Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Mới đầu giống mèo hơn, cuối cùng không bằng chuột


Nguyễn Tất Thịnh
Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam


Các nhà sinh lý học đã làm những thí nghiệm như sau:



* Thí nghiệm thứ nhất:
Mèo và chuột cùng bị bỏ đói vài hôm đến gần chết. Sau đó, người ta để mèo ngồi một góc, chuột được đặt ở cửa một cái hang nhỏ nhân tạo. Đặt giữa chúng là một miếng phomat thơm ngon, thứ thức ăn khoái khẩu của cả hai đứa. Hành vi của chúng là ngay lập tức lao bổ ra giành miếng phomat đó. Mèo quên chuột là kẻ thù, cũng là miếng mồi ngon của nó (Mèo bắt chuột để ăn vì: thiên tính, vì nhiệm vụ, vì sự thích thú nhâm nhi chiến quả... Mèo thường bắt chuột vào lúc không đói lắm). Với chuột vấn đề bây giờ là nguy cơ bị chết (hoặc là chết đói hoặc là bị mèo vồ), nó vẫn có hy vọng là tranh cướp được miếng phomat rồi may ra vẫn có cơ hội chạy kịp vào hang.

Con người trong trường hợp tương tự có lẽ giống cả mèo lẫn chuột. Nếu là người có trách nhiệm, ý thức cao về bổn phận và danh dự thì phải bắt chuột chứ không phải là lao vào tranh cướp với chuột miếng phomat.

* Thí nghiệm thứ hai:
Để con mèo và chuột vào trong một cái lồng sắt rộng có lưới thưa ngăn cách, giữa lưới có khoét một lỗ đủ rộng để chuột có thể chui sang ngăn của mèo, nhưng mèo không sang ngăn của chuột được. Lúc đầu mèo hung hăng lao vào vồ con chuột, nhưng luôn bị chặn lại bởi lưới của lồng sắt. Dần dà mèo hiền đi. Con chuột lúc đầu co rúm lại sợ hãi thì dần cũng không thấy sợ mèo nữa. Người ta để miếng phomat ở ngăn con mèo gần lỗ thông giữa hai ngăn. Chuột đói quá lừa lúc mèo không để ý (lúc ấy mèo cũng đã quen với cảm giác là chả làm gì chuột nữa rồi) nên liều chui sang tha miếng phomat về ngăn của mình đánh chén.

Trong trường hợp này, con người sẽ có khuynh hướng giống chuột hơn. Vì con người giỏi quan sát, nhận xét, rút kinh nghiệm và liều lĩnh vì lợi ích sống còn của mình.

* Thí nghiệm thứ ba:
Người ta cho hai con chuột đen và chuột trắng (vốn xa lạ nhau) để trong cùng một chiếc lồng rộng rãi, đẹp đẽ có kết hoa thơm cỏ lạ xung quanh, nước uống, thức ăn ngon lành luôn đầy đủ, âm nhạc, ánh sáng chan hòa. Chúng sống với nhau 15 ngày vô cùng hòa bình thân ái. Sau đó người ta chuyển chúng vào cái lồng chật hẹp, bẩn thỉu, tước bỏ hoa cỏ, âm nhạc, ánh sáng, thức ăn ngon... thay bằng ánh sáng mỏ hàn điện, phèng la và trống phách, đồ ăn thiu thối, thỉnh thoảng dí vào chuồng dòng điện cao thế khiến chúng giật bắn lên. Nửa ngày sau chúng lao ra cắn xé nhau, một con chết, một con tơi tả.

Con người chúng ta hằng thấy, lạ thay không giống như hai con chuột trong trường hợp này. Vì họ có thể sống với nhau rất tử tế, tương thân tương ái khi khó khăn gian khổ hoạn nạn nhưng lại rất dễ tranh giành cắn xé nhau lúc no đủ.
Hóa ra sự thay đổi hành vi của chuột là do thay đổi điều kiện môi trường sống, còn sự xuống cấp hành vi của con người với nhau là do suy đồi về môi trường văn hóa xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét