Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Những con rận trong cái quần khác


Tuần trước mục này trích một đoạn trong sử Tàu kể chuyện “Những con rận trong quần,” nhân đọc những khẩu hiệu trong bài diễn văn khai mạc hội nghị Trung Ương Ðảng Cộng Sản; vì thấy quý vị viết diễn văn cho ông Nguyễn Phú Trọng chẳng khác gì những vị hủ nho đời xưa. Họ cứ chui rúc trong “cái quần giáo điều,” coi đó là một nơi sống bình an nhất của mình, không thể nào chui ra khỏi được.
Nhưng nghĩ cho cùng thì phải thấy là những con rận giáo điều trú ẩn trong cái quần chủ nghĩa cũng không gây tai hại cho người chung quanh nhiều quá. Họ phải tiếp tục hô khẩu hiệu, phải bám lấy cái quần ý thức hệ bởi vì nếu sểnh nó ra là thất nghiệp. Ðến lúc các thế lực xã hội mới trào lên, thì họ cũng không làm sao cưỡng lại con sóng thúc đẩy chế độ thay đổi. So sánh với những con rận trong ngành “Văn hóa Tư tưởng,” còn một loại rận đáng ngại, nguy hiểm chung cho mọi người hơn nhiều; là những con rận hay được gọi là “tư bản đỏ.” Loài rận kinh tế này sinh sôi nảy nở mạnh nhất ở các nước thay đổi về kinh tế hoặc thay đổi kinh tế chậm chạp, đổi nửa vời. Sự trì hoãn thay đổi tạo môi trường cho loài rận này ra đời và phát triển. Hậu quả là ở đâu có loài rận này thì chúng sẽ gây ảnh hưởng để trì hoãn việc thay đổi kinh tế để bảo vệ môi trường sống của chúng; khiến không những kinh tế tiến chậm mà cả việc dân chủ hóa cũng không thành.
Trong số các nước cộng sản đã thay đổi kinh tế chúng ta thấy có 28 nước đã thay đổi cả thể chế chính trị. Trong 28 nước này có 6 nước ở Trung Âu, 3 nước miền Baltic, 6 nước phía Ðông Nam Châu Âu, 12 nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ, và nước Mông Cổ tại miền Trung Á. Những nước này có nơi chính quyền mới quyết định thay đổi kinh tế nhanh chóng va toàn diện. Nhưng ở nhiều nước họ quyết định thay đổi chậm chạp, đổi từng phần nhỏ một, có khi thay đổi nửa chừng thì quay ngược lại.
Con đường thay đổi chậm chạp khiến cho sau đó kinh tế chậm lụt so với các nước đổi nhanh chóng, mà còn gây ra một hậu quả, là tạo cơ hội cho một giai cấp tư bản đỏ xuất hiện trong lúc tranh tối tranh sáng. Nhóm người này lớn lên, gây ảnh hưởng trên chính sách của quốc gia, cố tình trì hoãn không cho kinh tế thay đổi các bước cần thiết mới.
Tại các nước chỉ thay đổi kinh tế nhưng không thay đổi chính trị, như Trung Quốc và Việt Nam, thì người ta cố ý theo cách này, để tạo môi trường cho loài rận sinh sản; bởi vì đối với giai cấp nắm quyền, “rận là ta, ta là rận!”
Trong một bài trước (23 Tháng Tư, 2013), mục này đã nói đến hiện tượng “thu tô” trong kinh tế. Khi nào một người có thể thâu thêm lợi lộc dù không tạo ra thêm một hàng hóa hay dịch vụ nào có giá trị cho người khác và cho nền kinh tế, thì số tiền nhận được đó gọi là “thu tô,” tiếng Anh gọi là “rent-seeking,” một từ trong kinh tế học, không thông dụng ngoài đời.
Một câu chuyện có thật, giải thích hành động thu tô. Có người Ukraine chạy được một cái giấy phép xuất cảng rượu bia vào năm 1992. Lúc đó nước này đã tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết, đổi mới kinh tế, chấp nhận cho doanh nghiệp tư hoạt động; nhưng vẫn chưa xóa bỏ hệ thống kiểm soát giá cả cùng với các loại giấy phép; tức là đổi mới kinh tế nửa vời. Nhà xuất cảng này bèn mua rượu bia ở Ukraine với “giá ấn định” theo lối thời Xô Viết cũ, đem bán sang Ba Lan, là một nước đã đổi mới kinh tế hoàn toàn, giá cả lên xuống tự do theo cung cầu. Với một cái giấy phép xuất cảng, trong mấy năm trời nhà kinh doanh Ukraine đã tự nhiên kiếm được một món lời lớn từ “trên trời rớt xuống.” Thu được món tiền lời đó, không phải vì anh ta đã làm cho chai bia ngon hơn hay bổ hơn, cho nên gọi là một món lời nhờ “thu tô.” Nếu giá cả ở Ukraine được tự do như ở Ba Lan; nếu tại Ukraine ai muốn cũng có quyền làm công việc xuất cảng, thì khi bị cạnh tranh, anh ta sẽ không thể kiếm được món lời lớn đó. Nói đúng ra, số tiền lời này không rớt từ trên trời xuống mà từ bàn giấy một vị quan chức ngoại thương nào đó ban cho. Tất nhiên, nhà kinh doanh phải biết chia phần “tô” với các vị quan này và cấp trên của ông ta. Cho nên hiện tượng thu tô tự nhiên đi đôi với nạn tham nhũng, đó là một định luật kinh tế.
Ðổi mới kinh tế nửa vời tạo môi trường cho hiện tượng thu tô, cho nên cũng là một nguyên nhân chính tạo ra nạn tham nhũng. Nó sinh ra và nuôi dưỡng các nhà tư bản đỏ cùng một lúc với mạng lưới tham quan.
Trong các nước đổi mới kinh tế nửa vời, người ta thu tô theo nhiều cách, gom lại thành bốn loại, xin kể lần lượt như sau.
Thứ nhất là hệ thống ban phát giấy phép. Câu chuyện rượu bia trên đây là một thí dụ. Tại các nước Ukraine và Moldova, việc nhập cảng dầu khí từ Nga được nhà nước kiểm soát bằng giấy phép. Những người có giấy phép sẽ được mua dầu, khí Nga với giá do nhà nước ấn định (rẻ), và được bán ra thị trường trong nước và xuất cảng ra ngoài theo giá tự do (đắt hơn), cũng như cung cấp cho các trường học, nhà thương cũng với giá đắt hơn. Nhà nước lại đứng ra bảo đảm việc mua dầu khí từ Nga, tức là nếu nhà nhập cảng phá sản thì sẽ dùng công quỹ để trả nợ; giống như nhà nước cộng sản Việt Nam bảo đảm cho Vinashin vay nợ vậy. Với mạng lưới trên dưới nâng nhau như vậy, dù người không biết gì về kinh tế học cũng đoán được là thế nào có nhà nhập cảng sẽ “bị phá sản.” Quả nhiên, tại Ukraine và Moldova chuyện đó đã xẩy ra; giống hệt các con tàu Vinashin và Vinalines bị đắm!
Một nguồn thu tô khác của các nhà tư bản đỏ là trợ cấp của nhà nước, lấy tiền công quỹ trao cho các xí nghiệp quốc doanh. Ở các nước từ Liên xô tách ra kể cả nước Nga, cũng như tại Bulgari và Rumani, các món trợ cấp này tiếp tục nhiều năm sau khi “đổi mới” vì các vị quản đốc dọa nếu để cho xí nghiệp của họ tan rã, bao nhiêu công nhân sẽ thất nghiệp. Ở Trung Quốc và Việt Nam thì đến nay vẫn giữ chính sách nuôi các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng vì đã “đổi mới,” cho nên người ta vẫn có quyền thành lập những doanh nghiệp tư, để mua bán với doanh nghiệp nhà nước.
Thế là các vị “quản đốc đỏ” hoặc bà con bạn bè của họ lập ra các công ty để “làm ăn” với các xí nghiệp quốc doanh. Tại Nga, đại công ty quốc doanh UralMash sản xuất máy móc đã mua hàng, bán hàng với các công ty tư do chính các vị quản đốc của lập ra. Tại Bulgari, đại công ty công nghiệp Metalchim cũng vậy. Doanh nghiệp tư của các vị quản đốc được giao cho việc làm kế toán, làm quảng cáo, phân phối sản phẩm, trông coi câu lạc bộ của doanh nghiệp nhà nước, còn tổ chức cả đội banh cho doanh nghiệp nhà nước nữa. Tất nhiên họ được mua hàng với giá rẻ và bán dịch vụ giá đắt hơn thị trường. Ðó là một cách thu tô ăn chắc. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước vẫn được trợ cấp từ công quỹ. Những số tiền chạy từ công quỹ sang túi các vị quản đốc đỏ hoàn toàn hợp pháp!
Ngoài hai con đường trên, còn cả hệ thống ngân hàng nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước được vay với lãi suất thấp, và họ dùng số tiền đó để “mua” hàng hóa và dịch vụ do các xí nghiệp tư cung cấp. Nhiều xí nghiệp tư đó do chính bà con bạn bè của các vị quản đốc doanh nghiệp nhà nước làm chủ; giá mua được “thỏa thuận” để chuyển tiền từ doanh nghiệp nhà nước, gián tiếp là từ các ngân hàng của nhà nước, sang tay tư nhân. Ðến khi doanh nghiệp nhà nước lỗ quá, không trả được nợ, thì hoặc sẽ được tha nợ, hoặc sẽ được cho vay món nợ mới để trả món cũ.
Con đường ăn cắp này an toàn nhất so với hai đường lối trên, vì hệ thống ngân hàng hoàn toàn do “đảng ta” nắm trong tay, việc gì cũng có thể giữ kín đáo. Phương pháp thu tô này sinh lợi cao nhất khi có lạm phát. Vì đến khi phải trả nợ, đồng tiền đem trả chỉ có giá trị bằng một phần 10 hay một phần 100 gia trị đồng tiền lúc đi vay (Trong những năm 1992, 93 lạm phát ở Ukaine lên tới 10,000% một năm; trong khi các xí nghiệp được vay với lãi suất 20%).
Còn một phương pháp thu tô trong cảnh tranh sáng tranh tối nhờ đổi mới kinh tế nửa vời gây ra, là chương trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước; ở Việt Nam gọi là cổ phần hóa. Ðề tài này đáng được trình bày trong một bài riêng sau này.
Nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao ở các nước như Nga, Ukraine, Bulgari, Rumani, vân vân, các chính quyền được lập ra sau khi lật đổ chế độ cộng sản lại để cho tình trạng bọn tư bản đỏ lợi dụng các lỗ hổng mà thu tô thoải mái vô tư như thế? Có thể nói chính vì những người tranh đấu cho dân chủ, tự do không biết tiên liệu họ sẽ phải làm những gì khi giành được chính quyền. Dựa vào chế độ chính trị nửa vời, giới quý tộc đỏ (nomenklatura) đã cướp thời cơ, tạo ra một môi trường kinh tế tranh sáng tranh tối, để chính họ có thể biến thành các nhà tư bản đỏ.
Guồng máy cai trị các nước “hậu cộng sản” trên vẫn nằm trong tay giới quý tộc đỏ, kể cả tại nước Nga trong thời Yeltsin. Chỉ có tại Bulgari thì nạn thu tô được chấm dứt sớm, từ năm 1997 khi chính quyền mới lên thay thế đảng Xã Hội (đảng Cộng sản cũ đổi tên); họ quyết định cải tổ toàn diện cơ cấu nền kinh tế và được dân ủng hộ vì muốn cho Bulgari được gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Nói chung, ở nước nào kinh tế thay đổi chậm chạp, kéo dài tình trạng tranh sáng tranh tối thì tạo cơ hội cho các con rận tha hồ ăn bám trong cái quần kinh tế. Ở các nước không chịu thay đổi chính trị thì chính các con rận chỉ huy nền kinh tế, cho nên chúng tha hồ hút máu. Ðiều nguy hiểm là không những đám rận đó cố bám lấy cuộc sống trong cái quần kinh tế vá víu này, mà còn ngăn cản không cho người ta thay quần! Càng duy trì tình trạng “đổi mới nửa chừng” dài được bao lâu thì họ càng có cơ hội tiếp tục thủ lợi. Ðó mới là thứ rận cần phải bài trừ, nếu muốn cho cả quốc gia, xã hội cùng phát triển.

Ngô Nhân Dụng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét