Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Vì sao độc tài không thích trò cười


Srdja POPOVIC, Mladen JOKSIC, Foreign Policy
Ngọc Hoà chuyển ngữ
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trên khắp thế giới phát hiện ra rằng sự hài hước là một trong những vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa toàn trị.
Srdja Popovic là giám đốc điều hành của Trung tâm Áp dụng Chiến lược và Cách Hành xử Bất Bạo Động (CANVAS) và là người đồng sáng lập nhóm ủng hộ dân chủ Otpor của Serbia. Ông cũng là Lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới khóa 2013.
Mladen Joksic làm việc cho Hội đồng Nhân đạo Carnegie trên các vấn đề quốc tế và là một nhà hoạt động của nhóm Otpor.
Mười lăm năm trước đây, khi phong trào ủng hộ dân chủ bất bạo động có tên là Otpor của Serbia chỉ là một nhóm nhỏ gồm 20 sinh viên và $50, chúng tôi quyết định giở một trò đùa. Chúng tôi lấy một thùng dầu, dán một hình ảnh của nhà độc tài Slobodan Milosevic của Serbia lên trên và đặt nó ở ngay giữa trung tâm khu phố mua sắm lớn nhất của Belgrade. Chúng tôi đặt một cây gậy bóng chày ở bên cạnh đó. Rồi chúng tôi đi uống cà phê, ngồi xuống để theo dõi trò đùa mở màn. Không bao lâu sau, hàng chục người đi mua sắm xếp hàng dài trên phố, từng người một chờ đợi một cơ hội để có thể dùng gậy đánh “Milosevic” – kẻ bị rất nhiều người khinh miệt, mà hầu hết không ai dám chỉ trích vì quá sợ hãi. Khoảng 30 phút sau, cảnh sát đến. Khi đó chúng tôi nín thở chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cảnh sát của Milosevic sẽ làm gì? Họ có thể bắt giữ những người mua sắm, nhưng vì cớ gì? Họ cũng không thể bắt giữ thủ phạm vì chẳng thấy chúng tôi ở đâu cả. Cảnh sát của Milosevic rốt cuộc đã làm gì? Điều duy nhất mà họ có thể làm là: bắt giữ cái thùng. Hình ảnh hai viên cảnh sát nhét cái thùng vào trong xe cảnh sát là bức ảnh ấn tượng nhất ở Serbia trong nhiều tháng. Milosevic và bè đảng của ông ta trở thành trò cười của dân tộc, còn Otpor trở thành thương hiệu của mọi nhà.

Trò đùa nổi tiếng của Otpor: “Cái thùng Slobodan Milošević” (Ảnh: Internet)
Cách mạng là một hoạt động nghiêm túc. Chỉ cần nhớ lại những khuôn mặt cộc cằn của các nhà cách mạng thế kỷ 20 như Lenin, Mao, Fidel và Che. Họ hiếm khi có thể nở một nụ cười. Nhưng tiến nhanh về phía các cuộc biểu tình của thế kỷ 21, bạn sẽ thấy một hình thức mới của chủ nghĩa hành động đang phát huy tác dụng. Sự cáu kỉnh đáng sợ của các cuộc cách mạng trong quá khứ được thay thế bằng sự hài hước và châm biếm. Các nhà hoạt động bất bạo động ngày nay đang khuyến khích một sự thay đổi chiến thuật biểu tình từ sự giận dữ, oán giận, và thịnh nộ sang một hình thái mới sắc bén hơn, bắt nguồn từ trò đùa, còn gọi là: “Chủ nghĩa đấu tranh bằng tiếng cười” (laughtivism).
Chỉ cần lấy ví dụ Trung Đông và Bắc Phi, nơi những người biểu tình bất bạo động đang sử dụng tiếng cười và sự hài hước để thúc đẩy những lời kêu gọi dân chủ của họ. Tại Tunisia, vào tháng Giêng năm 2011, vào lúc cao điểm của các cuộc biểu tình chống lại Ben Ali, một người đàn ông duy nhất – sau này trở thành bất hủ như một siêu anh hùng, còn gọi là Thủ lĩnh Bánh mì (Captain Khobza) – chống trả lại những kẻ trung thành với Ben Ali bằng tài hóm hỉnh sắc bén và bánh mì baguette của Pháp. Tại Ai Cập, một video kỳ dị mô tả Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsy như nhân vật Super Mario của trò chơi điện tử đang phát tán trên YouTube trong tháng ba này. Ở Sudan, các sinh viên chế giễu nhà độc tài Omar al-Bashir của Sudan bằng các cuộc biểu tình “liếm khuỷu tay” – một thuật ngữ liên quan đến lời xúc phạm mà ông này sử dụng để bôi nhọ phe đối lập dân chủ. Ngay cả tại Syria – nơi cuộc nội chiến đã cướp đi 70.000 tính mạng – các hình vẽ graffiti trào phúng và khẩu hiệu chua cay chống lại Assad đã gây kích thích các cuộc biểu tình đường phố.
Trong trường hợp cần nhắc lại để ai cũng biết, sự dính lứu đến chính trị của các diễn viên hài ở Trung Đông gần đây gây chú ý qua việc chính quyền Ai Cập quyết định đưa ra cáo buộc hình sự đối với chủ nhiệm của các buổi nói chuyện truyền hình, ông Bassem Youssef (người đàn ông thường được mô tả như là “gã Jon Stewart của Ai Cập”). Hành động của chính phủ Mohamed Morsy xác nhận rằng sự hài hước có khả năng khiến cho các thế lực cầm quyền bối rối. (Vào thời điểm này, ông Youssef vẫn được tại ngoại.)
Nhưng cách áp dụng chiến lược hài hước không chỉ giới hạn riêng ở Trung Đông và Bắc Phi. Tại Hoa Kỳ, các biểu tình viên “Chiếm Phố Wall” thường xuyên sử dụng sự hài hước để chế giễu các công ty Mỹ. Ai có thể quên những người biểu tình gây tức cười bằng cách cải trang thành các chú hề đấu bò tót đang thuần hóa tượng bò tót huyền thoại của phố Wall? Ngay cả ở Tây Ban Nha, nơi người biểu tình bị gọi là “những kẻ tức tối” (Indignados), tiếng cười là một vũ khí hiệu nghiệm. Các cuộc biểu diễn sân khấu trào phúng, cuộc huy động đám đông chớp nhoáng (flash mob), và sự bùng nổ dường như tự phát của ca hát và nhảy múa trở thành điểm nổi bật của phong trào chống chủ nghĩa tư bản ở Tây Ban Nha, giúp giảm căng thẳng và duy trì lòng nhiệt tình trong hai năm và hơn nữa. Người Nga cũng đã truyền tiếng cười vào các cuộc biểu tình của họ – bằng cách sử dụng tất cả mọi thứ từ bao cao su, con trăn, đồ dùng bệnh viện tâm thần, thậm chí cả đồ chơi Lego để chọc cười Putin.
Có một lý do tại sao sự hài hước được truyền vào kho vũ khí của người biểu tình ở thế kỷ 21: Nó hiệu nghiệm. Đối với mọi người, sự hài hước phá vỡ nỗi sợ hãi và xây dựng lòng tin. Nó cũng bổ sung thêm một yếu tố giảm nhiệt cần thiết, giúp các phong trào thu hút thành viên mới. Sau cùng, sự hài hước có thể kích động những phản ứng vụng về từ phía những kẻ chống lại phong trào. Các hành vi tuyệt vời nhất của trò cười buộc các đối tượng của nó rơi vào kịch bản cùng mất, xói mòn độ tin cậy của một chế độ bất kể nó phản ứng ra sao. Những hành động này không chỉ vượt qua ranh giới của trò đùa, chúng ăn mòn chất vữa giúp các nhà độc tài tồn tại: nỗi sợ hãi.
Hãy trở lại với Ai Cập thêm một lần nữa. Trong nhiều thập kỷ, Ai Cập của ông Mubarak là một quốc gia mà ở nơi đó đối lập chính trị bị dập tắt bởi bàn tay lạm dụng quyền xử phạt, bắt giữ và giết người bằng công cụ nhà nước. Mubarak sống trên nỗi sợ hãi đó, và ông ta có mọi lý do để hy vọng rằng có thể sử dụng nó để đè bẹp các cuộc biểu tình nổi lên từ gót chân của cuộc cách mạng Tunisia vào đầu năm 2011. Đó là lý do tại sao ông ta tố cáo người biểu tình phục vụ “các kế hoạch nước ngoài.” Nhưng thay vì mắc mưu chế độ, các nhà hoạt động thành công trong việc sử dụng văn hóa sợ hãi của Mubarak để chống lại ông ta. Trong những ngày đầu của cuộc biểu tình chống Mubarak, các nhà hoạt động đã mang đến Quảng trường Tahrir các máy tính xách tay thông thường với lời khiếu nại khéo léo: Họ đã để các kế hoạch nước ngoài của họ ở nhà. Sự thách thức của họ lan rộng nhanh chóng ra khỏi Quảng trường Tahrir, thường được thúc đẩy bởi các phương tiện truyền thông mới. Một thông điệp máy tính mô tả dòng chữ “Cài đặt Tự do” trên màn hình, hiển thị các tập tin được sao chép và dán từ một thư mục có tên là “Tunisia”. Bức ảnh này đi kèm với một thông báo lỗi ghi là “Không thể cài đặt Tự do: Hãy xóa ‘Mubarak’ rồi thử lại.”
Hài hước nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông chống lại ông Mubarak để phục vụ cho hai mục đích chính. Một mặt, lối chơi chữ dí dỏm, các biếm họa chua cay, và những màn trình diễn chế giễu làm cho ai cũng cảm thấy “thoải mái” khi đến quảng trường Tahrir và được nhìn nhận là tham gia hoạt động chính trị. Mỗi ngày, những đám đông lớn hơn cùng các gương mặt mới tham gia vào các cuộc biểu tình tại quảng trường – không phải chỉ vì họ muốn hất cẳng ông Mubarak, nhưng cũng bởi vì họ muốn trở thành một phần của “sự bùng nổ khôi hài” đang diễn ra trên toàn quốc.
Những người biểu tình ngày nay hiểu rằng sự hài hước tạo ra một cổng vào giá rẻ cho người công dân bình thường, những người không tự coi mình là đặc biệt quan tâm đến chính trị, nhưng bị chán nản và mệt mỏi với chế độ độc tài. Hãy mang lại tiếng cười cho cuộc biểu tình, người ta sẽ không muốn bỏ lỡ dịp hành động.
Mặt khác, các hoạt động hài hước và mưu mẹo nhắc nhở với thế giới bên ngoài rằng người biểu tình Ai Cập không phải là “những gã đàn ông trẻ tuổi bất bình” hoặc những kẻ cực đoan cuồng tín mà chế độ khiến cho họ tin tưởng như vậy. Một cách hiệu quả, sự hài hước truyền đạt một hình ảnh tích cực về cuộc nổi dậy của người Ai Cập và giành được thiện cảm của cộng đồng quốc tế.
Đó là một thông điệp mà giới trẻ của mùa xuân Ả Rập đã không quên. Sự đón nhận bản nhạc video “Shake Harlem” của thanh thiếu niên tại Ai Cập và Tunisia gần đây đã biến hoạt động chia sẻ nội dung trên mạng (Internet meme) thành một cuộc biểu tình châm biếm sôi nổi, nhấn mạnh đến những khát vọng sáng tạo dân chủ của rất nhiều người trẻ trên toàn khu vực. Một lần nữa, cộng đồng quốc tế buộc phải thừa nhận rằng giới trẻ trong khu vực không chỉ là những kẻ hooligans của bóng đá trên đài truyền hình – họ là những thanh thiếu niên trẻ tuổi háo hức nắm lấy thời cơ dân chủ. Họ chỉ muốn có thể làm việc đó một cách vui vẻ.
Hàng triệu người khác trên thế giới cũng làm như vậy. Bằng cách sử dụng hài hước, các nhà hoạt động đẩy những kẻ chuyên quyền rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: chính phủ có thể trấn áp những người chế giễu mình (và khiến cho chính mình thậm chí còn trở nên lố bịch hơn trong hành động) hoặc phớt lờ các hành vi châm biếm nhằm chống lại mình (và gây nguy cơ mở đường cho cơn lũ bất đồng chính kiến tràn vào). Thật vậy, khi phải đối mặt với một hành động nhạo báng trắng trợn, các chế độ đàn áp không có những lựa chọn tốt. Cho dù làm bất cứ việc gì, họ đều bị thua thiệt.
Nhưng có lẽ ví dụ tốt nhất đến từ Liên bang Nga của Putin. Tại đây xảy ra một cuộc biểu tình phản đối Putin ở Siberia bằng gấu bông, con chữ Lego, và các bức tượng South Park nhỏ. Đó chỉ là đồ chơi – không con người nào được phép tham gia. Rồi điều gì đã xảy ra? Các nhà chức trách Nga có tìm thấy thủ phạm không? Họ có bắt giữ các đồ chơi không? Bạn đánh cược rằng họ đã làm vậy. Sau khi tịch thu các bức tượng Lego nhỏ, các nhà chức trách Siberia áp đặt một lệnh cấm chính thức đối với tất cả các cuộc biểu tình bằng đồ chơi trong tương lai. Trên cơ sở nào? Lý do là đồ chơi được sản xuất tại Trung Quốc.
Trong những tháng sau đó, trò cười của các quan chức gặp rắc rối ở Siberia đã lan tỏa nhanh chóng. Trong quá trình này, chúng nhắc nhở các nhà độc tài trên toàn thế giới biết rằng một khi tiếng cười và sức mạnh nhân dân vùng thoát khỏi sự giam cầm, không có gì có thể ngăn chúng lại.
Hài hước chính trị thuộc dạng cổ xưa như bản thân chính trị. Châm biếm và giễu cợt đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để nói lên sự thật trước cường quyền. Chúng truyền vào các cuộc biểu tình chống lại Liên Xô trong những năm 1980, các cuộc biểu tình hòa bình trong những năm 1960, và truyền cảm hứng cho các phong trào kháng chiến ở các vùng lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong những năm 1940. Tuy nhiên, các nhà hoạt động bất bạo động ngày nay đã nâng sự hài hước lên cấp độ khác. Tiếng cười và niềm vui không còn thuộc về bên lề trong chiến lược của một phong trào; giờ đây chúng phục vụ như là một phần trọng yếu trong kho vũ khí của các nhà hoạt động, đem lại cho phe đối lập một bầu không khí thoải mái, giúp phá vỡ nền văn hóa bị thấm nhuần bởi sợ hãi trước chế độ, và kích động chế độ gây ra những phản ứng làm xói mòn tính hợp pháp của nó.
Tất nhiên, chỉ bởi vì tiếng cười bây giờ là phổ biến trong cuộc đấu tranh bất bạo động, việc sử dụng tiếng cười không có nghĩa là dễ dàng. Ngược lại, cuộc đấu tranh bằng tiếng cười đòi hỏi một nguồn sáng tạo liên tục để duy trì sự hiện diện trên các trang tin tức, các trang nhất của báo chí và trên mạng tweet, cũng như việc duy trì đà phát triển của phong trào. Nếu thiếu tính sáng tạo và sự nhanh trí, cuộc đấu tranh bằng tiếng cười có thể bị suy yếu trước khi phong trào đạt được tham vọng. Nếu thiếu tính kỷ luật và phán đoán đúng đắn, sự nhạo báng có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn và bạo lực.
Nhưng một khi hiệu nghiệm, thì nó thực sự hiệu nghiệm. Trong trường hợp cái thùng bị bắt ở Serbia, ban đầu có vẻ như đó chỉ là những hành vi hài hước riêng lẻ, nhưng chúng sớm chứng tỏ khả năng truyền nhiễm, tạo cảm hứng cho các nhà hoạt động trên khắp đất nước. Chẳng bao lâu sau, Otpor từ một nhóm sinh viên nhỏ chuyển biến thành một phong trào quốc gia gồm 70.000 thành viên. Một khi rào cản của nỗi sợ hãi bị phá vỡ, Milosevic không thể ngăn chặn được nữa.
Nguồn: Dịch từ tiếng Anh: Srdja Popovic & Mladen Joksic, Why Dictators Don’t Like Jokes, Foreign Policy, ngày 05 Tháng Tư 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét