Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Dân tộc Uyghur vùng lên chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc


nhikhe01505
Ngày 23/04/2013, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một số người liên quan đến vụ đụng độ giữa người dân tộc Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) với cảnh sát người Hán trước đó khiến 21 người thiệt mạng, một số ít người dân tộc Uyghur chết và bị bắt. Nhà cầm quyền Trung Cộng tuyên bố đây là một vụ tấn công khủng bố. Thực ra, đó chỉ là một trong những vụ người dân tộc Uyghur vùng lên chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc đối với Tân Cương.


Khủng bố hay chống chủ nghĩa bành trướng?
Ngày 23/04/2013, hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã loan tin, nhà cầm quyền Trung Quốc lên án nhóm khủng bố Hồi giáo người dân tộc Uyghur giết chết 15 cảnh sát và 6 nhân viên làm công tác xã hội tại huyện Bashu, thành phố Kashgar, Tân Cương. Sau khi cảnh sát khống chế được tình hình, đã bắn chết 6, bắt sống 8 “kẻ khủng bố”.
Truyền thông quốc doanh Trung Quốc suốt ngày kể lể rằng, từ đầu tháng 12/2012, các thành viên trong nhóm khủng bố này thường xuyên xem video clip vận động người các dân tộc ở Tân Cương như Uyghur, Kazakh, Hồi, Kyrgyz... trung thành và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và tôn giáo cực đoan, tham dự các nghi lễ truyền đạo trái phép. Nhóm người này còn chế tạo bom, thử các vụ nổ điều khiển từ xa, nhằm thực hiện những vụ khủng bố lớn tại khu vực nhiều người Hán sinh sống. Cảnh sát và công an địa phương phát giác nhóm khủng bố này chế tạo chất nổ chuẩn bị gây ra những vụ nổ lớn chống lại chính quyền nhà nước, tìm cách ngăn chặn cho nên mới xảy ra cuộc xung đột ngày 23/04.
Giới truyền thông quốc doanh Trung Quốc nói rằng vụ khủng bố ngày 23/04 là cuộc nổi loạn đẫm máu nhất tại khu tự trị Tân Cương, chỉ thua vụ xảy ra trong ngày 07/2009 tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, khiến cho khoảng 200 người thiệt mạng. Họ còn cáo buộc các nhóm khủng bố người dân tộc Uyghur có mối liên hệ chặt chẽ với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Á và Pakistan, thực hiện các cuộc tấn công để thiết lập một nhà nước độc lập gọi là “Đông Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thông tín viên tiếng Quan Thoại của Đài Phát thanh Tự do Á Châu đưa tin, quan chức Trung Quốc bác bỏ những ý kiến cho rằng đây là căng thẳng sắc tộc hay tôn giáo gây ra bạo động.
Nur Bekri, Chủ tịch khu tự trị Tân Cương (Chairman of Xinjiang), nói vụ xung đột là một “hành vi khủng bố nhằm chia rẽ tổ quốc và phá hoại đoàn kết quốc gia”. Trong buổi nói chuyện với giới truyền thông tại Tân Cương ngày 28/04, Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei), Thứ trưởng Công An kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chống khủng bố, nói vụ tấn công chứng tỏ các phần tử khủng bố “chống lại nhân loại và chống lại xã hội”. Ông tuyên bố sẽ “dùng bàn tay sắt để dẹp khủng bố”. Ông Mạnh còn nói thêm rằng cảnh sát sẽ dùng “bất cứ phương tiện nào có thể có để truy tìm và trừng phạt khủng bố không thương tiếc”.
Trong khi truyền thông quốc doanh và quan chức nhà nước Trung Quốc mồm loa mép giải đây là vụ “tấn công khủng bố”, những người dân Trung Quốc có lý trí bảo vệ quyền tự do và dân chủ, tổ chức Đại biểu dân tộc Uyghur Thế giới (World Uyghur Congress), lại khẳng định, rằng vụ đụng độ này chỉ là sự phản kháng của người dân tộc Uyghur và các dân tộc khác ở Tân Cương đối với sự xâm lược và đàn áp của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, không phải là khủng bố.
Đài phát thanh BBC, Anh Quốc, trong các bản tin đều gọi đó là một vụ “xung đột” (clash), chỉ có nhà cầm quyền và giới truyền thông quốc doanh Trung Quốc nói đó là “hành động khủng bố” (terrorist act). BBC cho rằng nguyên nhân gây ra vụ đụng độ này do căng thẳng trong quan hệ giữa người dân tộc Hán và dân tộc Uyghur. BBC còn khẳng định: “Bây giờ không thể kiểm chứng nổi những gì đã xảy ra ở Tân Cương” vì chính phủ Trung Quốc ngăn chặn không cho ký giả ngoại quốc đến tận nơi xảy ra vụ đụng độ kiểm chứng những nguồn tin liên quan đến các cuộc đấu tranh của người dân tộc Uyghur chống lại hành động xâm lược và đàn áp của dân tộc Hán đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Tờ The Guardian, Anh Quốc, nhận xét, số người chết và bị thương trong vụ xung đột ngày 23/04 chỉ thua vụ xung đột xảy ra ngày 07/2009 ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, với khoảng 200 người thiệt mạng. The Guardian còn cho biết, xưa nay nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn lên án những người có tư tưởng chia cắt đất nước mới gây ra những vụ họ gọi là “khủng bố” nhằm thực hiện “âm mưu biến Tân Cương thành một quốc gia độc lập”. Thực ra, nguyên nhân gây ra những vụ đụng độ này là chính sách tàn bạo của chính phủ Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Tờ báo đó nói, rất nhiều tín đồ Hồi giáo vô cùng bất mãn chính sách hạn chế tôn giáo và văn hóa của nhà cầm quyền, cho phép rất nhiều người Hán ở những nơi khác đến Tân Cương sinh sống để đồng hóa. Đặc biệt là thái độ hách dịch của quan chức người Hán đối với người dân tộc thiểu số. Bởi vậy, một số người đã tìm cách trốn khỏi Tân Cương đến các nước dân chủ sinh sống để được tự do duy trì văn hóa và tôn giáo của mình và tìm cách giải phóng Tân Cương ra khỏi ách thống trị của người Hán. Hãng thông tấn Reuters và tờ The Daily Telegraph đều bình luận: chính phủ Trung Quốc hạn chế văn hóa và tôn giáo của người dân tộc Uyghur khiến họ nổi giận mới nảy sinh ra những vụ đụng độ này.
Khi loan báo những tin tức liên quan vụ đụng độ ngày 23/04, BBC còn trích dẫn lời tuyên bố của phát ngôn viên tổ chức Đại diện dân tộc Uyghur Thế giới như sau: “Nguyên nhân gây ra vụ đụng độ này là cảnh sát Trung Quốc bắn chết một thanh niên người dân tộc Uyghur”. BBC quả quyết rằng Trung Quốc cố tình gọi vụ đụng độ này là “khủng bố” để hợp pháp hóa những hành động đàn áp người các dân tộc thiểu số của họ. Tờ The Guardian cũng trích dẫn lời phát biểu của phát ngôn viên Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) về vụ đụng độ ngày 23/04: “Những tin tức liên quan đến vụ đụng độ này đều do quan chức nhà nước Trung Quốc ở Tân Cương công bố, khiến cho nhiều người nghi ngờ, ngay cả dân mạng ở Trung Quốc cũng hoài nghi những lời tuyên bố này”. Hãng thông tấn Reuters bổ sung thêm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh gọi đây là “hành động khủng bố” cũng bị nhiều người nghi ngờ.
Vụ đụng độ ngày 23/04 cũng khiến cho quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc căng thẳng. Trong cuộc họp báo ngày 24/04 tại Hoa Thịnh Đốn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc “điều tra rõ những gì xảy ra tại huyện Bashu, thành phố Kashgar, Tân Cương, để bảo vệ sinh mạng của những công dân Trung Quốc là người của các dân tộc ở Tân Cương”. Ngay sau đó, Hoa Xuân Doanh đã phản kháng lại bằng câu nói: “Hoa Kỳ không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Dã tâm xâm lược Tân Cương của Trung Quốc
Trong lịch sử,Trung Quốc được coi là một thế lực ham chiến trận, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc thể hiện trong các hoạt động quân sự và các chính sách ngoại giao. Đó là nỗi lo ngại đáng kể của các nước lân cận. Bản chất lớn nhất của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc là, độc đoán bên trong, bành trướng xâm lược bên ngoài, với ý đồ lăm le nuốt chửng mọi nước láng giềng. Họ tự nhận mình là trung tâm của thế giới, không giấu giếm dã tâm muốn làm bá chủ thế giới. Trung Quốc đã thôn tính một phần lớn Mông Cổ họ gọi là Nội Mông, toàn bộ Tân Cương, Tây Tạng, Mãn Châu, hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân các dân tộc này.
Giống như Tây Tạng, Tân Cương cũng bị Trung Quốc đô hộ dưới danh nghĩa “tự trị”. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đưa người Hán lên hai khu vực họ gọi là tự trị với mục tiêu biến dân bản địa trở thành thiểu số. Tuy nhiên, người dân các dân tộc ở Tây Tạng cũng như Tân Cương đã vùng lên tranh đấu chống lại Trung Quốc. Vụ xung đột xảy ra trong ngày 23/04 là một chứng minh hùng hồn.
Các nhà nghiên cứu chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc cho rằng sự phân hóa giữa cộng đồng người Hán và người Uyghur nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ tại Tân Cương đã đến giai đoạn không thể hàn gắn được. Nhà nghiên cứu người Pháp Jean Vincent Brisset, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế và Chiến lược (Institut de relations internationales et stratégiques), nhận định: ở Tân Cương đã xảy ra tình trạng người Hán và người dân tộc Uyghur căm thù nhau, không bên nào dung thứ bên nào.
Tháng 07/2009, đã xảy ra cuộc xung đột giữa người Hán với người Uyghur kéo dài gần một tuần lễ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh phải huy động 10 ngàn cảnh sát vũ trang và xe bọc thép đàn áp. Theo số liệu của nhà cầm quyền Trung Quốc, có tới hơn 200 người thiệt mạng, hàng chục bản án tử hình ban ra sau đó dành cho người Uyghur. Ông Jean Vincent Brisset cũng cho rằng căn nguyên của tình trạng hận thù dân tộc này bắt nguồn từ chính sách thực dân của Bắc Kinh.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Trung Quốc lúc nào cũng nói họ giải phóng Tân Cương khỏi ‘giai cấp phong kiến bóc lột’, tại sao lại kìm kẹp Tân Cương khắc nghiệt như vậy?”.
Câu trả lời là: “Tân Cương là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên: Dầu khí, kim loại và uranium. Từ năm 2008, ngoài than đá với trữ lượng hàng đầu tại Trung Quốc, Tân Cương trở thành khu vực cung ứng dầu mỏ thứ hai cho Trung Quốc với 27,4 triệu tấn dầu thô mỗi năm, chỉ sau Đại Khánh ở Hắc Long Giang. Về khí đốt, Tân Cương đứng hàng thứ ba và sẽ tăng lượng khí đốt khai thác 24 tỷ mét khối hiện nay lên gấp đôi vào năm 2020. Tân Cương còn là một khu vực chiến lược giáp ranh với Trung Á và là nơi đặt đường ống dẫn dầu từ Kazhacstan giúp cho Bắc Kinh bớt lệ thuộc vào Trung Đông. Tân Cương cũng nằm trên con đường “thương mại” giúp Trung Quốc xâm nhập thị trường Iran. Không những thế, Tân Cương còn có căn cứ Lop-Nor nơi Trung Quốc thử bom nguyên tử và tên lửa mang đầu đạn sinh học, không kể một thành phố bí mật tên Malan là nơi đặt một trung tâm nghiên cứu hạt nhân, rất có thể là căn cứ vũ khí hạt nhân bí mật”.
Nhà nghiên cứu Thierry Kellner, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ở Brussells (Chercheur associé au Brussels Institute of Contemporary China Studies - BICCS), cũng nhận định, Bắc Kinh coi Tân Cương là “chiếc cầu” để tranh giành ảnh hưởng với Nga tại Trung Á và mở rộng thế lực đến các vùng khác từ Trung Đông đến Nam Á và Đông Nam Á, nên đã ngày càng đưa nhiều người Hán đến Tân Cương, biến nơi này thành “thuộc địa kiểu mới”, khiến lòng căm thù không đội trời chung giữa các dân tộc ở Tân Cương với chủ nghĩa Đại Hán ngày càng lên cao.
Nhị Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét