Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Nhớ thương về NHỮNG THIÊN THẦN GÃY CÁNH



LTS:  

Tướng Lê Quang Lưỡng Tư Lệnh sau cùng của Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, Ông xuất thân từ Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cùng khóa với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu... 

Tướng Lê Quang Lưỡng phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù Việt Nam từ ngày 15 tháng 6 năm 1954 với cấp bậc thiếu úy Trung Đội Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, ngày 1 tháng 9 năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá, ông thành lập Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, ngày 1 tháng 1 năm 1968 với cấp bậc Thiếu Tá, ông nhận chức vụ Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, ngày 22 tháng 11 năm 1972 với cấp bậc Chuẩn Tướng, ông nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhẩy Dù, ngày 29 tháng 4 năm 1975 ông di tản sang hoa kỳ, định cư tại thành phố Hampton tiểu bang Virginia, Ông về cõi Niết Bàn ngày 21 tháng 9 năm 2005 tại Bakersfield, miền trung Tiểu Bang California, Ông ra đi sau cơn bệnh ngặt nghèo, kéo dài lâu ngày. Ông để lại luyến thương sâu xa cho đoàn quân Mũ Đỏ.

Ông là vị Tướng, vị Tư Lệnh Nhảy Dù duy nhất sinh hoạt chặt chẽ với Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam từ năm 1980 đến năm 2005; năm 1990 ông cùng Đại Tướng Vaugh Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn diễn hành, của Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, đi diễn hành trên đại lộ Constitution, Washington D.C., cùng với các đơn vị Nhảy Dù của 32 quốc gia bạn, nhân ngày kỷ niệm 50 năm thành lập binh chủng Nhảy Dù Hoa Kỳ, đơn vị của QLVNCH đầu tiên và duy nhất từ trước cho đến nay, được mời chính thức rước ngọn cờ Vàng ba sọc Đỏ giữa lòng thủ đô Hoa Kỳ, hai bên đường dân chúng Hoa Kỳ và đồng bào Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản, đón tiếp và cổ võ nồng nhiệt. 

***
Bài "Thiên Thần Mũ Đỏ. Ai còn? Ai Mất?", được báo Hồn Việt xuất bản tại miền Nam Ca Li đăng từ năm 1984, chúng tôi xin đăng lại bài này, với bản thảo chính gốc, chúng tôi hoàn toàn không hiệu đính như những báo khác, kể cả báo Hồn Việt, để anh chị em Mũ Đỏ đọc và suy gẫm, xin các anh chị em Mũ Đỏ: Chúng ta cùng nhau thắp nén hương lòng tưởng nhớ người anh cả của binh chủng Nhảy Dù từ năm 1971-1975.  
***




THIÊN THẦN MŨ ĐỎ
Ai còn? Ai mất?

Mũ Đỏ Lê Quang Lưỡng

Tôi vẫn nhớ rõ như mới nhìn thấy hôm qua những khuôn mặt, giọng nói tác phong của những anh em Dù đã cùng tôi vào sinh ra tử. Thiếu Tá Thanh Tiểu đoàn 8 mà đồng đội của người Tiểu Đoàn Trưởng nầy thường gọi là Thanh Râu. Anh em chúng tôi có Thiếu Tá Châu Lùn Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1, Thiếu Tá Hạnh, Hào Hoa Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2, Thiếu Tá Trang Trĩ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3, Trung Tá Bùi Quyền, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 nổi nóng mặt đỏ gay, Thiếu Tá Lô Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7, biệt danh là Lô Lọ Rượu. Anh em chúng tôi còn có Cậu Út Biên Hòa hay cậu "Bảy Tình" Mười Lựu Đạn tức Trung Tá Thành, Tiểu Đoàn 6, Trung Tá Trần Đăng Khôi Lữ Đoàn 2 tài đức song toàn.

Thiếu Tá Đường TĐ9, thích làm thơ tình lãng mạn, gọi là Đường Thi Sĩ, anh em chúng tôi có Thiếu tá Hồng Thu, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 16 gọi Cô Thu. Chúng tôi có hai Ngọc, Ngọc Long Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 và Ngọc Nga, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 4, Làm sao anh em Dù chúng tôi quên được, chúng tôi có 2 người bạn anh hùng, mỗi người chỉ có một mắt. Trung Tá "Bùi Đăng" trong thẻ quân nhân không phải họ "Bùi" cũng chẳng có tên "Đăng", tên anh là Bằng, Anh chỉ có một mắt. Nhưng những chiến sĩ của anh gọi anh một cách âu yếm là Bùi Đăng. Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 2 cũng chỉ có một mắt từ ngày còn là Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 5, anh em Dù gọi là Hiệp sĩ Mù, tội nghiệp Sơn đã hy sinh trong trận chiến sau cùng tại mặt trận Phan Rang. Chúng tôi có Hiệp sĩ mù của chúng tôi, Hiệp sĩ mù của Thiên thần Mũ Đỏ không xử dụng cùng một loại vũ khí như Hiệp sĩ mù của phim ảnh và tiểu thuyết. Nhưng oai phong người Hiệp sĩ của Quê Hương ta, chẳng thua sút sự hào hiệp của người trong truyện. Chúng tôi có Hiệp sĩ mù, chúng tôi có nhiều lắm. Làm sao quên Đại Tá Nguyễn Thu Lương, anh em thân thương gọi là Lương Ruột Ngựa. Đỉnh Tây Lai, Bố già Đại Tá Lê Văn Phát, người tử thủ Khánh Dương, người lính già có mặt hầu hết những trận lớn của Quê Mẹ? Bố Già Lữ Đoàn 3? Đúng, chúng tôi có Bố Già đó.

Tháng 6/1972, sau trận Bình Long, tôi được trả về Sư Đoàn Dù, ít lâu sau SĐ Dù được đưa ra Đà Nẵng để tăng phái cho Quân Đoàn I. Lúc đó tôi là Lữ Đoàn Trưởng LĐ1 Nhảy Dù. Cùng với LĐ1 ra vùng I có LĐ2 và LĐ3. Thời gian nầy, Trung Tướng Dư Quốc Đống là Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù.

Sự phân phối các đơn vị Dù tại Quân Đoàn I lúc ấy như sau: Toàn bộ Sư Đoàn Dù ở phía bắc sông Mỹ Chánh, đang tiến quân về hướng Quảng Trị, dọc theo sườn dẫy trường sơn . Tháng 9/1972, tôi được bổ nhiệm làm phụ tá hành quân Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù. Vào tháng 8 năm đó, Trung Tướng Dư Quốc Đống bị bệnh, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư lệnh phó Sư Đoàn được chỉ định đảm nhận Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, còn Đại Tá Bảo, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn thì vừa tử nạn phi cơ, do đó tôi được đảm nhận trách vụ xử lý thường vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù một cách không chính thức. Cuối tháng 8, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi tôi vào Dinh Độc Lập để làm lễ thăng chức Chuẩn Tướng cho tôi, và sau đó tôi được bổ nhiệm Tư Lệnh phó, xử lý thường vụ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù đóng tại căn cứ Hiệp Khánh, cây số 17 Bắc Huế. Đến tháng 11/1972, tôi chính thức nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, thay thế Trung Tướng Đống từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Khoảng thời gian 72 đến 75 ải địa đầu của Tổ Quốc của ta không phải là vùng đất bình lặng, Quảng Trị, Thạch Hãn, Chu Lai, Cố Đô Huế. Những danh xưng đủ nói lên những trời giao động. Những người lính chiến được đồng bào gọi một cách âu yếm là "Thiên Thần Mũ Đỏ". Trong suốt thời gian máu lửa đó đã có mặt khắp cùng trên những vùng đất ải địa đầu, cùng anh em quân nhân thuộc các quân binh chủng khác, mang lại cho đồng bào, tuy không phải sự bình yên tuyệt đối cũng là một tình hình khả quan.

Năm 1975 vào những ngày tháng lịch sử, sự phân phối các đơn vị Dù như sau: Hai Lữ Đoàn ở phía nam đèo Hải Vân, một Lữ Đoàn ở phía bắc đèo Hải Vân, chúng tôi đứng vững ở vùng I; Đập những nhịp tim tin tưởng, anh em chúng tôi, một mặt nhìn bao quát tình hình chiến trường khắp nước, một mặt theo dõi mọi tiến thoái của các đơn vị đối phương trong vùng, tay gìm súng sẵn, chờ địch quân. Thói quen tiến vào chỗ chết, thói quen chấp nhận mười thua một ăn mà vẫn chiến đấu oai hùng, đó là đặc tính của anh em Nhảy Dù, mặc dù tin tức giao động đến từ bốn phía, vẫn tiếp tục sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục cố gắng.

Lệnh của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi Sư Đoàn Dù về Sài Gòn hiện ra với tôi, bởi đó như một chấn động. Lúc đó tôi chờ đợi mọi thứ trong tư thế sẵn sàng. Đợi đối phương ào ạt vượt sông Thạch Hãn, đợi chiến xa địch đến đây, miền Trung kiêu hãnh từ những vùng rừng rậm Nam Lào cho đến miền đồng bằng cát trắng Hội An. Nhưng tôi không chờ đợi được điều đó. Lệnh di chuyển Sư Đoàn Dù về Sài Gòn, lệnh không phải chỉ nghe một phía mà từ mọi hướng. Ngày 10.03.1975, Việt Cộng tấn công Ban Mê Thuộc. 11.03.1975 Ban Mê Thuộc thất thủ. Tổng Thống Thiệu gọi Trung Tướng Trưởng vào SàiGòn nhận chỉ thị. Lệnh khủng khiếp, lệnh làm choáng váng, làm tan nát, đó là "Bỏ vùng I". Dường như muốn cho lệnh tổng quát đó được thi hành chính xác, Tổng Thống Thiệu đòi Trung Tướng Trưởng phải tức khắc cho rút Sư Đoàn Dù về Sài Gòn ngay. Cho chắc ăn, Sài Gòn qua lệnh rút Sư Đoàn Dù về, muốn trói tay Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I. "Trói tay" là một hình ảnh dễ hiểu nhưng có lẽ không đủ nghĩa. Sài Gòn đã lấy mất thanh gươm và chặt hết một cánh tay, cánh tay cầm gươm của Tướng Trưởng khi đối phương bắt đầu tiến tới.

Chỉ sau vài chục giờ sau khi lệnh Tướng Trưởng trả Dù về Sài Gòn, công điện tối mật của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thay vì do Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng ký, nhưng lại do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký gởi cho Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, hạ lệnh toàn bộ Sư Đoàn Dù rời khỏi miền Trung không chậm trễ. Lúc đó tin Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quân Đoàn I cũng bắt đầu loan ra.

Ngày 17/03/75, sau khi đã thực hiện đầy đủ những giải pháp kỹ thuật cho các anh em Dù rời miền Trung, chuyển vận, tiếp liệu, an toàn khi ra đi v.v...tôi lên gặp Trung Tướng Trưởng để chào từ giã. Tôi nói với Trung Tướng Trưởng về việc Thủy Quân Lục Chiến cũng sẽ ra đi. Tôi cũng nói lên những lời hàm ý chia sẻ ưu tư của Trung Tướng về sự "Trói tay", sự tước bỏ mọi hỗ trợ trước một trận đánh lớn. Khuôn mặt Tướng Ngô Quang Trưởng, vẫn sẵn ưu tư, càng hiện ra ảm đạm. Ông chỉ cầm tay tôi nói: "Cảm ơn anh và các Anh em Nhảy Dù đã giúp tôi rất nhiều trong những năm qua".

Anh em quân nhân Nhảy Dù nghĩ rằng mình được di chuyển toàn bộ về Sài Gòn. Các Sĩ quan chỉ huy từ Đại Đội cho đến Lữ Đoàn được loan báo là họ được di chuyển về thủ Đô VNCH. Tướng Trưởng được lệnh "trả Sư Đoàn Dù về SàiGòn". Lệnh tôi nhận được cũng rất rõ rệt: Đưa Sư Đoàn Dù về Sài Gòn.

Có thể những sử học trong tương lai cũng tóm tắt sự di chuyển của anh em chúng tôi bằng những dòng chữ "Tướng Thiệu, để chặt tay Tướng Trưởng, để gây cho Dân, Quân miền Trung sự kinh hoàng tột độ, mở đầu cho tan rã ồ ạt, hạ lệnh rút Sư Đoàn Dù ra khỏi tuyến đầu".

Sự việc không hoàn toàn đơn giản như thế. Lệnh rút Sư Đoàn Dù về SàiGòn chỉ là một lệnh bề mặt mà chiều sâu là phân tán Sư Đoàn Dù. Ông Thiệu áp dụng kế hoạch "Bẻ bó đũa" làm tan tành một đoàn quân bách chiến, một Binh chủng oai hùng, xô đẩy những Thiên Thần vào hỏa ngục. 12 Tiểu Đoàn Trưởng trên 18 Tiểu Đoàn, linh hồn của đoàn quân Mũ đỏ hoặc gục ngã ở chiến trường sắp đặt, hoặc rơi vào tay địch, có cả một Lữ Đoàn tan thành mây khói, có cả một Lữ Đoàn đánh đoạn hậu bảo vệ cho đồng bào di tản và tới phiên mình quân trải trên một diện tích rộng lớn, chỉ còn dưới tay được mấy trăm con.

Lệnh tôi nhận được là chia Sư Đoàn Dù ra làm hai nhánh, một đi tàu thủy và một do không vận. Lữ Đoàn 1 và 2 di chuyển bằng phi cơ của Không Lực VNCH. Lữ Đoàn 3 di chuyển bằng tàu HQ-404 của Hải Quân VN. Lữ Đoàn 1 và 2 đến điểm hẹn như ấn định, nhưng Lữ Đoàn 3 không được đưa đến nơi. Khi HQ-404 đến gần Nha Trang thì Hạm Trưởng nhận được lệnh đổ anh em xuống Nha Trang. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, nhưng ý tưởng thắc mắc vì sao Tổng Thống Thiệu nói đưa toàn bộ Sư Đoàn Dù về Sài Gòn để rồi phân tán một phần đi nơi khác. Dù vậy, không bao giờ tôi quên được khuôn mặt, mắt liếc xéo, nụ cười khoái trá, giọng nói chứa đựng thỏa mãn, toàn bộ khuôn mặt toát ra một sự khoan khoái kỳ lạ. Cựu Tổng Thống nhìn tôi với tia mắt kỳ lạ đó với nụ cười ở cuối môi, ông nói: "Theo anh liệu Trung Tướng Trưởng có giữ nổi Quân Đoàn I khi tôi rút Sư Đoàn Dù về đây không?".

Mặc dù lệnh lạc lung tung, bảo về Sài Gòn lại đổ xuống Nha Trang, mặc dù bảo về dưỡng quân lại được ném ra mặt trận, là một quân nhân kỷ luật, ý thức được rằng sức mạnh đến từ kỷ luật sắt thép, anh em Lữ Đoàn 3 xuống Cầu Đá Nha Trang là lên đường đi chiến đấu ngay. Đại Tá Lê văn Phát, người nắm Lữ Đoàn 3 cũng là người có biệt hiệu "Bố Già" đặt Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn tại Huấn Khu Dục Mỹ. Nhiệm vụ của Lữ Đoàn 3 là nút chặn địch ở Khánh Dương giúp cho các Đơn vị của Quân Đoàn II rút lui an toàn. Biết rõ sự oai hùng của các Thiên Thần Mũ Đỏ của QLVNCH, Văn Tiến Dũng tung 2 Sư Đoàn với quân số 6 lần, là những SĐ 320 và SĐ 10 đánh bọc ngang hông. Lữ Đoàn 3 Dù bình tĩnh và oai hùng chiến đấu, quất cho quân địch tổn thất nặng nề. Lữ Đoàn 3 còn ở Khánh Dương, địch không thể đi lên một bước. Ngày 28/03, vì quân số đối phương đông gấp 10 lần, nên không thể ngăn chặn vĩnh viễn, vì lệnh Sài Gòn hay vì một lý do nào khác, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã ra lệnh cho Đại Tá Phát rút Lữ Đoàn 3 từ Nha Trang vào Phan Rang, sau đó lệnh lại được đưa xuống là bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và các thành phần yểm trợ thì rút về Phan Rang, còn 3 Tiểu Đoàn 2, 5, 6 thì rút lên núi trấn giữ ở đó.Tại sao lại đưa 3 Tiểu Đoàn Dù lên núi? Nghe tin này tôi vội vã bay ra Phan Rang.

Tư Lệnh Nhảy Dù trên nguyên tắc và bởi định nghĩa là người chỉ huy binh chủng Nhảy Dù. Nếu không được tham dự vào việc soạn thảo kế hoạch hành quân, thì ít nhất trách nhiệm chiến thuật phải được trọn vẹn. Tôi không được Bộ Tổng Tham Mưu hay Phủ Tổng Thống tham khảo một lần nào về việc lui quân, kể từ ngày binh chủng Dù được bốc khỏi Vùng I, quyền chỉ huy, chiến thuật binh chủng Dù, quyền xử dụng anh em quân nhân Dù cũng vượt ra khỏi tầm tay của Tư Lệnh Dù. Anh em binh chủng tôi, đã bị chặt và giao cho người nầy một mảnh, người kia một miếng. Khi nhìn thấy chiến hữu của tôi bị vất vả cùng cực, tôi chạy ngược chạy xuôi đi can thiệp. Trong những giờ chạy đôn chạy đáo, ý tưởng ghê gớm lóe lên trong tôi, "Phải chăng một ác thần đang làm tê liệt hàng vạn tinh binh trước khi mở ra cuộc hỏa thiêu thành La Mã?".

Tôi bay ra Phan Rang gặp ngay Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi lúc đó là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, đang chỉ huy Bộ tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn III tại đây. Nơi đó tôi cũng gặp Tướng Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân. Tôi yêu cầu cho trực thăng lên núi bốc 3 Tiểu Đoàn 2, 5, 6 về Phan Rang. Tướng Nghi chấp thuận, chỉ thị Tướng Sang cho Không Quân giúp. Anh em trực thăng đã rất nhiệt tâm và can đảm trong việc bốc hơn 1000 người bỗng nhiên bị ném lên một ngọn núi chơ vơ mà không một lý do chiến lược hay chiến thuật nào giải thích được cả. Lữ Đoàn 3 trong tư thế vững vàng, sẵn sàng chiến đấu nghiêm chỉnh trong vị trí đứng đắn. 30.03.1975, tôi tạm yên tâm, bay về Sài Gòn.

Vừa đặt chân đến Thủ Đô, tôi được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu cho Lữ Đoàn 2 ra Phan Rang thay thế Lữ Đoàn 3, Lữ Đoàn 3 về Sài Gòn tái chỉnh trang Đơn vị. Tôi muốn hét to lên: Tăng cường chớ sao lại thay thế? Mặt trận đang nặng, rút một đập ngăn nước lớn đi, đập mới chưa dựng xong, nước sẽ ùa tới mang lụt lội tàn phá tan tành! SĐ 310 và 320 của đối phương đang di chuyển nhanh về vùng 3 chính vào lúc đầu tháng tư nầy. Sư Đoàn 10 của địch càn quét Nha Trang. Mặt Bắc là Sư Đoàn 10, Nam là các SĐ 310 và 320, tăng chúng ào ào, tù nhân thả ra do bàn tay bí mật từ các khám đường, một số quân nhân của một binh chủng bị mất cấp chỉ huy sinh rối loạn, chính trong biển hỗn loạn và tan vỡ đó, người ta ném Lữ Đoàn 2 Dù, những đứa con thân yêu ruột thịt của tôi, những bằng hữu vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật của tôi, trọn lượng ném vào khoảng trống, viên ngọc quý ném vào đại dương giông bão. Ba Tiểu Đoàn 3, 7, và 11 của Lữ Đoàn 2 chiến đấu như những con cọp bị vây hãm, dường như sợ cái đại dương hỗn loạn đó chưa đủ làm thành một hỏa ngục rực lửa, người ta không ai còn nhớ đến việc tiếp tế cho những Thiên thần Mũ Đỏ từ trời cao đáp thẳng xuống địa ngục A Tỳ.

Anh em Lữ Đoàn 2 mặc dù tình hình rối loạn, mặc dù tin tức giao động từ bốn phía, mất Quân Đoàn I, Quy Nhơn thất thủ, Nha Trang thất thủ, anh em vẫn chiến đấu, cho đến viên đạn cuối cùng. Tiểu Đoàn 6 sau những trận oai hùng được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu rút khỏi Phan Rang, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân của Đại Tá Biết thay thế. Nhưng Tiểu Đoàn 3 chỉ 100 anh em được trực thăng bốc về Phan Thiết, Tiểu Đoàn 11 mất liên lạc toàn diện. Tôi mất Thiếu Tá Thành, con chim đầu đàn của Tiểu Đoàn 11 và Đại Tá Nguyễn Thu Lương, mà anh em chúng tôi thường gọi một cách thân thương là "Lương Ruột Ngựa", con chim đầu đàn của Lữ Đoàn 2 cũng tại vùng đất lửa này. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Tướng Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân cũng lọt vào tay địch ở Phan Rang.

Chiếc đũa Lữ Đoàn 2 bị bẻ gãy, chiếc đũa Lữ Đoàn 3 bị ném tại Khánh Dương, bốc về Phan Rang, lửa hỏa lực nung nấu mệt nhừ. Ngày 8.4.1975, viên Trung Úy Không Quân tên Trung ném bom Dinh Độc Lập, về mặt dân sự, một số chính khách đối lập bị bắt giữ. Nhưng phản ứng của Tổng Thống Thiệu là đưa "chiếc đũa Lữ Đoàn 1" chiếc đũa còn nguyên vẹn của bó đũa bị tách rời từng chiếc, ra tăng phái Quân Đoàn III, dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Văn Toàn. Ý tưởng rõ rệt trong tôi lúc đó, và cả bây giờ là Tổng Thống Thiệu sợ đảo chánh nên phân tán các đơn vị Nhảy Dù ra các nơi. Tôi là Tư Lệnh Nhảy Dù nhưng tay chân hoàn toàn bị chặt hết.

Ý tưởng làm sống dậy hình ảnh, một ngày tại vùng I, ở Cố Đô Huế, tôi nói với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: "Trung Tướng cứ để anh em tôi về Sài Gòn làm một chuyến, thử xem sao?" Trung Tướng lắng nghe lặng lẽ. Tôi hiểu Tướng Trưởng cũng như anh em chúng tôi là những người lính đơn thuần, chỉ lấy việc bảo vệ Quê Hương làm quan trọng, không màng gì tới danh vọng và chính trị, chúng tôi không có thói quen chọn lựa những quyết định không liên quan trực tiếp đến chiến trường. Cựu Tổng Thống Thiệu có nghe phong phanh về những toan tính đó không? Trong mọi trường hợp, lúc đó tôi nghĩ là ông phân tán anh em chúng tôi vì nghi ngờ. Bây giờ tôi còn muốn nghĩ như thế. Trừ khi ông muốn bẻ tan bó đũa vì lý do khác 

- Lý do khủng khiếp

- Tôi không muốn nghĩ tới lý do đó. Tôi muốn nghĩ đến một sự nghi ngờ. Như một sự xua đuổi ý nghĩ ghê gớm kia.

Lữ Đoàn I ra Quân Đoàn III trấn giữ Xuân Lộc, tăng phái cho Sư Đoàn 18 do Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Nhiệm vụ của Lữ Đoàn là chận đứng bước tiến của VC vào SàiGòn. Anh em Dù của Lữ Đoàn 1 đã oai hùng làm tròn nhiệm vụ, địch quân không tiến thêm được một tấc đất. Đoàn quân viễn chinh của Võ Nguyên Giáp, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng, tiến như thác đổ, bị khựng lại ở ngay cửa ngõ của SàiGòn. Từng đợt xung phong có chiến xa và pháo binh yểm trợ, tất cả đều bị đánh bật, tiến lên là phải lùi lại, tấc đất đánh được buổi sáng, buổi chiều anh em Dù ngạo nghễ giành lại. Sau nhiều ngày giao tranh, Sư Đoàn 18 được lệnh rút về Biên Hòa qua ngã Bà Rịa, Lữ Đoàn 1 chiến đấu giữ vững trận tuyến, từ đầu tới cuối. Sau chót đến đêm 28 rạng 29/04, Bộ Đội CS tấn công Lữ Đoàn 1 Dù ở Lăng Can, Bà Rịa đánh đến giờ chót, Lữ Đoàn 1 Dù mới rút ra Vũng Tàu. Tôi được lệnh trực tiếp cho Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù, mà anh em chúng tôi âu yếm gọi là Đỉnh Tây Lai, đứng ở dưới bờ bảo vệ cho những đứa con lên tàu. Người chỉ huy Nhảy Dù có thói quen ở với hiểm nguy cho tới phút cuối cùng, dành sự an toàn cho từng đứa con yêu quý. "Đỉnh Tây Lai" là một trong những Thiên Thần lẫm liệt đó.

Về phần Lữ Đoàn 4, từ Đà Nẵng được rút về SàiGòn giữa tháng 02/74, biệt phái Biệt Khu Thủ Đô. Chính Lữ Đoàn 4, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Minh Ngọc, mà anh em Dù chúng tôi âu yếm gọi là "Ngọc Nga", đã chận VC ở cửa ngõ Thủ Đô, ngang Xa Lộ Biên Hòa, trong những giờ khắc Sài Gòn bắt đầu rơi vào rối loạn. Lữ Đoàn 3 của Trung Tá Trần Đăng Khôi (Lữ Đoàn Phó mới thay thế Đại Tá Phát trong chức vụ Lữ Đoàn Tưởng Lữ Đoàn 3 Dù, Trung Tá Bùi Quyền Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5, thay thế Khôi trong chức vụ Lữ Đoàn Phó lữ đoàn này) từ Phan Rang rút về đóng ở Hoàng Hoa Thám, đánh những trận chót ngay trong lòng Thủ Đô, mặc dù trăm nghìn giao động cho tới phút chót. Đến những giây phút cuối cùng, anh em Dù vẫn giữ vững từng tấc đất được giao phó, hoàn thành nhiệm vụ thiêu thân, làm nút chặn địch, để đồng bào ra đi bình yên, để được ngã gục trên thân thể của Quê Mẹ nghìn đời.


Tướng Lê Quang Lưỡng
Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù/ QLVNCH 


NỖI ĐAU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG


Vũ Đình Hải KBC 3119.

Mến tặng các đồng đội thân thương
của tôi thuộc tiểu đoàn 8 Nhảy Dù.


Như một lời tạ lỗi gởi đến linh hồn Nguyễn Quang Trí, 

thuộc trung đội 3, đại đội 84, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù,
đã tử trận trên chiến trường Thường Đức, Quảng Nam, tháng 8 năm 1974.



Trại Trần quí Mai, hậu cứ của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù, chấn ngay vào một ngã tư đường. Con đường chính của trại Hoàng hoa Thám chạy từ cổng A của su đoàn, qua bộ tư lệnh, cải hối thất, sân vận động với những khẩu pháo 130 ly và xe tăng T 54 tịch thu được của địch trưng bày dọc theo sân cỏ, sau đó cắt ngang một con đường khác chạy đến từ phía cổng Phi Long. Nơi giao nhau của hai con đường này chính là hậu cứ của một tiểu đoàn Nhảy Dù mang huy hiệu con ngựa bay nổi lên trên một chiếc dù, ở giữa hằn lên con số 8, gia đình bác Tám.

Nếu đi từ cổng Phi Long, con đường chạy xuyên qua một khu vực rộng lớn của căn cứ không quân Tân sơn Nhất, khi qua khỏi góc tử sĩ đường thì bước chân bỗng nhiên từ từ chậm lại, vì phía trước mặt một vọng gác nhô ra sát ven đường, thấp thoáng có bóng dáng một người lính với quân phục Nhảy Dù, vai đeo súng đang đứng gác. Đây là giới hạn cuối cùng không thể vượt qua, hậu cứ tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Góc bên phải của ngã tư đường là dãy nhà của bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội 80, đầu dãy nhà là phòng sĩ quan trực. Cặp bên tay phải là những dãy nhà của các đại đội 81, 82, 83, không thấy láng trại của đại đội 84 ở nơi đây. Sau khi băng qua khỏi ngã tư, con đường sẽ dẫn đến khu nhà thờ, khu trại gia binh của tiểu đoàn 8 ND và tiểu đoàn 9 ND, rẽ sang bên phải sẽ dẫn đến khu chợ su đoàn với hàng quán ồn ào, nhộn nhịp.

Thằng em 84 đã được ngắt ra, đẩy tuốt xuống cuối con đường chính của căn cứ Hoàng hoa Thám. Đầu con đường là cổng A của su đoàn, cuối con đường là khối bổ xung tiếp giáp với bên Không Quân, láng trại của đại đội 84 nằm sát bên khối bổ xung. Càng xa mặt trời chừng nào lại càng mát mẻ chừng nấy. Tổ ấm của đại đội 84 là dãy nhà tôn, đầu dãy là một nhà thủy tạ, chính giữa dãy nhà là văn phòng của đại đội trưởng. Trong căn phòng đại đội trưởng, đơn sơ một cái bàn, vài ba cái ghế đã mốc meo, anh chàng hậu cứ vừa mới lau chùi vội vã nên còn nhiều chỗ bụi bậm đóng thành từng mảng. Hành quân liên miên, đã hơn 2 năm mới được trở về thăm lại chốn xưa, mạng nhện, ổ chuột lúc nhúc cũng đúng thôi. Trên vách tường treo khung hình của tướng Trương quang Ân, vị tiểu đoàn trưởng đầu tiên của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Một ít chiến lợi phẩm được gắn lên bức tường, lá cờ của mặt trận giải phóng, chiếc nón cối kiểu xưa, giây đạn có bi đông nước, một khẩu súng AK báng xếp, những món đồ này tịch thu được trong một trận đánh nào đó đã đi vào dĩ vãng xa xưa.

Trước mặt láng trại là một bãi cỏ tương đối rộng, nơi tập họp của đại đội. Ba lô súng đạn của từng trung đội xếp theo hàng lối thứ tự ngay trên sân cỏ. Tiểu đoàn về hậu cứ nghỉ dưỡng quân, chỉnh bị đơn vị sau hơn 2 năm lăn lộn trên các chiến trường, từ mặt trận An Lộc, qua cuộc hành quân đẫm máu tái chiếm Quảng Trị, rồi đến giai đoạn nằm giữ đất dọc theo sườn phía tây của quốc lộ 1, từ Quảng Trị xuống tận Thừa Thiên. Về nghỉ dưỡng quân mà ba lô súng đạn lúc nào cũng sẵn sàng trước sân đại đội, Nhảy Dù ơi, ai đày đọa mà sao mi khổ như rứa. Nhìn thấy mặt mũi hậu cứ, dù chỉ một lần trong đời, cũng là hạnh phúc lắm rồi. Có những người lính Nhảy Dù đến lúc chết mà vẫn chưa biết hậu cứ đơn vị của mình nằm ở đâu. Mãn khóa huấn luyện quân trường, tình nguyện về su đoàn Nhảy Dù, tốt nghiệp khoá dù, về khối bổ xung nằm chờ phân phối đi các tiểu đoàn tác chiến, ra đơn vị dấn thân vào các cuộc hành quân, chết. Vậy là lúc nhắm mắt suôi tay vẫn chưa biết được hậu cứ của mình nằm ở nơi đâu.

Huỳnh Ánh tham dự trận đánh An Lộc với cấp bậc binh nhì. Rời An Lộc, hành quân ngay ra miền địa đầu giới tuyến trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị thân yêu. Bao nỗi nhọc nhằn hiểm nguy, bao nhiêu lần đối diện với cái chết chỉ trong gang tấc, trời thương nên Huỳnh Ánh vẫn còn sống đến ngày hôm nay, trên cánh tay áo nay đã mang lon hạ sĩ nhất. Sau hơn hai năm ngụp lội trong trận mạc, lần này theo đơn vị về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân, Huỳnh Ánh mới được nhìn thấy lần đầu tiên hậu cứ của mình, ngỡ ngàng trong hạnh phúc. Từ cấp bậc binh nhì lên tới hạ sĩ nhất, hơn hai năm quần thảo trên chiến trường, Huỳnh Ánh chưa bao giờ được nhìn thấy mặt mũi của tờ giấy phép dài ngắn ra sao. Trên cuộc đời này đầy rẫy những điều vô lý, người ta áp dụng triệt để câu “ dụng nhân như dụng mộc “, cấp dưới được xem là cỏ cây, cỏ cây thì làm gì có tình cảm, vậy thì cần gì phải đi phép. K’ Stul, người của miền núi, quê quán ở Pleiku, tướng tá cao to, K’ Stul có sức khoẻ hơn người nên luôn luôn được giao cho khẩu đại liên M60. Đã hai năm qua, khẩu M60 của K’ Stul đã gây bao nhiêu giông gíó cho địch quân trên khắp các chiến trường ác liệt, anh chàng đen thui, ít nói này chắc có lẽ cũng thuộc loại vô cảm nên chưa bao giờ được ban cho tờ giấy phép. Nhưng một hôm, bất ngờ K’ Stul hắt ra nỗi niềm:

-Thiếu úy, em nhớ nhà quá thiếu úy ơi.
Đi từ cấp bậc binh nhì lên đến hạ sĩ nhất mà vẫn chưa được nếm mùi những ngày phép, lần này toàn bộ tiểu đoàn về hậu cứ nghỉ dưỡng quân, anh em thay phiên nhau đi phép, hạ sĩ nhất Huỳnh Ánh đừng có than thở gì nữa nhé, lính tiểu đoàn 8 Nhảy Dù lấy ngày bị thương nằm bệnh viện làm ngày nghỉ phép.

Những ngày tiểu đoàn về hậu cứ nghỉ dưỡng quân thật là vui, vui hơn ba ngày tết, vui hơn bao giờ hết. Anh em nào có giấy phép thì về thăm gia đình, ai ở lại đơn vị thì xuống khu chợ su đoàn, café, bia rượu, thôi thì thứ nào cũng có. Nhậu lai rai thì cũng phải nhớ giờ giấc trở về đại đội điểm danh quân số, lau chùi vũ khí.

Anh em tiểu đoàn 8 ND lại được thưởng thức một buổi văn nghệ thật đặc sắc, do công thu xếp của thiếu úy Nguyễn quốc Hùng. Các cô ca sĩ mặt mũi xinh đẹp, tươi như hoa, giọng hát của các cô nghe thật tuyệt vời, khác hẳn với giọng ca trên làn sóng radio nghe được từ bên dưới giao thông hào khi còn đóng quân trên miền hỏa tuyến . Ban văn nghệ vừa chơi được vài tiết mục thì anh em bắt đầu ngứa ngáy chân tay, khều nhau ra nhảy đầm. Anh em được dịp thử lại bước đi của mình, hơi vụng về một chút thì có sao đâu, anh chàng Lô vinh Hải của trung đội 1, đại đội 84, bước ra sàn nhảy với chiếc mũ đỏ giắt trên cầu vai, Hải nhảy thật điệu nghệ trong bản “ Sầu đông “. Anh em tiểu đoàn 8 ND lại đóng góp cho phần văn nghệ thêm phong phú bằng những bản nhạc đang thịnh hành thời bấy giờ, ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay, tâm sự ấy đã gắn liền theo người lính trên mọi nẻo quân hành, nghe thật xúc động.

Đúng là ngày vui qua mau, anh em tiểu đoàn 8 Nhảy Dù chưa kịp thưởng thức trọn vẹn những ngày nghỉ dưỡng quân thì đã có lệnh cấm trại 100%. Các đại đội trưởng ngưng ký giấy phép, đơn vị điểm danh quân số một ngày năm bảy lần, các quân nhân được lệnh hạn chế ra khỏi doanh trại. Vũ khí, quân trang quân dụng được kiểm kê chi tiết, bổ xung đầy đủ. Mọi người xì xào bàn tán, trận đánh này chắc chắn sẽ dữ dội lắm, nhưng ở nơi đâu thì không ai đoán được.
Hắn đang tháo bung khẩu súng M16 để lau chùi thì Nguyễn quang Trí bước lại gần, ngập ngừng nói:
- Thiếu úy…
Hắn ngẩng đầu lên, rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc:
- Có gì không Trí, cứ nói đi.
- Bữa nay thiếu úy cho em chuồn về nhà…
- Tiểu đoàn cấm quân 100% rồi mà, Trí không biết sao?
- Dạ biết, nhưng mà…
Hắn ngước lên nhìn, Nguyễn quang Trí tăng cường về trung đội được vài tuần lễ trước khi tiểu đoàn về hậu cứ nghỉ dưỡng quân. Trí còn trẻ lắm, lính mới ra lò từ quân trường mà, mồ hôi quân trường chưa đủ mặn để xóa bớt đi nét học trò còn vương trong đôi mắt sáng long lanh.
Trí im lặng không dám nói thêm khi thấy trung đội trưởng mặt đen xì, râu ria lởm chởm đang chiếu tướng nhìn mình. Nhưng giọng nói của trung đội trưởng thì lại hiền lành chứ không dữ dằn như trên khuôn mặt:
- Kẹt chuyện gì thì Trí cứ nói ra, biết đâu tôi có thể giúp được.
- Dạ…em có lỡ hẹn với cô bạn gái cùng lớp bữa nay đi ăn kem, không ngờ lệnh cấm trại…
Tự dưng trong đầu hắn liên tưởng đến câu hát, “ có những người đi không về, xa xôi rồi quên ước thề “.
- Chuyện nhỏ mà, nhưng lúc này an ninh tăng cường chặt chẽ lắm, làm sao Trí dù ra ngoài được.
- Không sao đâu thiếu úy, em có bằng… Dù rồi mà. Em leo hàng rào phía bên cổng C, hôm trước em có chuồn bằng đường đó một lần rồi.
- Ừ, đi cẩn thận, ngày mai nhớ trở lại nghe.


Lính Nhảy Dù đã từng nhảy từ trên máy bay xuống đất thì trên đời này còn có hàng rào nào có thể cản được bước chân… dù. Lại có những người lính Nhảy Dù không thích xin phép thiếu tá Rào, anh em đi thẳng từ doanh trại sang bên kia phi trường Tân sơn Nhất, lúc đi ngang qua cổng Phi Long còn tủm tỉm cười. Anh em quân cảnh Không Quân vốn đã có nhiều thiện cảm với binh chủng Nhảy Dù nên dễ dàng ngó lơ để anh em thoải mái .

Đại đội 204 quân cảnh Nhảy Dù tuyển quân từ các tiểu đoàn tác chiến. Họ là những người đã từng chiến đấu, đã từng vào sinh ra tử ngoài mặt trận, tướng tá cao lớn bặm trợn, có tinh thần kỷ luật cao. Khi được rút về làm công tác giữ gìn an ninh, duy trì kỷ luật cho binh chủng thì họ chu toàn nhiệm vụ rất hoàn hảo. Họ hiểu rõ tâm tư tình cảm của những người lính tác chiến khi trở về thành phố, họ đã từng cảm được cái đau đớn khi nhìn thấy đồng đội ngã xuống trên chiến trường, thế nên họ ứng xử mền dẻo, linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề. Nếu vi phạm không trầm trọng lắm thì họ mời lên xe quân cảnh, chạy ra một khúc đường vắng, ngừng xe và thả anh em xuống sau khi đã lịch sự dặn dò khuyên can. Ngược lại, anh em thấy những người quân cảnh 204 của mình đều là dân thứ thiệt nên cũng có phần kính trọng nể nang, bớt đi những vi phạm phép tắc luật lệ. Tiếc thay, về sau này có những người lính quân cảnh 204 mặt mũi non choẹt, thước tấc chỉ đứng tới ngang vai người ta mà dám hống hách nạt nộ những người lính từ mặt trận trở về, thật là dễ chết.

Buổi chiều ngày hôm sau, lúc đi ngang qua cổng A của su đoàn, nhìn qua bên kia đường, thấy trước cửa một quán giải khát có đôi nam nữ đang bịn rịn chia tay, nhìn thoáng qua hắn nhận ra được ngay Nguyễn quang Trí. Nguyễn quang Trí đã trở về đơn vị đúng hẹn, cái cảm giác thương yêu tiếc nuối lúc chia tay chắc sầu thảm lắm, biết làm sao hơn khi đã lỡ sinh ra trong thời chinh chiến. Khi bước vào sân đại đội, hắn ngạc nhiên khi thấy rất đông anh em đang quây quần uống rượu trên những tấm poncho trải lên trên sân cỏ, ai nấy mặt mũi đỏ gay, vài người đã có vẻ lờ đờ.
Hạ sĩ Trương tiến Thành nâng ly rượu lên, chào hắn:
- Thiếu úy, uống với tụi em một ly.
- Cám ơn, anh em cứ uống tự nhiên, tôi có chút việc phải làm.
Trung sĩ Nguyễn Bê có vẻ ngần ngại:
- Thiếu úy thông cảm cho tụi em uống say một bữa, ngày mai ra trận biết còn sống hay không để mà trở về.

Hắn lướt đôi mắt nhìn những khuôn mặt thân thương của anh em, chiến trận nay mai sẽ nổ ra rất lớn, rất ác liệt, chắc chắn sẽ có những người ra đi không trở lại, sẽ là ai trong những khuôn mặt đang hiện diện ở nơi đây. Có lẽ thần chết đã có sẵn một danh sách trong cuốn sổ bìa đen, hắn ngập ngừng khi nghĩ đến tên tuổi của hắn…

Sáng sớm ngày hôm sau, lúc mọi người còn đang mơ màng trong giấc ngủ thì tiếng còi tập họp ré lên giận dữ, anh em chồm dậy, vội vã đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân. Nhìn ra bên ngoài hàng rào của đại đội, đoàn xe quân vận đã đến từ lúc nào, lặng im chờ đợi dưới hàng cây ven đường.

Toàn bộ đại đội tập họp trên sân cỏ, từng trung đội xếp hàng, nhưng không được chỉnh tề cho lắm vì có người quắc cần câu chiều hôm qua vẫn chưa tỉnh rượu, tuy đứng nghiêm mà vẫn còn ngả tới ngả lui. Lần lượt các trung đội trưởng báo cáo quân số tại hàng, tình hình vũ khí đạn dược. Đại úy đại đội trưởng Đồng văn Minh hôm nay khuôn mặt khó coi, bước tới bước lui có vẻ bực bội lắm, một số anh em vẫn chưa kịp trở về. Lệnh từ bộ chỉ huy tiểu đoàn đưa xuống, đại đội lên xe di chuyển tập trung về tiểu đoàn, sau đó toàn bộ tiểu đoàn 8 Nhảy Dù được đưa sang phi trường Tân sơn Nhất. Trên phi đạo, những chiếc vận tải cơ C130 trong tư thế sẵn sàng nhận hàng, bửng sau của phi cơ đã hạ xuống, nhìn lên khoang tàu thấy trống trơn. Lính Nhảy Dù nhanh chóng được dồn lên phi cơ, nhân viên phi hành không đếm người, cứ dồn lên, còn chỗ trống thì cứ đẩy người lên, hết chỗ thì mới thôi. Đúng là đưa người vào chỗ chết nên chẳng cần tuân thủ nguyên tắc hay luật lệ an phi gì cả. Thật là khác hẳn so với chuyến bay chuyển vận tiểu đoàn từ phi trường Phú Bài về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân, lần ấy người ta đếm từng người một, tuân thủ rất bài bản mọi thủ tục, nguyên tắc. Một vài anh em do uống rượu quá nhiều vào tối hôm qua nên đã ói mửa ra sàn phi cơ, cũng chẳng thấy ai phàn nàn điều gì. Ngày hôm nay, anh em Nhảy Dù được đưa vào chốn tử sinh, lấy thân xác của mình dựng lên bức tường che chắn cho hậu phương có được những ngày an toàn êm ấm.

Gần một tiếng rưỡi đồng hồ sau, máy bay đã bắt đầu làm vòng trên phi trường Đà Nẵng chuẩn bị hạ cánh. Bánh đáp vừa ngừng lăn thì bửng sau của máy bay đã vội vã hạ xuống. Nhìn xuống bên lề phi đạo, một dãy quan tài đã xếp hàng chờ sẵn, chuẩn bị chuyển lên máy bay. Vừa bước xuống phi cơ, anh em Nhảy Dù đã nghe thấy tiếng đạn pháo ì ầm từ xa vọng lại, làm cho nắng phi trường càng thêm ngột ngạt, khô khan. Đoàn xe quân vận bốc ngay tiểu đoàn 8 Nhảy Dù vào vùng hành quân, chiều hôm ấy tiểu đoàn đã tạm dừng quân trên địa bàn quận Hiếu Đức, tỉnh Quảng Nam, các đại đội tổ chức phòng ngự qua đêm. Buổi sáng vừa mới tập họp điểm danh trước sân đại đội trong trại Hoàng hoa Thám, buổi chiều đã có mặt ngay trong vùng lửa đạn, ngẫm nghĩ thấy như một giấc ngủ trưa mộng mị.

Các tiểu đoàn 1ND, tiểu đoàn 8 ND, tiểu đoàn 9 ND, và tiểu đoàn 1 Pháo Dù thuộc lữ đoàn I Nhảy Dù nhanh chóng được gởi ngay vào mặt trận để chận đứng các mũi tiến công của địch quân sau khi đã nuốt chửng quận lỵ Thường Đức, đang tràn xuống quận Đại Lộc, uy hiếp Đà Nẵng. Ngày hôm sau, tiểu đoàn 8 ND được chuyển vận sâu vào Đại Lộc, đoàn xe vừa tới ngã ba Ái Nghĩa, quẹo phải hướng về Ba Khe thì đã nghe tiếng đại bác 130 ly của địch bắn rải trên liên tỉnh lộ số 4, con đường nối liền Đà Nẵng vào Thường Đức. Tiểu đoàn đổ quân xuống ven đường, triển khai đội hình tác chiến, bắt đầu sào bài nhập cuộc.
Tiểu đoàn 8 ND vào trận Thường Đức:
- Tiểu đoàn trưởng : Thiếu tá Nguyễn quang Vân.
- Tiểu đoàn phó : Thiếu tá Trần Toán.
- Trưởng ban 3 : Đại úy Trần cao Khoan.
- Đại đội trưởng ĐĐ 81: Đại úy Võ thế Hùng.
- Đại đội trưởng ĐĐ 82: Trung úy Đỗ việt Hùng.
- Đại đội trưởng ĐĐ 83: Đại úy Phan văn Hiệu.
- Đại đội trưởng ĐĐ 84: Đại úy Đồng văn Minh.
- Đại đội trưởng ĐĐ Đa Năng: Trung úy Trần đình Ngọc.

Đại úy Đồng văn Minh điều đại đội tiến vào làng Hà Nha, các trung đội tấn theo hình chân vạc, băng qua khu ruộng trống trải, đoàn quân tiến chậm, chậm mà chắc. Hắn dẫn trung đội lách sang bên phải để tránh một khoảng đất, trên đó cắm một cây cọc có ghim miếng giấy viết một chữ duy nhất “ Mìn “ , địch chơi trò tâm lý chiến. Trung đội xâm nhập vào bìa làng rất êm, hắn nhìn thấy thi hài một người bộ đội nằm chết, lớp vải kaki Nam Định căng cứng lên như muốn nổ tung vì xác đã trương sình, phình lớn như một con bò mộng. Buổi chiều trên làng Hà Nha vắng tanh, địch ẩn náu ở đâu đó, đang rình rập chờ thời cơ. Trung đội đào hầm củng cố vị trí, đại bác 57 ly của địch bắn trực xạ từ bên kia sông Vu Gia, hình thù của viên đạn bay trong không gian tạo nên một vệt đen thoang thoáng, nổ sát vào vị trí đóng quân của trung đội, không hây hấn gì, trật lất. Trời còn đủ sáng để hắn nhìn thấy rõ một toán bắc quân, đầu đội nón cối, quần áo kaki Nam Định đang lúp xúp chạy ra từ chân núi, lòn vào phía sau trung đội 1 do thiếu úy Nguyễn quốc Hùng chỉ huy. Hắn điều động khẩu đại liên M60 bắn vào đội hình của địch. Toán quân đội nón cối tản ra rồi biến mất không còn nhìn thấy nữa. Đêm hôm ấy trung đội 1 bị địch tấn công, giữa lúc tiếng súng đôi bên nổ tung cả một góc trời mà vẫn nghe thấy tiếng Nguyễn quốc Hùng vang lên lanh lảnh:
- Móc mắt nó chà giấy nhám, móc mắt nó chà giấy nhám.
Trung đội 1 chận đứng được những đợt tấn công của địch trong đêm hôm ấy mà không hề bị tổn thất.

Sáng hôm sau hắn được lệnh tấn sâu vào làng, cảnh vật vẫn im lìm vắng tanh, hình như địch cố ý tránh né giao tranh. Đến buổi trưa, trung đội khoanh tròn, đào hầm phòng thủ, không khí ngột ngạt lắm vì vẫn chưa thấy địch quân lộ diện. Đại đội thông báo, địch quân sử dụng một khẩu 57ly bắn vào quân ta, sau đó địch di chuyển súng ra nơi khác, lấy đạn dấu sẵn ở nơi đó, bắn xong lại di chuyển vị trí. Trung đội nhận lệnh tảo thanh khu vực tìm cách tiêu diệt khẩu 57ly. Anh em để ba lô tại vị trí, hắn cắt cử một người ở lại để trông coi nhà cửa. Nguyễn quang Trí là quân nhân yếu nhất trong trung đội, mới tăng cường hành quân, còn bỡ ngỡ chưa theo kịp anh em.
Hắn nói với Trí:
- Trí ở lại trông coi vị trí cẩn thận, có chuyện gì thì bắn lên trời 3 phát một nghe.
- Dạ, em nghe rõ thiếu úy.
Hắn chỉ xuống một căn hầm chiến đấu:
- Trí đứng gác ở dưới căn hầm này, đừng đi đâu hết nha.
Nguyễn quang Trí đeo khẩu M16 lên vai, xách theo dây đạn rồi nhảy xuống.
Trên bảng cấp số, quân số của một trung đội Nhảy Dù là 41 quân nhân, khi vào trận Thường Đức, quân số trung đội lên tới 45 người, trung đội có 2 sĩ quan, một trung đội trưởng, một phụ tá. Hắn tổ chức trung đội thành 3 cánh, cánh quân đi chính giữa do hắn chỉ huy, 2 cánh quân hai bên đi lùi lại phía sau một chút. Hắn căn dặn các tiểu đội trưởng, cánh quân nào chạm địch sẽ sử dụng hỏa lực tối đa kềm không cho địch ngóc đầu lên, cánh quân kế bên sẽ vòng lên đánh nhanh vào cạnh sườn của địch. Trung đội cẩn trọng tiến quân, khoảng 20 phút sau thì cánh quân của hắn chạm địch. Địch quân khai hỏa trước, đạn bắn ra từ những căn hầm ngụy trang kiên cố. Khẩu M72 trên vai người khinh binh phóng ngay viên đạn về phía địch. Tiếng nổ của viên đạn M72 mở màn cho các loạt đạn bắn phủ lên mục tiêu.
Hắn gào lên trong tiếng súng nổ:
- Lên ngay đi, Bê ơi.
Nhanh như chớp, trung sĩ Nguyễn Bê dẫn cánh quân xông lên đánh úp vào hông địch, tiếng súng rộ lên vang dội một góc trời. Khi quân ta ào lên lục soát mục tiêu thì địch quân đã biến mất, dưới những căn hầm chữ A vẫn còn vương vải những dây đạn, một nồi cơm vẫn còn đang bốc khói nóng hổi. Địch vẫn ngoan cố không chịu giao chiến, mọi người đều có cảm giác một cái bẫy đang giăng ra ở gần đâu đây. Trung đội được lệnh dừng quân, không tiến sâu hơn nữa. Lệnh tiếp theo, trung đội phải nhanh chóng trở về vị trí đóng quân.

Nơi đóng quân bây giờ sao lạ quá, cây cối ngả nghiêng, vung vải như thế này.
- Trí ơi! Trí ơi!
Không có tiếng trả lời.
- Tản rộng ra anh em, cẩn thận nhé. Trí ơi, Trí đâu rồi!
Chỉ nghe thấy tiếng cành cây vướng víu, xào xạc đong đưa trong gió.
Trí đã chết mất xác rồi, một quả đạn đại bác 130 ly rơi xuống đúng ngay căn hầm Nguyễn quang Trí đang đứng gác. Sức nổ khủng khiếp của viên đạn đã biến căn hầm chiến đấu thành một cái ao, khẩu M16 của Trí văng ra xa hàng trăm thước, cong queo vụn nát. Thân xác của Trí chỉ thu lượm được một ít da và thịt lẫn lộn với đất cát. Kể từ lúc ấy, cả trung đội lầm lì, không ai nói với ai một lời nào, trung đội vừa mất đi một người đồng đội, nỗi giận dữ và tiếc thương in hằn lên từng khuôn mặt.
Buổi xế chiều, có người lính lặng buồn ngước mắt nhìn lên bầu trời xám mây, chợt kêu lớn:
- Trí, Trí, tụi bay ơi.
Anh em đổ xô ra, nhìn theo hướng tay chỉ, xác của Trí bị bắn tung lên cao, rơi vướng trên cành của một cây đa, nhưng thân xác chỉ còn một nửa từ bụng trở lên, một mớ bùi nhùi máu gân da thịt đổ ra từ khoang bụng, đong đưa rờn rợn.

Thi hài của Trí được đưa xuống, đặt nằm lên tấm poncho trải trên mặt đất. Trước cái chết thảm thương của Trí, có anh em không cầm được nước mắt. Nguyễn quang Trí, người quân nhân đầu tiên của trung đội 3, đại đội 84, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù tử trận trên chiến trường Thường Đức, Quảng Nam.

Trí chết mà không được toàn vẹn thân thể, phân nửa còn lại của Trí cũng nhàu nát tang thương. Một cuốn sách nhỏ nhô ra trên túi áo của Trí, nhìn kỹ hơn, đó chính là một cuốn kinh khổ nhỏ.
Thượng đế ơi, ngài có hiện diện trên cõi đời này không vậy? Một tín đồ ngoan đạo như Nguyễn quang Trí, đường hành quân nặng trĩu ba lô súng đạn mà trong túi áo lúc nào cũng một lòng gìn giữ cuốn kinh, lúc nào cũng nguyện cầu đến ngài, vậy mà ngài nỡ lòng nào quay mặt làm ngơ để Trí phải chết thảm như thế này.

Màn đêm buông phủ xuống làng Hà Nha, tiếng côn trùng nỉ non ai oán. Người lính gác đêm giật mình lắng tai nghe, từ trong hầm chỉ huy của trung đội có tiếng ú ớ, lảm nhảm:
- Trí chết tại tôi, Trí chết tại tôi…
Trận chiến mỗi lúc một thêm ác liệt, địch đã chiếm đóng vùng đất này từ lâu nên tổ chức được một thế trận rất lợi hại. Địch đưa vào trận địa 2 su đoàn chính quy tinh nhuệ để đối đầu với su đoàn Nhảy Dù. Đoàn quân mũ đỏ bất chấp mọi thất lợi về phía mình, liên tục giữ thế tiến công đẩy địch ra khỏi từng ngọn đồi, xô ngã địch xuống từng vực sâu.


Máu ra nhiều quá, ướt đẫm cả chiếc áo hoa dù, thấm cả lên chiếc ba lô hắn vác trên vai. Máu của hắn, của Nguyễn quang Trí, của biết bao đồng đội đổ ra trên khắp nẻo đường đất nước đã không đem lại được một kết qủa tốt đẹp nào.

Cuối tháng 4 năm ấy, hắn thôi không còn gắn bó với đơn vị được nữa. Một mình hắn ngơ ngác trước cuộc đổi thay khủng khiếp không thể nào tưởng tượng được. Hắn không biết mình đang đứng ở đâu giữa cuộc đời này, ngày mai tăm tối phủ xuống cuộc đời của hắn. Tuổi thanh xuân của hắn tẻ nhạt trên những chốt đóng quân sâu thẳm trong rừng núi, trải dài theo những cuộc hành quân gian khổ, và tàn tạ trong chốn lao tù đói khát lầm than. Ở nơi đâu hắn cũng luôn bị dằn vặt bởi một nỗi đau, một nỗi ám ảnh, chính hắn đã gây ra cái chết của Nguyễn quang Trí. Nếu hôm ấy hắn đừng cắt đặt Trí ở lại trông coi vị trí đóng quân, đừng chỉ định Trí đứng gác trong căn hầm định mệnh ấy, thì Trí đâu có chết thảm thương oan uổng như thế.

Bước chân ra khỏi chốn lao tù, hắn tìm về nghĩa trang quân đội Biên Hoà vào một ngày tiết trời ảm đạm, trên cao là những giải mây buồn lững thững trôi. Trên từng mộ bia của tử sĩ có khi còn đọc được tên họ, cấp bậc, đơn vị, ngày và nơi tử trận. Lòng hắn cứ miên man tưởng tượng ra khung cảnh chiến trường lúc người tử sĩ nằm xuống, dính một viên đại bác hay một quả súng cối như trường hợp của Nguyễn quang Trí, hay là một loạt đạn xả nát cả hình hài như trung sĩ Nguyễn Bê, hay là bị thương rồi bị địch bắt, địch mổ bụng moi ruột gan cho đổ ra ngoài như hạ sĩ nhất Nguyễn Đông, còn giắt lên trên ngực người đã chết một mảnh giấy ghi dòng chữ “ cảnh cáo ngụy Dù “ .



Nguyễn thành Lâm, một đồng đội thuộc tiểu đoàn 8 ND, giã
từ Thường Đức về đây an nghỉ trong nghĩa trang quân đội BH
.

Hắn đứng ở đây giữa những nấm mộ hoang tàn, thoang thoáng chung quanh là hồn tử sĩ, hắn bỗng thấy lành lạnh ở phía sau lưng. Rải rác những mộ phần nay chỉ còn là một lỗ huyệt cạn có dáng dấp của một hình chữ nhật. Thấp thoáng những nấm mộ trống trơn, không còn tấm bia để nhắn gởi cho người đang nằm ngơi nghỉ dưới lớp đất sâu. Hắn bắt gặp những hình ảnh của tử sĩ in trên tấm mộ bia, bị đục thủng vào hai con mắt thành hai lỗ sâu hoắm như mộ bia của thiếu tá Nguyễn đức Dũng, tiểu đoàn 11 Nhảy Dù. Hắn cố tìm lại phần mộ của trung sĩ Lê thế Hiền, thuộc đại đội 84, chính hắn đã tiễn đưa Lê thế Hiền đến an nghỉ tại nơi đây khi hắn còn nằm điều trị trong bệnh viện Đỗ Vinh. Hắn không tìm được phần mộ của Lê thế Hiền, nhưng cuối cùng hắn đã tìm ra được ngôi mộ của Nguyễn quang Trí.

Trong tấm hình in trên tấm bia, Nguyễn quang Trí tươi tắn trong bộ quân phục hoa dù, đội beret đỏ, hình chụp trong doanh trại Vương mộng Hồng, TTHL Quang Trung. Khuôn mặt Trí y hệt như ngày xưa, nho nhỏ hiền hoà, trên mộ bia còn đọc rõ được những dòng chữ ghi tên họ, cấp bậc, đơn vị, ngày và nơi tử trận. Trước mộ phần của Trí, hắn đứng như chết rũ, hắn thấy mình đang trên đường hành quân cùng đồng đội, những địa danh, căn cứ Bình Minh, căn cứ An Đô, Hà Nha, Đại Lộc, Thường Đức…lũ lượt trôi về trong trí nhớ, những khuôn mặt thân thương của anh em từng một thời sinh tử có nhau lần lượt hiện về trong tâm khảm, buồn quá, anh em giờ đây tan tác về đâu, làm sao cho hắn gặp lại được những đồng đội thân thương ấy. Hắn hình dung ra thân xác của Trí đang ngủ yên dưới tấc đất sâu ngay trước mặt hắn, tội nghiệp Trí, chỉ còn có một nửa hình hài nằm trong chiếc quan tài bọc kẽm mà thôi. Không biết cô bạn gái học cùng lớp của Trí năm xưa có một lần nào ghé đến nơi đây để thắp cho Trí một nén hương lòng, nhỏ những giọt nước mắt thương yêu để cuốn trôi những kỷ niệm cho tan vào lòng đất. Lỗi tại hắn, lòng hắn bỗng quặn đau khi nhớ lại buổi chiều hôm ấy trên làng Hà Nha, giá như hắn đừng chọn Trí ở lại vị trí đóng quân, đừng bảo Trí đứng gác dưới căn hầm oan nghiệt, thì có lẽ giờ đây Trí vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, chứ đâu phải nằm lạnh lẽo cô đơn dưới huyệt mộ sâu. Trí ơi, lỗi tại tôi.
Hễ có dịp thì hắn lại trở về nghĩa trang quân đội Biên Hoà để thăm lại Nguyễn quang Trí và các đồng đội đã an nghỉ nơi đây. Mỗi lần đi thăm trở về nhà, hắn lại buồn rầu, lại suy tư ngẫm nghĩ, lại nhớ đến những ngày hành quân gian khổ đã qua, lại thấy thương cho những người lính mũ đỏ hào hùng, can đảm nén chặt nỗi sợ hãi xuống đáy lòng, tay xiết cò súng ào ạt xông lên giữa lúc địch quân từ trong những căn hầm kiên cố bắn ra như mưa…

Một lần đó, khi trở lại nghĩa trang quân đội Biên Hoà, hắn không tìm được phần mộ của Nguyễn quang Trí nữa. Hắn hoảng hốt, xục xạo tìm kiếm cả một ngày trời mà vẫn hoài công, hắn nhớ rất rõ khu vực an nghỉ của Trí mà, nhất định không thể lẫn lộn được. Có thể người thân của Nguyễn quang Trí đã lên đây bốc mộ cho Trí rồi, từ nay thôi không còn nhìn thấy tấm hình của Trí trên mộ bia nữa. Trí đã chia tay với các đồng đội đang an nghỉ nơi đây để tới một chốn riêng tư, ấm êm trong hương khói gia đình. Sau này hắn trở lại nghĩa trang vài lần nữa, thử tìm lại ngôi mộ của Trí nhưng vô vọng, không biết giờ đây thân xác của Trí trôi giạt về đâu.

Dù rằng trên chiến trường có ngàn điều không may mắn có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho một người lính chiến, nhưng sao mỗi khi nhớ về trận Thường Đức, hắn lại cảm thấy áy náy trong lòng. Đôi mắt của Nguyễn quang Trí, người đồng đội năm xưa, đã nhìn hắn với ánh mắt tin tưởng hết mực, rồi xách dây đạn và khẩu súng M16 nhảy xuống căn hầm định mệnh. Trận Thường Đức và Nguyễn quang Trí đã trôi qua được 34 năm dài, mà sao tiếng súng vẫn mãi âm vang cho đến tận ngày hôm nay.


Vũ Đình Hải.
03-15-2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét