Michael Lüders
Phan Ba dịch
Phan Ba dịch
TẤT CẢ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CÁCH MẠNG
Thị trấn buồn thảm có ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng sự buồn thảm của tỉnh lẻ Ả Rập có một cái gì đó nặng nề. Trì trệ và nghèo nàn giữa một kiến trúc phần lớn bao gồm những hộp vuông bằng bê tông không trát vữa. Sự cằn cỗi đặt dấu ấn lên thiên nhiên cũng như lên con người mà sự cam chịu nhiều lần hiện rõ lên trên gương mặt của họ. Hiếm khi nào có một cảm giác của khởi đầu và hy vọng, vì người dân quá bận rộn với việc kiếm sống qua ngày, cho họ và cho gia đình, mỗi ngày một bắt đầu mới. Từ ngữ văn học bay bướm “trạm cuối cùng của ước mơ” tìm thấy trong tỉnh lẻ Ả Rập, ở Maroc hay trong Jemen cũng vậy, sự tương ứng trong thực tế của nó. Không phải ở khắp mọi nơi, không phải không có ngoại lệ, nhưng thông thường là như thế. Và có lẽ tỉnh lẻ Ả Rập cũng đặc biệt không mến khách, bởi vì người dân của nó biết rằng có một cuộc sống mang nhiều hứa hẹn hơn, đẹp hơn, tốt hơn ở đâu đấy ngoài kia, cách xa, không thể đến được, nhưng lúc nào cũng hiện diện qua truyền hình vệ tinh.
Sidi Bouzid là một nơi như thế. Vùng nông thôn sâu thẳm của Tunisia, cách thủ đô Tunis về phía Nam 250 kilômét. Đồng ruộng, bãi cỏ và cây ăn quả đặt dấu ấn lên phong cảnh. Rác nằm dọc theo đường, túi nhựa vướng vào những cây xương rồng nopal. Có thể nhìn thấy những khối nhà ở đầu tiên, không trát vữa và xấu xí. Trung tâm của tỉnh lỵ nghèo, 40.000 dân cư, không có nhiều thứ để chào mời. Một vài tiệm cà phê, nhà hành chính, trường học và cửa hàng đơn giản. Đỉnh cao văn hóa, theo trang mạng của ủy ban hành chính thành phố, là “những đêm ramadan”, cái được tiến hành vào nửa sau của tháng chay. Ngoài ra, vùng này sống nhờ vào trồng ngũ cốc, cây ăn quả và rau, cũng không nên quên việc nuôi cừu và nuôi bò sữa.
Và tuy vậy, lịch sử thế giới đã đến đấy hai lần, ít nhiều đều ngẫu nhiên. Trong khuôn khổ của Chiến dịch Tunisia, cái cần phải bảo đảm trật tự cho cuộc rút lui của Quân đoàn châu Phi và đồng minh Ý của nó sau chiến bại ở El Alamein trong tháng 11 năm 1942, các sư đoàn tăng của Đức và Ý đã tấn công các liên đoàn tăng của Mỹ vào ngày 14 tháng 2 năm 1943 tại Sidi Bouzid (“Chiến dịch gió Xuân”). Các cuộc chiến quanh đèo Kasserine kéo dài mười ngày và 12.000 người lính đã tử trận. Không có số liệu về tổn thất trong thường dân Tunisia, nhưng thành phố đã bị san bằng thành bình địa. Đó là một trong những trận đánh tăng lớn cuối cùng ở Bắc Phi, trước khi phe Trục đầu hàng ở đấy trong tháng 5 năm 1943.
Cuộc gặp gỡ lần thứ nhì của Sidi Bouzid với lịch sử là nhờ vào số phận của người dân Mohammed Bouazizi của nó, mà cuộc tự thiêu của anh ấy vào ngày 17 tháng 12 năm 2010 đã tạo nên đầu tiên là cuộc Cách mạng Tunisia, rồi đến cuộc Cách mạng Ả Rập và lần lật đổ nhà độc tài Tunisia lâu năm Zine al-Abidine.
Con bướm đập cánh gây nên một cơn lốc ra sao
Mohammed Bouazizi sinh ngày 29 tháng 3 năm 1984. Cha anh ấy mất sớm, người mẹ lấy chồng thêm lần nữa, một người đàn ông kém sức khỏe, phần lớn thời gian đều thất nghiệp. Ngay từ lúc lên mười, em học sinh đấy đã phải phụ giúp nuôi gia đình như là người bán rau quả. Ngay trước khi tốt nghiệp phổ thông, gánh nặng đôi trở nên quá sức, và cũng như nhiều người Tunisia và Ả Rập đồng lứa tuổi với anh ấy, Mohammed Bouazizi bỏ học không bằng tốt nghiệp. Trước sau gì thì cũng không đủ tiền để đi học đại học. Hiện giờ anh ấy đã có thêm năm người em cùng mẹ khác cha mà anh ấy có cảm giác phải lo cho chúng. Anh xin việc ở công sở, bên quân đội, và lần nào cũng bị từ chối. Anh ấy chỉ còn lại cuộc sống như là người bán rau quả. Hàng ngày vào buổi sáng sớm anh ấy ra chợ lớn bán trái cây và rau quả, chất đầy xe kéo của mình và rồi sau đấy đẩy nó đi hai kilômét trở về khu mua bán địa phương, nơi người nghèo mua sắm. Thu nhập trong ngày của anh ấy ở vào khoảng năm đến sáu euro. Nhưng anh không có giấy phép bán. Thu nhập không đủ cho việc đấy. Khi cảnh sát tiến hành những cuộc vây bắt thường xuyên của họ, để thu tiền hối lộ, anh ấy chỉ còn có hai khả năng. Trả tiền hoặc là chạy đi, để mất chiếc xe đẩy. Có một lúc Mohammed Bouazizi có một cô bạn gái mà anh ấy có mối quan hệ Platon với cô ấy, như thường gặp trong giới những người Hồi giáo bảo thủ. Nó thất bại vì tiền. Một người đàn ông trẻ, người sống qua ngày như kẻ bán dạo, hầu như không có được một cơ hội nào trên thị trường hôn nhân. Năm 2008, anh ấy cố vượt Địa Trung Hải chạy sang Sicily, đến châu Âu, sống tốt đẹp hơn. Cảnh sát biên phòng Tunisia đã bắt anh ấy lại, anh ấy phải ngồi tù hai tuần. Một năm sau đấy anh ấy cố thử vận may của mình thêm lần nữa, lần này là qua ngõ Libya. Anh ấy lại bị bắt, ngồi nửa năm trong tù.
Trong mùa hè 2010, anh ấy cố gắng lần cuối để mang lại cho cuộc sống của mình một bước ngoặc khác. Trong thành phố cảng Sousse, anh ấy nhận giúp việc trong một quán ăn, rửa bát, lau nhà. Khi người chủ từ chối không trả tiền công cho anh ấy, anh ấy đi thưa kiện. Nhưng luật lệ trong đất nước của anh ấy không được lập nên cho những người đói ăn mà cho những người có mối quen biết, những người biết đền đáp lại cho cảnh sát và tư pháp.
Bị hạ nhục và bị lừa gạt, anh ấy lại là người bán rau quả trong Sidi Bouzid. Rõ ràng là cảnh sát ở đấy đã để ý đến con người hay càu nhàu đấy và đã ra sức hành hạ anh ấy. Vài tuần trước khi tự tử, anh ấy nhận giấy phạt 250 euro – một số tiền tương ứng với gần hai tháng thu nhập. Vào ngày 17 tháng 12, một nữ cảnh sát đến gặp anh ở chợ và yêu cầu giao nộp cái cân. Anh ấy từ chối không đưa ra. Có một cuộc ẩu đả xảy ra, viên nữ cảnh sát tát tai anh ấy, cùng với một đồng nghiệp cô ấy quật anh xuống đất. Cái cân của anh ấy bị lấy đi cũng như trái cây và rau quả của anh ấy. Con người bị làm mất thể diện ở nơi công cộng đấy đi tìm sự công bằng, đến ủy ban hành chính thành phố và yêu cầu được nói chuyện với một người có trách nhiệm. Người ta nói với anh rằng điều đấy là không thể, nhân viên nhà nước đang bận việc.
Thế là anh ấy mua xăng, trở về ủy ban hành chính thành phố, đổ cả can xăng lên người và đốt cháy bằng một que diêm. Bị thương nặng, anh ấy được đưa vào bệnh viện. Phải nghĩ rằng tự thiêu như thế sẽ đau đớn tới đâu thì mới đoán được sự tuyệt vọng là gốc rễ to lớn đến dường nào.
Anh ấy không phải là người Tunisia đầu tiên tự thiêu. Những người khác đã làm trước anh ấy, từ những lý do tương tự. Thế nhưng những trường hợp của họ không được biết đến, vì cơ quan nhà nước làm mọi cách để che dấu các vụ việc. Truyền thông trong nước không được phép tường thuật về những vụ việc đấy, người thân buộc phải im lặng vì bị đe dọa trừng phạt. Ở Sidi Bouzid thì ngược lại, ngay sau vụ việc xảy ra, hàng chục người biểu tình đã tụ tập trước ủy ban hành chính thành phố, “một tay cầm điện thoại di động, tay kia cầm đá”, một người họ hàng, Abdesslem Trimech, thuật lại cho đài truyền hình Al-Jazeera. Cảnh sát giải tán cuộc biểu tình, như thông thường ở Tunisia.
Nhưng lần này thì tất cả đều khác đi. Người biểu tình tải những video từ điện thoại di động của họ qua Facebook lên Internet. Cũng như hình ảnh của một cuộc tuần hành phản đối khác vào ngày 20 tháng 12, do mẹ của Mohammed Bouazizi dẫn đầu. Ngay trong ngày đó, những hình ảnh đấy được Al-Jazeera phát đi, trên kênh Mubaschir (Live). Al-Jazeera, được thành lập năm 1966 trong tiểu vương quốc vùng Vịnh Qatar, bên cạnh đài Al-Arabiya phát sóng từ Dubai từ năm 2003, chính là cơ sở truyền thông Ả Rập dẫn đầu. Bất cứ người Ả Rập nào quan tâm đến chính trị, và đấy là phần lớn, cũng đều thường xuyên xem đài truyền hình vệ tinh này, hầu như không bị kiểm duyệt và hoạt động hết sức chuyên nghiệp về mặt báo chí. Ở Mubaschir có một nhóm truyền thông tìm kiếm một cách có hệ thống trong Internet những câu chuyện có thể khai thác được. Qua Facebook, nhóm này đã tìm thấy Sidi Bouzid.
Qua đó, lần đếm ngược cho đến cuộc cách mạng đã bắt đầu. Một cuộc cách mạng dường như xác nhận định lý nổi tiếng của lý thuyết hỗn loạn mà theo đó lần đập cánh của một con bướm ở Hongkong có thể tạo nên một cơn bão xoáy ở New York. Ngay sau khi phát sóng, những cuộc phản đối tự phát ở Sidi Bouzid, rồi trong những tỉnh lỵ lân cận và cuối cùng là trên toàn nước đã diễn ra, những cái nhanh chóng biến thành những cuộc biểu tình chống nhà độc tài Ben Ali và chế độ của ông ấy. Người này ra lệnh bắn người biểu tình, cả bằng thiện xạ bắn tỉa. Nhiều người chết. Nhưng với việc đấy, cuộc nổi dậy đã không bị dập tắt, còn ngược lại nữa. Lần đập cánh lớn lên trở thành một cơn bão xoáy, đuổi nhà độc tài ra khỏi nước một tháng sau đấy.
Internet đóng một vai trò quan trọng trong lúc đó, trước hết như là một cơ quan ngôn luận và nơi cùng cộng hưởng. Thế nhưng hạt giống của cuộc cách mạng đã được gieo trong những thập niên trước đó. Nó chủ yếu là hậu quả của đàn áp chính trị, tham nhũng công khai, biến đổi xã hội, nghèo nàn, không có tương lai, ước mong có tự do và một cuộc sống có phẩm cách – một khái niệm mà thường là người Bắc Âu không hiểu được. Ngược lại, trong vùng văn hóa Địa Trung Hải nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự nhận diện của cá nhân hay của một nhóm, cũng như khái niệm “danh dự”, cũng bị lãng quên ở chúng ta. Điều đấy có liên quan đến việc thế giới công cộng quanh Địa Trung Hải được tổ chức dọc theo những mối quen biết hay mạng lưới gia đình, cá nhân, nghề nghiệp hay những thứ khác nhiều hơn là ở phía Bắc của dãy Alpes.
Ngài Tổng Thống, dân của ngài đang chết đấy!
Trong lúc những đoạn video của điện thoại di động từ Sidi Bouzid nhờ vào Al-Jazeera mà nhanh chóng lan qua Tunisia và các quốc gia Ả Rập khác, truyền thông bị kiểm duyệt của Tunisia tiếp tục im lặng về lần tự thiêu và các cuộc biểu tình nối tiếp theo sau đấy. Tuy Internet cũng bị kiểm duyệt dưới Ben Ali, nhưng với hai ngoại lệ: Facebook và Twitter. Rõ ràng là chế độ này đã đánh giá quá thấp tầm quan trọng của chúng. Theo thống kê, cứ ba người Tunisia là có một người dùng Internet, tương ứng với mật độ người dùng lớn nhất trong châu Phi. Điều mỉa mai lớn nhất cho Ben Ali: Ông ta muốn xây dựng Tunisia trở thành “Trung tâm của kiến thức” và đã chủ ý dựa trên Internet. Lẽ ra thì ông ta nên nghiên cứu các lý thuyết về hiện đại hóa. Theo các lý thuyết đấy, phi tự do cộng với đàn áp và tham nhũng đồng thời lại ở tại một mức tri thức cao chính là một công thức gần như toàn hảo cho những cuộc nổi dậy. Khi cả các đài truyền hình vệ tinh khác cũng tường thuật về số phận của Mohammed Bouazizi, con đập cuối cùng cũng đã vỡ. Vào ngày 29 tháng 12, lần đầu tiên một đài truyền hình nhà nước Tunisia, Nessma TV, nói về đề tài này và hứa hẹn sẽ có một cuộc “điều tra độc lập”. Đồng thời, chế độ này cắt điện và Internet trong Sidi Bouzid và vùng lân cận. Vào ngày 2 tháng 1 năm 2011, một “Chiến dịch Phishing” có quy mô lớn được bắt đầu với mục đích xóa những đoạn video phê phán chế độ ra khỏi Internet. Nhiều blogger, nhà hoạt động trên mạng và ca sĩ nhạc rap nổi tiếng nhất của Tunisia, Hamada Ben Amor, được gọi là El Général, bị bắt hay bị đánh đập. Bài ca chống đối của anh ấy “Ngài Tổng Thống, dân của ngài đang chết đấy!” qua Facebook và Twitter đã trở thành bài ca của cuộc “Cách Mạng Hoa Lài”.
75% người dân Ả Rập, không chỉ riêng của Tunisia, trẻ hơn 30 tuổi. Điều đấy giải thích cho sự chấp nhận cao độ những phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội. Ngoài ra, đặc biệt là ở Algeria và Tunisia, đã có một thế hệ nhạc sĩ trẻ hoạt động chính trị, những người nhờ vào nhạc rap để lên án tham nhũng và kinh tế móc ngoặc của những kẻ đang thống trị. Trong bản nhạc đã được nhắc đến, El Général 22 tuổi quê ở thành phố cảng Sfax đã phê phán sự xa hoa phung phí và làm giàu cho bản thân của gia đình tổng thống cũng như nạn nghèo nàn ở khắp mọi nơi. Giới Hip-Hop Ả Rập khởi đầu vào cuối những năm 1990 ở Algeria và từ đó đã bước đi trên con đường chiến thắng vào các đất nước Ả Rập láng giềng. Hip-Hop đánh trúng cảm giác sống của một giới trẻ đã tan vỡ ảo tưởng, chẳng còn chờ đợi gì nhiều hay hoàn toàn không còn chờ đợi gì ở tương lai nữa.
Sau một thời gian, những cuộc biểu tình đông người đã về đến thủ đô Tunis. Để xoa dịu tình hình, Tổng Thống đã đến thăm Mohammed Bouazizi trong bệnh viện, ngay trước lúc anh ấy qua đời vào ngày 4 tháng 1. Có một bức ảnh chụp lần gặp gỡ đấy, một hình tượng của cuộc Cách mạng Tunisia; Ben Ali bên cạnh giường bệnh, xung quanh là những bác sĩ và viên chức trông có vẻ xum xoe, Mohammed Bouazizi được băng bó như một xác ướp. Ben Ali nhìn anh ấy như thể anh ấy là một người từ hành tinh khác. Con người sắp chết đó nghĩ gì trong khoảng khắc đấy?
Như đã nói, cuộc Cách mạng Tunisia không chỉ nhờ vào Internet. Có những yếu tố khác thêm vào đấy. Những cuộc biểu tình đầu tiên ở Sidi Bouzid và vùng lân cận, dù có tự phát đến đâu đi chăng nữa, cũng nhận được sự cộng hưởng không chỉ qua các môi trường truyền thông mới. Ngay từ đầu, Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (Union Générale Tunisienne du Travail – UGTT) đã đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức và mở rộng những cuộc phản đối. Tunisia, tương tự như ở Maroc và Algeria, có những liên hiệp nghề nghiệp và công đoàn tương đối mạnh – một thành tựu từ thời còn là thuộc địa của Pháp. Trong cả ba nước, các tổ chức này rất thân chính phủ, cán bộ của họ được nhà nước trả lương. Vì thế mà tất nhiên là hầu như không thể nào mà làm cách mạng với họ được. Nhưng ở tỉnh, nhất là ở tỉnh lẻ xa xôi, nơi không một quan chức nào tình nguyện về đấy, thỉnh thoảng lại có một tinh thần khác. Có lẽ vì con người ở đấy có ít thứ để mà mất hơn. Từ căm phẫn. Hay chỉ từ sự thích thú, muốn chỉ bảo cho “những kẻ ngồi ở trên đấy” xem một lần.
Bánh mì và cai trị
Và rồi thêm vào đấy là giá bánh mì. Một phần ba người Tunisia thất nghiệp, một phần mười sống dưới ranh giới nghèo hai dollar mỗi ngày. Dưới những điều kiện khung như thế, những cái mà còn tồi tệ hơn nữa trong các quốc gia Ả Rập khác, giá bánh mì thường được nhà nước trợ giá mang một lực nổ chính trị xã hội rất lớn. Ở Bắc Phi, đặc biệt là ở Ai Cập, thường hay có những cuộc nổi dậy và bạo động ngay sau khi chính phủ cắt giảm trợ giá và bánh mì trở nên đắt tiền hơn. Phần nhiều, việc đấy được tiến hành bởi sự thúc giục của Ngân hàng Thế giới trong lúc cho vay tiền hay đáo nợ. Tháng 1 năm 1984, chính phủ Tunisia dưới thời nguyên Tổng thống Habib Bourguiba đã nâng giá bánh mì lên 150% chỉ qua một đêm. Thế là đã bùng nổ những cuộc bạo động lớn nhất kể từ lúc độc lập năm 1956. Khắp nước đều có những cuộc nổi dậy, công nhân trong những mỏ phosphate ở miền Nam tự phát đình công. Bourguiba phái quân đội đến, hơn 500 người bị giết chết. Nhưng ông ấy đã phải hủy bỏ lần tăng giá bánh mì.
Năm 2010, bánh mì ở Tunisia đắt chưa từng có. Việc này có liên quan đến diễn tiến trên các thị trường thế giới, với cung cấp lúa mì giảm xuống trong lúc nhu cầu đang tăng lên. Sau khi quả bong bóng bất động sản ở Hoa Kỳ nổ tung và sau khi hệ thống ngân hàng trong nhiều quốc gia Phương Tây suýt sụp đổ trong năm 2008/09, nguyên liệu nông sản trở thành một đối tượng của đầu cơ thị trường chứng khoán, việc lại càng làm cho giá tăng lên. Bánh mì trong vùng Bắc Phi nguyên thuộc Pháp được ưa chuộng như chính trong nước Pháp. Hiện nay, giá cả ở đây và ở kia đã gần như ngang nhau. Mohammed Bouazizi thu nhập hàng ngày năm đến sáu euro. Nếu một ổ bánh mì có giá gần một euro thì con đường đi đến đói ăn và nổi dậy không còn xa nữa. “Phẩm giá và bánh mì!” người biểu tình reo hò, những người đã buộc Ben Ali phải chạy trốn. Một bức ảnh tượng trưng cho cuộc Cách mạng Tunisia chụp một đám đông trong Tunis: Một người đàn ông dùng tay trái đưa ra dấu hiệu chiến thắng, tay phải cầm một ổ bánh mì.
Nhưng tại sao Bourguiba lại thành công trong năm 1984 khi dùng quân đội để đập tan những cuộc bạo động trong nước, mà người kế nhiệm của ông ta Ben Ali lại không thành công trong năm 2011?
Nói một cách đơn giản, thời đấy còn chưa chín mùi cho một cuộc cách mạng. Đầu tiên, trong thời của cuộc Chiến tranh Lạnh, tình thế địa chính trị hoàn toàn khác hẳn so với ngày nay. Cả Hoa Kỳ lẫn Pháp đều sẽ không để cho Tunisia có thể rơi vào tay “những người cộng sản” – tuy là ảnh hưởng của Moscow ở Bắc Phi và trong Cận Đông có giới hạn. Sau khi Tổng thống Ai Cập Sadat quay lưng lại với Liên bang Xô viết vào đầu những năm 1970, nước này chỉ còn có hai đồng minh đáng tin cậy trong vùng: Syria và Nam Jemen. Bên cạnh đấy còn có những mối quan hệ tốt đẹp với Algeria và Iraq. Thêm nữa, thế hệ Facebook vừa mới chào đời vào thời đấy. Các hệ thống chính phủ của thế giới Ả Rập, các hệ thống mà đã bị quét phăng đi hay lung lay cho đến tận xương tủy, vẫn còn chưa bước qua đỉnh điểm lịch sử của chúng, cả ở Tunisia lẫn ở Ai Cập, trong Libya cũng không như ở Jemen và những nơi khác. Ngoài ra, cách mạng bao giờ cũng là một cái gì đó huyền bí và không thể nào giải thích được mà chỉ dựa trên những tiêu chuẩn lý trí. Những khoảng khắc tâm lý cũng đóng một vai trò như sự trùng khớp đúng lúc – trong trường hợp này là cái chết bi thảm của một người mà dưới hoàn cảnh bình thường thì chắc thế giới sẽ không bao giờ biết đến rằng người đấy nói chung là tồn tại. Thế nhưng mỗi một người Tunisia và mỗi một người Ả Rập đều có thể tự nhận dạng mình qua con đường đau khổ của Mohammed Bouazizi, nếu như không vì may mắn mà đã được sinh ra trong giới thượng lưu. Đến mức lần tự thiêu của anh ấy được nhiều người bắt chước, ở Tunisia cũng như ở Ai Cập, Algeria, Mauritania. Điều đấy giải thích tại sao cái chết của anh ấy lại có thể huy động được nhiều người đến như thế, vượt qua tất cả các ranh giới xã hội và chính trị. Sinh viên, thầy giáo, người thất nghiệp, luật sư, phụ nữ có và không có khăn trùm đầu, trẻ, già, họ cùng nhau đi trên đường phố và vượt qua được nỗi sợ hãi của họ. Bắt đầu ở Sidi Bouzid. Cuối cùng, họ còn có cả quân đội đứng về phía của họ, quân đội mà đối diện với đám đông giận dữ đã không còn muốn bắn vào người dân của chính mình nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét