Thiền Lâm, gửi RFA từ Việt Nam
Những tín hiệu trầm ẩn nhưng không kém thú vị luôn có thể được tiết lộ trong bầu không khí khó nhận thức.
Nhân quyền - một chủ đề thường gây tranh cãi và xung khắc ở Việt Nam - dường như đang có cơ may được đổi mới hơn, ít ra cũng trên phương diện nhận thức đối nội, được khởi sự với một trong những biểu hiện liên quan đến tờ báo mang tính “nhân dân”.
Nhân dân - cơ quan phát ngôn của Đảng cộng sản Việt Nam - lại vừa đăng tải một bài xã luận liên quan đến phương diện đối ngoại mà người dân cùng giới nghiên cứu bình luận chính trị quốc tế và trong nước không nên bỏ qua cơ hội phân tích thú vị này.
Ngôi thứ ba số ít?
Chỉ một ngày sau sự việc Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) lên tiếng “phản bác chỉ trích của Việt Nam” liên quan đến trường hợp blogger Huỳnh Ngọc Chênh đi Pháp nhận giải thưởng “Công dân mạng 2013” nhân Ngày thế giới chống kiểm duyệt Internet, báo Nhân dân đã đăng bài “Khi RSF thiếu thiện chí, lẫn tránh sự thật!”.
Bài báo trên cũng nhắc lại một bài viết trên cùng báo Nhân dân ““Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?”, đăng tải ngày 15/30213 về “phê phán một vài tổ chức nước ngoài trao giải thưởng cho một số blogger ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, một chi tiết đáng chú tâm là toàn bộ nội dung của bài đăng mới nhất trên tờ Nhân dân “Khi RSF thiếu thiện chí, lẫn tránh sự thật!” đã không hề nêu đích danh những blogger nào được nhận giải thưởng từ RSF, IFEX và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
“Minh bạch” hơn nhiều, bài ““Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?” trước đó mười ngày đã điềm chỉ rất cụ thể: “Huỳnh Ngọc Chênh được RSF - một tổ chức phi chính phủ thành lập tại Pháp vào năm 1985 với nhiệm vụ cổ súy cho tự do báo chí và tự do ngôn luận kiểu phương Tây, trao giải “Công dân mạng 2013” nhân Ngày thế giới chống kiểm duyệt Internet (12-3). Nguyễn Hoàng Vi được Tổ chức “Tự do ngôn luận quốc tế” (IFEX), có trụ sở ở Canada, “vinh danh” là một trong bảy phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận; riêng Tạ Phong Tần là một trong chín phụ nữ được Bộ ngoại giao Mỹ trao giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới năm 2013”.
Nhưng lại có vẻ kém minh bạch hơn, bài xã luận gần nhất của tờ Nhân Dân đã bỏ qua khá nhiều chi tiết về “nhân thân” của RSF, liên quan đến hành vi “bị tố cáo nhận hàng trăm nghìn USD từ các tổ chức phản động lưu vong người gốc Cuba”, “nhận tiền từ các tổ chức, cá nhân để tham gia các hoạt động lật đổ Tổng thống Haiti J.B.Aristide trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này năm 2004” - cũng là những nội dung đã được mô tả cặn kẽ trong một bài viết khác - “RSF lại trắng trợn vu cáo và bịa đặt” - đăng trên báo Nhân dân vào ngày 4/2/2013.
Còn bài “Khi RSF thiếu thiện chí, lẫn tránh sự thật!” ngày 25/3 chỉ giữ lại một nội dung ngắn về “tiền án” của RSF như mối quan hệ giữa tổ chức này với nhà tỷ phú Mỹ George Soros và Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy), được xem là “tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách của Hoa Kỳ và thuộc Bộ ngoại giao Mỹ”.
Đáng chú ý, phần “tiền án” trên lại được trích dẫn từ nguồn Wikipedia, thay vì “theo báo cáo của cơ quan chức năng” như thường thể hiện trước đây trong nhiều bài xã luận “phản tuyên truyền” trên các báo đảng.
Đối tác chiến lược
Blogger Nguyễn Hoàng Vi. Photo courtesy of Dân Làm Báo.
Vị trí và chức trách của Bộ ngoại giao Mỹ cũng vì thế đang có cơ hội được cải thiện trên bảng xếp hạng đối tác về quyền làm người của Nhà nước Việt Nam.
Thay cho nội dung “RSF, IFEX và Bộ ngoại giao Mỹ đã bỏ qua, thậm chí đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và ý nghĩa ban đầu của các giải thưởng” trong bài “Vinh danh” hay tiếp tay cho cái xấu?”, bài xã luận ngày 25/3 chỉ “phản biện” một cách nhẹ nhàng “Việc chọn lọc các nước mang định hướng của sự chọn lọc từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ”.
Được biết, nếu không có gì thay đổi, mối bang giao Việt - Mỹ sẽ được “định hướng” bởi động thái tiếp nối với cuộc họp về đối thoại nhân quyền vào giữa tháng 4/2013.
Trước đó, cuộc họp này đã bị hoãn lại vào cuối tháng Chạp năm ngoái.
Tháng 12/2012 cũng có vẻ đánh dấu cho mốc thời gian về chuyển trạng thái đối ngoại. Vụ bắt giữ một luật sư Việt Nam là Lê Quốc Quân vào những ngày sát cuối năm dương lịch đã trở thành sự kiện câu lưu cuối cùng gây phản ứng quốc tế, nếu tính đến thời điểm này.
Đầu năm dương lịch 2013, sau chuyến đi thăm Vương quốc Anh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam, chuỗi ngày sát Tết Nguyên Đán của dân tộc đã chứng kiến liên tiếp hai sự kiện thả người đối với Việt kiều Nguyễn Quốc Quân và một người trong nước là luật sư Lê Công Định.
“Mấy tổ chức phản động như Việt Tân, đảng Dân chủ Việt Nam… cùng mấy cơ quan truyền thông VOA, BBC, RFA, RFI… và một số blog của các đối tượng chống đối” - như cách xác quyết đầy mạnh mẽ thường thấy trong nhiều bài xã luận trước đây trên tờ Nhân Dân, lại không xuất hiện trong bài viết mới nhất vào ngày 25/3 cũng trên tờ báo này.
Thay cho hàng loạt từ ngữ “chống đối, thù địch, vu cáo, vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, đội lốt…”, bài xã luận mới nhất trên Nhân Dân chỉ khuôn gọn cách miêu tả “trơ tráo, dối trá, xấu hổ” đối với RSF, như một khẩu khí vào thời mối quan hệ Việt - Mỹ còn nồng thắm.
Sự thay đổi khá rõ rệt về liều lượng chỉ trích như trên có thể khiến dư luận liên tưởng đến một sự kiện quan yếu không kém ẩn ý, diễn ra vào thượng tuần tháng 3/2013: Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đến Paris để hội kiến với người tương nhiệm Laurent Fabius. Sau cuộc hội kiến này, hai ngoại trưởng đã ra thông cáo chung về việc sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” trong năm 2013. Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước cũng sẽ được sắp xếp, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao.
Trong quá khứ, ba đời thủ tướng liên tiếp là Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đều đã viếng thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Riêng Thủ tướng NguyễnTấn Dũng đã trở thành lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam đề cập đến vấn đề chủ quyền Biển Đông và sự cần thiết phải có Luật biểu tình, diễn ra trước Quốc hội vào tháng 11/2011.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề Biển Đông, bản thông cáo chung Pháp - Việt còn cho thấy những người mang biểu tượng Gaulois cũng hết sức quan tâm đến việc “thúc đẩy nhà nước pháp quyền và quyền con người” trong tinh thần đối thoại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Ngay sau bản thông cáo trên, một hành động kinh tế đã được thúc đẩy là Sanofi - tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới - quyết định đầu tư 75 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
“Đối thoại ngoài lề”?
'Phụ nữ can đảm của quốc tế' Tạ Phong Tần. Photo courtesy of danlentieng.wordpress.com.
Tháng 3/2013 cũng là thời gian diễn ra khá cấp tập những sự kiện đáng lưu tâm khác trên phương diện đối ngoại và đối thoại.
Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế được đặt chân đến Việt Nam. Không những thế, tổ chức này còn được làm việc với những “đối tượng” mà họ đề nghị đích danh với chính quyền sở tại.
Ngay trước chuyến đi Pháp của ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã lần thứ hai đến Việt Nam và có một cuộc hội kiến đáng ghi nhận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không khác triển vọng với Pháp, mối quan hệ Việt - Anh đã được ông Dũng “đánh giá cao những đóng góp của ông Tony Blair trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm đối tác chiến lược”.
Vô hình trung cùng với Bộ ngoại giao Mỹ, thân phận của Đài BBC cũng được “vươn lên một tầm cao mới”, thay cho nỗi ám ảnh bị phá sóng luôn thường trực trong dĩ vãng.
Trong xã luận ngày 25/3, báo Nhân Dân khuyến nghị “Muốn biết rõ sự thật, người ở RSF nên đọc bài về một blogger nổi tiếng ở Việt Nam đã đăng trên BBC tiếng Việt ngày 14/3 (2013)”.
Là một lần rất hiếm hoi, BBC Việt ngữ được báo Nhân Dân đề cập một cách thân thiện và còn mang hơi hướng của lòng thân ái.
Còn “blogger nổi tiếng” trên là ai?
Lần đầu tiên từ trước tới nay, một blog thuộc “lề dân” được báo đảng dẫn trích không bởi thái độ cay cú và hằn học. Nguyễn Hữu Vinh - chủ trang blog Anhbasam - cũng trở thành trường hợp hoàn toàn chưa có tiền lệ khi được báo đảng ưu ái.
Vượt qua toàn bộ 700 tờ báo “lề phải” ở Việt Nam, Nhân dân có thể là địa chỉ đầu tiên “định hướng” về cách nhìn và cả một cách ứng xử nào đó về “đối thoại ngoài lề” với giới truyền thông xã hội - đối tượng mà thời gian qua vẫn bị “đặt ngoài vòng pháp luật”.
Cũng cần nhắc lại, trước khi ra Hà Nội nhậm chức trưởng ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh đã là một trong hiếm hoi lãnh đạo bày tỏ thái độ cởi mở hơn đối với giới truyền thông lề dân.
Ôn hòa?
Một hoạt động có liên quan với giới truyền thông lề dân là vào ngày 21/3/2013, phát biểu trước tiểu ban ngoại giao Thượng nghị viện Mỹ, Phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Nam Á Dan Baer đã bày tỏ quan ngại về sự “thụt lùi” của Việt Nam về mặt nhân quyền, liên quan đến cách đối xử của Hà Nội đối với các blogger bị truy tố về những điều luật liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo đó, cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được dự kiến sẽ nối lại vào giữa tháng 4/2013, sau khi bị “thụt lùi” vào cuối năm 2012.
Một tuần sau dự kiến trên của Bộ ngoại giao Mỹ, trong một hội nghị của Mặt trận tổ quốc Việt Nam lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia… góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước - đã cho rằng “Cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều để xây dựng Hiến pháp”.
Không khác mấy lời xác nhận của ông Nguyễn Hữu Vinh - chủ trang blog Anhbasam - về việc “Tất cả yêu cầu của họ có tính chất nhẹ nhàng thôi, nhẹ nhàng, lịch sự…” đăng trên BBC Việt ngữ và được tường thuật lại trong bài “Khi RSF thiếu thiện chí, lẫn tránh sự thật!” trên báo Nhân Dân, cũng đã có những xác nhận khác từ một số nhân sĩ, trí thức đã ký tên trong “Hiến pháp 72” về thái độ chừng mực, ôn hòa và còn có phần cầu thị của cơ quan an ninh khi “thăm hỏi” những vị này trong thời gian gần đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét