra cái gì sẽ diễn ra tiếp sau, khi cách mạng thành công. Đây chính là lúc họ cần hiểu sâu sắc vấn đề để tự định ra phương án B cho bản thân.
Có lẽ vấn đề chính là quyền lợi của các đảng viên ĐCSVN và các cựu quan chức thời hậu Cộng sản. Như đã biết, tại Hà Nội hồi cuối năm 2012 đại tá tiến sĩ Trần Đăng Thanh đã đưa ra một thuyết lý tạm gọi là “thuyết sổ hưu” để ngầm đe dọa các cán bộ đảng viên ĐCSVN nói riêng và công chức nói chung. Nghe bài giảng của ông Thanh người ta phì cười, nhưng phải khẳng định rằng, ông ta đã đánh trúng… tim đen của không ít người.
Quyền lợi là cuộc sống, cụ thể là đời sống. Nếu ta quên quyền lợi bản thân thì quả là thần kinh của ta có chút vấn đề. Trở về với chuyện chính trị đấu tranh thay cũ đổi mới sẽ thấy, các đảng viên ĐCSVN hiện nay đang lo lắng về quyền lợi của họ một khi có chính biến xảy ra và xuất hiện một nhà nước mới quyền lợi của họ sẽ như thế nào? Và họ có bị trả thù hay không?
Về mặt quyền lợi thì sẽ vô cùng đơn giản. Một khi đã hình thành một nhà nước với mô hình chính thể hoàn toàn mới thì việc đầu tiên cần phải nhắc đến, đó chính là chính sách đãi ngộ. Lúc đó chính những cựu đảng viên ĐCSVN sẽ lại là người xây dựng chính sách tiền lương, chế độ hưu trí và những hỗ trợ bảo hiểm khác cho mọi tầng lớp nhân dân trong đó có bản thân họ. Tình trạng xảy ra sau mỗi cuộc cách mạng bạo lực là các cựu quan chức viên chức của chế độ cũ sẽ bị truất phế các khoản chi bảo hiểm. Nhưng trong cách mạng mềm thì lại hoàn toàn khác.
Ta hãy xem, tại các nước Đông Âu thời hậu Cộng Sản, hầu hết các chính sách về tiền lương hưu trí hay các loại trợ cấp bảo hiểm khác đều vẫn được giữ nguyên. Có được điều này là do tại các quốc gia đó, khi cách mạng mềm nổ ra và chế độ độc tài sụp đổ xuống, công sức làm nên và quyết định thắng lợi của cách mạng đều có sự đóng góp không nhỏ của các đảng viên ĐCS, đặc biệt là sự đóng góp trí tuệ của hàng ngũ công an, an ninh, quân đội và các thành phần trong ĐCS vốn đã quá chán ngán chế độ đương quyền. Vậy “thuyết sổ hưu” của đại tá trần Đăng Thanh là hoàn toàn không cần thiết…
Một vấn đề khác, đúng hơn là một câu hỏi được đặt ra là, liệu sau một cuộc cách mạng mềm, các cựu quan chức, các cựu đảng viên ĐCSVN có bị trả thù hay không? Đây là một câu hỏi mang tính quyết định còn mạnh hơn cả chuyện “sổ hưu” vì nó là sự an nguy trực tiếp của mỗi đảng viên ĐCSVN. Chúng ta đã biết ĐCSVN đã từng gây ra bao tội ác từ Cải cách Ruộng đất 1953 – 1957 và trong chiến tranh Nam - Bắc (1954 – 1975), như vậy họ có nguy cơ lớn là sẽ bị nhân dân xử tội, trả thù.
Nhưng một khi nhà nước pháp quyền dân chủ ra đời thì sẽ không có chỗ cho các hành vi trả thù theo ý thức hệ xảy ra, vì sao? Bởi một nhà nước dân chủ sẽ không cho phép bất cứ hành vi trả thù nào tồn tại, vì bản chất của mọi cuộc trả thù đều là thấp hèn. Hiện tượng trả thù, thậm chí là các cuộc tắm máu thường chỉ xảy ra sau những cuộc chiến tranh tàn khốc. Tuy vậy, chính những người xây dựng xã hội mới phải lập tức tạo giá trị, uy tín cho luật pháp mới. Và nhu cầu ổn định xã hội nhanh rất cần để tránh các thế lực độc tài mới trỗi dậy. Mọi hình thức trả thù cá nhân đều đi ngược lại những nhu cầu cấp thiết kể trên. Mọi dân tộc khôn ngoan đều không làm công việc cực kỳ ngu ngốc và phi dân chủ là trả thù cá nhân…
Ta lại đem so sánh bối cảnh Việt Nam hôm nay và Đông Âu hay Nam Phi thời trước sẽ thấy, tất cả những nhân tài và các lực lượng lao động trong xã hội sau cách mạng đều được trọng dụng. Riêng đối với Nam Phi - một nước có nạn phân biệt chủng tộc Apartheid hoành hành dữ dội nhất – thì sau khi họ giành được độc lập, đã không hề có cuộc trả thù nào xảy ra. Ta hãy thử hình dung xem, người nô lệ bị chủ nô coi như súc vật hình người, và người da đen bị coi như loài hạ đẳng. Thế nhưng mặc dù vẫn còn những mặc cảm nhất định, xã hội Nam Phi do Nelson Mandela làm tổng thống đã không có bất kỳ cuộc trả thù nào nhằm vào người da trắng.
Không ai khác, nếu muốn trả thù và đáng làm như vậy thì chính là ông Nelson Mandela vì bản thân ông là một cựu tù thế kỷ với tổng cộng 27 năm trong lao tù. Nhưng khi lên làm tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela đã sử dụng cách công bằng bình đẳng với người da trắng, dùng họ theo đúng nhu cầu và năng lực làm việc. Nhiều vị trí cấp bộ trưởng của Nam Phi đều là người da trắng mặc dù người da trắng chỉ chiếm 9,2% dân số, đặc biệt ông này còn dùng cả người da trắng làm vệ sĩ cho bản thân mình.
Sẽ là không cần thiết phải suy tư khi lo lắng về những cuộc trả thù trong tương lai ở Việt Nam. Vì ngay như tại Rumania, khi chế độ độc tài của Caussecu bị lật đổ thì chỉ riêng tên độc tài này bị nhân dân xử tội, còn các vị trí khác đều vô can. Hay như gần đây tại Libya, khi Gadafi bị bắn chết thì cũng là lúc khép lại sự trả thù. Thế nhưng đối với những trường hợp đặc biệt phạm tội ác chống lại loài người như Milosevic hay Sadam Husen thì rõ ràng là phải bị xét xử theo đúng công pháp quốc tế. Tất nhiên đây không hề là những cuộc trả thù.
Đặc biệt, đây là thời khắc quan trọng để trên dưới ba triệu đảng viên ĐCSVN đang không có thực quyền, giành lại những lợi ích rất lớn cho họ. Khi làm nên sự đổi đời, những cán bộ đảng viên ĐCSVN có lương tri sẽ chấm dứt sự giày vò cắn rứt trong lương tâm khi cứ phải bịt tai nhắm mắt trước nghịch cảnh. Họ cũng sẽ được chấm dứt cảnh bắt buộc phải dối trên gạt dưới để tồn tại, họ sẽ tạo cơ hội vươn lên rất xa cho con cháu mình và toàn xã hội... Sự ấm no và thăng tiến sẽ trở thành quyền của tất cả mọi người dân. Nhưng sẽ là rất đáng tiếc nếu mỗi cá nhân họ không tự nhận ra trách nhiệm của mình với lịch sử. Đây chính là lúc họ có thể làm nên lịch sử mà chẳng cần phải lo về quyền lợi của bản thân họ về sau.
Tấn Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét