Tôi-Nguyễn Văn Thạnh-dù chưa giàu có nhưng xin đưa ra giải thưởng: ai "xuyên tạc" đượcđịnh luật bảo toàn năng lượng, xin liên lạc với tôi để nhận giải thưởng 1 triệu đôla.
Địa chỉ liên lạc:
K.s Nguyễn Văn Thạnh
54 Nguyễn Công Trứ-Sơn Trà-Đà Nẵng
ĐT: 0984,973,376
Email: thanhipi@gmail.com
K.s Nguyễn Văn Thạnh
54 Nguyễn Công Trứ-Sơn Trà-Đà Nẵng
ĐT: 0984,973,376
Email: thanhipi@gmail.com
Đây là một giải thưởng nghiêm túc và tôi hoàn toàn ý thức số tiền thưởng 1 triệu đôla là số lớn.
Không ai xuyên tạc được chân lý:
Tại sao tôi có thể tự tin để đưa ra giải thưởng như vậy? Đơn giản vì định luật bảo toàn năng lượng là một chân lý lớn của tự nhiên. Nó luôn luôn đúng, không ai có thể bóp méo, xuyên tạc được dù muốn. Dựa vào nguyên lý này mà ta có thể bác bỏ tất cả những ngụy biện về động cơ vĩnh cửu. Làm gì thì làm nhưng chắc chắn một điều là năng lượng không thể tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Thế thôi. Một người dân không cần giỏi nhưng dựa chắc vào nguyên lý này thì luôn có thể chống lại đám bậu sậu chuyên gia GS-TS nếu đám này bắt tay nhau vẽ ra đề án động cơ vĩnh cửu để lấy tiền ngân sách tiêu pha.
Câu chuyện xuyên tạc từ phía nhà cầm quyền:
Hiện nay trên báo đài chính thống của nhà nước, nhất là các tờ báo nhân dân, quân đội nhân dân, tạp chí cộng sản,… hay lặp đi lặp lại câu “thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc” hay là “xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước”. Tôi cũng vừa được người trong chính quyền cảnh báo “tiếp tục đọc một số bài của em trên trang Dân Luận, anh thấy em đang sa dần vào những lối suy nghĩ "ảo tưởng", đưa ra những lập luận thiếu căn cứ, phiến diện, xuyên tạc, dẫn dắt người đọc không hiểu biết, mù mờ về chính trị nhận thức không đúng về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không mang tính chất xây dựng, góp ý cho sự tốt đẹp của xã hội mà phê phán, đả kích, cổ xúy cho những phần tử xấu chống đối chế độ. Anh đề nghị em nên dừng lại kẻo muộn, nên quan tâm cuộc sống của chính gia đình mình, đừng để việc làm của mình làm khổ đến gia đình và bài học cho những "anh dân chủ" như Phạm Nguyễn Thanh Bình ở TP.HCM gần đây”.
Sự tiến hóa của văn minh:
Chúng ta đang sống của thế kỷ 21, một kỷ nguyên của hiện đại và văn minh. Để đạt được thành tựu như ngày hôm nay, loài người chúng ta đã trả qua thời kỳ mông muội, man rợ trong cả ăn ở lẫn đối xử nhau. Chúng ta tiến dần lên từ tình trạng ăn lông ở lỗ, dùng miệng xé, dùng tay bốc hốt. Ngày nay chúng ta có bàn ăn, dùng dao nĩa, thìa ăn lịch sự chứ không thể chấp nhận lối ăn như thế. May ra còn vài bộ tộc hoang dã ở châu Phi hay rừng Amazon là còn có thể ăn như vậy. Nhất quyết là người Việt Nam chúng ta dù còn nghèo, kém văn minh so với bè bạn năm châu nhưng không thể có lối ăn uống hoang dã như trên. Nghèo thì nghèo nhưng dân tộc ta đã “người” hơn trong lối sống.
Lĩnh vực chính trị cũng tiến bộ như vậy. Con người đi từ nô lệ, đày đọa nhau tiến đến xây dựng nhà nước, chính quyền và pháp luật để bảo đảm quyền sống của con người được tôn trọng hơn. Nhìn về lịch sử chính trị chúng ta thấy một bước tiến dài, từ khi con người chỉ là cỏ rác trong chế độ phong kiến thần dân tiến lên có thế đứng công dân trong chế độ cộng hòa.
Xưa, khắp địa cầu, từ châu Á đến châu Âu, người cầm quyền luôn tự xem mình là bậc cao hơn, minh triết hơn, hiểu biết hơn dân. Họ thường ra tay trấn áp, bắt bớ, bỏ tù thậm chí là hỏa thiêu (Bruno bị hỏa thiêu vì đưa ra thuyết Nhật Tâm đúng đắn) bất cứ ai có tiếng nói khác họ. Đây là lối suy nghĩ tự phụ và mông muội. Nó gây hại rất lớn cho sự tiến bộ của loài người.
Ngày nay, loài người văn minh đã không còn suy nghĩ và hành động như vậy. Bất kỳ ai, dù có thông minh như Rồng, họ vẫn luôn canh cánh một điều là mình có thể sai lầm. Bất kỳ xã hội văn minh nào cũng luôn luôn cảnh giác là đám đông chưa chắc đã đúng. Chính từ việc rút ra bài học đau thương từ quá khứ nên xã hội hiện đại đã chấp nhận bất cứ ai dù nghèo hèn, dốt nát hay quyền quí cao sang đều có quyền nói ra ý kiến của mình; gồm cả quyền chia sẻ, truyền thông ý kiến đó.
Lúc sinh thời, đại thi hào Voltaire đã đặc biệt đề cao giá trị quyền tự do ngôn luận qua câu nói bất hủ sau đây: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói ra những điều đó”. (có nguồn khác cho rằng câu nói này của nữ nhà văn Evelyn Beatrice Hall).
Nhờ thực hiện nguyên tắc tôn trọng quyền tự do ngôn luận trên mà các nước văn minh, người cầm quyền có thể xuất thân từ anh nông dân, từ luật sư, từ binh sĩ, từ thương nhân,… miễn tiếng nói của họ có lý và được đám đông lắng nghe. Trí tuệ của toàn dân được phát huy và sử dụng. Chính điều này góp phần đưa các quốc gia Âu-Mỹ tiến đến văn minh thịnh vượng hơn sau mỗi lần lâm vào bế tắc, khủng hoảng và họ cũng không đi vào sai lầm quá nghiêm trọng đến mức kiệt quệ mới nhận ra.
Các xứ văn minh đã xác quyết một điều “tự do ngôn luận là linh hồn của tự do”! Tự do ngôn luận không chỉ là quyền của con người mà còn là lợi ích của đất nước, của xã hội.
Chính quyền dân chủ không sợ và không thể kết tội xuyên tạc:
Ngày nay, chúng ta biết rằng, một chính quyền hợp pháp phải được xây dựng từ phiếu bầu của người dân. Người dân trong xã hội thì vô cùng đa dạng-chín người mười ý. Tuy nhiên để có thể vận hành được chính quyền, qui tắc dân chủ qui định là người thu được nhiều phiếu bầu nhất-nghĩa là được nhiều sự ủng hộ nhất là được nắm quyền. Ở các nước văn minh, một tổng tống lên nắm quyền cao lắm cũng chỉ khoảng 60-70% phiếu bầu, nghĩa là có rất nhiều người không đồng ý với quan điểm của ông ta hay bà ta.
Lịch sử cho thấy số đông không phải lúc nào cũng đúng với chân lý, do vậy họ chấp nhận quyền được nói của nhóm thiểu số còn lại. Ý kiến của nhóm này có thể là trái ngược với chính quyền, cái mà chúng ta hay gọi là xuyên tạc chống đối. Họ nói là việc của họ còn nghe hay không là việc của dân. Trừ khi tiếng nói họ là chân lý, dần có nhiều người nghe thì xã hội sẽ theo giải pháp của họ thông qua phiếu bầu. Đây ngoài là lối sống văn minh, tôn trọng quyền được mở miệng của người khác; còn là một cách thức để xã hội tránh những sai lầm thảm khốc. Chúng ta phải thừa nhận một điều là con người và cả đám đông không ai biết chân lý ở đâu cả. Người cầm quyền càng không thể võ đoán mình là người duy nhất biết chân lý, rồi độc quyền chân lý mà bắt người dân câm miệng. Lịch sử cho ta thấy rằng, người cầm quyền cũng là con người chứ không phải thánh thần, không có gì để bảo đảm rằng chủ trương đường lối họ đưa ra là chân lý, không có sai lầm.
Chúng ta hãy nghe lời phát biểu của Tổng thống Obama tại Phiên họp thứ 67 Đại hội đồng LHQ ngày 25/9/2012: “Là Tổng thống của Hoa Kỳ và Tổng tư lệnh của quân đội, tôi chấp nhận rằng mọi người sẽ réo tên tôi như những thứ xấu xa mỗi ngày – và tôi sẽ luôn luôn bảo vệ quyền để họ làm như vậy”; để thấy tư tưởng tôn trọng, bảo vệ quyền được mở miệng của người khác-của người nắm quyền tối cao ở các quốc gia hùng cường.
Tưởng niệm và lên tiếng:
Tôi định viết bài này để tưởng nhớ ngày mất của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường (13/6), một con người đã hết lòng vì dân vì nước-hiến tặng nhà cho chính quyền cách mạng, theo kháng chiến-nhưng bị truy bức đến đói kém cùng cực (xem tác phẩm “kẻ bị rút phép thông công”). Cuối cùng thì đề xuất của ông “cai quản đất nước theo luật thay vì nghị quyết Đảng”, ngày nay đã được chính quyền thực hiện. Đề xuất của ông hướng đến một “chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự” hoàn toàn là một chân lý trong chính trị của xã hội loài người. Ấy vậy mà những ngày ấy, những người nắm quyền sinh quyền sát trong tay cho ông là giúp thế lực thù địch “xuyên tạc chủ trương đường lối”. Họ tiến hành “đấu tố” ông, đày đọa ông (không ai là không rơi nước mắt khi đọc đến đoạn ông bán sạch đồ để có cái ăn, ông bị té xỉu vì đói), tước mất một cơ hội đúng đắn để giúp đất nước phát triển, nhân dân đỡ lầm than.
Nay tôi xuất bản bài viết này sớm hơn vì tin tức vụ án xử phạt công dân Phạm Nguyễn Thanh Bình 3 năm tù giam kèm quản chế 3 năm, tước quyền công dân chỉ vì anh này viết 8 bài báo mà theo kết luận của tòa là “mang nội dung tuyên truyền xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ”. Tôi cho rằng đây là một hành vi cường quyền, một lối hành xử còn sót lại của thời mông muội khi xưa.
Tôi cũng muốn nhắn gửi đến những người cầm quyền là hãy hành xử văn minh, tôn trọng quyền công dân và các điều ước đã ký với thế giới (Quyền tự do ngôn luận là một quyền căn bản trong Tuyên ngôn nhân quyền 1948, được tái khẳng định trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 mà chính phủ Việt Nam đã đặt bút ký kết gia nhập năm 1982). Quyền lực có thể bẻ cong công lý, che dấu sự thật nhưng quyền lực có lúc thịnh lúc suy, sự thật mãi là sự thật. Số phận, tiếng nói của một con người không thể xem thường để dùng quyền lực trấn áp, bỏ tù.
Hiện nay, truyền thông chính thống nhà nước nắm rất mạnh, một nhóm những con người ít ỏi, nhỏ bé chia sẻ nhau quan điểm trên các diễn đàn, các blog vô danh mà nhà nước không thừa nhận, rồi cho an ninh đi theo dõi, bắt bớ, điều tra, kết tội, bỏ tù họ, tôi cho đây là một hành vi nhỏ nhen và không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Nếu chính quyền này đang quản lý xã hội theo đúng chân lý hay hợp lòng dân, được số đông ủng hộ thì không việc gì phải sợ ai đó xuyên tạc. (Trừ khi bất chính hoặc không được lòng dân).
Tôi cũng có lời đề nghị bạn hữu yêu tự do ngôn luận, đang thể hiện chính kiến trên các blog, diễn đàn,… hãy lên tiếng mạnh mẽ để phản đối vụ án này. Chúng ta bảo vệ người lên tiếng cũng chính là bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình. Chúng ta im lặng thì hoàn toàn có thể người tiếp theo phải nhập kho là chúng ta.
Nguyễn Văn Thạnh
http://toilentieng.blogspot.com
Bài tiếp: Quyền con người - kinh nghiệm từ tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét