Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Phục hồi nhan sắc cho Aesha!


TD1 18 05
Vào năm 2010 trên hình bìa tờ Time có chân dung một cô gái Afghanistan. Không phải là tấm hình một giai nhân hay một nhân vật nữ lưu nổi tiếng mà là hình một cô gái bình thường mà cả thế giới nghe tên chỉ vì nhan sắc cô bị tàn phá bởi nạn bạo hành đối với phụ nữ ở một quốc gia Nam Á. Cô gái này là Aesha Mohammadzai, đã bị chồng cắt mũi xẻo tai và bỏ cho chết ở núi hoang. Nhờ những bàn tay vị tha và phụng sự nhân quyền, Aesha đưc đưa tới Mỹ và được giải phẫu thẩm mỹ và trung tuần tháng năm 2013, nạn nhân có thể soi gương nhìn khuôn mặt mới với niềm tự hào và niềm tinđược hồi sinh.

Lòng nhân đạo và bàn tay khoa học thần kỳ, trong một môi trường tiến bộ, đã biến đổi cuộc đời một nạn nhân của nạn bạo hành thành một con người mới từ thể xác tới tinh thần ra sao, xin quý vị theo dõi bài tường thuật sau đây của hai ký giả Leon Watson và Snejana trên tờ Daily Mail tháng 05, 2013.

Số phận nghiệt ngã của một cô gái Afghanistan
Vào tuổi 12, một cô gái thơ ngây, chưa hề bước chân tới trường, ở một làng quê miền nam thuộc tỉnh Uruzgan, Afghanistan đã bị cha mẹ gả cho một “chủ nợ” theo tập tục trong làng, vì món nợ của một thân nhân (người này lỡ tay giết người). Có điều đáng tiếc là chú rể thuộc một gia đình ủng hộ chế độ Taliban và bản thân anh ta cũng là một chiến binh Taliban.
Cô gái có tên là Aesha Mohammadzai trở thành món đồ trả nợ nên nếm đủ mùi khổ nhục. Aesha bị đẩy vào một môi trường cay nghiệt. Chồng đã là một kẻ vũ phu sẵn sàng ra tay hành hạ vợ, cha mẹ chồng và thành phần khác trong nhà chồng cũng thẳng tay trừng trị nàng dâu nhỏ vì một lỗi lầm không đáng kể và biến cô gái thành một nữ nô lệ đầu tắt mặt tối suốt ngày, chỉ được ăn như súc vật và ngả lưng với súc vật. Aesha làm sao chịu nổi muôn vàn cay đắng đổ xuống đầu cô từ guồng máy gia đình nặng hủ tục, đầy hận thù và tàn bạo, nên vào tuổi 18 cô trốn khỏi nhà vì đó là cách duy nhất để sống còn.
Cho dù vào những năm 2009, 2010, chính quyền trung ương Taliban ở Kabul đã sụp đổ nhưng guồng máy Taliban ở địa phương vẫn vững mạnh. Số phận của Aesha càng thêm bi đát vì bị bắt trở lại. Một người con gái dám trốn khỏi gia đình nhà chồng đối với chế độ xã hội tộc trưởng hủ bại, với giáo điều bảo thủ và với guồng máy cai trị độc tài như ởAfghanistan dưới gông cùm Taliban, là một vi phạm nặng nề và thách thức to lớn đối với tập thể. Theo tục lệ Aesha phải bị trừng trị, cả ở xã hội lẫn trong gia đình!
Vào một đêm đầu năm 2009, lính Taliban gõ cửa nhà chồng Aesha, bắt Aesha và đưa ra tòa về tội trốn khỏi nhà chồng.Aesha bị hành hạ trong tù năm tháng để “làm gương cho các phụ nữ khác trong làng” và sau đó được trả về nhà chồng để tiếp tục bị trừng phạt.
Aesha đã ngồi tù, tưởng rằng đã đền xong tội bỏ trốn, nào ngờ còn bị trừng phạt bằng khổ hình. Một đêm cô bị nhà chồng lôi ra nơi núi hoang. Trong đêm lạnh giá Aesha bị trói chặt chân tay, đè ngửa xuống đất, đèn pin rọi vào mặt, và chồng cô dùng dao chỉ vào mặt cô và kết tội cô là kẻ phản bội. Sau đó, hắn bình tĩnh dùng dao bén, xẻo mũi cô mặc choAesha giãy giụa van xin. Nạn nhân thét lên đau đớn, máu loang trên cỏ và tràn ra tuôn vào cổ họng, thấm ướt mặt làm cô mờ mắt, sặc sụa.
Hình phạt chẳng khác cực hình “tùng xẻo” đời xưa ở Á đông chưa phải đã xong, hung thủ sau lại dùng dao xẻo tai nạn nhân. Đôi mắt trắng dã, nụ cười độc ác như trút được lòng thù ghét vào cô gái từng là vợ hắn là những hình ảnh và âm thanh cuối cùng trước khi Aesha lịm đi vì đau đớn. Những kẻ hành hạ, xem ra đã thỏa ý tàn bạo, nhưng còn muốn giết cô nên để nạn nhân quằn quại trên hoang địa và ra về. Aesha tuy máu ra nhiều nhưng khi tỉnh dậy vì cơn lạnh tăng thêm nỗi đau thể xác, với bản năng sinh tồn, cô cố gắng, thoát khỏi dây trói, và bò về nhà ông nội.
Người cha Aesha khi nhìn thấy cảnh thương tâm của con gái, hối hận vì mình làm khổ con nên đang đêm lén đưa con tới một trạm y tế của quân đội Mỹ cách làng khá xa. Ở đây, Aesha được săn sóc trong mười tuần và rồi được chuyển vềKabul.

Hành trình tìm lại cuộc sống
Thủ đoạn tàn ác và đàn áp phụ nữ ở Afghanistan trước đây đã được báo chí Âu Mỹ nhắc tới nhưng vụ Aesha gây dư luận xôn xao sau khi tờ Time số tháng Tám 2010 đưa ảnh Aesha bị cắt mũi lên trang bìa với nhan đề bài báo: “Phụ nữ Afghanistan và sự hồi phục của Taliban”. Hình ảnh này không những khiến cho những người bênh vực nữ quyền trên thế giới lên tiếng kết án chế độ Taliban và cả guồng máy của Tổng thống Karzai, kẻ muốn hòa giải với Taliban, mà những tay phản chiến và chủ chiến ở Mỹ cũng tranh luận gay gắt nên hay không nên rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Tấm hình lịch sử tội ác này được ký giả Jodi Bieber của Nam Phi chụp và nhiếp ảnh gia nhờ nó được giải thưởng World Press Photo vào năm 2010.
Nhờ dư luận ủng hộ nên vào tháng Tám 2010. Aesha được một tổ chức từ thiện là Grossman Burn Foundation ởCalifornia đứng ra bảo trợ, đưa sang Mỹ hy vọng sẽ được trị liệu vết thương trên mặt.
Tại Mỹ, buổi đầu Aesha được cơ quan Phụ nữ bảo trợ phụ nữ Afghanistan (Women for Afghan Women) ở New York tài trợ ăn ở và học hành. Nhưng cô gái bị hoảng loạn về tinh thần về thể xác khó lòng thích nghi với hoàn cảnh mới nên thường lên cơn điên cuồng.
Sau đó cô được chuyển về Maryland, điều trị tại trung tâm y khoa Walter Reed National Medical Center tại Bethesda và từ tháng Mười một ở chung với một gia đình từ tâm gốc Afghanistan là gia đình ông bà Mati và Jamila. Cặp vợ chồng này có một người con gái 15 tuổi, đã tạo ra một môi trường ăm ắp tình thương cho cô gái lâm nạn, nên từ đó Aesha bình phục dần và khuôn mặt cô cũng được các bàn tay tài ba trong giới giải phẫu thẩm mỹ ở Mỹ từng bước khôi phục.
Năm đầu bước chân tới Mỹ, cô gái đồng hoang bỡ ngỡ và có hành vi đôi khi có chút man rợ. Người ta kể lại, thấy bịch cà phê mới mua ở Costco về, Aesha dùng dao chọc thủng giữa bịch để cho cà phê tràn ra chứ không biết mở, thấy xe cứu thương chạy qua cô la hét những âm thanh kinh hoàng. Còn bất mãn với bác sĩ trong bệnh viện thì cô la hét om xòm. Aesha cũng ăn ngủ thất thường, thức ban đêm và ngủ ban ngày, nên người đỡ đầu cho Aesha ở Maryland là bàJamila gọi cô là Dracula.
Nhưng rồi tiêm nhiễm dần văn minh và cảm hóa trước tình thương của những người bên cạnh, Aesha đã biến thành một người khác.
Vào năm 2012, trong một cuộc phỏng vấn, Aesha tâm sự: “Ban đầu tôi quá sợ hãi. Tôi rất sợ phải soi gương. Tôi hoảng loạn không biết sau này sẽ ra sao. Nhưng bây giờ tôi không hoảng hốt nữa”.
Dần dần Aesha thích nghi với đời sống ở Mỹ, đi học tiếng Anh dù gián đoạn và không chăm chú vì trước kia cô chưa từng đi học. Cô cũng mạnh dạn hơn khi có kẻ châm chọc chiếc mũi dị hình của mình bằng thái độ phớt lờ. Sau khi được chỉnh hình, niềm tin và tự hào của Aesha tăng dần, cô tuyên bố: “Tôi muốn nói với tất cả phụ nữ đang nếm mùi thống khổ vì nạn bạo hành rằng đừng bao giờ bỏ cuộc và mất niềm tin”.
Muốn phục hồi nhan sắc cho Aesha là một công việc cực kỳ tốn công tốn của. Cho tới tháng 12 năm 2012, Aesha đã trải qua 4 cuộc giải phẫu, kéo dài 8 tiếng đồng hồ, tại Walter Reed National Military Medical Centre ở Bethesda. Maryland. Các phẫu thuật gia cho biết cho tới đầu tháng 12 năm 2012 việc chỉnh dung mới xong một nửa và phần còn lại sẽ tiến hành trong năm 2013. Ai cũng khen Aesha can đảm, chịu đựng mọi thống khổ để đổi đời và đổi số phận.
Trong cuộc giải phẫu, các phẫu thuật gia đặt một màng silicon có thể giãn nở dưới da trán của nạn nhân và từ từ tiêm dung dịch lỏng vào đó để làm căng phồng da trán lên để có thể lấy những mô cần thiết cho chiếc mũi mới. Họ cũng lấy mô từ cánh tay để cấy vào mặt Aesha để tạo thành màng trong và phần dưới của mũi. Được biết những bệnh nhân khác được chỉnh trang bằng thủ thuật này cũng được lấy mô từ da trán vì da này cùng độ đậm nhạt với da mũi chứ không có chút tương phản như ở các phần khác của cơ thể. Trong cuộc phỏng vấn của chương trình Daybreak, ký giả Louisa James người phỏng vấn Aesha, cho biết hiện giờ cô gái 22 này đã thực hiện xong các cuộc giải phẫu chính cần thiết và sắp tới sẽ chịu một số cuộc giải phẫu nhỏ để biến chiếc “mũi nhân tạo” thành cái mũi trời sinh. Sau đó cô gáiAfhganistan còn cần hồi phục hai tai bị cắt cụt.
Bi kịch Aesha Mohammadzai không phải là họa hiếm ở những xứ Trung Đông và Nam Á, nơi còn nhiều hủ tục và thành kiến đối với nữ giới. Theo thống kê của LHQ thì riêng ở Afghanistan có tới 90 phần trăm phụ nữ đã chịu hoặc nhiều hoặc ít nạn bạo hành trong gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét