Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

(REPOST) “Mổ xẻ” kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn của Nhật Bản


Nhật Bản đã triển khai các hỏa tiễn đánh chặn Patriot tại thủ đô Tokyo để bảo vệ khoảng 30 triệu cư dân của thành phố trước bất kỳ một cuộc tấn công nào từ Tiều Tiên. Liệu Tokyo có bắn hạ hỏa tiễn của Bình Nhưỡng?

Một binh sĩ Nhật đứng gác gần bệ phóng hỏa tiễn PAC-3 cạnh trụ sở Bộ quốc phòng ở Tokyo.
Một binh sĩ Nhật đứng gác gần bệ phóng hỏa tiễn PAC-3 cạnh trụ sở Bộ quốc phòng ở Tokyo.

Tiềm lực của quân đội Nhật Bản?

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có tổng cộng gần 250.000 quân nhân. Tính tới tháng 3/2012, Nhật Bản có 143 tàu quân sự và 420 máy bay chiến đấu. Tokyo đã chi khoảng 50 tỷ USD cho quân đội mỗi năm, tương đương với khoảng 1% GDP.

Quân đội Nhật Bản được trang bị và huấn luyện tốt, và tận dụng tốt công nghệ.

Mỹ hiện có khoảng 47.000 quân nhân đồn trú tại Nhật Bản, kèm theo nhiều thiết bị quân sự.

Nhật Bản đã triển khai 2 tàu khu trục Aegis, mỗi bờ biển bố trí một tàu, được trang bị các hệ thống cảnh báo radar tiên tiến để theo dõi các vụ phóng hỏa tiễn.


Nhật Bản đã làm gì để phòng thủ trước hỏa tiễn của Triều Tiên?

4 tàu khu trục Aegis thường tuần tra vùng biển quanh quần đảo. Hiện tại, 2 trong số đó đang có mặt tại biển Nhật Bản.

Có 16 khẩu đội phóng hỏa tiễn Patriot (PAC-3) đặt tại 4 khu vực khác nhau của Nhật Bản. Số bệ phóng PAC-3 đơn lẻ được cho là 28. Lực lượng Mỹ tại Okinawa được cho là có 24 bệ phóng khác.

Ðể đề phòng vụ phóng của Triều Tiên, 4 khẩu đội PAC-3 đã được di chuyển tới trụ sở Bộ quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo và 3 căn cứ quân sự quanh thủ đô.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận cảnh báo rằng công nghệ hỏa tiễn gần đây nhất của Triều Tiên cho phép họ phóng từ phía sau một bệ phóng di động. Ðiều này có thể khiến bất kỳ hỏa tiễn nào của Triều Tiên đang lại gần trở nên khó đánh chặn hơn vì khó tính toán đường đi của hỏa tiễn hơn.


Trong những trường hợp nào Nhật Bản có thể bắn hạ hỏa tiễn Triều Tiên?

Luật pháp Nhật Bản cho phép quân đội bắn hạ một hỏa tiễn của Triều Tiên trên bầu trời lãnh thổ nước này hoặc bên trên vùng biển khi nó đang tiến tới lãnh thổ Nhật Bản hoặc được cho là có thể gây nguy hiểm cho người dân và tài sản của Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho hay Nhật Bản không có khả năng trở thành mục tiêu của bất kỳ vụ phóng nào, nhưng các sự cố kỹ thuật hoặc công nghệ của hỏa tiễn Triều Tiên được phóng vào Thái Bình Dương có thể khiến tên lửa hoặc các bộ phận của hỏa tiễn rơi xuống Nhật Bản.

Tình huống bất ngờ đó có thể xảy ra và Tokyo đang cảnh giác trước điều đó.


Ðiều gì đã xảy ra trong các vụ phóng trước đây của Triều Tiên?
Triều Tiên đã phóng một hỏa tiễn mà không đưa ra cảnh báo nào vào ngày 31/8/1998 mà nước này khẳng định là một nỗ lực nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Tầng đầu của hỏa tiễn đã rơi xuống biển Nhật Bản và tầng thứ 2 bay ra đảo Honshu và rơi xuống Thái Bình Dương.
Vụ phóng đó khiến Nhật Bản quyết định triển khai các tàu khu trục Aegis được trang bị hỏa tiễn đánh chặn SM-3 trên biển và hỏa tiễn đất đối không Patriot trên đất liền vào năm 2003.
Ngày 27/3/2009, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã ký lệnh bắn hạ lần đầu tiên để đối phó với sự chuẩn bị của Triều Tiên nhằm phóng một hỏa tiễn.
Hỏa tiễn đó đã được phóng vào ngày 5/8, bay hàng trăm km trên bầu trời vùng đông bắc Nhật Bản. Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã không đánh chặn nó.

Vào ngày 30/3/2012, một lệnh bắn hạ khác đã được đưa ra khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng một vệ tinh. Tuy nhiên, vệ tinh tầm xa đã phát nổ ngay sau khi được phóng lên ngày 13/4.

Một lệnh bắn hạ thứ 3 được ký vào ngày 7/12/2012, khi Triều Tiên sẵn sàng cho một hỏa tiễn, vốn bay về phía nam qua quần đảo Okinawa 5 ngày sau đó.

Hỏa tiễn đã bay qua quần đảo Okinawa ngoài phạm vi của các hỏa tiễn đánh chặn SM-3 và PAC-3 của Nhật Bản.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản đã ra lệnh bắn hạ hỏa tiễn mới nhất vào ngày 7/4.


Chuyện gì sẽ xảy ra trong lần phóng này?

Toshimitsu Shigemura, giáo sư tại Ðại học Waseda ở Tokyo và là một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, cho hay Triều Tiên không nhắm tên lửa vào Nhật Bản.

“Theo luật quốc tế, Nhật Bản có quyền bắn hạ một hỏa tiễn đang bay qua nước này nếu nó được phóng mà không có cảnh báo trước. Triều Tiên có thể chỉ trích Nhật Bản vì một hành động như vậy, nhưng có thể không làm gì hơn”, ông Shigemura nói.

Masao Okonogi, một giáo sư danh dự tại Ðại học Keio, cho rằng Triều Tiên có thể nhắm hỏa tiễn về phía đảo Guam hoặc Hawaii.

“Ít có khả năng các phần của hỏa tiễn sẽ rơi xuống Nhật Bản. Những mảnh vỡ như vậy sẽ cháy trên không, vì thế nhiều khả năng chúng không rơi xuống lãnh thổ Nhật”, ông Okonogi nhận định.

“Tuy nhiên, nếu hỏa tiễn được bắn về phía Nhật Bản, đó là một hành động quân sự rõ ràng và trong trường hợp đó Nhật Bản chắc chắn sẽ bắn hạ nó”.

An BìnhTổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét