Mỗi năm Hoa Kỳ nhận khoảng 40,000 người tị nạn chính trị, Anh quốc nhận 30,000 và Canada nhận 25,000. Người tị nạn được cứu xét qua 3 tiêu chuẩn: một là người này phải chứng minh mình lo sợ bị ngược đãi; hai là sự ngược đãi này xảy ra vì 1 trong 5 nguyên nhân: chủng tộc, tín ngưỡng, quốc tịch, quan điểm chính trị, và giai tầng xã hội; ba là người tị nạn phải chứng minh chính phủ nguyên quán can dự vào việc ngược đãi, hoặc không có khả năng ngăn cản việc ngược đãi.
Với 3 tiêu chuẩn khe khắt đến như vậy, mà trong năm 2012 đã có đến 9,541 người Hoa được nhận vào Hoa Kỳ, chiếm tỉ lệ 23.8% tổng số người tị nạn Hoa Kỳ thu nhận trong năm. Lân quốc Mexico, ở sát nách Hoa Kỳ, mà chỉ có 418 người tị nạn chính trị được nhận; Haiti, một đảo quốc khốn khổ vì thiên tai và vì nhân nạn, cũng chỉ có 543 người được vào sống tại Hoa Kỳ với tư cách tị nạn chính trị; Ấn Độ quốc gia đông dân hạng nhì trên thế giới cũng chỉ có 355 người được phép vào định cư tại Hoa Kỳ.
Những con số so sánh này đưa đến câu hỏi: người Tầu làm cách nào để được biệt đãi trong chính sách tị nạn chính trị đến như vậy? Câu trả lời: người Tầu không bao giờ tiết lộ bí quyết của họ, dù bí quyết đó là nghề hốt thuốc Bắc, nghề muối cá mặn, nghề làm trứng bát thảo, hay nghề ngâm con tôm cho giòn trong dĩa tôm xào.
Truyền thống giấu nghề của người Tầu quá đáng đến mức họ không truyền nghề cho con gái, vì sợ anh con rể ngoại tộc học lóm bí mật của vợ khiến bí mật lan rộng.
Anh phóng viên Tony Freemantle, phần vì tò mò, phần vì không biết rõ truyền thống bảo mật của người Hoa nên lọ mọ vào đường Bellaire tìm bí mật Tầu. Anh vào những tiệm bóp bàn chân của người Tầu, vì biết rằng nhiều thím xẩm đang ngày ngày bóp chân đàn ông đã được phép cư trú thường trực tại Hoa Kỳ với tư cách người tị nạn chính trị.
Freemantle viết, “những cô thợ bóp chân hành nghề trong khu “chợ Tầu” phát đạt, không chia sẻ kinh nghiệm di dân của họ với người lạ, mặc dù giữa họ với nhau thì những chuyện bí mật đó chẳng bí mật tí nào”.
Bí mật chỉ riêng đối với ngoại nhân mà không bí mật giữa người Tầu với nhau, vì mọi người Tầu đều chia chung điều họ giấu kín này: họ xin tị nạn chính trị trong lúc nguyên nhân thật sự là họ chạy trốn nghèo đói, chậm tiến, và độc tài, 3 trong vài chục ách nạn mà 1,354,040,000 người Tầu đang cùng chịu chung với nhau.
Luật tị nạn của Hoa Kỳ gọi việc chạy trốn cuộc sống nghèo khổ là tị nạn kinh tế, ách nạn chung của người Tầu và đa số dân trên thế giới; một số lượng lên đến vài tỉ người mà lãnh thổ Hoa Kỳ không đủ chỗ đón nhận.
Tuy nhiên, người Tầu có một nguyên nhân chính trị mà họ tận dụng là đạo luật “mỗi gia đình chỉ được quyền có một đứa con”.
Nhiều phụ nữ Trung Hoa khai là họ muốn sang Mỹ sống để không phải phá thai; nguyên nhân tị nạn này không những đúng mà còn nhân đạo, phù hợp với quan điểm “pro-life” của một nửa người Hoa Kỳ. Một số người khác khai là họ bị chính phủ Trung Cộng ngược đãi vì họ theo đạo Thiên Chúa, hay đạo Pháp Luân Công.
Một phụ nữ Trung Hoa, 37 tuổi, làm công trong một tiệm bóp chân trên đường Bellaire, xác nhận vợ chồng bà được định cư tại Houston vì họ khai là họ muốn có thêm con cái; nhưng sau 5 năm sống tại đây, họ cũng vẫn chỉ có một đứa con trai, năm nay 13 tuổi.
Giải thích tại sao bà không có thêm đứa con nào nữa, thiếu phụ này than thở, “trong cuộc sống bận rộn tại Hoa Kỳ việc nuôi con đòi hỏi tôi phải ở nhà 2 năm trời, không đi làm được; mà không làm thì tiền đâu mà sống”. Ông chồng bà ta cũng làm nghề bóp chân.
Bà xác nhận với anh phóng viên là bà không muốn rời bỏ quê hương, nhưng cuộc sống tại Trung Quốc quá khó khăn. “Sinh kế tại Hoa Kỳ dễ dàng hơn nhiều,” bà nhận xét.
Một học giả gốc Hoa -giáo sư Peter Kwong, dạy trường Hunter College tại City University of New York- viết, “Điều bí mật của người di dân Trung Hoa là loại bí mật phổ cập, ai cũng biết. Không luật sư nào, không thẩm phán nào không biết là những điều man khai đó”.
Trong dư luận Trung Hoa, điều bí mật này được công khai thảo luận trên mạng. Có người nêu lên câu hỏi trên mạng Baidu, “Nguyên nhân nào giúp nhiều người Hoa được nhận làm thường trú nhân tại Hoa Kỳ qua ngõ tị nạn chính trị?” Một người khác giải đáp, “Vì người Mỹ vẫn còn sống trong dĩ vãng, sống với cuộc chiến tranh lạnh; họ bảo vệ những người Hoa, người Nga tự xưng là chống chính phủ”.
Điều chỉ trích này mang tính chính trị nhìn theo quan điểm của một người Hoa, tuy nhiên tị nạn chính trị cũng còn nằm trên địa hạt pháp luật nữa; năm 2010 bà luật sư Shelly Winn tại Houston và 2 cộng tác viên bị tòa xử án treo vì làm 70 hồ sơ ma cho người tị nạn Trung Hoa tự xưng là tín đồ Thiên Chúa giáo bị chính phủ Trung Cộng đàn áp.
Viên chức điều tra cáo buộc bà Elizabeth Jones, văn phòng trưởng của bà Winn, và cô tiếp viên Honglian Feng phân phối cho thân chủ tài liệu “hiểu biết căn bản về đạo Thiên Chúa” và huấn luyện họ đối phó với kỹ thuật chất vấn của nhân viên sở Di Trú.
Cáo trạng truy tố mô tả 2 người phụ tá luật sư này là “tiểu thuyết gia”, vì họ viết cho thân chủ những giai thoại giả tưởng, mô tả việc họ bị chính phủ Trung Cộng ngược đãi vì theo công giáo.
Giáo sư Kwong cho là người di dân có nhiều tiềm năng qua mặt luật di trú. Ông viết, “Ra tòa, nếu đơn xin tị nạn bị bác, người di dân vẫn không bị trục xuất trong lúc chống án; nếu chống án thất bại, họ vẫn có quyền ở lại để phá án. Tất cả những thủ tục đó kéo dài từ 5 đến 6 năm; khoảng thời gian đủ để họ tìm được một lối định cư nào khác đó tại Hoa Kỳ”.
Nghề bóp chân rất thuận lợi cho người tị nạn chính trị Trung Hoa; thuận lợi thứ nhất là nghề này không đòi hỏi phải có license của tiểu bang như nghề massage toàn thân; thuận lợi thứ nhì là lợi nhuận cũng tương đối khá.
Tiệm bóp chân “xạc” khách $20, rồi ăn chia với thợ 50/50; cô thợ được $10 và được típ của khách. Nhiều cô làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Nội dung bài báo này là lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất nêu lên, câu “người Tầu làm cách nào để được biệt đãi trong chính sách tị nạn chính trị đến như vậy?” câu hỏi thứ nhì cần đặt ra trên địa bàn “tị nạn chính trị” là “tại sao Việt Nam không có tên trong danh sách tị nạn chính trị trong lúc chúng ta có vô vàn nạn nhân bị đàn áp chính trị thật sự?” Những người đang bỏ Cồn Dầu trống đi chẳng hạn.
Cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ rất năng nổ trong hoạt động yểm trợ những cuộc tranh đấu chính trị tại quốc nội có bỏ quên cánh cửa “tị nạn chính trị” quan trọng này không?
Nguyễn đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét