Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Lời nói dối cần thiết


dallas030041
Trong kinh Cựu Ước có kể câu chuyện ông Moses vâng lệnh Thiên Chúa dẫn dắt dân Do Thái từ Ai Cập trở về đất hứa Israel. Trên đường trở về, đoàn người đã bị lạc trong sa mạc mất 40 năm và ngay cả Moses cũng không được diễm phúc về lại đất hứa mà phải bỏ mình trong sa mạc. Trong khi di chuyển, có lần, đoàn người dừng chân nghỉ và hạ trại ngay dưới chân núi Sinai. Tại đây, Moses một mình lên núi
gặp Thiên Chúa và đã được ban cho Mười điều răn khắc trên bảng đá, ghi lại những điều Thiên Chúa cấm dân của Ngài không được phạm tới và phải cố xa lánh những sự dữ đó. Mười điều răn đó sau này trở thành những giới luật mà những người theo Kitô giáo bắt buộc phải tuân theo cũng giống như bên nhà Phật thì có Ngũ giới vậy.
Trong Mười điều răn đó, riêng điều thứ tám, Thiên Chúa cấm loài người không được làm chứng dối, tức không được nói gian nói dối, bẻ cong sự thật, không biến trắng thành đen, có ít xít ra nhiều v.v... Có lẽ Thiên Chúa biết bản chất của loài người là thích nói dối nên Ngài đã cấm luôn để tiện bề kiểm soát.
Có một người Việt Nam là nhà thơ Phùng Quán cũng đã khinh bỉ chuyện nói dối. Ông kể lúc nhỏ có lần nói dối mẹ rồi tưởng rằng sau đó sẽ bị ăn đòn, nhưng không, mẹ ông chỉ buồn và khuyên con:

Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

Và Phùng Quán đã cố gắng làm theo lời khuyên của mẹ là “làm người chân thật”, nói lên những lời chân thật, mặc dù vì thế mà ông đã bị nhà cầm quyền cộng sản vùi dập, đầy đọa trong suốt mấy chục năm trời.
Nếu bạn có hỏi thì hầu như ai cũng sẽ đồng ý rằng nói dối là điều không đúng và không nên làm. Nói thì nói thế nhưng đâu phải ai cũng có thể làm được. Để tránh gặp rắc rối, để giữ thể diện trước mặt người khác, hoặc không muốn đụng chạm tự ái của người khác, nhiều người đã không thể làm gì khác hơn mà đành phải nói dối. Có tới hơn 80% phụ nữ nhìn nhận là đôi lúc nói những điều chỉ đúng một nửa sự thật tuy không làm hại tới ai. Và 75% nhận rằng đã từng nói dối những người thân quen về chuyện tiền bạc. Có người cho rằng thói nói dối chính là bản chất di truyền tự nhiên của con người.
Thế nhưng, không chỉ phụ nữ mới biết nói dối mà trái lại, đàn ông còn nói dối bạo hơn nữa. Kết quả một cuộc nghiên cứu bên Anh cho biết đàn ông nói dối gấp đôi phụ nữ. Trung bình mỗi ngày các ông nói dối sáu lần: dối người bạn tình, dối sếp và dối đồng nghiệp. Trong khi đó phụ nữ trung bình chỉ nói dối ba lần một ngày mà thôi.
Tám mươi ba phần trăm người lớn thuộc cả hai giới tính nói rằng họ có thể dễ dàng nhận biết khi người đối diện đang nói dối. Nhưng theo chuyên gia nghiên cứu về cử chỉ của con người (body language), Richard Newman, ông nói rằng phần lớn người ta không thể nhận thấy dấu hiệu của người nói dối. Ai cũng cho rằng nếu một người đang nói dối, thường thì người đó tìm cách giấu mặt hay tránh tiếp xúc bằng mắt. Nhưng thực tế lại là điều ngược lại. Những người nói dối sẽ cố gắng tìm cách làm tất cả những gì họ có thể làm để thuyết phục người nghe tin những điều họ đang nói là sự thật: ngồi thật yên, cử chỉ khoan thai, tự nhiên và nhìn thẳng vào người đối diện để đo lường phản ứng. Thế nên, chúng ta thường hay đánh giá quá cao cái khả năng của chúng ta trong lãnh vực nhận biết người nói dối.
Một số lời nói dối thường không làm thiệt hại đến người khác. Nhưng xin nói rõ đó chỉ là những lời nói dối nho nhỏ, vô thưởng vô phạt thôi chứ không phải những lời nói dối nghiêm trọng. Mặc dù đôi khi trong lòng thật sự không thích nhưng ta vẫn có thể nói với người đối diện những câu như: “Ôi, kiểu tóc mới sao mà hợp với khuôn mặt của cô thế!” hoặc “Chà, màu áo cô mặc hôm nay trông xinh quá!” – thì đó không chỉ là những lời nói dối vô thưởng vô phạt mà còn làm mát lòng người khác, tự nó không có hại gì cả. Nhưng chắc nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ sau khi cộng sản miền Bắc chiếm trọn miền Nam, trong đợt tập trung quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trình diện “học tập cải tạo”, chính quyền cộng sản đưa ra thông cáo nói rằng tất cả hạ sĩ quan và nhân viên cấp thấp chỉ cần mang đủ lương thực cho ba ngày, còn sĩ quan và nhân viên cấp cao thì mười ngày. Ai nghe cũng tưởng là chỉ phải đi mấy ngày rồi về. Có người được vợ cẩn thận dúi cho chiếc áo lạnh hay chiếc chăn mỏng thì nhăn mặt than là chỉ bày vẽ. Thế nhưng sự thật trái với những sự suy đoán, có nhiều người đã phải đi biền biệt tới 10, 15 năm. Có người đi mãi không về, bỏ xác nơi rừng sâu. Vậy mà ngoài miệng, cộng sản luôn luôn nói với giọng điệu khoan hồng. Thì đó là những lời nói dối trắng trợn, nghiêm trọng và làm thiệt hại tới người khác, không chỉ về mặt vật chất, tinh thần mà luôn cả mạng sống.
Đôi khi người ta nói dối là để tự bảo vệ chính mình, che bớt đi những khiếm khuyết. Những lúc khác, người ta nói dối là vì thói quen, do phản ứng tự nhiên, tránh cho người khác khỏi bị bối rối. Vì vậy mà những lời nói dối là điều cần thiết trong cuộc sống. Những lời nói dối cần thiết xảy ra nơi công cộng, trong sở làm, trong những buổi họp mặt, giao tế, trong cuộc sống gia đình và trong chuyện tình cảm. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng một trong những bí quyết để giữ cho đời sống hôn nhân được lâu bền và hạnh phúc, đôi khi chúng ta cần phải nói dối.
Có người còn đi xa hơn và quả quyết rằng đời sống hôn nhân không thể tồn tại bằng sự thành thật. Trong cuộc sống hôn nhân, nếu cả hai người lúc nào cũng đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thật thì tỉ lệ ly dị ở Mỹ sẽ còn tăng cao hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở mức 50%. Tuy nhiên, trong đời sống hôn nhân, không hẳn những lời nói dối nào cũng hay, cũng cần thiết cả. Những chuyện như ngoại tình, nói bận họp ở sở nhưng thực sự là đang đỏ đen ở sòng bài, cha mẹ còn sống phây phây nhưng nói là họ đã qua đời từ lâu để đánh lừa người khác để được rũ lòng thương xót, là những lời nói dối không những cần phải tránh mà còn không thể để nó xảy ra ở bất cứ lúc nào bởi vì những lời nói dối đó gây tổn thương trầm trọng cho người đối diện.
Những lời nói dối nho nhỏ như cần che giấu đi những lo lắng của riêng mình để người bạn đời không phải bận tâm, hoặc ngay cả khi ta nói dối chỉ để cố gắng duy trì sự hòa thuận giữa hai người, các nhà nghiên cứu gọi đó bằng một từ có tính cách kỹ thuật là “tránh” hoặc “lách”. Nhưng lúc nào ta cũng cứ phải sử dụng cách tránh hoặc lách đó thì về lâu về dài, mối quan hệ sẽ trở nên xấu đi. Thế nên, các nhà nghiên cứu khuyên nên sử dụng một cách chừng mực là tốt nhất.
Nhiều cặp vợ chồng thường quan niệm sai lầm cho rằng cách tốt nhất để giữ hạnh phúc cho nhau là nên hoàn toàn mở lòng ra với nhau. Nhưng thực tế là những lời nói dối, trong một giới hạn nào đó, có thể là một “chiến lược” hiệu quả hơn hết.
Thông thường, những cặp vợ chồng càng cởi mở thành thật với nhau bao nhiêu thì họ lại càng cảm thấy kém hạnh phúc đi bấy nhiều. Một số nghiên cứu trong vòng hai thập niên qua cho biết nhiều cặp vợ chồng nói rằng chính những chia sẻ tâm sự với nhau nhiều quá là lý do làm cho họ dễ chán nhau.
Không nói về một đề tài nào đó để tránh gây xích mích là điều nên làm. Nhưng tránh những đề tài như tiêu xài quá tay đưa đến nợ nần hoặc bị nghiện ngập thì lại là điều không nên, vì đó chính là sự ích kỷ không có lợi cho quan hệ tình cảm.
Các nhà nghiên cứu khuyên ta nên tính điều lợi hại. Nếu những chuyện ta muốn nói ra nhưng biết sẽ gây tổn thương cho người bạn đời, vậy thì không nên nói ra hoặc lựa lúc nào thuận tiện nhất thì nói. Nhưng nếu những chuyện đó nói ra mà không gây hại thì nên nói ra ngay để không bị bận tâm về sau.
Tuy nhiên, nếu việc nói dối xảy ra thường xuyên thì rất có thể nó sẽ gây thiệt hại nhiều hơn ta tưởng và vì vậy ta phải rất cẩn thận. Một nghiên cứu vào năm 2009 cho biết 71% những người mà người bạn đời của họ nói dối thường xuyên nói rằng thói nói dối đó tạo nên khoảng cách làm cho hai người từ từ xa nhau. Trong khi đó, những người có người bạn đời hay giữ kín sự thật, nhưng không hẳn là nói dối, chỉ là không nói ra thôi, thì chỉ có 43% nói việc đó tạo nên khoảng cách làm họ xa nhau.
Nếu những quan hệ tình cảm lấy sự thành thật làm nền tảng để giữ gìn hạnh phúc thì đó là điều đáng kính phục. Còn không thì đôi khi chúng ta cũng nên du di chút ít cho cuộc đời dễ thở. Có người nói rằng hôn nhân cũng cần một chút ảo giác để tự đánh lừa chính mình. Sự thành thật trong phút gặp gỡ đầu tiên ấy là bước đầu để người ta quen nhau, nhưng chính những lời nói dối nho nhỏ mới là yếu tố cần thiết để giữ hạnh phúc lâu bền.
Hóa ra nói dối là một nghệ thuật mà ai cũng nên có một ít để làm hành trang trong cuộc sống.

Huy Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét