Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Làm người yêu và vợ... nhà văn


Đoàn Dự
ghi chép

THƯA QUÝ BẠN, mới đây tôi có viết hầu quý bạn bài “Làm người yêu và vợ nhà thơ”. Sau đó anh chủ bút gửi email cho tôi, hỏi đùa: “Làm người yêu và vợ nhà thơ, viết rồi, thế còn làm người yêu và vợ... nhà văn, có không?”, tôi nói: “Chuyện nhỏ, có chứ sao lại không!” Vậy thì, bây giờ tôi xin kể hầu quý bạn câu chuyện về đoạn tâm tình ngắn ngủi của một nhà văn kiêm nhà thơ, kiêm học giả không xa lạ gì với quý bạn, đó là nhà thơ Phan Khôi, tác giả bài thơ “Tình già” mở đầu cho thể thơ mới tại Việt Nam. Sau đó, tôi xin trình bầy về người vợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Điều đặc biệt về người vợ này là ông nội của Vũ Trọng Phụng mất sớm, bà nội của Vũ Trọng Phụng khi ấy mới ngoài 20 tuổi, ở vậy nuôi cậu con trai tên Vũ Văn Lân tức cha của Vũ Trọng Phụng. Ông Vũ Văn Lân mất sớm khi Vũ Trọng Phụng mới 7 tháng tuổi, lại đến lượt bà mẹ của VT Phụng tên Phạm Thị Khách mới ngoài 20 tuổi ở vậy nuôi cậu con trai ăn học. Rồi đến lượt VT Phụng mất sớm lúc 27 tuổi, người vợ của VT Phụng mới cưới được chưa đầy 2
năm tên Vũ Mỹ Lương mới 22 tuổi, ở vậy nuôi cô con gái còn trứng nước chưa đầy 1 tuổi tên Vũ Mỹ Hằng. Mà bà Lương đẹp chứ không phải xấu. Trong cuộc thi đánh cờ người trong làng, “cô Lương” được chọn làm quân Sĩ. Không hiểu tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ suốt ba thế hệ như thế. Bà Lương buôn bán lặt vặt cố gắng nuôi con lẫn nuôi mẹ chồng và bà nội của chồng. Con người ngày trước họ sống hy sinh, sẵn sàng quên cả bản thân mình như vậy chăng? Bây giờ xin mời quý bạn xem xét...

I. Bí mật về bài thơ “Tình già” của nhà văn Phan Khôi
Cách nay hơn 80 năm, vào dịp Tết Nhâm Thân 1932, học giả kiêm nhà văn, nhà thơ Phan Khôiđã công bố trên phụ san Tết của báo Đông Tây ở Hà Nội, rồi kế đó trên tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn bài thơ của ông có tên là “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Bài thơ này đã đi vào văn học sử Việt Nam như mở đầu phong trào thơ mới trong tiếng Việt, từ đấy phong trào thơ mới tiến triển mạnh mẽ, sôi động và đạt thành tựu tốt đẹp chỉ trong vòng mươi mười lăm năm, làm thay đổi diện mạo thơ tiếng Việt, tạo nên một sức sống mới cho thi ca Việt Nam ở thế kỷ XX.

Bài thơ “Tình già” của Phan Khôi
Nguyên văn như thế này, khi được đăng lên, người khen cũng lắm mà người chê cũng nhiều, trong đó có cả thi sĩ Tản Đà: “Thơ thẩn quái gì mà lại như vậy!”:

TÌNH GIÀ
Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở:
- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”
... Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc,
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn lại chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi!...
(Báo “Đông Tây”, Hà Nội, 1932, trang 6-7)

Câu chuyện được diễn tả trong bài thơ Tình già nói trên có liên quan gì với sự thật hay chỉ là hư cấu? - Điều này có lẽ chỉ tác giả hoặc những người rất thân với tác giả mới biết. Ông Phan Nam Sinh, năm nay 73 tuổi (sinh năm 1940), một trong 10 người con của nhà văn Phan Khôi cũng không được nghe cha mình kể lại mà suy ra từ một bài tự truyện của chính cha mình. Ấy là bài “Một Phan Khôi tự truyện”, đăng trong Đông Dương Tạp chí, số Xuân năm 1939. Năm 1959, sau khi bị đi cải tạo ở Việt Bắc trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm về, nhà văn Phan Khôi mất tại Hà Nội thì Phan Nam Sinh mới 19 tuổi, lúc đó đã từng làm câu đối khóc cha: “Lúc xã hội nhố nhăng, cúi chẳng cúi, luồn chẳng luồn, há chịu phép vú to lấp miệng? - Khi văn chương nhập nhoạng, tranh ra tranh, cãi ra cãi, đâu đành lòng mũ nỉ che tai?”. Với bài “Một Phan Khôi tự truyện” đã đọc được của cha mình, ông Phan Nam Sinh tin rằng câu chuyện trong bài thơ “Tình già” là có thật.
Sau này, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, công bố cuối năm 2012 rằng ông đã tìm được bài hồi ức “Một Phan Khôi tự truyện” đăng báo vào dịp đầu xuân năm 1940, và một bài khác, cũng là bài đó, đăng trên báo xuân vào năm 1942, nhưng riêng “bản chính” đăng trên Đông Dương Tạp chí số Xuân năm 1939 thì ông chưa tìm được. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhà nghiên cứu Vu Gia đã đọc được tư liệu này với bài“Phan Khôi qua một chuyện tình trong tù” của nhà văn Thế Phong đăng trên Tạp chí Giáo dục Phổ thông số Xuân, tức số 52 - 53, in tại Sài Gòn năm 1960. Như thế, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân xin phép được mượn tài liệu của hai nhà văn Thế Phong và Vu Gia để thuật lại câu chuyện “mối tình trong tù” của nhà văn Phan Khôi, có lẽ cũng còn ít người được biết.

“Hai mươi bốn năm xưa”!
Câu chuyện “mối tình trong tù” xảy ra năm 1908 rồi sau đó, Phan Khôi làm bài thơ “Tình già” đăng lần đầu tiên trên báo Đông Tây số Xuân năm 1932, tính ra thì vừa đúng 24 năm. Lúc ấy ông 45 tuổi, “đôi cái đầu đều bạc”.
Năm 1908, Phan Khôi 21 tuổi (đậu Tú tài Hán học năm 19 tuổi, sau đó chuyển sang học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp). Năm 1907, ông xướng xuất vụ đấu tranh đòi chính quyền Pháp bãi bỏ việc bắt dân đi làm xâu (làm phu) rất cực nhọc nhưng không được trả lương, nên ông bị bắt, bị kết án 3 năm tù, bị giam tại nhà ngục Quảng Nam là nơi quê hương ông.
Mặc dầu “cậu tú Phan Khôi” là người cực kỳ hay chữ, cháu ngoại quan Tổng đốc Hoàng Diệu – người đã hy sinh đền nợ nước khi Pháp đánh thành Hà Nội – và là con trai cụ Phó bảng Phan Trân – tri phủ Điện Khánh; gia đình hết sức cao quý nhưng do cậu mắc vòng lao lý nên phía bên người vợ chưa cưới tuyên bố thoái hôn. Trong khi ở tù, cậu được một phụ nữ trẻ đẹp gặp gỡ và say mê. Oái oăm thay, người đàn bà này lại chính là vợ vị võ quan hàng tứ phẩm, trông coi giám sát nhà tù.
Một ngày kia, nhân sắp đến Tết, vị võ quan sai người hầu vào đề lao hỏi viên đội cai ngục xem trong số các tù nhân có ai viết chữ tốt thì đưa một người lên dinh để viết câu đối cho ông ta. Viên đội nói có Phan Khôi, tú tài Hán học, chữ như rồng bay phượng múa. Lúc ấy Phan Khôi đang mệt trong người nhưng thấy được đi ra ngoài nên cũng thích.
Chúng ta hãy nghe một đoạn do chính Phan Khôi viết trong hồi ức:
“Đến nơi, tôi thấy một đống cũng đến chín mười cân lụa đỏ bỏ ngổn ngang trên chiếu giải dưới đất và một nghiên mực lớn đã mài sẵn. Một người đàn ông chừng năm mươi tuổi, to lớn, mặt đen, mũi to, ngồi trên sập giữa nhà, ấy là ông Ch. Ông ta hất hàm chào tôi. Một thiếu phụ còn trẻ lắm, khoảng ngoài 20 tuổi, trạc tuổi tôi, người trắng trẻo, gương mặt trái xoan, cả đầu lẫn cổ quấn cái khăn nhiễu điều, ngồi bên kia sập.
“Nhà không có cái ghế nào cả, tôi ngồi ngay trên cái chiếu dưới đất, chỗ để nghiên mực. Ông Ch. bảo tôi: “Có biết uống rượu không? Trời lạnh, uống mấy chén mà viết cho dựa tay”. - “Bẩm có thì cũng được”. - “Nhà còn nước không mình?” - Ông Ch. xây lại hỏi thiếu phụ. Tôi nghe mới biết người ấy là bà Ch. vợ ông. - “Có hiếm mấy!”. Vừa nói thiếu phụ vừa đứng dậy đi vào bên trong, cầm ra một chai rượu thuốc và một cái cốc, rót đưa cho tôi một cốc đầy. Tôi uống cạn cốc rượu thì trải lụa ra viết.
“Ông Ch. sợ tôi viết quấy, cứ theo nhắc từng chữ. Tôi lấy làm bực mình nhưng không tiện nói. Ông ta lại còn bầy đặt chỉ vẽ cho tôi chữ này viết thế này, chữ kia viết thế kia. Chừng tôi muốn phát cáu, thiếu phụ bèn bước xuống khỏi sập, tới nói với ông Ch.: “Tôi xem cách người này cầm bút là biết người viết thạo, xin ông để cho người ta viết”. - “Bà nói lạ, câu đối lụa ít tiền lắm hay sao?” - “Nhưng đã ai làm hư của ông đâu? Ngồi kèm một bên thì còn ai viết được nữa!”. Ông Ch. hình như biết vợ nói phải, bước ra khỏi chiếc chiếu rồi hai vợ chồng đứng coi tôi viết. Bấy giờ tôi thấy dễ chịu, hươi cây bút đúng là như rồng bay phượng múa, hết cặp đối này đến cặp đối khác, càng viết càng tốt. Thiếu phụ cứ đưa con mắt theo dõi tôi viết. Còn hơn một đôi nữa thì hết, ông Ch. bảo vợ: “Mình ơi, rót thêm cho va một cốc nữa đi!”. Thiếu phụ ngoan ngoãn rót cốc rượu, đặt trước mặt tôi và nói: “Nghỉ tay uống cốc rượu đã thầy!”. Tôi vâng lời như cái máy. Viết xong, tôi cung kính chào ông Ch.: “Bẩm quan lớn xong rồi”. Ông gật. Tôi lại hướng về thiếu phụ: “Bẩm bà lớn, tôi đi”. Thì người đứng dậy: “Tôi không dám, thầy đi”.
Ít hôm sau, một người tù tên là Trưng tìm đến đưa cho tác giả một cái gói. Chúng ta lại nghe tác giả kể:
“Tôi mở cái gói ra trước mắt Trưng. Đố ai đoán biết được gói gì? Trời ơi, gói trầu cau! Mười miếng trầu têm kiểu Huế với mười miếng cau bổ dính, mỗi dây năm miếng chồng nanh sấu lên nhau, thêm mười mụn vỏ chay và mấy chùm hoa sói. Cái gì lạ! Thực tình tôi không hiểu nên hỏi Trưng: “Của ai thế này mà lại đưa cho tôi?” - “Của bà Ch.”, Trưng vừa nói vừa cười ngỏn ngoẻn. - “Đưa cho tôi? Tôi biết bà ấy là ai?” - “Ấy thế mới lạ! Thầy có chuyện lạ!”. Trưng nói câu đó có vẻ đắc ý lắm và làm như hắn là người có công rất lớn đối với tôi. Liền tay gói cái gói lại, tôi trao trả Trưng và nói: “Anh cầm lấy, tôi có biết gì đâu mà nhận!”. Trưng nói xin tôi cứ nhận và kể đầu đuôi: “Lâu nay tôi phục dịch hàng ngày trong dinh và được tin cậy nên bà Ch. có đem tình riêng ngỏ với tôi nhiều lần. Bà nói bà thấy thầy thì thương lắm, hôm nay gởi vật nhỏ mọn này làm tin, mong ngày khác thầy cho bà gặp để nói chuyện... ”.
Tại sao một thiếu phụ có chồng làm quan tới hàng tứ phẩm lại có tình ý với anh chàng thư sinh đang bị cầm tù? Tất nhiên ở đây có sự bí ẩn muôn đời của “tiếng sét ái tình” hay “gái trọng tài, giai trọng sắc”. Ngoài ra, Phan Khôi cũng đoán một lý do khác, có thể là nàng gặp cảnh ngộ của một cô gái trẻ bị ép gả cho người chồng già. Đàn ông, được yêu như Phan Khôi ai chẳng hãnh diện? Nhưng hoàn cảnh tù đày khiến chàng trước hết phải nghĩ đến sự nguy hiểm, bởi vì nếu chồng nàng biết chuyện thì không khó để hãm hại chàng.
Dẫu sao Phan Khôi cũng nhận gói quà đưa duyên của thiếu phụ, tức là chàng chấp nhận mối tình dù là thụ động. Theo lời Trưng nói, chàng được biết nàng đe dọa sẽ quyên sinh nếu không được chàng yêu lại. Từ đấy nàng tìm nhiều dịp để được gặp chàng...
Chúng ta hãy nghe Phan Khôi kể tiếp:
“Nhà có một mình bà Ch. Bà tiếp tôi trong một phòng xép. Tôi ngồi trên cái chõng nhỏ, bà ngồi trên chiếc ghế bên cạnh, tay đặt lên vai tôi, dịu dàng nói: “Chớ anh làm gì mà họ bỏ tù anh?”. Tôi gắng gượng mỉm cười, nói bâng quơ: “Thưa bà, bà còn thương hại tôi nữa sao? Nội một cái hoang là tôi dám đến đây gặp bà cũng đủ nguy hiểm lắm rồi”.
“Bỗng thằng Trưng chạy thình thịch từ ngoài ngõ vô, đứng trước cửa sổ giơ tay cao lên chẳng nói chi hết. Bà Ch. vội vàng đứng dậy mở cửa cho tôi xuống bếp và bảo tôi cứ đợi một lát sẽ hay. Tôi thấy nguy, nghe có tiếng nói ồ ồ ở nhà trên, bèn mở cửa nhà bếp thoát ra ngõ. Tìm lại người lính, tôi trở về nhà lao một mạch.
“Đêm hôm ấy thằng Trưng nói cho tôi biết rằng khi tôi đến, bà cho hắn ra đứng canh ngoài đường, đề phòng ông Ch. trở lại thì sẽ vô báo. Quả nhiên, ông trở lại, nói các quan còn nửa giờ nữa mới tới nên ông không tội gì mà ngồi chầu chực, về nhà nghỉ cho khỏe. Hắn lại nói bà cứ phân vân về tôi mãi: “Sao đã dặn cứ ở yên đó một chút mà lại bỏ đi?”.
“Từ đó bà Ch. vẫn thông tin tức cùng tôi, nhưng cũng không còn dịp nào cho hai chúng tôi gặp nhau nữa. Vì ông Ch. coi giữ bà ấy cũng như thầy đội đề lao coi giữ tù nhân vậy, hàng ngày không dễ gì bà ra khỏi cửa và mỗi lúc ông đi việc quan thì đi rồi về ngay, không để bà ở nhà một mình quá ba tiếng đồng hồ.
“Không biết làm sao được, thỉnh thoảng bà Ch. lại bảo Trưng nói với tôi kiếm cách đi ngang qua nhà bà một lần để bà trông thấy. Qua tháng tư năm sau, ông Ch. không ở nhà cũ nữa, dọn về ở cái trại lính cách nhà lao không bao xa. Từ đấy bà Ch. cùng tôi năng trông thấy nhau hơn trước, nhưng vẫn không có dịp gần kề trò chuyện. Đến khi thằng Trưng mãn tù, giữa hai chúng tôi tin tức cũng thưa dần.
“Một ngày tháng chạp, thình lình tôi tiếp được lá thư của bà Ch., ấy là lần đầu bà viết thư cho tôi mà cũng là lần cuối. Trong thư bà nói nhân sắp đi chữa lại đồ nữ trang, muốn gặp tôi tại nhà người thợ bạc, câu này làm tôi cứ suy nghĩ mãi: “Yêu nhau mà không được gần nhau, thôi thì sống để dạ chết đem đi”. Tôi đến nhà thợ bạc thì gặp bà Ch. ở đó nhưng người trong nhà đông quá, chỉ nhìn nhau mà hai chúng tôi còn sợ tai tiếng, không dám nhìn no nê. Trọn buổi chiều bà ở đó, làm ông Ch. cũng lò mò tới. Khi tôi trông thấy cái sống mũi đỏ chờn vờn trước cửa thì bèn đảo ra ngõ sau, thành thử từ đầu đến cuối chúng tôi chẳng trao đổi với nhau đươc một câu nào. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp bà Ch., vì sang tháng giêng bà lâm bệnh, được đưa về Huế điều trị, rồi mấy tháng sau có tin bà từ trần... ”
Mối tình đẹp và buồn thời trẻ tuổi trong cảnh ngộ trớ trêu kết thúc ở đấy. Nhưng trong tâm tưởng của PhanKhôi, có vẻ như nó không bao giờ chấm dứt. Hai mươi bốn năm sau, dư vị của nó còn được ông nhắc lại. Trong bài thơ Tình già, hai người của “hai mươi bốn năm xưa” được ông biến đổi đi, đều còn sống, chỉ có “đôi cái đầu đều bạc” đến nỗi “nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được”. Họ chỉ ôn chuyện cũ rồi lại rời xa nhau nhưng còn ám ảnh mãi mãi là nỗi thèm khát được nhìn nhau, vì chưa bao giờ được nhìn nhau no nê, “con mắt còn có đuôi” là vì thế.

II. Lễ cưới và đám tang của nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20-10-1912, quê gốc ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng sinh ra, lớn lên và mất tại Hà Nội. Cha là ông Vũ Văn Lân, làm nghề thợ điện, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi. Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học.
Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ, đó là nguyên nhân khiến ông luôn coi trọng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ. Sau khi học hết bậc tiểu học tại trường Hàng Vôi, không có tiền học trung học, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi.
Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gôđa, nhà in Viễn Đông, ông chuyển hẳn sang nghề làm báo viết văn chuyên nghiệp.
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang bắt đầu gây được sự quan tâm của độc giả. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng Tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúngGiông tố, Số đỏ, Vỡ đêvà Làm đĩđều là tiểu thuyếthiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng.
Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người(1933) đăng trên Tuần báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tâycũng của Vũ Trọng Phụng. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng cho rằng ông là một trong vài ba nhà văn mở đầu cho việc viết phóng sự ở nưc ta. Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục sì đã góp phần tạo nêndanh hiệu “ông vuaviết phóng sự ởđất Bắc cho Vũ Trọng Phụng.
Các tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng  nhiều ý kiến phản bác. Từ năm 1936 đến năm 1939, tức khi Vũ Trọng Phụng qua đời, đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận chung quanh vấn đề "dâm hay không dâm" trong tiểu thuyết và phóng sự của họ Vũ. Từ 1954 cho mãi đến năm 1988, ở ngoài Bắc phần lớn các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều bị cấm xuất bản trong khi ở trong Nam ông rất nổi tiếng.
Suốt đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ sức nuôi gia đình. Tuy viết nhiều về các tệ nạn, các thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ, do đó ông mắc bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh, ông từng thốt lên với Vũ Bằng: Nếu mỗi ngày tôi cómột miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế nàyVợ ông, bà Vũ Mỹ Lương, là con gái người vợ thứ tư của cụ Cửu Tích, một nhà tư sản có cửa tiệm thuốc Bắc rất lớn ở phố Hàng Bạc. (Sau di cư 1954, ở gần đầu Cầu Kiệu, Tân Định, Sài Gòn, có tiệm “Thuốc cam Hàng Bạc”, phía trước có để một con nai bằng gỗ rất đẹp, bây giờ vẫn còn – đó là tiệm thuốc của người con trai lớn cụ Cửu Tích, tức anh vợ thuộc dòng chính của Vũ Trọng Phụng).
Sau khi làm đám cưới vào ngày 23-1-1938, hai vợ chồng được bà mẹ vợ (bà thứ tư của cụ Cửu Tích) thương hại, cho ở nhờ cái chái có chiếc gác xép dùng làm chỗ cho Vũ Trọng Phụng viết lách, bên cạnh nhà bà ở Giáp Nhất để khỏi phải đi thuê. Gần 2 năm sau, khi mất Vũ Trọng Phụng cũng mất tại căn nhà nhỏ này.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1939, khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và  con gái chưa đầy 1 tuổi tên là Vũ Mỹ Hằng. Bà Vũ Mỹ Lương lúc ấy mới 22 tuổi vẫn ở vậy nuôi con.
Chỉ vỏn vẹn sống có 27 năm trên dương thế nhưng Vũ Trọng Phụng đã để lại một sự nghiệp đồ sộ: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, 1 vở kịch dịch từ tiếng Pháp. Với 27 năm ấy, Vũ Trọng Phụng đã có một lễ cưới rình rang, và một đám tang buồn thương, bi thiết.
Trong buổi “Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng” (20-10-2012) được tổ chức tại Hà Nội, bên cạnh những bài phê bình, nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng của nhiều cây bút hậu thế, người nghe còn được biết tới đám cưới và đám tang buồn thảm của nhà văn qua hồi ức của cụ Nguyễn Bá Đạm.
Cụ Nguyễn Bá Đạm năm nay 93 tuổi, xưa là người cùng làng với Vũ Trọng Phụng. Qua giọng đã run rẩy vì tuổi già, cụ kể lại những gì mình đã được chứng kiến: một lễ cưới long trọng và một đám tang buồn thảm, vĩnh biệt con người tài hoa chỉ tồn tại trên dương thế có 27 năm. Câu chuyện này được cụ viết lại và in trong cuốn “Hà Nội, những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19-20”, do NXB Văn học ấn hành vào đầu năm nay, 2013.

Lễ cưới có xe hoa đón dâu
Vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng là cô Vũ Mỹ Lương, sinh ra trong gia đình có tiệm thuốc Bắc rất lớn ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Cô nổi tiếng cần cù, chịu khó, khéo tay hay làm. Thông cảm với hoàn cảnh mồ côi cha từ nhỏ và mến phục tài năng văn chương của Vũ Trọng Phụng, cô Lương đồng ý lập gia đình với ông.
Đám cưới được tổ chức vào chủ nhật 23/1/1938, tức 22 tháng Chạp năm Đinh Sửu. Cách đây gần một thế kỷ, ít đám cưới nào ở Hà Nội có xe ô tô rước dâu long trọng như vậy. Nửa tháng trước, nhà trai đã làm lễ ăn hỏi, dẫn đến nhà gái đầy đủ lễ vật. Ngày hôm trước, bà con trong họ, trong làng đã kéo đến làm giúp, dựng rạp, kê bàn ghế, làm cỗ... Khách khứa ăn uống ở 5 gian nhà chính và 3 gian nhà ngang, còn phải làm thêm rạp ở ngoài sân mới đủ chỗ ngồi. Mới sáng ra, trẻ con trong làng đã tụ tập bên bờ ao đình, nhìn sang con đường Láng, chờ xem xe hoa đám cưới. Đến gần trưa, một đoàn mười chiếc xe hơi sơn đen đi theo hàng một, vượt qua cầu Mọc, rẽ trái, về làng Giáp Nhất. Họ nhà trai người mặc âu phục, người mặc quốc phục, trong đó có chú rể đội khăn, mặc áo đoạn, đi giày hạ. Vũ Trọng Phụng người xương xương, mỏng manh, mắt nhỏ, trán nở và cao, vai hơi ngang. Ông có cái nhìn tinh nhanh, nụ cười hóm hỉnh. Trong số người đi cùng với chú rể có nhiều nhà văn già, trẻ.
Mọi đám cưới, trẻ con thường chăng dây ngang đường, nhà trai muốn đi qua phải nộp một phong bao, trong đó có năm, sáu xu bằng đồng. Nhưng ở đám cưới này, chúng nghe nói có cả các ông nhà báo về dự nên bảo nhau bỏ cái tục không hay ấy đi. Lần đầu tiên, đám cưới Vũ Trọng Phụng được hưởng nếp sống mới.
Chú rể đi tới bàn thờ gia tiên, vừa lúc cô dâu ở trong buồng ra. Chú rể bước lên sập, lễ tiếp. Hôm nay, cô dâu chít khăn vành rây màu lam, đeo hoa tai đầm, kiềng vàng, mặc áo dài màu hồng, đi giày nhung đen thêu hạt cườm. Mấy năm trước, làng mở hội, có đánh cờ người, do cô đẹp nên đã được chọn làm quân Sĩ. Giờ hoàng đạo – giữa trưa – sắp đến. Nhà trai xin phép đón dâu.
Mở đường là cụ già râu tóc bạc phơ, đạo mạo, mặc áo sa màu lam, tay cầm lư hương khói nghi ngút. Tiếp theo là chú rể Vũ Trọng Phụng và hai phù rể. Cô dâu đi phía sau, hai tay nâng chiếc quạt che mặt. Hai cô phù dâu mặc đẹp chẳng kém, dáng e lệ, đi hai bên. Hai họ đi bộ tới cổng làng mới lên xe. Hơn nửa giờ sau, đoàn xe dừng bánh ở bên số chẵn phố Hàng Bạc, trong tiếng pháo nổ ran, dân hàng phố kéo đến xem đông nghịt, đứng kín cả vỉa hè. Hai họ phải nhường nhau mới lên nổi căn gác hẹp. Nhìn lên ba bức tường thấy vài câu đối bằng vóc hồng thêu kim tuyến hoặc bằng satanh đỏ thêu con trĩ bên hoa phù dung. Cô dâu lễ gia tiên với chú rể xong, tiếp tục tiếp khách. Chuyện trò hồi lâu, nhà gái xin cáo lui. Riêng các văn hữu còn uống rượu, trò chuyện đến khuya mới về. Tất cả những tốn kém này, một phần do nhà gái cho, một phần là tiền bản quyền sách báo của Vũ Trọng Phụng.

Đám tang không kèn trống
Nhà văn họ Vũ cưới vợ ngày 23/1/1938, sống nghèo khổ với nghề viết văn, làm việc quá cực nhọc nên bị bệnh lao phổi rồi mất ngày 13/10/1939. Như vậy, vợ chồng Vũ Trọng Phụng chỉ mới sống với nhau được chưa đầy 2 năm , lúc ấy người vợ trẻ mới 22 tuổi nhưng ở vậy trong cảnh nghèo túng, buôn bán lặt vặt để nuôi bà nội chồng, mẹ chồng và cô con gái bé xíu tên Vũ Mỹ Hằng chưa đầy 1 tuổi.
Hôm ấy là buổi sáng mà nắng gắt như giữa mùa hè. Một cỗ xe tang do hai con ngựa kéo, lặng lẽ đi từ số nhà 73 Cầu Mới đến nghĩa trang Quảng Thiện (ở khu vực Thanh Xuân hiện nay). Theo sau là khoảng ba trăm người vừa đi bộ vừa dắt xe đạp, họ là thân quyến, bạn bè của người quá cố, đa số là các nhà văn, nhà báo. Tiếng khóc của người vợ trẻ nghe não nùng, thảm thiết. Con gái Vũ Trọng Phụng còn trứng nước, chưa đầy một năm tuổi, được một bà bế trên tay. Trông em bé bụ bẫm, hai con mắt đen như hạt nhãn, đội cái mũ mấn khâu bằng vuông vải trắng.
Đi theo những người phu đòn mặc đồng phục màu đen, nẹp trắng, đội nón chóp sơn đen, trước mắt là khu mộ mới. Mộ thi sĩ Tản Đà cũng ở gần đấy, chỉ cách mươi mươi mười lăm bước. Huyệt đã được đào từ chiều hôm trước. Linh cữu vừa được hạ xuống thì người vợ nhà văn, vì quá thương chồng đã lăn xuống huyệt. Người ta phải ra sức kéo lên.
Thay mặt cho giới văn hữu, Lưu Trọng Lư đọc điếu văn. Giọng ông run run, ông đọc: “Anh là một nhà văn. Tên tuổi anh sẽ sống mãi cùng sự nghiệp của anh. Anh đã chuyển bại thành thắng, ở chỗ này, tử thần sẽ không làm gì được anh nữa”. Mọi người ném xuống mộ nhà văn những nắm đất to nhỏ không đều, chỉ trong chốc lát ngôi mộ đã cao dần và được đắp cho chắc chắn. Những thỏi vàng hồ (vàng giấy, dán bằng hồ) cũng được rắc lên. Lan Khai và Phùng Tất Đắc suốt mấy ngày nay bận rộn lo việc tang ma cho bạn, nay lại nhanh nhẹn đem các vòng hoa đặt lên mộ. Phạm Cao Củng mang theo máy ảnh chụp một vài kiểu. Những nén nhang cháy từ từ, làn khói cuộn dần lên theo gió. Mọi người nghiêng mình, cúi đầu hoặc chắp hai tay vái từ biệt Vũ Trọng Phụng lần cuối. Lúc ấy là 9 giờ 45 phút sáng ngày chủ nhật, 15/10/1939.
Mười bảy năm sau (1956), cô bé Mỹ Hằng lớn lên, 18 tuổi, lập gia đình với cậu Nghiêm Xuân Sơn ở cùng làng Giáp Nhất nhưng gốc người Hành Thiện, Nam Định, là tay văn học, rất giỏi kế toán, hết sức hâm mộ “ông già vợ” mặc dầu không biết mặt. Sau 1975, cậu đem vợ con vào Sài Gòn làm ăn, giàu có lớn. Tới thời kỳ “mở cửa”, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được đánh giá lại một cách chính xác, cậu đem vợ con trở về Hà Nội, xin lại đất đai của gia đình bên vợ ở Giáp Nhất tới hơn 1000 m2, xây cất ngôi “Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng” rất bề thế. Trên nguyên tắc, không được để mộ của người chết trong thành phố, cậu cải táng mộ của bố vợ ở nghĩa trang Quảng Thiện (thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội), đem thiêu, rồi đem bình tro cốt xây ngôi mộ rất lớn trong khuôn viên trước Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng. Ngày nay, khách tới thăm Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng sẽ thăm được cả mộ của Vũ Trong Phụng ở ngay phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét